2010-02-05 19:17:39

Cuộc diệt chủng không được ai tưởng niệm


Chúa Nhật 7-2 là ”Ngày toàn quốc bảo vệ sự sống” lần thứ 32 tại Italia. Ngày này được Giáo Hội Italia cử hành trong mọi giáo phận với các thánh lễ, các cuộc tuần hành, các buổi canh thức cầu nguyện, và diễn thuyết hay thảo luận bàn tròn. Điển hình như thánh lễ do Đức Cha Luciano Monari, Giám Mục Brescia bắc Italia, chủ sự tại đền thánh Ơn Phước chiều Chúa Nhật 7-2. Thứ bẩy 6-2 Đức Cha Elio Sgreccia, nguyên Chủ tịch Hàn Lâm Viện Sự Sống của Tòa Thánh, chủ tọa buổi thảo luận về đề tài ”Phẩm giá con người” tại tịch liêu hai thánh Phêrô Phaolô ở Bienna, Valcamonica. Ban chiều ngài tham dự một cuộc hội luận bàn tròn về việc đồng hành với các bà mẹ trong nỗi cô đơn của họ sau khi phá thai. Chúa Nhật 7-2 Đức Cha diễn thuyết về đề tài ”Mục vụ sự sống và Hiệp hội Hồng ân sự sống” tại Trung tâm mục vụ Phaolo VI tỉnh Brescia.

Tại Roma thứ bẩy 6-2 cũng có đại hội về đề tài: ”Chức làm mẹ tại Italia. Các thách đố của hiện tại, các đề nghị cho tương lai” do các trường hộ sinh và sản khóa Roma cùng tổ chức với Văn phòng mục vụ của Tòa Giám Quản Roma.

Trong một bài viết đăng trên nhật báo Tương Lai cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia số ra ngày mùng 4 tháng 2 vừa qua, ông Carlo Casini, Chủ tịch Phong trào bảo vệ sự sống Italia, gọi Ngày bảo vệ sự sống mùng 7 tháng 2 là ”Ngày tưởng niệm”. Trong bài viết tựa đề ”Cuộc sát tế những người chưa sinh ra”, ông nhắc tới 27-1 là ngày thế giới tưởng niệm 6 triệu người do thái bị Đức Quốc Xã tàn sát thời Đệ Nhị Thế Chiến, vì họ bị coi là những ”untermenschen” những người ở ”dưới mức là người” nên bị kỳ thị, thù ghét, đối xử tàn tệ và tiêu diệt. Ông chủ tịch phong trào bảo vệ sự sống Italia đưa ra vấn nạn không biết có được phép so sánh cuộc diệt chủng do thái với việc phá thai tàn sát hàng loạt các trẻ em chưa sinh ra hay không. Không biết có được phép cho thấy hình của hàng chục ngàn người do thái chất đống trong các trại tập trung đức quốc xã bên cạnh hình của các bào thai bị cắt chặt từng mảnh đầy máu me hay không. Ngoài ra ông cũng bầy tỏ sự lưỡng lự khi so sánh cuộc diệt chủng do thái với cuộc tàn sát các trẻ em vô tội còn trong lòng mẹ.

Vào thời đệ nhị thế chiến cuộc diệt chủng người do thái đã xảy ra vì cái gian ác tàn bạo và cung cách suy tư lệch lạc bệnh hoạn của chính quyền Đức Quốc Xã độc tài coi người Đức thuộc giống Ariane siêu đẳng và nuôi mộng bá chủ thế giới. Nhưng nạn phá nạo thai trên thế giới ngày nay còn tệ hại hơn thế nhiều, vì đây không phải chỉ có 6 triệu, mà là 50 triệu sinh mạng con người bị tàn sát hàng năm khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam với hơn 1,5 triệu thai nhi bị giết. Tuy nhiên sự so sánh không cân bằng, vì một bên là quyền lực gian ác độc tài, bên kia là các bà mẹ với nỗi cô đơn, sợ hãi, khổ đau và con tim rướm máu. Trừ những vụ bị cưỡng hiếp ra, đứa con họ mang trong dạ là kết qủa của một cuộc gặp gỡ dấu chỉ của tình yêu, cả khi có là cuộc yêu thương lỡ lầm đi nữa. Vì thế các bà mẹ cần được trợ giúp để thoát khỏi cảnh cô đơn và tái lập hạnh phúc, vì nói cho cùng rất thường khi họ cũng chỉ là nạn nhân của các áp lực tâm lý, xã hội gia đình và hoàn cảnh kinh tế, chứ không phải là người tàn ác.

Tuy nhiên nạn phá thai vẫn tệ hại hơn cuộc diệt chủng do thái. Lý do là vì đàng sau nó cũng có bóng dáng các chính quyền và cả một quan niệm và văn hóa của cộng đoàn quốc gia và quốc tế. Tại các nước độc tài đảng trị như các nước cộng sản thuộc khối Cựu Liên Xô, hay như Trung Quốc và Việt Nam hiện nay Nhà Nước áp đặt chính sách kế hoạch hóa gia đình dẫn đưa tới cảnh phụ nữ bị bắt buộc phá thai. Trong khi tại đa số các quốc gia tự do khác, chính quyền đưa ra luật cho phép phá thai, và cổ võ phá thai dưới nhiều hình thức khác nhau. Người ta tìm mọi cách để khẳng định rằng bào thai chỉ là một ”nhóm tế bào” hay là ”khả thể sự sống” chứ không phải là bản vị con người. Chẳng những thế người ta còn coi phá thai như là một tiến bộ của nền văn minh và là một quyền căn bản của con người, đặc biệt là của nữ giới. Té ra lý thuyết ”untermenschen - dưới mức người” mà Đức Quốc Xã lấy cớ để tiêu diệt người do thái trong thời đệ nhị thế chiến giờ đây lại ngang nhiên thống trị xã hội, lần này thì không phải chỉ đối với một dân tộc, mà đối với tất cả mọi trẻ em còn trong lòng mẹ, thuộc bất kỳ chủng tộc nào và sống tại bất cứ đâu trên thế giới này. Xã hội ngày nay đang bị chủ thuyết duy khước từ quyền sống thống trị. Trong trường hợp cuộc diệt chủng do thái đa số các chính quyền đều lên tiếng kết án, còn trong cuộc diệt chủng các trẻ em còn trong lòng mẹ, người ta giả bộ nhắm mắt làm ngơ hay quay mặt đi nơi khác và cho rằng không có thảm họa nào, không có 50 triệu sinh mạng con người bị tàn sát mỗi năm.


Qủa thật, đây là cuộc diệt chủng khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Nó vẫn tiếp diễn hết năm này sang năm khác, từ bao thập niên qua, nhưng đã không được chính quyền nào tưởng niệm! Và ông Carlo Casini thật có lý, khi cho rằng ”Ngày bảo vệ sự sống” mùng 7 tháng 2 hằng năm cũng là ”Ngày tưởng niệm” cuộc diệt chủng trẻ em còn trong lòng mẹ.
 
Linh Tiến Khải

 







All the contents on this site are copyrighted ©.