Tin Mừng Mt 5, 1-12 (1) Thấy đám đông, Ðức Giêsu lên
núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy
họ rằng: (3) "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời
là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa
làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa
ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ
được Thiên Chúa cho thỏa lòng. (7) Phúc thay ai xót thương
người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay
ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc
thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc
thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (11) Phúc
cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hạivà vu khống
đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành
cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người
đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế. Suy niệm Quý
vị và các bạn thân mến, Con người sống không chỉ để cho qua ngày, nhưng luôn khắc
khoải đi tìm hạnh phúc. Nếu hạnh phúc ở đời này thật quý giá, thì hạnh phúc vĩnh cửu
còn quý giá hơn gấp bội. Chúa Giê-su đã hé mở cho con người biết điều gì đưa đến hạnh
phúc thật. Tuy nhiên, đón nhận lời đề nghị của Ngài thật không dễ.
Thay vì
sợ cảnh nghèo, Chúa lại nói phúc cho người nghèo. Không phải phúc vì họ nghèo, nhưng
phúc vì họ có được Nước Trời. Người ta nghèo vật chất để có thể chia sẻ sự sung mãn
của Thiên Chúa. Người nghèo luôn có một vị trí đặc biệt trong Tin Mừng. Khi Gioan
sai các môn đệ đi hỏi Đức Giê-su có phải là Đấng phải đến, Ngài đã trả lời những dấu
chỉ với một loạt những đau khổ được giải thoát, và cuối cùng Ngài kết với câu: «Người
nghèo được nghe Tin Mừng» (Mt 11,5). Nghèo về vật chất là điều dễ nhìn thấy, nhưng
Chúa Giê-su còn đề nghị một kiểu nghèo dành cho cả người giàu: «tâm hồn nghèo khó».
Người ta không dễ để chấp nhận mình nghèo về vật chất, càng khó hơn để một người giàu
sống như một người nghèo. Tuy nhiên, điều ấy khó nhưng không phải là không thể đối
với những ai biết quý trọng Nước Trời.
Với những người sầu khổ, Chúa chúc phúc
cho họ. Chúa không chúc họ tiếp tục sầu khổ, nhưng Chúa chúc phúc cho họ vì họ có
niềm hy vọng. Niềm hy vọng này họ nhận được từ chính Thiên Chúa. Họ biết rằng, họ
sẽ vượt qua cơn sầu khổ nhờ bởi chính sự ủi an của Thiên Chúa. Trong cơn đau khổ mà
được ủi an thì thật có phúc. Nếu nhìn vào cảnh vui cười tự mãn nhưng vẫn chỉ một mình,
không ai chung chia niềm vui, thì với cơn đau khổ mà có người an ủi sẻ chia vẫn có
phúc hơn nhiều. Đau khổ trở nên duyên cớ để người ta được chính Thiên Chúa thân chinh
đến san sẻ ủi an.
Dù sao, trong những mối phúc của Chúa, có nhiều điều người
ta có thể hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên với lý do mà Chúa Giê-su đưa ra, thì việc
dễ chấp nhận theo tiêu chuẩn của con người vẫn chưa đủ để hưởng nếm trọn vẹn lời chúc
phúc. Người ta dễ đồng ý được chúc phúc với các tiêu chuẩn: hiền lành, khao khát nên
công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình. Nhưng nếu ai
muốn nhận phần thưởng tức thời cho những lời chúc phúc với những gì rất thực tế thì
họ thật dễ bỏ cuộc. Kết quả của lời chúc phúc toàn ở thì tương lai với những gì rất
trừu tượng. Nếu một người không tin vào cuộc sống đời sau, không tin vào đất hứa và
Nước Trời, thì những lời giải thích của Đức Giê-su trở nên vô nghĩa. Vì nếu chỉ dừng
lại ở sự hợp lý của con người, người ta không thể tiến xa hơn giới hạn của lòng kiên
nhẫn. Đến khi nào người ta dám chấp nhận đổi hết mọi sự để có được phần phúc Nước
Trời họ mới có thể cảm nếm được trọn vẹn phần thưởng mà các mối phúc ấy mang lại.
Điều này thể hiện rõ hơn khi họ đón nhận mối phúc thứ tám, và hơn thế nữa,
hân hoan hớn hở vì mối phúc thứ chín. Mối phúc thứ tám dành cho những người có lương
tâm ngay chính (bị bách hại vì sống công chính), còn mối phúc thứ chín dành cho những
người mang lương tâm ngay chính để theo Đức Giê-su (vì Thầy mà bị người ta thù ghét
và vu khống mọi điều xấu xa) . Được sống sung túc với một lương tâm thanh thản là
một điều đáng mơ ước. Nhưng nếu phải chọn lựa giữa lương tâm và sự sung túc thì người
muốn nhận lời chúc phúc phải dám nói lên sự xác tín chọn lựa từ chính lương tâm của
mình. Hơn thế nữa, là thành viên trong gia đình của Thiên Chúa, người ta không chỉ
chấp nhận những thiệt thòi vì bất đắt dĩ không thể thay thế, nhưng họ còn đón nhận
những thiệt thòi ấy trong sự hớn hở như một dịp may có một không hai trong đời họ.
Đơn giản chỉ vì họ được chia sẻ sứ mạng và số phận của chính Thầy của mình.
Những
mối phúc mà Chúa Giê-su đề nghị như lượt đồ của một Hiến Pháp mà chính Ngài đã thi
hành trong suốt cuộc đời của Ngài từ hang Bê-lem đến đồi Núi Sọ. Đây chính là Hiến
Pháp trong Nước của Ngài. Vì thế, Chúa đã không nói những điều này như một buổi tán
gẫu, nhưng Ngài tuyên bố một cách long trọng trong một khung cảnh đầy tính nghiêm
trang: «Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ lại gần bên và Người mở miệng
dạy họ.» Ngài đã đọc một bản tuyên ngôn không theo tiêu chuẩn của con người, nhưng
theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Ai muốn theo Thiên Chúa thì họ có thể tìm thấy trong
bản tuyên ngôn này những lời chỉ dẫn.
Và như thế, với những mối phúc này, Chúa
không khuyến khích người ta thụ động và sống ù lì. Ngược lại họ phải thể hiện sự năng
động trong chính nội tâm của mình. Nếu người ta không có nội lực với sự trợ giúp của
Thiên Chúa, họ không thể bước theo một lối sống tưởng chừng như dễ dàng. Qua lối sống
này, người ta không thể để sự ích kỷ và tư lợi chiếm lĩnh mình, ngược lại họ dấn thân
hết mình cho Thiên Chúa và cho đồng loại.
Những mối phúc của Chúa không dễ
hiểu và cũng không dễ đón nhận, nhưng đó là sự thật. Vì thế, mạc khải này không dành
cho những bậc khôn ngoan thông thái, nhưng dành trước hết cho những kẻ bé mọn và những
ai nhận mình có tâm hồn nghèo khó. Xin Chúa ban thêm ơn để những ai muốn thuộc về
Nước của những lời phúc thật được cảm nếm niềm vui giữa những thách đố trên đường
tìm về chân lý.