2010-06-28 12:34:45

Liên Hiệp Quốc lèo lái thống kê phụ nữ chết trong khi sinh con


Phỏng vấn bà Susan Yoshihara, giám đốc nhóm nghiên cứu của Học viện Gia đình công giáo và Quyền con người Washington, về việc Liên Hiệp Quốc lèo lái các thống kê liên quan tới số phụ nữ chết khi sinh con

Trong số ra mới đây nguyệt san y khoa ”Lancet” của Anh quốc đã đăng kết qủa một cuộc nghiên cứu của các chuyên viên thuộc các đại học Washington Hoa Kỳ và Brisbane Australia, liên quan tới các vụ phụ nữ chết vì sinh con. Theo đó số phụ nữ bị thiệt mạng vì các khó khăn trong khi sinh con từ 526.300 người hồi năm 1980 đã giảm xuống còn 324.900 trong năm 2008. Tuy nhiên ông Richard Horton, giám đốc nguyệt san Lancet, mạnh mẽ tố cáo các áp lực nhằm ngăn chặn nguyệt san đăng tải kết qủa các nghiên cứu nói trên. Ông Horton đã không nêu danh tánh, nhưng cho biết là đại diện của tổ chức bảo vệ sức khỏe nữ giới lo lắng, vì việc phổ biến các thành công nói trên có thể gây thương tổn cho các vụ đầu tư trong lãnh vực này.

Thật ra, từ nhiều năm nay các tổ chức Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục sử dụng các thống kê sai lạc, không được cập nhật liên quan tới số phụ nữ bị chết trong khi sinh con, để chứng minh cho sự cần thiết phải ra luật cho phép tự do phá thai như là phương thế bảo đảm an toàn cho các bà mẹ. Tuy nhiên, các kết qủa do nguyệt san Lancet đưa ra phủ nhận lập luận này. Sự kiện số tử của các phụ nữ sinh con giảm mạnh là do các yếu tố khác như số thụ thai giảm tại một vài nước; lợi tức gia tăng giúp cải tiến hệ thống dinh dưỡng; việc săn sóc sức khỏe gia tăng; nền giáo dục nữ giới được cải tiến; có nhiều khả thể trợ giúp y khoa chuyên nghiệp hơn như số nhân viên y tế gia tăng, để trợ giúp nữ giới trong khi sinh con.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích số các bà mẹ chết khi sinh con tại 181 quốc gia trong thời gian từ 1980 tới 2008, và xử dụng tất cả các phương tiện và cơ cấu có được, để dựng lại lịch sử của từng quốc gia liên quan tới vấn đề này. Nói chung số phụ nữ chết khi sinh con từ 422 trên 100.000 vụ sinh sản lành mạnh năm 1980 giảm từ 320 vào năm 1990 xuống 251 vào năm 2008.

Trong thời gian 1990-2008 quần đảo Maldive đạt kết qủa cao nhất, vì số tử giảm 8,8%; trong khi tại Zimbabwe lại gia tăng 5.5%. Số tử của phụ nữ sinh con tệ hại nhất tại các quốc gia vùng nam sa mạc Sahara. Trong năm 2008 phân nửa số phụ nữ sinh con bị chết thuộc các nước: Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Afghanistan, Etiopia và Cộng hòa dân chủ Congo.

Tuy nhiên, tại Ấn Độ và Trung Quốc đã có các tiến triển khả quan. Hồi năm 1980 tại Ấn Độ cứ 100 ngàn vụ sinh thì có 677 phụ nữ bị thiệt mạng, nhưng năm 2008 chỉ còn có 254 người. Tại Trung Quốc trong cùng thời gian này số phụ nữ bị chết giảm từ 165 xuống còn 40.

Kết qủa cuộc nghiên cứu cũng cho thấy mỗi năm có 60.000 phụ nữ mang thai chết vì bệnh AIDS hay SIDA tại miền đông và miền nam Phi châu. Trong bản nghiên cứu đăng trên nguyệt san y khoa Lancet người ta không bao giờ nói tới phá thai, và đây là lý do khiến cho cuộc nghiên cứu đã gây ra tranh luận tại các quốc gia và tổ chức ủng hộ phá thai. Việc giảm 3 phần 4 số tử của phụ nữ sinh con giữa các năm 1990-2015 đã là một trong các mục tiêu phát triển của Ngàn năm mới được 191 quốc gia của Liên Hiệp Quốc ký nhận. Và cho tới nay con số nửa triệu phụ nữ thiệt mạng hằng năm khi sinh con đã được dùng để chứng minh cho sự cần thiết phải ra luật cho phép phá thai trong khuôn khổ chương trình ”làm mẹ an toàn”. Nhưng các kết qủa của nghiên cứu nói trên cho thấy đây chỉ là lý do ý thức hệ, mà không dựa trên các sự kiện hiển nhiên. Trái lại, việc cho tự do phá thai có thể khiến cho số các bà mẹ phải chết gia tăng. Đây đã là trường hợp của Hoa Kỳ, Canada và Na Uy: tại Hoa Kỳ giữa các năm 1990-2008 số các bà mẹ bị chết khi sinh con tăng từ 12 lên 17; trong khi tại Canada tăng từ 6 lên 7 vụ và tại Na Uy từ 7 lên 8 vụ. Italia hiện là quốc gia có số phụ nữ chết khi sinh con thấp nhất thế giới: 14 vụ năm 1980 giảm xuống còn 4 vụ năm 2008.

Nam Phi là trường hợp điển hình cho thấy luật cho phép phá thai khiến cho số các bà mẹ bị chết khi sinh con gia tăng. Năm 1980 cứ 100 ngàn phụ nữ sinh con thì có 208 người bị chết. Năm 1990 con số này giảm xuống còn 121. Nhưng kể từ khi Nam Phi du nhập luật cho phép tự do phá thai, số phụ nữ bị chết tăng lên 155 vụ trong năm 2000 và vọt lên 237 trong năm 2008. Trái lại, số phụ nữ chết khi sinh con rất thấp tại các nước hạn chế phá thai một cách nghiêm ngặt hay hoàn toàn cấm phá thai như bên châu Mỹ Latinh.

Tại Sri Lanka, là một trong các nước có luật cho phép phá thai hạn chế nhất thế giới, chỉ có 30 phụ nữ bị chết trên 100 ngàn vụ sinh con. Tại đảo Mauritius bên Phi châu trong các năm 1990-2008 số phụ nữ bị chết khi sinh con đã giảm 4 lần và 20 lần thấp hơn Etiopia là một quốc gia rất nghèo, nhưng là nơi chính quyền đã ra luật cho phép tự do phá thai vì bị áp lực quốc tế.

Vẫn theo kết qủa cuộc nghiên cứu nói trên, trong số các nước miền Nam châu Mỹ Latinh Chile là quốc gia ghi nhận các tiến triển tích cực nhất, từ 275 vụ năm 1969 giảm xuống còn 18,7 vụ năm 2000. Giáo sư Elard Koch thuộc phân khoa Y khoa đại học Chile, cho biết từ thập niên 1960 chính quyền Chile đã thăng tiến hệ thống săn sóc sức khỏe cho dân chúng, bằng cách đầu tư cho lãnh vực này qua việc đào tạo nhân viên y tế, xây cất các nhà thương và trung tâm săn sóc sức khỏe cho dân, song song với việc giáo dục sức khỏe.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn bà Susan Yoshihara, Phó chủ tịch nhóm nghiên cứu quốc tế kiêm Giám đốc Học viện Gia đình công giáo và Quyền con người Washington, về sự kiện Liên Hiệp Quốc lèo lái các thống kê liên quan tới số phụ nữ chết khi sinh con, nhằm bênh vực các đường lối chính trị chống sinh sản.

Trước khi giữ hai chức vụ nói trên bà Yoshihara đã theo học tại Đại học chiến tranh hải quân Hoa Kỳ và dậy môn quyết định an ninh quốc gia và tương quan quốc tế tại đại học này. Bà đã giữ chức đại tá chỉ huy các đơn vị thiết lập căn cứ tác chiến và các đơn vị tìm kiếm và cứu hộ trong Vịnh Thái Bình Dương và Vịnh Ba Tư, kiêm cố vấn cho vị chỉ huy Hạm đội Đại Tây Dương. Bà cũng đã từng làm việc cho văn phòng phó thư Ký Thương Mại quốc tế trong tư cách nhân viên của Tòa Bạch Ốc. Bà tốt nghiệp Đại học Hải quân Hoa Kỳ và đậu tiến sĩ về tương quan quốc tế tại đại học Tufts. Chồng bà là ông Toshi người Nhật. Hai người có một con gái và hiện sống tại Porstmouth, bang Rhode Island.

Tiến sĩ Susan Yoshihara chuyên nghiên cứu về các vấn đề can thiệp, nhân quyền và chủ thuyết nhân đạo trong lãnh vực pháp luật quốc tế và chính trị. Bà là tác giả cuốn sách tựa đề ”Lay động chiến tranh để kiến tạo hòa bình: sự can thiệp của Hoa Kỳ vào các cuộc xung đột toàn cầu”, cũng như nhiều bài viết liên quan tới các vấn đề kể trên, đặc biệt là việc bảo vệ quyền sống của các thai nhi. Bà đã mạnh mẽ tố cáo các Ủy ban Liên Hiệp Quốc xuyên tạc lèo lái các thống kê liên quan tới số phụ nữ bị chết khi sinh con để bênh vực các đường lối chính trị chống lại việc sinh sản.

Hỏi: Thưa bà Yoshihara, giám đốc nguyệt san y khoa Lancet cho biết ông đã bị các áp lực để không công bố kết qủa nghiên cuộc cứu liên quan tới số phụ nữ chết khi sinh con. Ai là người muốn dấu diếm các dữ kiện này trưc dư luận quốc tế, thưa bà?

Đáp: Nhiều người lắm, bắt đầu là các tổ chức cổ võ phá thai thuộc ”Liên hiệp quốc tế làm cha mẹ có chương trình” (International Planned Parenthood Federation) viết tắt là IPPF. Liên hiệp này bao gồm 40 tổ chức sức khỏe tính dục và sinh sản tại Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh và vùng quần đảo Caraibi.

Thế rồi còn có tổ chức phá thai ”Marie Stopes International” và các nhóm khác nữa. Các tổ chức này mỗi năm nhận hàng tỷ đô la từ các cơ quan của Liên HIệp Quốc và các hội nghị quốc tế dự trù cho năm nay. Ngoài ra còn có hội nghị của khối G8 bao gồm các cường quốc kinh tế thế giới, với cuộc tranh luận sôi nổi liên quan tới việc đưa đề tài phá thai vào trong chương trình nghị sự. Hoa Kỳ và Anh quốc đã gây áp lực rất mạnh trên chính quyền của thủ tướng Canada Harper để đưa phá thai vào trong chương nói về ”sức khỏe của người mẹ”. Cả các ủy ban khác nhau của Liên Hiệp Quốc cũng cố ý duy trì các dữ kiện cũ. Chẳng hạn như Ngân qũy Dân Số của Liên Hiệp Quốc, tiếp xúc chặt chẽ với các nhóm phá thai để thăng tiến việc ban hành luật cho phép phá thai và thực hành phá thai trên toàn thế giới.

Đó đã là kiểu hoạt động của tổ chức UNICEF, Ngân qũy Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc, cũng như của Tổ chức sức khỏe thế giới OMS, và Ngân hàng quốc tế, để khẳng định rằng cần phải ra luật cho phép phá thai, hay khiến cho việc ”phá thai được an toàn” như các tổ chức này thường nói, để giảm số tử vong của các bà mẹ sinh con. Do đó, tất cả các tổ chức này đều là thành phần của ”Ủy ban sức khỏe các bà mẹ, Sơ sinh và Trẻ em” của Liên Hiệp Quốc. Ủy ban này sắp công bố các thống kê về sức khỏe của các bà mẹ, nhưng vẫn dùng các dữ kiện cũ. Vì thế họ cố ý không để cho nguyệt san y khoa Lancet công bố các nghiên cứu trước bản tường trình của họ.

Hỏi: Thưa bà, nếu các dự kiện cũ của Liên Hiệp Quốc sai lầm một cách hiển nhiên như vậy, tại sao các tổ chức quốc tế lại nhấn manh trên các sai lầm đó t bao nhiêu năm nay? H làm như thế để làm gì?

Đáp: Nguồn gốc các sai lầm đó là kiểu tìm hiểu vấn đề trong quan điểm ý thức hệ, hay khuynh hướng cố ý chứng minh sự cần thiết của việc đưa ra luật cho phép phá thai. Việc nghiên cứu mới này dùng một phương pháp nghiên cứu đúng đắn hơn, và các kết qủa khác nhau một cách rất ý nghĩa. Ngoài ra người ta không bao giờ nói tới phá thai hay kế hoạch hóa gia đình. Nhưng cả trong các bản tường trình của mình các ủy ban của Liên Hiệp Quốc cũng nói tới tính cách không đáng tin cậy của các dữ kiện do chính họ đưa ra. Thí dụ bản tường trình năm 2009 của tổ chức UNICEF thừa nhận rằng có ít nhất một phần ba các thống kê đưa ra đáng bị thảo luận. Mặc dầu vậy, tổ chức vẫn tiếp tục dùng các thống kê đó để thăng tiến việc kế hoạch hóa gia đình. Các giới hữu trách Liên Hiệp Quốc phải nhận ra việc sử dụng các nguồn tin không đúng đắn này do các chính quyền cung cấp.

Hỏi: Thưa bà Yoshihara, bà đã nhiều lần tố cáo Liên Hiệp Âu châu và Hoa Kỳ gây áp lực trên các tổ chức của Liên Hiệp Quốc nhằm hợp thức hóa việc phá thai trên thế giới, có đúng vậy không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Liên Hiệp Âu châu rõ ràng ủng hộ việc ra luật cho phép phá thai, và cũng dùng các thống kê sai lầm của Liên Hiệp Quốc để làm điều đó. Trong hội nghị của tổ chức Sức khỏe thế giới OMS, là cơ quan quyết định các đường lối chính trị của Liên Hiệp Quốc trong lãnh vực này, các quốc gia tây âu đã bắt đầu đề nghị coi việc phá thai như là một phần của ”sức khỏe của người mẹ”, ngang hàng với việc cho tự do phá thai trong nước họ. Còn tại Hoa Kỳ thì nó tùy thuộc chính quyền đương nhiệm. Họ đã đề nghị luật phá thai với tổng thống Bill Clinton, giờ đây chính quyền của tổng thống Barack Obama xem ra muốn theo đuổi mục tiêu này một cách còn có hệ thống hơn nữa, vì đã quyết định bỏ ra ngân khoản 63 tỷ mỹ kim cho việc săn sóc sức khoẻ toàn diện, nhưng đã khiến cho vấn đề sức khoẻ sinh sản trở thành tảng đá góc của ngân qũy. Như tôi đã nói, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu đang gây áp lực rất mạnh trên Canada để đưa phá thai vào trong chương đề cập tới sức khỏe của các bà mẹ trong hội nghị thượng đỉnh tới đây của khối G8.

(Avvenire 25-5-2010)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.