2011-08-22 13:41:12

LẠY CHÚA, NGÀI DÒ XÉT VÀ BIẾT RÕ CON!


Bà Marie-Noelle Moreau qua đời vào năm 2001, hưởng thọ hơn bát tuần. Trước đó, nếu được đọc phiếu sức khoẻ của bà hẳn người ta phải kinh ngạc kêu lên:
- Bà này quả đã chào đời dưới một ngôi sao xấu!

Kể từ khi sinh ra cuộc đời bà Marie-Noelle như bập bềnh trôi nổi giữa hai thái cực: một bên là thành công cùng vinh quang và bên kia là nghèo khổ khốn cực do bệnh tật áp đặt trên bà .. Chỉ có hai nguồn sinh lực chính yếu giúp bà vượt thắng tất cả và biến cuộc đời bệnh hoạn thành cuộc sống tràn đầy ý nghĩa và luôn sẵn sàng giúp đỡ tha nhân:
- Ý Chí và Đức Tin.

Bà Marie-Noelle Moreau sinh trưởng trong gia đình Công Giáo vừa trí thức vừa đạo đức. Thân sinh là văn sĩ. Chính ông truyền thụ cho ái nữ lòng yêu chuộng nghệ thuật và yêu mến cuộc sống. Trong khi bà hấp thụ nơi thân mẫu tinh thần quý trọng bổn phận và xả thân phục vụ người khác. Tất cả hành trang tinh thần giúp bà đương đầu và vượt thoát khó khăn xảy đến trong cuộc đời.

Mới chưa đầy 6 tháng, bé Marie-Noelle đã thập tử nhất sinh với chứng viêm phế quản và viêm phổi trầm trọng. Đến năm 10 tuổi bé Marie-Noelle bị viêm màng não. 7 năm sau - 17 tuổi - Marie-Noelle lại bị thương hàn. Xem ra cô thiếu nữ có mệnh yểu: sinh ra để chết sớm hơn những người khác! Thế nhưng, sự thật không đúng như vậy. Nếu thể xác phải luôn luôn chống chọi với bệnh tật thì tinh thần lại được củng cố và vững mạnh.

Cô Marie-Noelle nổi bật là thiếu nữ nhanh nhẹn và thông minh. Cô trổi vượt các bạn và thường nhảy lớp. Cô đậu tú tài vào năm 15 tuổi và ghi danh vào ngành y khoa. Cô mơ ước trở thành bác sĩ để có thể giúp đỡ người khác. Nhưng, nhưng, bệnh tật lại xuất hiện khiến cô phải ngưng học. Cô đau buồn nhìn cánh cửa đại học vĩnh viễn khép lại. Dầu vậy cô vẫn không thất vọng. Cô nghĩ đến việc ghi tên vào ngành cán sự chuyên lo các dịch vụ y tế. Nhưng ngành này chỉ chấp nhận thí sinh tròn 19 tuổi. Cô nhẫn nhục chờ đợi. Sau đó cô thi đậu và ra trường.

Năm 1954, bộ Giáo Dục quốc gia Pháp đề nghị cô Marie-Noelle thành lập dịch vụ y tế nơi các trường học. Cô chu toàn bổn phận một cách tuyệt hảo. Con đường sự nghiệp đang lên thì cô bị bắt buộc ngưng việc vì mắc bệnh lao phổi. Lần này, cánh cửa bệnh viện lại mở rộng chào đón người phụ nữ 25 tuổi luôn bị bệnh tật rình mò.

Cô phải nằm nhà thương trong vòng 4 năm trời. Nhưng cô đã biến thời gian trị bệnh và căn phòng bệnh viện thành một nơi tu luyện và học hỏi, trau dồi tâm trí. Chính trong thời gian này mà cô khám phá ra ơn gọi của mình. Cô tâm sự:
- Suốt đời, tôi mong muốn giúp đỡ tha nhân. Trong thời đệ nhị thế chiến, mỗi người chỉ được quyền ăn khẩu phần 120 gram bánh mì một ngày. Tôi thường nói với mẹ: ”Mẹ à, mình phải nhịn một phần bánh mì để chia cho những người không có gì để ăn”!

Khi xuất viện cô trở thành người điều khiển một trạm phát thuốc. Nhưng chẳng bao lâu sau, vào năm 1970, bà Marie-Noelle bị ung thư mắt nên phải nghỉ việc. Sau ba năm chữa trị, bà được chỉ định làm trưởng phòng y tá rồi hiệu trưởng một trường huấn luyện y tá. Nhưng bệnh tật vẫn không buông tha bà. Bà lại lâm bệnh và lần này, người ta cho bà nghỉ việc hẳn.

Mất việc vào lúc 50 tuổi với một quá khứ đầy dẫy chiến đấu, có lúc thắng có khi quỵ ngã, quả thật là cay đắng! Lần này, bà Marie-Noelle Moreau thấy cuộc đời hoàn toàn đen tối và mất tất cả nghị lực. Bà quyết định kết liễu mạng sống. Bà chọn một giòng sông để gieo mình xuống tự tử.

Nhưng khi đứng trên cầu nhìn xuống, bà thấy nước sông sao dơ quá, đục quá! Bà chua chát tự nhủ:
- Không lẽ mình lại dại dột chọn giòng nước đục này làm mồ chôn mình sao? Không! Không thể được!

Cạnh đó, đôi tình nhân trẻ đang âu yếm ôm nhau. Họ nhìn bà và nói:
- Chúc bà can đảm!

Câu nói như một liều thuốc thần giúp bà thức tỉnh. Bà ôm mặt nức nở khóc. Cùng với giòng nước mắt ào ào chảy, bà như được chữa hẳn tức khắc khỏi ý định quyên sinh. Bà nói:
- THIÊN CHÚA Quan Phòng cho tôi trải qua kinh nghiệm bị cám dỗ kết liễu cuộc đời. Giờ đây tôi có thể hiểu và giúp đỡ những người bị cám dỗ quyên sinh. Ngoài ra, tôi gần như bị mù và bị điếc, tôi có thể cảm thông với những người bị mù, bị điếc. Tôi còn mang trong mình mầm giống ung thư, nên tôi có thể hiểu đau khổ của những người bị ung thư. Sau cùng, tôi là người độc thân, nên tôi có thể hiểu người bị tàn tật và cô đơn. Tất cả là hồng ân.

Từ đó, bà Marie-Noelle Moreau tìm lại sức mạnh và niềm vui nội tâm. Gương sống can đảm lôi kéo nhiều người đến tìm gặp bà để hỏi ý kiến và để được nâng đỡ ủi an. Bà lắng nghe mọi người và chia sẻ nỗi đau khổ của họ. Phần bà, cuộc đời, sức mạnh, niềm vui và Đức Tin, bà khiêm tốn nhìn nhận tất cả đến từ THIÊN CHÚA. Bà có bổn phận tri ân THIÊN CHÚA và giúp đỡ người khác.

... Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đưng con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu thay, trí thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn ti! Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ng đó, nm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chấp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, ti đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con. Con tự nhủ: ”Ước gì bóng tối bao phủ tôi và ánh sáng quanh tôi thành đêm ti!” Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng t như ban ngày, bóng ti và ánh sáng cũng như nhau. Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!” (Thánh Vịnh 139(138) 1-14).

(”Ombres et Lumière”, n.118, Juin/1997, trang 18-19)

Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.