2010-11-16 16:57:54

Tâm thức phân chia giai cấp tại Ấn Độ


Phỏng vấn Linh Mục Vinayak Jadav, dòng Tên giáo sư văn chương và báo chí về cuộc kiểm kê dân số và việc kê khai giai cấp tại Ấn Độ

Từ tháng 4 năm 2010 cho tới tháng 9 năm 2011, hai triệu nhân viện của chính quyền Ấn Độ đang thực hiện một cuộc kiểm kê khổng lồ liên quan tới 1 tỷ 200 triệu dân toàn nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1931 khi Ấn Độ còn sống dưới quyền bảo hộ của Anh quốc, người dân được yêu cầu xác định cả giai cấp của mình nữa. Lý do được chính quyền đưa ra là để chống lại các bất bình đẳng xã hội một cách hữu hiệu hơn.

Tuy trên lý thuyết việc phân chia giai cấp đã chính thức được hủy bỏ, nhưng trên thực tế, trong tiềm thức và cung cách hành xử của người dân Ấn việc phân chia và kỳ thị giai cấp vẫn tiếp tục hiện diện và đè nặng trên cuộc sống của các giai cấp thấp kém hơn, đặc biệt là giai cấp cùng đinh.

Hiến Pháp của Ấn Độ độc lập năm 1950 đã chính thức loại bỏ việc phân chia giai cấp. Khoản 15 của Hiến Pháp cấm mọi kỳ thị dựa trên tôn giáo, chủng tộc, giai tầng xã hội, phái tính và nơi sinh trưởng. Và khoản 16 thiết định các cơ may đồng đều cho tất cả mọi công dân liên quan tới công ăn việc làm. Nhưng giữa hai cực đó là sự mập mờ và khuynh hướng xu thời.

Theo truyền thống, xã hội Ấn thường được chia thành 4 giai cấp: giai cấp cao nhất là ”Brahmani” gồm các tư tế, các người trí thức, các nhà chú giải các văn bản thánh, dậy dỗ và truyền thụ; giai cấp thứ hai là ”Kshatriya” gồm các nhà lãnh đạo quân sự, các chiến sĩ tức giới thượng lưu quân sự; giai cấp thứ ba là ”Vaishya” gồm các thương gia, các nông dân và các người chăn nuôi súc vật; giai cấp thứ tư là ”Shudra” gồm các người làm thủ công nghệ, đầy tớ và công nhân thợ thuyền. Thấp nhất trong bậc thang xã hội là các người ”ngoài giai cấp” thường được gọi là các người ”paria” hay ”không thể đụng tới”, vì các công việc ô uế và hèn hạ họ làm như thu dọn vệ sinh, chùi rửa cầu tiêu và chôn người chết. Hay những người đã vi phạm các luật lệ và mất các quyền xã hội và tôn giáo như thành phần của các giai cấp khác. Tuy nhiên, Mahatma Ganhdi, là người chống lại hệ thống phân chia giai cấp xã hội này, gọi họ là ”con cái của Thiên Chúa”. Ngày nay những người ”paria” này thích tự định nghĩa họ là ”dalit”, những người ”bị áp bức”.

Hệ thống phân chia giai cấp trên đây được biện minh bởi Kinh Rig Veda, là phần đầu của kinh điển Ấn giáo, theo đó giai cấp Brahmani cao nhất bắt nguồn từ đầu của thần tạo dựng Brahma, giai cấp Kshatiya và giai cấp Vaishya bắt nguồn từ hai cánh tay và hai chân của thần Brahma, trong khi giai cấp Shudra thấp nhất bắt nguồn từ hai chân của thần.

Tuy nhiên, trong dòng thời gian mỗi một giai tầng xã hội nói trên phân chia thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau, vì các lý do địa lý, lịch sử, chủng tộc và ngôn ngữ. Ngay từ năm 1931, tức cách đây 80 năm, trên toàn nước Ấn đã có khoảng 2.000 nhóm khác nhau. Sự kiện này cho thấy các giai tầng xã hội tại Ấn không phải là các khối thuần nhất, nhưng đa dạng; và các nhóm có các điều kiện sống rất khác nhau tùy theo vùng họ sinh sống.

Thật thế, các nghiên cứu mới nhất liên quan tới thế giới các giai cấp tại Ấn Độ chứng minh cho thấy ngày nay các bất bình đẳng xã hội tùy thuộc nơi mức độ phát triển của vùng miền, nhiều hơn là tùy thuộc giai tầng xã hội; nghĩa là chúng tùy thuộc các điều kiện liên quan tới việc giáo dục, sự thành thị hóa và công ăn việc làm.

Những người thuộc các giai cấp cao cộng tác với các người thuộc giai cấp thấp hơn trong quân đội, trong các tổ chức thương mại, hay họ chia sẻ các không gian và lợi ích trong các tổ chức giới trẻ. Nhưng không bao giờ một tư tế lại đi chôn người chết, hay một người dalit được phép chủ sự các lễ nghi tôn giáo. Tuy đã cố gắng nhiều, nhưng Đảng Quốc Đại do bà Sonia Gandhi lãnh đạo cũng đã không thành công trong việc hủy bỏ sự chia rẽ và tình trạng bất bình đẳng sâu xa này trong xã hội Ấn.

Các tôn giáo lớn đã luôn luôn chống lại việc phân chia giai cấp trong xã hội Ấn Độ, bắt đầu với Ấn giáo, rồi Phật giáo hồi thế kỷ thứ VI trước công nguyên, tiếp đến là với đạo Sikh hồi thế kỷ XVI, cho tới vài trào lưu cải cách thuộc thế kỷ XIX và XX. Trong khi các tôn giáo đến từ ngoài như Hồi giáo, bắt đầu hiện diện tại Ấn Độ hồi thế kỷ thứ X, hay Kitô giáo đã thu nhận hệ thống phân chia giai cấp xã hội phản ánh cái cứng nhắc của hệ thống giai tầng xã hội của Ấn giáo. Xem ra hệ thống này được củng cố, thích ứng và lý luận hóa theo các chiều hướng tương quan nghề nghiệp và khách hàng của thế kỷ XX.

Trong nhiều thập niên qua, Kitô giáo đã tranh đấu cho quyền của các anh chị em cùng đinh dalit kitô được trợ giúp, nhưng chính quyền Ấn Độ nhất quyết không chấp thuận, viện cớ là họ đã được các Giáo Hội kitô nâng đỡ rồi. Ông Shailendra Awale, người phối hợp tổ chức trợ trợ giúp xã hội của các Giáo Hội Tin Lành tại Ấn cho biết các kitô hữu ấn tự coi họ ngang hàng với người ấn thuộc giai cấp cao, nhưng cao hơn những người thuộc gia cấp thấp hơn. Việc tự phát theo Kitô giáo giúp người dalít ra khỏi các cột buộc truyền thống, nhưng lại khiến cho họ trở thành nạn nhân của bạo lực. Việc theo Kitô giáo thay đổi tùy từng vùng, và có các lý do kinh tế xã hội. Các thừa sai ngoại quốc đã trợ giúp vật chất tinh thần cho các anh chị em dalít, khiến cho họ có được nền giáo dục cao hơn. Các thế hệ sau này theo Kitô giáo vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt vì căn tính kitô mới mẻ giúp họ sống kinh nghiệm của phẩm giá và sự tự do của bản vị con người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Vinayak Jadav, dòng Tên, giáo sư văn chương và báo chí tại đại học Thánh Xaviê tỉnh Ahmedabad, về cuộc kiểm kê dân số và việc kê khai giai cấp tại Ấn Độ. Cha Jadav cũng là người thành lập nguyệt san nghiên cứu các bộ tộc ”Adilok” và là chuyên viên về vấn đề giai cấp trong xã hội Ấn.

Hỏi: Thưa cha, các giai tầng xã hội ảnh hưởng trên xã hội Ấn ngày nay như thế nào?

Đáp: Các biểu hiệu bên ngoài của hệ thống phân chia giai cấp tại Ấn Độ ngày nay không còn hiển nhiên như trước kia nữa, khi người ta còn tuân giữ các luật lệ cứng nhắc của việc kỳ thị. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại một cách tinh vi trong các thói quen kỳ thị giữa các giai tầng xã hội. Chẳng hạn, đường lối chính trị của chính quyền dành ưu tiên cho giai cấp xã hội chậm tiến hơn trong các tổ chức cao học hay công ăn việc làm trong vài lãnh vực công cộng, bị chống đối kịch liệt bởi các giai cấp cao hơn. Thế rồi không có ai trong giai cấp cao lập gia đình với một người thuộc giai cấp thấp hơn.

Hỏi: Thế còn tương quan giữa Kitô giáo và các giai cấp xã hội ấn thì sao thưa cha?

Đáp: Đức tin kitô được phổ biến giữa những người thuộc các giai cấp thấp hơn trong xã hội và những người ngoài giai cấp, vì Kitô giáo chủ trương thăng tiến phẩm giá và các quyền con người cũng như sự bình đẳng giữa tất cả mọi người trong Nước Chúa. Tuy nhiên, Kitô giáo cũng đã không hoàn toàn thành công trong việc nhổ tận gốc rễ tâm thức phân chia giai cấp này, là tâm thức đã ăn sâu trong não trạng truyền thống của đám đông. Các giai cấp cao hơn cho rằng tín hữu kitô bắt nguồn từ các giai tầng thấp kém hơn, và cả các người thuộc các giai cấp cao theo Kitô giáo vẫn cho rằng các anh chị em kitô thuộc các giai cấp thấp hơn không cao bằng họ. Và thật là điều đáng buồn phải ghi nhận rằng tại miền nam Ấn Độ, nơi hệ thống phân chia giai cấp có truyền thống khắt khe hơn, cả ngày nay nữa các anh chị em kitô thuộc các giai tầng thấp kém hơn vẫn tiếp tục bị kỳ thị trong các nhà thờ và cả ngoài nghĩa trang nữa. Khi trở thành tín hữu kitô, rất nhiều người đã cải tiến điều kiện kinh tế của họ, và trong một cách thế nào đó, họ đã leo cao hơn trên bậc thang xã hội, nhưng tâm thức phân chia giai cấp ăn rễ sâu trong nền văn hóa Ấn Độ đã không bị các giá trị kitô nhổ tận gốc rễ.

Hỏi: Thưa cha, các lời tín hữu ấn giáo tố cáo việc theo Kitô giáo làm nảy sinh ra các vụ bách hại kitô hữu, có giá trị nào và có đáng tin hay không?

Đáp: Phong trào theo Kitô giáo là kết qủa hoạt động của các thừa sai, ngay từ đầu đã bị coi như là một đe dọa đối với sự ổn định của xã hội có đa số dân theo Ấn giáo. Nhưng mà chỉ từ tiền bán thế kỷ XX, khi nảy sinh ra phong trào ”Rasthriya Swayamsevak Sangh” tức ”tổ chức ái quốc Ấn”, thì ý thức hệ ”một quốc gia, một tôn giáo, một nền văn hóa” mới bắt đầu lan tràn. Phong trào này dựa trên nỗi lo sợ Ấn giáo sẽ bị xóa bỏ tại ấn Độ, và coi các người không theo Ấn giáo đều là ”người ngoại quốc”, không xứng đáng thuộc vùng đất này. Đây là điều hoàn toàn vô lý, nhưng vẫn có người theo. Ngoài ra, còn có một đảng phái chính trị khác là Đảng Nhân Dân Ấn ”Bharatiya Janata” lấy lại các lợi lộc của ”Tổ chức ái quốc Ấn”, và tìm cách chia rẽ giữa những người theo Ấn giáo và những người không theo Ấn giáo, để tạo ra một nền tảng bầu cử có lợi cho các lãnh tụ của mình. Nó đã thành công một phần, nhưng đường lối chính trị chia rẽ đó đã dẫn đưa tới các bạo lực chống lại tín hữu hồi trong bang Gujarat, và chống lại tín hữu kitô trong bang Orissa.

Hỏi: Có thể hòa giải sự văn minh tiến bộ với tâm thức phân chia giai cấp hiện nay tại Ấn Đ hay không thưa cha?

Đáp: Không có xã hội nào có thể dựa trên một ý thức hệ thù hận và kỳ thị được. Như Mahatma Gandhi đã nói: ”các giai cấp xã hội là một vết nhơ nhục

nhã trên trán của Ấn Độ”. Một nền giáo dục tốt đẹp hơn cộng với các chân trời luôn rộng mở hơn, cả qua việc di cư nữa, từ từ sẽ khiến cho hệ thống phân chia và kỳ thị giai cấp bớt đè nặng hơn trên xã hội Ấn. Tuy nhiên, tệ nạn này vẫn tồn tại dưới các hình thức tinh vi hơn, nhưng không phải vì thế mà không mạnh mẽ trong tâm thức của người dân Ấn. Thật rất không may là đường lối chính trị của nhà nước Ấn dưỡng nuôi sự chia rẽ, và khiến cho việc nhổ tận gốc rễ hệ thống phân chia và kỳ thị giai cấp này trở thành khó khăn hơn. Và như thế trong khi xã hội Ấn Độ không thể cho phép mình có các giai cấp, thì một loại chính trị nào đó lại không thể cho phép mình không có các giai cấp đó!

(Avvenire 7-11-2010)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.