2010-04-06 16:44:45

Lễ giỗ 5 năm Đức Gioan Phaolô II


Phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Caracovia về tính cách thời sự của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và tiến trình phong chân phước cho Đấng Đáng Kính

Ngày 29-3-2010 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cử hành lễ giỗ 5 năm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, qua đời ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005. Lễ giỗ đã được cử hành sớm vài ngày, vì năm nay mùng 2 tháng 4 trùng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Từ 5 năm qua tín hữu Ba Lan đã đều đặn tổ chức và tham dự các lễ nghi tưởng niệm vị Giáo Hoàng đã hướng dẫn đất nước Ba Lan tới tự do và phẩm giá. Theo kết qủa một cuộc thăm dò mới đây có tới 54% dân Ba Lan coi lễ giỗ Đức Gioan Phaolô II quan trọng hơn lễ Quốc Khánh Ba Lan mừng vào ngày 11 tháng 11. Ông Piotr Zuchniewicz, nhà báo kiêm nhà văn, cho rằng điều ban đầu chỉ là tâm tình khâm phục đối với Đức Gioan Phaolô II dần dần với thời gian qua đi đã được đào sâu hơn. Dân chúng muốn hiểu biết con người và các công trình của Đức Gioan Phaolô II, chứ không chỉ bằng lòng với các giai thoại và kỷ niệm về người. Ông Zuchniewicz đã là người thu thập các câu chuyện và các chứng từ về ơn lạ dân chúng nhận được qua lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II và cho in thành sách tựa đề ”Các phép lạ của Đức Gioan Phaolô II”. Tuy Đức Gioan Phaolô II chưa được phong chân phước, nhưng tín hữu Ba Lan đã tôn kính người như một vị thánh.

Ông Pawel Gierech, giáo sư xã hội học cho rằng đây là một điều hiển nhiên được mọi người thừa nhận. Nhưng không có một sự cuồng loạn nào cũng không có sự nôn nóng chờ đợi thái qúa nào. Chỉ có các phương tiện truyền thông đã bịa ra những dữ kiện tưởng tượng, rồi khi thấy không có điều gì xảy ra, nên nói tới sự chậm trễ và các bất trắc giật gân để duy trì sự chú ý của dân chúng, thế thôi. Giáo sư Pawel hiện là giám đốc văn phòng nghiên cứu của ”Trung tâm tư tưởng Gioan Phaolô II”, là một tổ chức văn hóa do chính tòa thị sảnh Varsava thành lập năm 2006. Nó không chỉ là một trung tâm nghiên cứu mà còn là nơi gặp gỡ của tất cả những ai muốn hiểu biết gia tài do Đức Gioan Phaolô II để lại cho hậu thế. Giáo sư Piotr Dardzinski, giám đốc Trung Tâm cho biết các sinh viên và các giáo sự dấn thân phổ biến tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II lấy làm khẩu hiệu, một câu mà Đức Thánh Cha đã nói trong chuyến công du Ba Lan sau khi chế độ cộng sản sụp đổ: ”Đừng dập tắt Chúa Thánh Thần”. Điều mọi người đều thâm tín không phải là hình ảnh của người, mà là giáo huấn và chứng tá cuộc sống đức tin của người. Toàn bút tích của Đức Gioan Phaolô II đang được in thành các tập nhỏ cho ra hằng tuần và lên tới 50.000 ấn bản mỗi lần.

Vào ngày Chúa Nhật Thương Xót 11 tháng 4 tới này, tín hữu toàn nước Ba Lan sẽ bắt đầu làm tuần cửu nhật cho lễ phong chân chước cho Đức Gioan Phaolô II. Ngoài ra trong vòng 9 tháng tới đây toàn dân Ba Lan được mời gọi suy tư về các khía cạnh quan trọng nhất trong triều đại giáo hoàng của người, bằng cách đọc và suy tư về các diễn văn người đã nói trong 9 lần viếng thăm Ba Lan.

Karol Wojtila sinh năm 1920 và là con trai út của ông Karol Wojtila và bà Emilia Kaczorowska. Thụ phong Linh Mục năm 1946 cha làm tuyên úy sinh viên đại học cho tới năm 1951, rồi làm giáo sư Thần học luân lý và Đạo đức tại đại chủng viện Cracovia và phân khoa thần học Lublin. Năm 1959 Đức Giáo Hoàng Pio XII chỉ định cha Karol làm Giám Mục giáo phận Ombi. Năm 1964 Đức Cha Karol Wojtila được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chỉ định làm Tổng Giám Mục Cracovia. Đức Cha Karol Wojtila tham dự Công Đồng Chung Vaticăng II và góp phần vào việc soạn thảo Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng. Năm 1968 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vinh thăng người làm Hồng Y và ngày 16 tháng 10 năm 1978 người được bầu làm Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã hoàn thành 104 chuyến công du mục vụ ngoài Italia và 146 chuyến viêng thăm mục vụ trong nước Italia. Trong số rất nhiều tài liệu của người có 14 Thông Điệp. Đức Gioan Phaolô II qua đời lúc 21 giờ 37 phút ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005 sau 27 năm làm Giáo Hoàng. Ngày mùng 2 tháng 4 năm 2007 người được gọi là tôi tớ Chúa và ngày mùng 19 tháng 12 năm 2009 được tuyên bố là Đấng Đáng Kính.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Caracovia, Bí thư riêng của Đức Gioan Phaolô II trong 40 năm, về lễ giỗ thứ 5 và tính cách thời sự của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, trong thánh lễ an táng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có một hình ảnh đã đập vào mắt hàng triệu tín hữu tham dự thánh lễ tại Roma cũng như hàng trăm triệu tín hữu theo dõi thánh lễ trên đài truyền hình thế giới và trở thành hình ảnh không quên đưc: đó là cun sách Phúc âm đặt trên quan tài của Đức Gioan Phaolô II bị gió lật hết trang này sang trang khác, lật lui lật tới, rồi sau cùng đóng li. Nó tưng trưng cho tinh thần của triều đại của Đc Wojtila. Năm năm sau khi Đc Gioan Phaolô II qua đời có còn lại gì không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Cảnh tín hữu hằng ngày đứng xếp hàng dài để viếng mộ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn tiếp tục không chấm dứt. Mộ của người đã trở thành mục tiêu của một cuộc hành hương liên tục. Khi đi đó đây trên thế giới, tôi nhận thấy gương mặt của người vẫn sống động: dân chúng muốn nghe nói về người và muốn đào sâu giáo huấn của người. Dĩ nhiên là lịch sử tiếp tục tiến bước, và tín hữu trân trọng qúy mến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhưng họ không quên vị tiền nhiệm của người.

Hỏi: Trong lễ giỗ 5 năm ngày Đc Gioan Phaolô II qua đi, đâu là hình ảnh hay trở lại trong tâm trí của Đức Hồng Y nhất?

Đáp: Năm nay lễ giỗ có một ý nghĩa đặc biệt vì trùng với ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Và chúng ta nghĩ ngay tới buổi đi đàng Thánh Giá cuối cùng mà Đức Gioan Phaolô II đã không thể tham dự được, nhưng người theo dõi từ nhà nguyện riêng. Người hướng mắt về hí trường Colosseo và kết hợp với đám đông tín hữu tham dự buổi đi đàng Thánh Giá tại đây. Mọi người đều trông thấy Đức Gioan Phaolô II trên màn truyền hình, từ phía sau lưng, người gập xuống vì đau đớn, nhưng đắm chìm trong lời cầu nguyện. Và tất cả đều hiểu rằng người đang hiến dâng nỗi khổ đau của người và kết hiệp với nỗi khổ đau của Chúa Kitô. Buổi đi đàng Thánh Giá cuối cùng đó tóm gọn toàn cuộc sống và toàn sứ vụ của người. Đức Gioan Phaolô II đã bắt đầu chức thừa tác chủ chăn của người bằng lời mời gọi mở toang cánh cửa cho Chúa Kitô và kết thúc sứ vụ đó bằng cách mở các cánh cửa của thế giới ra cho Chúa Kitô chịu đóng đinh. Chúng ta phải suy tư trở lại sự kiện này, đặc biệt là ngày nay, trong lúc Giáo Hội đang sống một nỗi khổ đau sâu xa.

Hỏi: Đức Hồng Y muốn ám chỉ các vụ giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ em có phải vậy không?

Đáp: Phải. Khi trường hợp này bùng nổ bên Hoa Kỳ trong các năm đầu của năm 2.000 Đức Gioan Phaolô II đã đương đầu với vấn đề với tất cả sự cương quyết, và người đã làm tất cả những gì có thể làm được để cộng tác với các giới chức tư pháp dân sự. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng theo cùng đường hướng đó, và lá thư người gửi cho hàng Giám Mục Ai Len là một câu trả lời mạnh mẽ, can đam và hữu hiệu cho tệ nạn này. Chúng ta phải trả lại công lý cho các nạn nhân, cả khi đó là trường hợp đã xảy ra trong qúa khứ. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải bênh vực hình ảnh của Giáo Hội, bị tấn kích một cách tàn bạo và vô lý đến độ lôi kéo cả chính Đức Thánh Cha vào đó nữa. Tôi thấy có sự song song nào đó với điều xảy ra tại Ba Lan cách đây ba năm.

Hỏi: Đức Hồng Y có ý nói tới vụ Đức Tổng Giám Mục Wielgus và các tranh luận theo sau vụ này có phải thế không?

Đáp: Vâng. Đã xảy ra một trận bão do các phương tiện truyền thông gây ra cho Giáo Hội, với các lời tố cáo các Giám Mục và linh mục cộng tác với chế độ cộng sản. Hàng Giám Mục Ba Lan đã hướng dẫn một cuộc điều tra nghiêm chỉnh, và sau cùng đã xác nhận rằng các trường hợp cộng tác đã rất là ít, và danh dự của Giáo Hội đã được tái lập. Tôi chắc chắn đây cũng sẽ là điều xảy ra sau sự chứng minh của các ngày này.

Hỏi: Người ta tiếp tục cho ra các sách về Đức Gioan Phaolô II, với nhiều giai thoại và kỷ niệm, làm như thể có một cuộc thi đua giữa các tác giả đã từng biết và sống gần Đc Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Đã luôn luôn xảy ra là chung quanh các nhân vật quan trọng nảy sinh ra các truyền thuyết. Nói cho cùng thì chúng cũng là một chứng tá của tình yêu thương qúy mến và gắn bó với Đức Gioan Phaolô II.

Hỏi: Đức Hồng Y lưng định các truyền thuyết ấy như thế nào?

Đáp: Tôi coi chúng như là loại hạnh các thánh giống như hạnh thánh Phanxicô thành Assisi. Trong trường hợp ở đây là hạnh Đức Gioan Phaolô II.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y có thật là Đức Gioan Phaolô II hãm mình đánh xác hay không?
 
Đáp: Riêng cá nhân tôi thì tôi không thể xác nhận cũng không thể phủ nhận. Tuy nhiên tôi không loại bỏ điều đó. Đức Gioan Phaolô II đã luôn luôn rất nhiệm nhặt đối với chính mình: người ăn chay sám hối trong Mùa Chay và trong các dịp khác nữa, chẳng hạn như trước các lần phong chức cho các Giám Mục. Thói quen khổ hạnh này đã là sức mạnh dấu ẩn trong chức thừa tác chủ chăn của người.

Hỏi: Người ta nôn nóng chờ đợi lễ phong chân phưc cho Đc Gioan Phaolô II, nhưng xem ra nó không gần kề như có nhiu người hy vọng. Sự nôn nóng vội vã này có là điu thái qúa không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đó là một ước mong đã có ngay từ đầu với tiếng hô ”Thánh ngay lập tức”, mà chúng ta đã nghe trong đám táng Đức Gioan Phaolô II. Nhưng ước mong này không trái nghịch với việc tôn trọng tiến trình thời gian do án phong thánh đòi hỏi theo giáo luật. Như tôi đã thường nói chúng tôi tuyệt đối không yêu sách Đức Thánh Cha Biển Đức XVI phải vội vã, và người mới là Đấng có quyền định đoạt. Khi nào Đức Thánh Cha loan báo lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II thì chúng tôi sẽ rất sung sướng hạnh phúc. Nhưng việc lựa chọn ngày và cung cách phong chân phước thì hoàn toàn tùy thuộc nơi Đức Thánh Cha, là người được Chúa Thánh Thần trợ giúp.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, theo một nhật báo Ba Lan, thì đã xảy ra các nghi ngờ về phép lạ được ủy ban bác sĩ xem xét liên quan tới việc nữ tu người Pháp bị bệnh Parkinson, được lành bênh nhờ lời bầu cử của Đc Gioan Phaolô II, có đúng thế không?

Đáp: Tôi không biết, vì tôi không phải là thành viên của ủy ban bác sĩ, cũng không phải là thành viên của ủy ban thần học. Dầu sao đi nữa, chúng ta có tin tức liên quan tới rất nhiều vụ khỏi bệnh và các ơn lành tín hữu nhận được do lời bầu cử của Đức Gioan Phaolô II. Chắc chắn là thời gian sẽ kéo dài hơn, nếu phải xem xét một trường hợp khỏi bệnh khác. Đây chỉ là một giả thuyết mà tôi muốn đưa ra. Nhưng chúng ta hãy dừng lại nơi các sự kiện, và tôi rất tin tưởng.

(Avvenire 28-3-2010)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.