2011-07-26 17:36:18

Lý do các xung khắc tại Nigeria


Phỏng vấn Đức Cha John Olorunfemi Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja về lý do các cuộc xung khắc tại Nigeria (2/2)

Trong các tháng qua các cuộc xung đột xảy ra bên Nigeria đã khiến cho 3.000 người chết và hàng ngàn người khác bị thương. Các cuộc xung đột này có rất nhiều lý do phức tạp khác nhau, chứ không phải là một cuộc chiến tôn giáo giữa các tín hữu hồi và các tín hữu kitô, như giới báo chí tây âu vẫn thường miêu tả một cách qúa thô sơ và không đúng đắn.

Hôm qua chúng tôi đã gửi tới qúy vị và các bạn phần đầu bài phỏng vấn Đức Cha John Onaiyekan, Tổng Giám Mục Abuja, về vấn đề này. Đức Cha Onaiyekan đã cho biết các cuộc xung đột này có các lý do lợi lộc chính trị, kinh tế, sự cạnh tranh giữa các chủng tộc, và quan niệm qúa khích của các nhóm nhỏ của cả hai phía kitô và hồi giáo. Nhưng vấn đề chính của Nigeria hiện nay là tệ nạn bất công xã hội, gian tham thối nát, và hố sâu ngăn cách giữa thiểu số giầu và đại đa số nghèo.

Hôm nay chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn phần hai bài phỏng vấn nói trên.

Hỏi: Thưa Đc Cha, Đức Cha quy lỗi một phần cho các phương tiện truyền thông là không chịu tìm hiểu thấu đáo các lý do gây ra xung khắc tại Nigeria, tại sao vây?

Đáp: Tôi tin rằng các nhà báo đôi khi hơi lười. Họ đã có ý kiến sẵn liên quan tới nạn bạo lực hoành hành tại Nigeria, và dễ hơn đối với họ khi nói rằng: ”Chúng tôi đã giải thích hết rồi, đây chỉ là chuyện các người hồi và người kitô đánh nhau thôi”. Các nhà báo không tìm hiểu biết nhiều hơn một chút về gốc rễ thật sự của vấn đề. Đôi khi điều đó tùy thuộc nơi nhà báo. Nếu nhà báo tiếp xúc với một trong những kitô hữu chủ trương là phải chống cự lại người hồi với tất cả sức mạnh của mình và giải quyết vấn đề một lần cho luôn mãi, thì ông ta sẽ kể lại theo lập trưởng này. Đáng lý các nhà báo phải nói: ”Tôi phải làm một cuộc điều tra mới được. Tôi đã nói chuyện với một người trong đám đông và họ nói với tôi thế này, nhưng sau đó tôi phải lắng nghe nhiều người khác nữa trước khi có thể trình bầy vấn đề”.

Hỏi: Thưa Đc Cha, Đc Cha đã nói rằng chương 25 Phúc Âm thánh Mátthêu diễn tả Kitô giáo một cách tốt nhất. Đức Cha có thể cho biết văn bản này liên quan tới cuộc đối thoại giữa các tín hữu hồi và các tín hữu kitô như thế nào không?

Đáp: ”Ta đói, các con đã cho Ta ăn; Ta khát các con đã cho Ta uống; Ta trần truồng các con đã cho mặc; Ta đau yếu các con đã thăm viếng; Ta ngồi tù các con đã hỏi han. Bấy giờ tín hữu mới hỏi: “Lậy Chúa, con đã làm những điều đó khi nào?” Chúa Giêsu trả lời: ”Mỗi khi các con làm điều này cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Thầy là các con làm cho chính Thầy”.

Tôi không thấy lý do nào cả để giải thích văn bản này trong nghĩa mỗi khi làm cho các anh chị em kitô. Không, đối với tôi đây là cuộc thử nghiệm định đoạt cho biết thực sự tôi là ai. Nếu chúng ta đã không tốt đối với tha nhân, thì không thể yêu sách đẹp lòng Thiên Chúa được. Đây là tư tưởng chúng ta tìm thấy dọc dài trong Tân Ước. Tôi thường nói với tín hữu của tôi tại Abuja: ”Thật là tuyệt diệu được là tín hữu công giáo và nếu anh chị em là các tín hữu công giáo tốt, anh chị em sẽ được phần thưởng trên thiên đàng. Nhưng ở cửa thiên đàng không có ai hỏi chứng chỉ rửa tội của anh chị em đâu.

Nói cách khác, chương 25 Phúc Âm thánh Mátthêu không hỏi: ”Anh chị em đã được rửa tội chưa? Anh chị em thuộc Giáo Hội nào?” Nhưng câu hỏi sẽ là ”Anh chị em đã làm gì cho người nghèo?” Dụ ngôn nói rất mạnh và tôi cũng muốn lưu ý các nhà chính trị về điểm này. Nếu quý vị là một nhà chính trị và có thể cho những người đói ăn, mà đã không làm, và qúy vị đã chỉ sống để ăn cắp tiền bạc, thì qúy vị sẽ phải trả lời về điều đó ở cửa thiên đàng.

Hỏi: Đc Cha đã nói rằng Thánh Kinh có thể là một suối nguồn ích lợi cho việc hiểu biết nhau hơn giữa các tín hữu kitô và hồi giáo. Nhưng mà các anh em hi Nigeria có đọc Thánh Kinh không?

Đáp: Tôi có thể trả lời một cách trực tiếp là có. Các tín hữu hồi đọc Thánh Kinh nhiều hơn là tín hữu kitô đọc Kinh Coran. Lý do đơn sơ là vì các người hồi Nigeria đã theo học tại các trừơng công giáo hay kitô nơi họ đã đọc Thánh Kinh. Một vài tín hữu hồi lại còn nghiên cứu và học Thánh Kinh nữa, và khi thi họ đã đậu cao. Nói chung, tín hữu hồi Nigeria quen thuộc với giáo huấn kitô hơn là tín hữu kitô quen thuộc với Kinh Coran.

Tôi xác tín rằng Thánh Kinh không chỉ giúp chúng ta duy trì các tương quan tốt với thế giới hồi giáo, nhưng thế giới hồi giáo cũng phải rút tỉa ra từ các suối nguồn tinh thần của mình các yếu tố giúp duy trì các cố gắng đối thoại liên tôn. Dĩ nhiên, trong Thánh Kinh có nhiều văn bản cho thấy Thiên Chúa giao chiến để bảo vệ dân Ngài, như trong sách Gioduê và sách các Thủ Lãnh chẳng hạn. Nhưng tôi sẽ không dùng các văn bản ấy, vì còn có nhiều văn bản khác nữa khuyến khích tôi sống hòa bình với tất cả mọi người.

Chúa Giêsu đã đến và đã chết cho toàn nhân loại. Điều này cho thấy tất cả mọi người khác đều là các anh chị em của tôi. Trong Kinh Coran có những văn bản kinh khủng mà nếu qúy vị giải thích chúng thì có nghĩa hoặc là ngươi hoán cải họ hay là giết họ. Một tín hữu hồi liêm chính sẽ nói: ”các văn bản này của Kinh Coran tạo cho chúng tôi nhiều vấn đề”. Nhưng tôi trả lời: “Đúng, nhưng các bạn cũng có nhiền văn bản khác nữa nói rằng trong tôn giáo không được có bạo lực. Thế rồi còn có một văn bản khác nữa khẳng định rằng: ”Nếu Allah đã muốn điều đó, thì Người đã có thể khiến cho chúng ta là một quốc gia duy nhất, một tôn giáo duy nhất. Nhưng Người đã để cho chúng ta con đường này để chúng ta có thể sống hòa bình với nhau, và sau cùng chỉ có Người mới phán xử cái gì tốt cái gì xấu”. Khi chúng tôi đạt đến nền tảng này, thì có thể tiến bước, mà không phải giàn xếp với các tín ngưỡng nền tảng của mình.

Hỏi: Như thế một tín hữu hồi phải là một tín hữu hồi tốt và một tín hữu kitô phải là một kitô hữu tốt?

Đáp: Đúng vậy, để cuộc đối thoại được hữu hiệu. Nhưng vấn đề là thế nào là một tín hữu kitô tốt và một tín hữu hồi tốt. Nhưng tôi tin rằng cả hai tôn giáo đều đồng ý để nói rằng khi chúng ta bắt đầu giết nhau, thì đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa.

Hỏi: Nhưng mà thưa Đc Cha, trong Tân Ưc có văn bản nói rằng khi người ta tát má phải thí giơ c má trái cho người ta tát, một người hồi có thể hiểu đưc điều này không, vì đối với một người hồi đó là dầu chỉ của sự yếu đuối?

Đáp: Tôi không tin rằng mọi người đều hiểu điều đó. Ai có thể đưa cả má trái nữa cho người ta tát. Nhưng đây lại là khía cạnh triệt để của Tin Mừng kitô. Đối với người hồi thì đó không chỉ là dấu chỉ của sự yếu đuối, mà cũng không phải là một hành động tốt nữa, vì nó khuyến khích kẻ ác sống gian ác và làm điều dữ. Vâng, vì bạn có bổn phận ngăn cản kẻ dữ phạm điều ác. Tôi tin rằng kitô hữu cũng có bổn phận tước khí giới của kẻ tấn công. Bổn phận của chúng ta là tước khí giới của người tấn công, nhưng tước như thế nào? Điều này không có nghĩa là dùng súng bazooka bắn họ nát ra từng mảnh, khi có thể tước vũ khí của họ. Lúc đó cần có những quyết định cụ thể.

Trong trường hợp của kitô hữu và tín hữu hồi cũng thế. Bài học lớn phải rút tỉa ra từ giáo huấn ”giơ má kia nữa” không phải là mời gọi kẻ đã đốt nhà thờ của bạn ngày mai đốt thêm cả nhà thờ kia nữa. Không, không phải vậy, nhưng là sẵn sàng tha thứ cho họ. Vấn đề lớn hơn là sự tha thứ. Chúng ta có sẵn sàng tha thứ hay không?

Hỏi: Các tín hữu hồi mà Đc Cha đối thoại với, có chấp nhận và có hiểu điều này hay không?

Đáp: Chúng tôi đối thoại liên quan tới các vấn đề cụ thể. Điều tôi yêu cầu họ là đừng đánh một người vô tội với hy vọng là họ giơ cả má kia nữa. Chúng ta không có quyền tát một người nào đó, nhưng nếu chúng ta bị tát thì biết phải trả lời thế nào. Chúa Giêsu rất công chính. Trong cuộc khổ nạn của Người tên đầy tớ của Thầy cả thượng phẩm đã tát Người và nói: Ngươi trả lời Thượng tế như thế à? Chúa Giêsu trả lời ”Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,22-23). Chúa Giêsu cho chúng ta một thí dụ tốt ”giơ má kia nữa” có nghĩa là gì.

Hỏi: Chúng ta đã đề cập tới cuộc đối thoại trong các tình trạng phức tạp. Đức Cha có lạc quan không?

Đáp: Tôi là người luôn luôn lạc quan, và đã luôn luôn nhìn khía cạnh tích cực của vấn đề, bởi vì tôi tin rằng đó cũng là thái độ kitô. Chúng ta tin nơi Chúa Giêsu phục sinh và thần khí của Người giúp chúng ta tiến tới. Vì thế chúng ta không sợ hãi gì cả. Ngay cả khi nhìn vào thực tại nạn gian tham hối lộ, tôi vẫn hết lòng yêu thương nước Nigeria. Có biết bao nhiêu người tuyệt diệu ở đây. Đại đa số dân Nigeria thuộc mọi tôn giáo là những người tuyệt vời, và khi họ thấy một điều tốt, họ trân trọng điều đó. Vấn đề lớn của chúng tôi đó là chúng tôi cần có một chính quyền tốt, một chính quyền mạnh có khả năng kích thích các điều tuyệt vời đó, nghĩa là biết huy động nhân lực của Nigeria, chứ không phải chỉ huy động các tài nguyên thiên nhiên mà thôi.

Với ơn Chúa trợ giúp, sẽ không có vấn đề giữa tín hữu hồi và tín hữu kitô nữa. Cái nhìn của tôi đó là Nigeria sẽ là một mô thức của sự sống chung giữa kitô hữu và tín hữu hồi trên toàn thế giới, bởi vì Nigeria là khoảng không văn hóa, trong đó có nhiều kitô hữu và tín hữu hối chung sống với nhau nhất. Trong các nước khác thì tôn giáo hoặc là đa số hoặc là thiểu số. Tại Nigeria số kitô hữu và tín hữu hồi ngang nhau, chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau và đều là công dân của cùng một quốc gia, đôi khi là các thành phần trong cùng một gia đình nữa.

(ZENIT 17-7-2011)

Linh Tiến Khải








All the contents on this site are copyrighted ©.