2011-03-14 09:42:00

Suy niệm Lời Chúa – CN 1 MC A – Chỉ Phụ Thuộc Vào Thiên Chúa


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra’”.

Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Đền thờ, rồi nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu đáp: “Cũng có lời chép rằng: ‘Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi’”.
Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài’”. Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.

Có lẽ Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đồ Người biến cố mà ngay từ lúc bắt đầu cuộc sống công khai Người đã trải qua với một kinh nghiệm thấm thía. Giáo Hội sơ khai đã đón nhận mặc khải ấy về nguồn gốc đích thực của cám dỗ (Satan) như là lời sửa sai quan niệm Cựu ước, vốn cho rằng cám dỗ là do Thiên Chúa. Ba cuộc cám dỗ của Chúa Giê-su có liên hệ với ba cuộc cám dỗ của Israel trong sa mạc : (1) Sau khi được ăn manna một thời gian, Israel đòi ăn thịt (Ds 11, 4-34); (2) Môi-sen gõ phiến đá hai lần (Ds 20, 1 -13); (3) Giai thoại con bò vàng (Xh 32, 1- 8). Mat-thêu cho thấy Chúa Giêsu trải nghiệm ba cuộc cám dỗ của dân Isarel và đã chiến thắng vẻ vang trong khi Israel lại vấp ngã.

Cả hai cám dỗ thứ nhất và thứ hai đều có chung một công thức dẫn vào “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa“. Cụm từ “Con Thiên Chúa” nhắc lại lời phán từ trời khi Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan, và trước tiên nó có nghĩa là “Đấng Messia“. Từ công thức này, ta thấy ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu như là Đấng Messia, thủ lãnh của dân mới Thiên Chúa. Chẳng phải ma quỷ nghi ngờ tính Thiên Tử của Chúa Giê-su khi nói “Nếu Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng nó muốn khơi lên trong Chúa Giêsu niềm hoài nghi.

Ở cám dỗ thứ nhất, Satan muốn dụ Chúa Giê-su dùng quyền năng thiên sai để thỏa mãn nhu cầu căn bản được no ấm của con người. Tương tự với cám dỗ này, dưới chân Thập Giá, người Do Thái thúc đẩy Chúa dùng quyền năng của mình để mưu cầu sự sống hiện tại. Hai chước cám dỗ này song song với nhau và đều nhắm tới một mục đích là thúc đẩy Chúa Giêsu sử dụng các quyền lực thiên sai Người có để mưu cầu tư lợi, hay đúng hơn để thoát khỏi cảnh hiểm nghèo (đói trong sa mạc, chết trên thập giá). Dân Israel xưa kia trong sa mạc đã không vượt qua thử thách khi càu nhàu đòi lương thực, Chúa Giê-su trong cơn cám dỗ này đã chiến thắng. Bị đói, Người có thể nghĩ Thiên Chúa đã bỏ rơi Người. Ma quỷ đến dụ dỗ Người nghi ngờ Thiên Chúa và hãy cậy dựa vào chính quyền năng thần thông mà Người vừa mới nhận lúc được thánh hiến làm Đấng Messia. Khi dụ dỗ Chúa Giêsu nghi ngờ và bất tuân, ma quỷ muốn Người cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa và dùng quyền năng của mình để mưu cầu tư lợi trái nghịch với thánh ý Thiên Chúa. Đáp lại, Chúa Giêsu xác quyết Người chẳng muốn dùng các phương thế riêng của mình để được sống, nhưng muốn hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Người chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa.

Trong cơn cám dỗ thứ hai, Satan đưa Chúa Giê-su lên thành thánh và đặt Người trên góc tường đền thờ. “Thành thánh” là một thành ngữ Do thái thông dụng để chỉ Giêrusalem (Mt 27,53; Kh 11,2). Trong Xh 17, 1-7, Israel đã dám thử thách Thiên Chúa khi nói: “Có Chúa giữa chúng ta hay không?”. Họ không ngại đòi Thiên Chúa ban cho một dấu chỉ là phép lạ nước đột xuất từ tảng đá. Nếu gieo mình từ thượng đỉnh Đền thờ theo như lời Satan dụ dỗ, là Chúa Giêsu sẽ buộc Thiên Chúa phải thực hiện một phép lạ. Cuối cơn cám dỗ thứ nhất, Chúa Giêsu đã nép mình dưới sự quan phòng chở che của Thiên Chúa. Ma quỷ dụ dỗ Người lợi dụng sự che chở này, như Israel ngày xưa, bằng cách đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp. Thành ra xét cho cùng đây là cách áp đặt ý muốn con người trên ý muốn của Thiên Chúa.

Cám dỗ thứ ba, quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Cám dỗ này là cám dỗ thờ ngẫu thần để được vinh hoa phú quý, quyền lực. Chúa Giêsu từ chối đi vào con đường mà Thiên Chúa không muốn Ngài dấn thân, là đường vinh thắng rạng rỡ bằng việc cậy dựa vào các ngẫu thần, đưa đến việc thống trị hoàn vũ. Vì bị tiêm nhiễm giấc mơ khải huyền bình dân, Phêrô sẽ chống đối việc tiến lên Giêrusalem để chịu tử nạn. Chúa Giêsu sẽ trả lời ông như đã trả lời ở đây: “Hỡi Satan, hãy xéo đi“. Chúa Giêsu xác quyết ý định của Người là hoàn toàn tuân theo kế hoạch của Thiên Chúa, dù “tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người” (16,23). Ngược lại với dân Israel say mê thờ ngẫu thần, Chúa Giêsu gắn bó vào Thiên Chúa, loại bỏ mọi ngẫu thần để chỉ phụng sự Thiên Chúa đích thực. Chúa Giêsu đang thể hiện kiểu mẫu Messia mà Thiên Chúa đã trù định, là làm người Tôi tớ bị lăng nhục và đau khổ mà Isaia đã loan báo. Dĩ nhiên, Người không từ chối việc chinh phục thế giới, nhưng sẽ chỉ chinh phục bằng thập giá mà thôi.

Bạn thân mến,
cám dỗ luôn xoay quanh Lời Chúa,
hoặc để vi phạm hoặc để xuyên tạc ý nghĩa.
Con rắn quỷ quyệt trong sách Sáng Thế
đã nói ngược lời Chúa.
Nó bảo: “Thiên Chúa đã phán :
các ngươi chẳng được ăn cây nào trong vườn cả ! …
Các ngươi chẳng chết chóc đâu.
Nhưng vì Thiên Chúa biết rằng mắt các ngươi sẽ mở ra …”.
Tên cám dỗ trong Tin Mừng
cũng yêu cầu Chúa Giêsu sử dụng Lời Chúa
để biến đá thành bánh,
và giải thích lệch lạc ý nghĩa Thánh vịnh
để đẩy Người đến chỗ thử thách Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã vượt qua những cám dỗ đó,
Ngài chỉ muốn một mực theo ý Cha
và chỉ phụ thuộc vào một mình Cha.
Ngày nay, những cám dỗ như thế này vẫn vây quanh chúng ta.
Không những thế, có khi chính chúng ta bóp méo Lời Chúa
nhằm phục vụ một mục đích riêng tư nào đó.
Lạy Chúa, Chúa biết những yếu đuối của chúng con,
và những cám dỗ chúng con đang gặp,
xin Chúa đồng hành với chúng con,
và khai sáng lòng chúng con,
để chúng con có thể nhận ra những mưu sâu kế độc của Satan,
kẻ vui mừng khi làm cho chúng con xa Chúa. Amen!

Mục: Suy Niệm Lời Chúa
NGƯỜI VIẾT: Nguyễn Hiền Nhu








All the contents on this site are copyrighted ©.