2010-10-19 19:06:17

Một số vấn đề của các Giáo Hội công giáo vùng Trung Đông


Tóm tắt một số vấn đề chính đã được các Nghị Phụ phát biểu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông

Sáng thứ hai 18-10-2010, Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông đã xong được một nửa và nhóm phiên khoáng đại thứ XI dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương. Trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha, vị tổng tường trình viên, Đức Tổng Giám Mục Antonios Naguib, Thượng Phụ Alessandria của Giáo Hội công giáo Copte Ai Cập, và vị thư ký đặc biệt, Đức Cha Joseph Souef, Tổng Giám Mục Giáo Hội Công Giáo Melkít đảo Chypre, đã đúc kết các đề tài được các Nghị Phụ trình bầy trong các bài phát biểu tuần qua. Chúng liên quan tới sự hiện diện của các kitô hữu tại vùng Trung Đông, sự hiệp thông trong Giáo Hội và chứng tá kitô. Sau cùng là một bản 23 câu hỏi gợi ý để các Nghị Phụ thảo luận trong các phiên họp nhóm và đưa ra các đề nghị chung kết. Sau đây chúng tôi xin tóm tắt một số các đề tài chính của bản tường trình.

Trước hết là tầm quan trọng của Lời Chúa mạc khải sứ điệp cứu độ khiến cho mọi kitô hữu đều trở thành người loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu Kitô. Từ Giêrusalem Tin Mừng ấy đã lan rộng tại Đông Phương và được phổ biến bên Tây Phương, làm nảy sinh ra nhiều Giáo Hội khác nhau, nhưng hiệp nhất với nhau bởi Lời Chúa, các Bí Tích và giáo huấn của các Tông Đồ. Cần phải canh tân ý thức về sứ mệnh và lòng hăng say truyền giáo này bên trong các quốc gia vùng Trung Đông và ở cả nước ngoài.

Do đó, việc thành lập một Học viện đào tạo truyền giáo là điều nên làm. Đây là việc loan báo an bình, chứ không phải khuynh hướng chiêu dụ tín đồ. Chúa Giêsu xin các kitô hữu tươi vui làm chứng cho Tin Mừng của Ngài, chứ không thuyết phục người khác theo đạo. Vì tự do tôn giáo, tự do lương tâm và tự do theo đạo mình muốn là một trong các quyền căn bản của con người. Các phương tiện truyền thông là một dụng cụ rất quan trong, qúy báu và hữu hiệu đối với việc phổ biến sứ điệp tin mừng.

Trong vùng Trung Đông, tuy các kitô hữu chỉ là một thiểu số sống giữa đại đa số dân theo Hồi giáo, họ cũng là các công dân của của các xã hội này. Và họ góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương đất nước, vì thế phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Cần thăng tiến hệ thống chính trị xã hội dựa trên viêc tôn trọng con người và các quyền tự do gắn liền với phẩm giá con người, cũng như thừa nhận vai trò của tôn giáo trong cuộc sống công cộng và các giá trị luân lý. Nhưng để được như thế, các Giáo Hội cần phải thức tỉnh và khích lệ giáo dân mạnh dạn dấn thân hiện diện trong cuộc sống công cộng, hành chánh, trong các đảng phài dân chủ đa tín ngưỡng, làm sao để sự đóng góp của họ không thể thiếu được vì phẩm chất, sự hữu hiệu và khả năng phục vụ công ích cao của họ. Giáo huấn xã hội của Hội Thánh giúp các cộng đoàn kitô góp phần hữu hiệu cho việc xây dựng xã hội.

Tuy phải hy sinh rất nhiều, công tác giáo dục là môi trường hoạt động ưu tiên của các Giáo Hội vùng Trung Đông, và thường khi các cơ sở giáo dục này cũng có tính cách duy nhất đối với sự chung sống hòa bình và xây dựng, đại kết và liên tôn. Chúng thăng tiến và củng cố các giá trị tin mừng, nhân bản và các quyền con người, cũng như phát huy thái độ sống khoan nhượng, không bạo lực, tinh thần đối thoại, cởi mở, tình yêu thương và hòa bình. Vì thế cần phải duy trì các trường học, cao học và đại học công giáo bằng bất cứ giá nào.

Bên cạnh đó là các hoạt động bác ái, xã hội và y tế, phục vụ mọi thành phần xã hội và thăng tiến công ích.

Bản tường trình cũng nhắc tới các hậu qủa tiêu cực của tình hình chính trị xã hội bất ổn tại vùng Trung Đông trên cuộc sống của các kitô hữu. Các Nghị Phụ mạnh mẽ lên án bạo lực đến từ bất cứ phía nào, tỏ tình liên đới với người dân Palestine, và thỉnh cầu cộng đồng quốc tế chú ý tới tình trạng thê thảm của các kitô hữu tại Irak. Kể từ thập niên 1970 hiện tượng Hồi giáo chính trị, bao gồm nhiều hệ phái khác nhau, lan tràn tại Trung Đông, đặc hiệt trong thế giới A rập, và nó muốn áp đặt kiểu sống hồi giáo cho mọi công dân, đôi khi bằng bạo lực, khiến cho cuộc sống của các kitô hữu bị đe dọa nặmg nề, và gây ra làn sóng di cư làm cho mọi Giáo Hội rất âu lo.

Các lý do chính gây ra nạn hằng triệu người di cư là các tình trạng kinh tế chính trị tồi tệ, khuynh hướng hồi giáo qúa khích lan tràn, việc hạn chế các quyền tự do và bình đẳng, các xung khắc giữa người Israel và người Palestine và chiến tranh tại Irak. Di cư đông đảo nhất là giới trẻ, lớp trí thức, các chuyên viên và người khá giả, khiến cho Giáo Hội và đất nước mất đi các nhân lực và tài lực giá trị và nhiều khả năng nhất. Làn sóng di cư đã trở thành một hiện tượng chung đối với kitô hữu cũng như tín hữu hồi. Dĩ nhiên, di cư là một quyền tự nhiên của người dân, nhưng Giáo Hội có bổn phận khích lệ tín hữu ở lại như các chứng nhân, các tông đồ và người xây dựng hòa bình và thăng tiến thịnh vượng cho quê hương đất nước.

Mặt khác, các giới chức chính trị xã hội cũng cần thăng tiến các điều kiện dân chủ, hòa bình và phát triển làm sao để kitô hữu ở lại vùng Trung Đông.

Các Nghị Phụ cũng trải dài cái nhìn ra các cộng đoàn tín hữu sống ở nước ngoài như bên Hoa Kỳ, Đại dương châu, Australia và nhiều nước Âu châu và tỏ lòng biết ơn các Giáo Hội địa phương đã tiếp đón và trợ giúp họ. Các vị thỉnh cầu các Giáo Hội tiếp đón nâng đỡ họ tổ chức các cơ cấu riêng thích hợp như giáo xứ, trường học, các trung tâm gặp gỡ. Có thể chỉ định một vị Giám Quản Thượng phụ Đông Phương để phối hợp công tác mục vụ cho các tín hữu thuộc Giáo Hội của mình. Riêng đối với các anh chị em phi châu và á châu di cư sang Trung Đông, thường bị khai thác bóc lột, các Giáo Hội địa phương cũng phải cố gắng tiếp đón, đồng hành và trợ giúp họ trên bình diện nhân bản, tôn giáo và xã hội.

Các Nghị Phụ cũng đặc biết chú ý tới giới trẻ và chị em phụ nữ, là sức mạnh của hiện tại và tương lai của Giáo Hội và xã hội, cũng như các giáo dân và các thực tại mới trong cuộc sống giáo hội, giá trị đời đan tu và chiêm niệm cần được tái khám phá ra.

Tuy nhiên, để có thể làm được các điều đó, phải củng cố và sống sự hiệp thông: hiệp thông với Mầu nhiệm cái chết và sự sống lại của Chúa Kitộ, dựa trên sự hiệp thông giữa Thiên Chúa Ba Ngôi; hiệp thông với mầu nhiệm của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Sự hiệp thông này phải bắt đầu bên trong từng Giáo Hội địa phương một. Do đó, cần củng cố các cơ cấu hiệp thông trong Công Nghị của từng Giáo Hội, cụ thể như liên đới chia sẻ nhân lực, tài lực và của cải giữa các giáo phận với nhau, thiết lập các cơ cấu mục vụ chung: một đại chủng viện liên lễ nghi cho một nước, một kế hoạch mục vụ chung cho giới trẻ, cho việc dậy giáo lý, cho gia đình và các lãnh vực chung khác. Mời gọi các dòng tu và phong trào gốc tây phương làm việc tại Trung Đông dùng ngôn ngữ, lễ nghi và phụng vụ bản xứ trong khi thi hành sứ mệnh, và hội nhập hoàn toàn vào chương trình mục vụ chung.

Các cộng đoàn kitô phải hiệp nhất với nhau nhiều hơn và tránh óc riêng rẽ để có thể đưa ra các câu trả lời tích cực cho các thách đố lớn hiện nay. Cần khích lệ một cuộc họp định kỳ giữa các Giám Mục trong vùng để thiết lập đường hướng mục vụ chung cho toàn vùng.

Trên bình diện giáo phận cần củng cố sự hiệp thông giữa các Giám Mục với hàng giáo sĩ và giáo dân, thành lập các hội đồng mục vụ liên lễ nghi, đề cao vai trò của giáo dân nam nữ và sự tham dự của họ vào cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

Riêng đối với hàng giáo sĩ, cần nâng đỡ và củng cố các hiệp hội thân hữu và tu đức linh mục. Làm việc thừa tác theo nhóm tuy có nhiều khó khăn, nhưng có thể thực hiện được. Có Nghị Phụ đề nghị thành lập một ”nhà băng linh mục” hay ”Hiệp hội linh mục không biên giới” để luôn luôn có nhân lực sẵn sàng trợ giúp các nơi thiếu nhân lực. Điều này cũng có giá trị đối với giáo dân. Giáo dân và toàn thể Giáo Hội mong chờ nơi các chủ chăn và các tu sĩ nam nữ và các người có trách nhiệm mục vụ một cuộc sống triệt để sát với Tin Mừng hơn. Vì nếu không có sự giãi tỏa thánh thiện, cuộc sống và hoạt động của các vị sẽ cằn cỗi, không sinh hoa trái.

Đối với các dòng tu và các phong trào, các các chủ chăn có bổn phận tiếp đón, khích lệ, dưỡng nuôi tinh thần và hòa nhập họ vào cuộc sống và sứ mệnh của Giáo Hội, mà không cần phải sợ hãi hay gạt bỏ các thực tại mới trong Giáo Hội.

Trên bình diện đại kết, các Giáo Hội Kitô phải cố gắng chân thành thắng vượt các thành kiến để liên lạc với nhau và hiểu biết nhau nhiều hơn, hầu nhắm tới tự hiệp thông tràn đầy.

Có Nghị Phụ đề nghị cho các Thượng Phụ công giáo Đông Phương tham dự Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng, và suy tư về một hình thức mới của việc thực thi quyền ưu tiên, mà không gây thiệt hại cho sứ mệnh của Giám Mục Roma và lấy hứng từ các hình thức giáo hội của ngàn năm thứ nhất. Đề tài tế nhị này có thể được nghiên cứu bởi một ủy ban liên nghành, do chính Đức Thánh Cha thành lập. Có đề nghị thành lập ủy ban truyền thông trong Hội đồng các Thượng Phụ công giáo Đông Phương, thống nhất ngày lễ Giáng Sinh và Phục Sinh giữa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống.

Khuynh hướng tương đối hóa luân lý của xã hội tây phương đang khiến cho gia đình lâm nguy. Vì thế việc dậy giáo lý, bởi các giáo lý viên được đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng, rất quan trọng, làm sao để thông truyền giáo lý tinh tuyền toàn vẹn, và thăng tiến các gía trị luân lý xã hội giúp chống lại ảnh hưởng của các giáo phái. Cần tận dụng các phương tiện truyền thông cho công tác này, và đẩy mạnh việc đào tạo hàng ngũ giáo lý viên chuyên nghiệp. Ngoài ra cũng cần phải chú ý tới cuộc sống phụng vụ, săn sóc các nơi và vật dụng thờ phượng. Mặc dù nhiều Nghị Phụ ước mong, nhưng Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông đã không nói tới việc canh tân phụng vụ.

Trong tương quan với Do thái giáo, các Nghị Phụ khước từ khuynh hướng bài semít, bài do thái và việc giải thích một số câu trong Kinh Thánh để biện minh cho bạo lực. Các vị cầu mong giải pháp hai dân tộc hai quốc gia giúp chấm dứt các xung khắc giữa người Israel và người Palestine, và nhấn mạnh sự cần thiết đối thoại trên mọi bình diện.

Riêng đối với Hồi giáo, các Nghị Phụ nhấn mạnh sự ưu tiên của chứng tá thinh lặng đôi khi là phương thế duy nhất loan báo Nước Thiên Chúa. Các vị đề nghị nhìn những gì liên hết như sự thánh thiện của cuộc sống, và tránh mọi hành động khiêu khích. Các Nghị Phụ cầu mong nguyên tắc Coran ”Không cưỡng bách tôn giáo” được thực thi, vì tự do tôn giáo là nền tảng của các tương quan lành mạnh giữa các tín hữu kitô và hồi giáo. Vì thế tất cả mọi người đều phải thay đổi não trạng để thắng vượt khynh hướng chỉ đề cao tôn giáo của mình, và đương đầu với các vần đề chính trị xã hội, không phải như các quyền cần đòi hỏi cho các kitô hữu, nhưng như các quyền đại đồng của con người. Sau cùng các Nghị Phụ mời gọi tất cả mọi người đoàn kết thăng tiến thiện ích chung của xã hội để xây dựng một kinh thành của sự hiệp thông và cho một bình minh tươi sáng hơn cho vùng Trung Đông.

Bản tường trình kết thúc với 23 câu hỏi gợi ý về các đề tài đã được trình bầy để các Nghị Phụ thảo luận trong các cuộc họp nhóm và đưa ra các đề nghị cụ thể cho Thượng Hồi Đồng Giám Mục đặc biệt vùng Trung Đông.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.