2011-04-11 10:28:05

Nghèo khó là mối phúc


Trong Tân Ước, sự nghèo khó của Ki-tô Giáo bộ lộ đầy đủ ý nghĩa hơn qua việc tự hiến của Ngôi Hai. Ngang qua Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su đã mang làn gió mát đến cho những con người đang lâm cảnh nghèo khó. Nghèo không còn là án phạt của Thiên Chúa nữa, nhưng là là một mối phúc.

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Lời chúc phúc của Chúa làm ấm lòng những người khốn khó đón nhận Tin Mừng và mở ra một con được cho mọi người giàu cũng như nghèo đến với Chúa và đến với nhau.

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nưới Thiên Chúa là của anh em (Lc 6,20)

Được Nước Thiên Chúa là niềm hy vọng, niềm vui, cũng như hạnh phúc mà Thiên Chúa dành cho con người. Người nghèo giờ đây có thể tự hào rằng họ có một vị trí đặc biệt trong trái tim của Chúa.

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).

Lý do nào khiến người nghèo được Chúa chúc phúc? Có nhiều người giải thích việc này theo khía cạnh thiêng liêng: vì sống trong hoàn cảnh nghèo khó nên họ có cơ hội tập tành các nhân đức và tạo ra những công nghiệp trước mặt Chúa. Tuy nhiên, nếu giải thích như thế thì chẳng khác chi việc những người Pha-ri-sêu tin tưởng vào những việc lành họ thực hiện, họ tin rằng những việc ấy sẽ đảm bảo cho họ có một vé vào cổng Nước Trời. Chúng ta hãy nghe Chúa nói gì với các môn đệ của Ngài khi họ la rầy các trẻ em:

(13) Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. (14) Nhưng Ðức Giêsu nói: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng". (15) Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.(Mt 19,13-15)

Theo quan niệm của dân Israel thời Chúa Giê-su, trẻ em là không đáng kể vì chúng không biết lề luật, cũng chẳng có công trạng gì. Theo họ, những người có công trạng trước mặt Thiên Chúa là những người hiểu lề luật và tuân theo lề luật. Chúa Giê-su lại nói “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19,14). Vậy, giải thích như thế nào đây, thiếu nhi chẳng có công trạng gì nhưng lại được Chúa tuyên bố là “Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng”. Chắc chắn có một ơn nhưng không mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho những người Ngài thương. Chúa Giê-su không hề nói đến công trạng hay nhân đức của trẻ em, nhưng Ngài chúc phúc cho trẻ em trước mặt người lớn. Cái không đáng kể đối với con người trở thành cái cao trọng trước mặt Thiên Chúa.

Như vậy, Chúa chúc phúc cho những người hoặc có tinh thần nghèo không phải vì công nghiệp của họ, nhưng đó là một ơn đặc biệt Chúa muốn tặng cho những người như thế. Ơn nhưng không đó đòi hỏi họ phải mở lòng đón nhận, và tinh thần nghèo khó chính là tinh thần cần thiết để đón nhận ơn Chúa.

Qua việc Chúa chúc phúc cho trẻ em, Ngài cũng muốn gởi đến các môn đệ yêu quý của Ngài một bài học cần thiết để vào Nước Trời “nếu anh em không trở lại và nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Cũng như trẻ nhỏ sống phụ thuộc vào người lớn, trong Nước Thiên Chúa, chính lòng tin làm cho người môn đệ gắn bó và phụ thuộc vào thầy Giê-su. Để được như vậy, cần phải hoán cải, tức là phải từ bỏ bản thân để đi theo Chúa.

Lậy Chúa, mọi điều chúng con có trên đời đều là ơn của Chúa. Xin cho chúng con thâm tín điều này, để chúng con khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và trược mặt những người thân cận.

Lạy Chúa Giêsu,
Giàu sang, danh vọng, khoái lạc.
Là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
Và không cho chúng con tự do ngước lên cao
Để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con
Khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
Nhờ cảm nghiệm được phần nào
Sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
Bán tất cả những gì chúng con có,
Để mua được viên ngọc quí là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
Trước những lời mời gọi của Chúa,
Không bao giờ ngoảnh mặt
Để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen
(Rabbouni)

Nguyễn Hiền Nhu









All the contents on this site are copyrighted ©.