2011-04-18 11:34:33

Phút Cầu Nguyện: Nghèo Khó Thực - theo Luca


Mặc dầu Tin Mừng có đề cao tinh thần nghèo khó, nhưng không vì đó mà hạ thấp giá trị của nghèo khó thực. Luca trình bày cho độc giả mối phúc Thiên Chúa dành cho những con người đang sống trong cảnh nghèo thực sự; và từ đó, ông đưa độc giả tới tinh thần tự nguyện sống nghèo khó vì tình yêu dành cho Chúa Ki-tô và dành cho người thân cận.

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phi đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ đưc vui cười. (Lc 6,20-21)

Tuy rằng ba mối phúc đầu tiên có vẻ khác nhau, nhưng chung quy chúng nhắm đến những người đang sống trong cảnh nghèo khó. Chúng ta thấy ở đây Luca nhấn mạnh đến tính hiện tại của sự nghèo khó và tình trạng hưởng phúc ngay hiện tại.

Nguyên nhân nào khiến Luca trình bày những lời chúc phúc của Chúa như thế? Cộng đoàn của thánh sử phần đông là những người nghèo đói, nô lệ, không có quyền công dân. Những người giàu và quyền thế trong xã hội ít ai chịu từ bỏ những gì họ đang có để đón nhận Tin Mừng vì khi đón nhận Tin Mừng, những người giàu cũng bị xếp ngang hàng với những người nghèo, và những người mà trước đây là nô lệ của họ giờ đây là những người ngồi chung bàn với họ. Đây là trở ngại lớn mà những người giàu và quyền lực trong xã hội của cộng đoàn Luca khó vượt qua. Vì thế, cộng đoàn Luca phần lớn là những người nghèo, những người nô lệ. Điều này dẫn tới tình trạng người ta đồng hóa cộng đoàn Luca là cộng đoàn những người nghèo; và khi nói đến những người theo đạo, thì ngay lập tức, người ta nghĩ họ là những người nghèo, những người bần cố nông. Tin Mừng Luca viết để phục vụ cho một cộng đoàn như thế, một cộng đoàn đang bị bách bớ, nô lệ, thì Lời Chúa trở nên một lời an ủi, khích lệ, một ân huệ Thiên Chúa tặng ban.

Xuyên suốt Tin Mừng Luca, về thái độ đối với của cải vật chất, Luca nhấn mạnh đến sự từ bỏ hoàn toàn “Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5,11). Lối sống từ bỏ hết mọi sự này đã được sống trong cộng đoàn tiên khở, người ta bán hết tất cả tài sản họ có và trao cho các tông đồ để họ lo cho cộng đoàn. Bỏ tất cả để theo Chúa là một lý tưởng Luca muốn nhắn gởi độc giả, lý tưởng ấy mang thông điệp: nếu không từ bỏ mọi sự thì không thể đón nhận được Tin Mừng.

Sử dụng của cải vật chất một cách đúng đắn, theo Luca, là bố thí và làm phúc. Điều này xem ra có vẻ mâu thuẩn với yêu cầu từ bỏ mọi sự. Nếu bỏ hết rồi thì lấy đâu ra mà bố thí?

Từ bỏ mọi sự không nhất thiết phải từ bỏ quyền sở hữu. Người ta vẫn có quyền có tài sản riêng, nhưng cái họ có thì được dùng để phục vụ tha nhân. Của cải vật chất không là vật cản bước chân họ đến với Chúa, nhưng là phương tiện để họ phục vụ lẫn nhau. Tự nguyện sống nghèo khó vì tình yêu dành cho Chúa Giê-su và dành cho tha nhân là lối sống cao đẹp mà Luca muốn những thành viên trong cộng đoàn của ngài sống.

Từ bỏ mọi sự không chỉ đơn thuần từ bỏ những của cải vật chất, nhưng quan trọng hơn, đó chính là từ bỏ chính mình, nghĩa là từ bỏ chính cái gì sâu xa nhất của con người, từ bỏ cái làm con người ích kỷ, từ bỏ cái làm con người tự ái... Chúa khẳng định “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Thái độ từ bỏ như thế chính là thái độ cần thiết để theo Chúa.

Lạy Chúa,
Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều ngưi đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa : "Các con hãy cho họ ăn đi."

Ước gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
CHUYÊN MỤC: PHÚT CẦU NGUYỆN
NGƯỜI VIẾT: Nguyễn Hiền Nhu







All the contents on this site are copyrighted ©.