2011-07-06 12:40:34

TÍN HỮU CÔNG GIÁO PHỤC VỤ QUYỀN LỢI THA NHÂN


... Ngày nay, tại tất cả các nước kỹ nghệ tân tiến, từ Âu đến Mỹ sang Á, đều có ”Quĩ trợ cấp gia đình”, nghĩa là trợ cấp những gia đình có con. Đây là chuyện bình thường. Bình thường trong xã hội hiện đại. Nhưng vào đầu thế kỷ XX thì không ai biết đến, nghĩ đến, hoặc đòi hỏi trợ cấp gia đình, kể cả những gia đình rất đông con! Phải đợi đến năm 1918, một kỹ nghệ gia Pháp, góa vợ với 7 đứa con, mới nghĩ ra một phương thế tương trợ xã hội để giúp đỡ những gia đình đông con. Đó là ông Émile Marcesche (1868-1939).

Vào năm 1918, ông Émile Marcesche bước vào tuổi 50. Trước đó 5 năm, hiền thê ông vĩnh biệt cõi đời và để lại ông 7 đứa con, tuổi từ 3 đến 15. Năm ấy ông 45 tuổi và vợ ông 36 tuổi. Ông lặng lẽ sống cảnh gà trống nuôi con. Thấy thế, mẹ vợ ông - Bà Ngoại các cháu - đến giúp đỡ ông trong công việc nội trợ. Ngoài ra còn có người em họ của vợ - Cậu các cháu - cùng sống trong nhà cũng phụ giúp một tay. Nhưng việc chăm sóc và giáo dục các con, chính ông Émile đích thân đảm trách.

Ông Émile Marcesche sinh trưởng tại Anjou, một ngôi làng nhỏ ở miền Trung nước Pháp, trong một gia đình nghèo: bánh đủ ăn, áo đủ mặc. Trong thời xuân trẻ, ông hành nghề giáo sư khoa học. Một hôm nhân viếng thăm Lorient, thành phố nhỏ nằm cách đó không xa, chàng Émile như bị cảnh đẹp của thành phố thu hút. Chàng tưởng tượng rằng: ”Có ngày thành phố sẽ mở mang và phát triển!” Nghĩ thế nên chàng hăng hái tiếp tay. Chàng khởi công thành lập một hãng thầu xuất nhập cảng.

Thiện chí đầy tràn, nhưng tiếc thay, chàng Émile nghèo xơ nghèo xác, không một đồng xu dính túi! Làm thế nào bây giờ? Émile không nản lòng. Chàng xin được một việc làm có lợi cho công việc sau này. Vài tháng sau, chàng thành hôn với một thiếu nữ Công Giáo đạo hạnh trong làng. Mẹ và Dì của thiếu nữ đứng bán một tiệm sách báo Công Giáo. Thế là chàng thanh niên trẻ tuổi Émile đương nhiên đi vào cuộc sống kinh tế và trí thức của thành phố thơ mộng Lorient.

Một thời gian ngắn sau khi lập gia đình, định mệnh như tươi cười chào đón anh Émile. Một ông chủ ngân hàng trong thành phố bằng lòng cho anh Émile vay một số tiền, đủ để mở một hãng thầu. Suốt đời, ông Émile Marcesche không bao giờ quên lòng tin tưởng và hảo tâm của ông chủ ngân hàng có tấm lòng vàng này!

Hãng thầu của ông Émile chuyên xuất cảng sang Anh quốc các trụ sắt và nhập cảng vào Pháp than đá là nhiên liệu chính yếu cho nhiều xí nghiệp của Pháp thời bấy giờ. Đây là hãng thầu cần nhiều nhân công. Và ông Émile nhận ra ngay là các thợ của ông phần đông là người nghèo. Và họ càng trở nên nghèo hơn khi họ lập gia đình rồi sinh hạ nhiều con cái ..

Vào năm 1914, khi đệ nhất thế chiến bùng nổ (1914-1918), nhiều người thợ nơi hãng thầu của ông Émile phải lên đường nhập ngũ. Thế là ông bắt buộc phải mướn các phụ nữ đến làm việc cho hãng. Hơn ai hết, ông Émile biết rõ thế nào là việc làm của phụ nữ ở gia đình, đặc biệt là các gia đình đông con. Vì thế, ông nghĩ rằng:
- Đối với các người thợ là cha là mẹ gia đình, cần phải có thêm một đồng lương phụ trội!

Thế nhưng vấn đề đặt ra: nếu phải trả lương phụ trội cho các người thợ có gia đình và đông con cái, thì hẳn không một ông chủ nào muốn thu nhận các người thợ có gia đình cả! Vậy phải giải quyết vấn đề như thế nào?

Ông Émile bèn nghĩ ra phương kế:
- Tất cả mọi người thợ phải đóng một phần lương của mình vào một quỹ chung. Rồi từ quỹ chung này, các chủ xí nghiệp rút ra và trả lương thêm cho các người thợ có gia đình, theo tỉ lệ số con cái mà họ có.

Sau khi thiết định kế hoạch rồi, ông Émile liền thuyết phục các chủ xí nghiệp và những người thợ hưởng ứng kế hoạch của ông và bằng lòng góp một phần lương vào quỹ chung. Quỹ trợ cấp gia đình đầu tiên thành hình từ đó, tức từ tháng 4 năm 1918.

Trong vòng 12 năm trời, quỹ này hoạt động đều đặn. Năm 1930, chính phủ Pháp thừa nhận quyền của các gia đình và chính thức trợ cấp cho các gia đình.

Gần 100 năm trôi qua, giờ đây nhìn lại quá khứ, các gia đình Pháp - đặc biệt các gia đình đông con - bày tỏ lòng tri ân đối với ông Émile Marcesche, một người góa vợ và trìu mến tự tay chăm sóc 7 đứa con. Ông nêu cao mẫu gương một người cha gia đình và một tín hữu Công Giáo biết nghĩ đến và phục vụ cho quyền lợi của người khác, đặc biệt là quyền lợi của các gia đình vừa nghèo vừa đông con.

... ”Con ơi, khi làm ơn, con đừng trách móc; khi tặng quà, chớ kèm theo những lời rầu rĩ. Hạt sương lại không giảm bớt cái nóng sao? Cũng vậy, lời nói còn quý hơn quà tặng. Này, lời nói lại không hơn món quà quý sao? Ngưi giàu ân đức thì tặng cả hai” (Sách Huấn Ca 18,15-17).

(”Famille Chrétienne”, n.1048, Février/1998, trang 56-57)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt








All the contents on this site are copyrighted ©.