2010-06-14 12:11:12

Kết thúc Năm Linh Mục


Phỏng vấn Đức Cha Francesco Lambiasi, Tân chủ tịch Ủy ban giáo sĩ của Hội Đồng Giám Mục Italia, về việc kết thúc Năm Linh Mục

Chúa Nhật 6-6-2010 lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô, một số giáo phận tại Italia đã cử hành ngày kết thúc Năm Linh Mục. Mục đích cũng là để cho các linh mục có thể về Roma tham dự Đại hội quốc tế linh mục chấm dứt Năn Linh Mục với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Chẳng hạn tại Arezzo, lúc 9 giờ tối Đức Cha Riccardo Fontana, Tổng Giám Mục sở tại, đã chủ sự thánh lễ đồng tế tại nhà thờ chímh tòa, tiếp sau đó là cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể qua các đường phố trung tâm thành phố, và sau cùng là buổi chầu Phép Lành trước trụ sở của Huynh đoàn Thương Xót, là tổ chức bác ái cổ xưa nhất của vùng này. Đức Cha Fontana nói: ”Với cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa các linh mục muốn cùng Chúa Giêsu Thánh Thể ôm trọn thành phố Arezzo vào lòng. Thánh Thể là suối nguồn và là tột đỉnh cuộc sống và sứ mệnh linh mục của các vị. Đồng thời các linh mục cũng được mời gọi diển tả tình bác ái của chính Chúa Giêsu đối với tất cả mọi người”.

Trong Năm Linh Mục, Đức Cha Antonio Staglianò, Giám Mục giáo phận Noto, đã công bố ba bức thư mục vụ để chia sẻ kinh nghiệm với các linh mục của mình. Hồi tháng 6 năm 2009 thư mục vụ thứ nhất tựa đề ”Vị mục tử tốt lành dâng hiến mạng sống mình. Các linh mục say mê Thiên Chúa để phục vụ vẻ đẹp của con người”. Vào tháng giêng năm 2010 lá thư mục vụ thứ hai mang tựa đề: ”Nếu các con có tình yêu thương thì họ sẽ biết. Chì có sự hiệp thông mới khiến cho chúng ta đáng tin cậy”. Và lá thư thứ ba tựa đề: ”Như các dây của đàn huyền cầm. Mỗi người trong chung ta hãy tập làm thành ca đoàn”.

Đức Cha Antonio Staglianò nhấn mạnh sự hiệp thông của hàng linh mục chung quanh vị Giám Mục là yếu tố nòng cốt cho việc làm chứng cho sự hòa hợp tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, một sự hòa hơp cần được trải dài, loan báo, chứng minh và tường thuật. Đây là điều cần thiết đặc biệt trong một thế giới bị thống trị bởi các khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa và các xung khắc, trong đó tâm thức tiêu thụ và thương mại lan tràn, trong đó con người bị giản lược thành các cái miệng chỉ biết ăn hay các túi tiêu tiền, trong đó sự quyến rũ thay thế chỗ của việc giáo dục. Trong bối cảnh này, sự hiệp thông trong Giáo Hội có nghĩa là lo lắng cho người khác. Theo Đức Cha Staglianò cần phải đẩy mạnh chiều kích mục vụ giáo xứ, làm sao để cho tình hiệp thông đó trở thành thực tại sống động của cuộc sống giáo xứ, tái rao truyền Tin Mừng cho giáo xứ, thực hiện các công tác bác ái và thăng tiến ơn gọi.

Ngoài ra trong các ngày từ 14 đến 17-6-2010 Liên hiệp tông đồ giáo sĩ Italia cũng triệu tập đại hội tại Assisi, để bầu ban tân chủ tịch, nghiên cứu các đường nét hoạt động cho nhiệm kỳ 3 năm tới, chuẩn bị lễ kỷ niệm 150 năm thành lập, phê chuẩn đề tài các cuộc gặp gỡ quốc gia và vùng miền.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini, Tân chủ tịch Ủy ban giáo sĩ của Hội Đồng Giám Mục Italia, về việc kết thúc Năm Linh Mục.

Hỏi: Thưa Đức Cha, có thể rút tỉa ra các chỉ dẫn nào từ sáng kiến cử hành Năm Linh Mc, do Đức Thánh Cha Biển Đc XVI đớng cho toàn thể Giáo Hội?

Đáp: Trên hết là sứ điệp thần học liên quan tới các thừa tác viên được truyền chức. Đối với chức linh mục tương quan với Chúa Kitô và Giáo Hội là điều nền tảng. Nhiệm vụ được Giáo Hội giao phó cho các chủ chăn chính là đại diện cho Chủ Chăn duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. Linh mục chỉ là người đại diện cho một người vắng mặt: thật ra Chúa Kitô không lẩn trốn và Giáo Hội cũng không phải là một tòa trống từ 2.000 năm nay. Chúa Kitô không bao giờ vắng mặt trong Giáo Hội, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói trong buổi tiếp kiến chung tín hữu và du khách hành hương ngày thứ tư 14-4-2010: Giáo Hội là Thân Mình sống động của Ngài và Chúa Kitô là Đầu của Giáo Hội. Ngài hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội. Việc truyền chức khiến cho các linh mục trở thành các người đại diện ”không thể thay thế được”, nhưng không thay thế Chúa Kitô Mục Tử.

Hỏi: Đc Thánh Cha đã giới thiệu Cha Sở Thánh họ Ars như là mu gương của các linh mục. Nhưng mà trên gương mặt của thánh Giaon Maria Vianney có lẽ đã có một lớp dầu đánh bóng che dấu gương mặt thật của người... Có phải thế không, thưa Đức Cha?

Đáp: Có một sự trùng hợp giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và thánh Gioan Maria Vianney: đó là việc nhấn mạnh trên sự sám hối, được hiểu như là nỗ lực hoán cải liên lỉ. Cha Sở Thánh họ Ars đã là một mẫu gương hơi lỗi thời liên quan tới các khía cạnh bề ngoài và phụ thuộc bên lề, nhưng vẫn phong phú đối với các linh mục của ngàn năm thứ ba. Căn cước chủ chăn của thánh nhân làm chứng điều đó: người đã hoàn toàn tươi vui phó dâng cuộc sống mình cho Mục Tử tối cao, nhưng chắc chắn không phải cho một chương trình hiện thực chính mình. Tham vọng duy nhất hợp pháp đối với một linh mục đó là tự xóa bỏ mình và hoàn toàn biến mất đàng sau Chúa duy nhất của mình, đến độ hoàn toàn đồng hình dạng với Người. Tóm lại, Cha Sở Thánh họ Ars là một mẫu gương thành công của con người và của linh mục, mà ngày nay chúng ta được mời gọi bắt chước, trong các hoàn cảnh khác nhau và phức tạp mà chúng ta phải đương đầu.

Hỏi: Thưa Đc Cha, trong Năm Linh Mc này ngưi ta đã nói nhiều về tình trạng sống hiện nay của các linh mục, về một sự mệt mỏi nào đó mà nhiều linh mục gặp phải, vì các vị bị áp lực của qúa nhiều các đòi hỏi và chờ mong. Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Trong xã hội đang trải qua nhiều chuyện phức tạp như ngày nay, nhiều khi người ta lầm lẫn linh mục với một nhân viên xã hội hay một nhà tâm lý. Cộng đoàn đòi hỏi nơi vị linh mục nhiều điều lắm, nhưng điều này không được khiến cho chúng ta quên rằng ơn gọi và sứ mệnh đầu tiên của linh mục là ơn gọi và sứ mệnh là chủ chăn. Ngoài ra, vị linh mục - cả khi có là cha xứ đi nữa - cũng không thể nghĩ là mình có thể làm mọi sự hay có thể đương đầu với bất cứ tình trạng nào: một linh mục làm mọi sự có nguy cơ chỉ là ”linh mục một nửa”. Nếu linh mục thay thế các giáo dân, thì ngăn cản họ trưởng thành.

Hỏi: Sự kiện ơn gọi giảm sút cũng là một hiện tưng đã xảy ra từ nhiều năm qua. Đây có phải là một tình trạng cấp thiết cần được lấp đy hay không thưa Đức Cha?

Đáp: Số ơn gọi giảm sút rõ ràng, nhưng điều này không có nghĩa là tình hình mầu hồng với con số đông đảo ơn gọi của các thập niên 1940-1950 trong thế kỷ vừa qua là điều tối hảo. Ngoài ra sự giảm thiểu ơn gọi không phải là một hiện tượng một chiều. Chẳng hạn như tại đại chủng viện Anagni người ta ghi nhận khuynh hướng ngược lại, vì hiện nay có 70 chủng sinh theo học, nghĩa là đông gấp đôi so với cách đây 15 năm. Tại những nơi nào số linh mục giảm, thì công việc đổ trên vai của các linh mục già yếu hơn, và tinh trạng này tạo ra sự mệt mỏi và căng thẳng. Nhưng rất may là Chúa Thánh Thần vẫn khơi dậy nơi biết bao nhiêu linh mục sự sẵn sàng để cho mình phải vất vả, vì lợi ích của các cộng đoàn và các linh hồn.

Hỏi: Thưa Đức Cha, có một vấn đề tế nhị và đau đớn đã nảy sinh ngay trong Năm Linh Mc này, đó là trường hợp một vài giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ em... Đức Cha nghĩ gì về vấn đề này?

Đáp: Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nói lên hai tiếng không. Không đối với mọi giảm thiểu hời hợt và thiếu tinh thần trách nhiệm đối với hiện tượng này. Ngay cả khi chỉ có một nạn nhân của tệ nạn lạm dụng tính dục trẻ em đi nữa cũng phải khiến cho chúng ta khóc và chảy máu mắt, và phải đòi hòi sự sửa chữa công bằng. Tiếng không thứ hai cần phải nói lên đó là không đối với mọi mưu toan tổng quát hóa vấn đề: không được vì tội phạm của một vài người sống đời thánh hiến, mà quên đi tất cả điều thiện, mà đa số các linh mục hằng ngày tuôn đổ một cách nhưng không xuống trên Giáo Hội và trên thế giới.

Hỏi: Có người cầu mong Giáo Hội thành lập một Ủy ban Giám Mục để giải quyết vấn đ này. Riêng Đức Cha thì Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Cần phải làm tất cả những gì cần thiết và thích hợp để đưa ra ánh sáng các vụ giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Nhưng đã có các chỉ dẫn do Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra. Các chỉ dẫn đó là một xác định và tái đề nghị những gì đã được đưa ra từ nhiều năm nay. Do đó cho tới nay các Giám Mục Italia đã thấy rằng không cần phải đưa ra các sáng kiến đặc biệt nào khác, bởi vì các vị thấy rằng các đường hướng đó đã là câu trả lời uy tín và cụ thể nhất có thể giúp định hướng trong lý thuyết và cụ thể trước các trường hợp thê thảm loại này.

Hỏi: Đức Cha có nghĩ tới việc kiểm soát các linh mục tương lai một cách nghiêm ngặt hơn hay không?

Đáp: Cần phải phân định tất cả những gì có thể đối với các ứng sinh của chức linh mục, là thừa tác mà Giáo Hội giao phó cho người đã lựa chọn Thiên Chúa là tất cả của cuộc đời mình. Vì thế khi thích hợp, cần phải nói lên các tiếng không rõ ràng và cương quyết đối với các ứng sinh nào không hội đủ điều kiện để bắt đầu con đường dấn thân này. Trên bình diện này, năm dự bị gia nhập chủng viện có thể là thời gian định đoạt nền tảng cho việc phân định đầu tiên. Đây là việc đòi hỏi phải có sự cộng tác giữa các chủng sinh và các giáo phận liên hệ. Không được phạm tội hời hợt, chiếu lệ, bởi vì tình yêu thương cứu độ thế giới của Chúa Giêsu đi qua đôi bàn tay của vị linh mục.

(Avvenire 2-6-2010)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.