2010-11-03 10:52:39

Từ Một Lần Gặp Gỡ (3): GIỮ ĐẠO VỪA PHẢI
(Mc 10,17-22)


Các bạn trẻ thân mến,

Thường ít khi người ta dừng cuộc chơi khi đang trên bước đường thành công. Với sự cầu tiến, khi đạt được một điều tốt, người ta thường nghĩ đến một điều tốt hơn và cố gắng để đạt được nó. Có một anh thanh niên đang thành công mà mọi người và ngay cả chính anh đều nghĩ rằng anh sẽ tiếp tục thành công; tuy nhiên thật tiếc anh đã dừng cuộc chơi chỉ vì tiếc những cái đang có và không dám liều đi xa hơn. Đó là trường hợp của anh thanh niên giàu có muốn được nên hoàn thiện. Anh đã đến hỏi Đức Giê-su cách thế để đạt được điều đó. Anh đã thành công trong bước đầu hoàn thiện nhưng anh không dám “hoàn thiện hơn”, khiến Đức Giê-su cũng phải tiếc rẻ cho anh.

Gia nghiệp trên trời là điều anh thanh niên hằng mơ ước. Mơ ước này không chỉ xuất hiện khi anh đã đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng đây là điều anh ấp ủ và thực thi từ thuở nhỏ. Anh đã chủ động đến hỏi Đức Giê-su “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Anh tìm hỏi đúng người và nhận được đúng câu trả lời, câu trả lời mà ắt hẳn anh đã từng nghĩ tới:“chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Nhưng đối với anh, như thế vẫn chưa đủ, anh còn chờ đợi một điều gì đó vượt tầm hơn. Lý tưởng của anh thật đẹp đến nỗi Đức Giê-su nhìn anh và “đem lòng yêu mến”. Chỉ thật tiếc là anh muốn có một gia tài vĩnh cửu với một giá vừa phải, và nếu không có giá vừa phải thì anh từ bỏ gia tài đó. Đức Giê-su đã chỉ cho anh cách thức để đổi gia tài vĩnh cữu ấy với giá vừa phải, nhưng đối với anh nó không vừa phải chút nào!

Đức Giê-su mời anh “bán những gì anh có mà cho người nghèo” để được một “kho tàng trên trời”. Đối với Đức Giê-su, đây là một giá vừa phải để có được sự tự do với của cải, nhưng đối với anh thanh niên, đây là một giá quá đắt cho việc chi trả mang tính kinh tế. Trước lời mời gọi của Đức Giê-su, anh ta buồn rầu bỏ đi vì đối với anh tự do và hạnh phúc thật không lớn hơn của cải. Với cùng một đối tượng, nếu nó được nhìn ở những tiêu chuẩn khác nhau, nó sẽ được đánh giá khác nhau. Chính những tiêu chuẩn giúp người ta chọn cái nào và bỏ cái nào, điều quan trọng là: có phải tiêu chuẩn đó là tiêu chuẩn thật?

Anh thanh niên đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với Đức Giê-su, điều mà không phải ai cũng có được, nhưng cuối cùng chính Đức Giê-su cũng không làm gì được cho anh, ngoài sự tiếc rẻ. Đức Giê-su, Ngài chỉ có thể giúp anh định hướng con đường, còn về quyết định bước đi hay không thì thuộc về tự do của anh. Ngài cũng không thể thay anh quyết định và chọn thay cho anh một điều rất tốt. Ngài tôn trọng tự do của anh. Chính Ngài ban cho anh tự do để anh sống là một con người và một con Thiên Chúa.

Các bạn trẻ thân mến,
Đôi khi chúng ta muốn nên hoàn thiện, nhưng lại không muốn vươn xa hơn khỏi mức “vừa phải”. Đôi khi, nếu so sánh về những luật lệ phải giữ, có thể chúng ta thấy mình còn tốt hơn bao nhiêu người. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ nhìn xuống để tự mãn thì thật hổ thẹn, vì ngay cả chuyện thường ngày chúng ta cũng khó chấp nhận như thế. Huống chi, trên con đường hoàn thiện, chúng ta còn được mời gọi để đi xa hơn.

Khi chúng ta không khao khát nên hoàn thiện như một người con Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận một lối “giữ đạo vừa phải”: “giữ đạo vừa phải” với thánh lễ Chúa nhật vì bắt buộc, “giữ đạo vừa phải” với không nói dối, không ăn trộm ăn cắp, “giữ đạo vừa phải” với việc giữ cho khỏi phạm luật. Nhưng Chúa không chỉ mời chúng ta giữ cho khỏi phạm luật, như người ta hay nói: “để khỏi sa hoả ngục”. Không, Thiên Chúa không gọi chúng ta khỏi sa hỏa ngục, nhưng Thiên Chúa gọi chúng ta làm con cái Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa muốn chúng ta dấn thân nhiều hơn trong tư cách của những người con. Ắt hẳn Ngài biết là chúng ta sẽ có những vấp váp khi dấn thân, nhưng Ngài không ngại chúng ta vấp váp, Ngài chỉ ngại chúng ta đem chôn giấu thật kỹ những nén bạc Ngài ban.

Thánh Thần Thiên Chúa luôn hoạt động và gợi nên nơi chúng ta những ước muốn nên hoàn thiện. Ngài gợi hứng cho chúng ta, nhưng quan trọng vẫn là tự do của chính chúng ta. Ngài không ép và cũng không thể chọn thay cho chúng ta. Anh thanh niên đã được gợi hứng nhưng anh đã không chọn, nên Giê-su cũng chỉ có thể đứng nhìn và tiếc cho anh. Có bạn sinh viên nói rằng: “em cầu nguyện nhiều để xin Chúa cho đậu, mà sao vẫn cứ rớt.” Chúa đâu có cầm tay làm bài thi cho chúng ta, nếu thế đâu là tự do của chúng ta nữa. Ngài ban cho con người có khả năng, Ngài khơi dậy nơi họ nguồn động lực. Phần con người, chúng ta sử dụng tự do để chọn lựa và quyết định theo Ngài hay không.

Giê-su khuyến khích chúng ta lên đường bằng chính tự do của chúng ta. Gặp Ngài chúng ta được nâng đỡ, nhưng đồng thời Ngài cũng thách thức chúng ta đánh đổi như với anh thanh niên. Dám đánh đổi, chúng ta mới có thể cảm nhận được cuộc sống còn nhiều điều đẹp và quý giá hơn những gì mình đang có. Quả thật, chúng ta chỉ có thể dám đánh đổi, nếu chúng ta để Chúa lên hàng đầu trong cuộc đời chúng ta. Giữ đạo thôi chưa đủ, chúng ta còn được mời gọi để sống đạo và “trở nên hoàn thiện như cha anh em là Đấng Hoàn Thiện” (Mt 5, 48).
Lạy Chúa,
xin khơi dậy nơi con lòng khao khát nên hoàn thiện,
và ban thêm ân sủng cho con,
để con can đảm chỉ chọn Chúa mà thôi!
Xin cho con can đảm sử dụng tự do Chúa ban,
với cả trách nhiệm và lòng yêu mến,
để con được sống trọn phẩm giá là con người và là con Thiên Chúa,
để đời con chan chứa niềm vui.

Hà Thanh Bình







All the contents on this site are copyrighted ©.