2010-01-12 11:52:30

Hiện tình Giáo Hội Công Giáo tại Hòa Lan


Phỏng vấn Đức Hồng Y Adrianus Simonis, nguyên Tổng Giám Mục Utrecht về hiện tình Giáo Hội công giáo tại Hòa Lan

Từ mấy thập niên qua Hòa Lan vẫn nổi tiếng là một trong các quốc gia tục hóa nhất Âu châu. Nhưng trong lịch sử Kitô oai hùng của mình Hòa Lan đã là một trong các quốc gia Kitô gửi nhiều thừa sai đi truyền giáo đó đây trên thế giới. Và cho tới thời đệ nhị thế chiến Hòa Lan đã là một quốc gia Kitô có đa số các dân theo công giáo và tin lành. Tuy nhiên cuộc sống vật chất sung túc và phong trào tục hóa lan tràn đã khiến cho tín hữu nước này cũng dần dần đánh mất đi căn tính và đức tin kitô của mình. Theo các thống kê mới nhất hiện nay chỉ còn 7% tín hữu công giáo tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật và chỉ có 16% trẻ em được rửa tội. Hòa Lan đã là quốc gia đi tiên phong trong việc chấp nhận luật trợ tử và hôn nhân giữa những người đồng phái.

Linh Mục Wim Peeters, giáo sư dậy đại chủng viện Haarlem Amsterdam cho biết Giáo Hội Hòa Lan đã bị khủng hoảng ngay từ hồi thập niên 1950. Thế hệ của thập niên đó đã ra đi mà quên giáo dục con cái của mình. Vào năm 1964 việc dậy môn tôn giáo bị hủy bỏ trong các trường học. Và thế là hai thế hệ dân Hòa Lan cũng quên đi mẫu tự Kitô giáo, đến độ hiện nay theo một cuộc điều tra mới đây có tới 58% người dân không còn biết chính xác ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh nữa.

Cha Wim Peeters cũng cho biết số các linh mục được truyền chức giảm sút vào cuối thập niên 1960 và năm 1968 đã không có tân linh mục nào. Theo cha nếu tín hữu Kitô đã sống đạo, thì sẽ có không có gì phải sợ hãi đối với tín hữu hồi. Nhưng xem ra ngày nay người dân Hòa Lan sợ hãi mọi sự: sợ có con và sợ người di cư. Hai phần ba tổng số dân Hòa Lan cho rằng có qúa đông người di cư.

Trong một vài vùng ngoại ô Amsterdam như vùng Slotervaart, chỉ có người hồi di cư sinh sống và không có một gia đình người hòa lan nào, vì họ đã bỏ đi nơi khác hết. Tại Rotterdam số người hồi còn cao hơn nữa và thị trưởng là một người hồi. Tuy vụ ám sát hai ông Van Gogh và Fortuyn đã làm rúng động người dân Hòa Lan và cũng có một vài imam theo khuynh hướng qúa khích, nhưng nói chung đa số người di cư gốc hồi giáo chỉ muốn làm việc và sống trong hòa bình.

Hòa Lan có 16 triệu dân với khoảng 1,8 triệu người di cư phân nửa là người hồi giáo. Chỉ nội tại Amsterdam có tới 20 đền thờ hồi giáo. 41% tổng số dân tuyên bố mình không tin vào tôn giáo nào. Tín hữu công giáo chiếm 31% và tín hữu tin lành chiếm 20%. Theo truyền thống tín hữu tin lành sống tại miền bắc và tín hữu công giáo sống tại miền nam.

Tình trạng sống đạo giảm sút và sự kiện thiếu ơn gọi khiến cho Giáo Hội công giáo đã phải bán đi hàng trăm nhà thờ. Tín hữu không sống đạo nên cũng không có ai đóng góp để Giáo Hội có thể trang trải các chi phí cần thiết. Các nhà thờ này thường được xây rất chắc chắn nên người ta chỉ sửa sang lại bên trong và biến thành các chung cư, hay viện bảo tàng hoặc hàng quán. Điển hình như nhà thờ Neuwe Kerk tại Amsterdam, nơi xưa kia các vua Hòa Lan được phong vương, nay là viện bảo tàng.

Đức Cha Josef Punt, Giám Mục Haarlem Amsterdam cho biết tình hình hiện nay cũng có dấu hiệu thay đổi theo hướng tích cực, vì đại chủng viện có 45 chủng sinh theo học. Hiện nay trên toàn nước mỗi năm có 15 tân linh mục được thụ phong và mức độ này tương đối ổn định. Trong giáo phận này hàng năm cũng có mấy trăm người lớn xin nhập đạo và được rửa tội. Theo Đức Cha, đây cũng có thể là hiệu qủa sự trống rỗng tâm linh của người dân. Nhưng Giáo Hội ở trong tình trạng truyền giáo: phải bắt đầu lại từ đầu. Giáo phận cũng đang thành lập các trung tâm truyền giáo trong các tu viện nằm bên ngoài thành phố để đáp ứng nhu cầu của những người muốn tái khám phá ra đức tin Kitô.

Trường công giáo tại Haarlem hiện nay không đủ chỗ để tiếp nhận các học sinh. Tuy cha mẹ không sống đạo nhưng họ vẫn cảm thấy vẻ dẹp của Kitô giáo nên ước mong cho con cái của họ nhận lãnh được điều gì đó.

Khi dạo chơi trong thành phố Amsterdam đầy ánh sáng, người ta nhận thấy các hàng quán được trang hoàng rất lộng lẫy với các cây giáng sinh khắp nơi, đặc biệt là cây giáng sinh khổng lồ tại quảng trường Dam, nhưng rất hiếm hang đá, ngoại trừ một hang đá nhỏ xíu trong các phòng của tổ chức “Đạo binh cứu độ” ở nhà ga xe lửa trung ương Amsterdam. Linh Mục Wim Peeters nói: ”Mặc dù tình hình tôn giáo Hòa Lan tiêu cực như thế, nhưng câu hỏi liên quan tới niềm hạnh phúc và về Thiên Chúa vẫn luôn luôn ở trong trái tim con người”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Adrianus Simonis, nguyên Tổng Giám Mục Utrecht, về hiện tình Giáo Hội công giáo tại Hòa Lan. Đức Hồng Y Simonis năm nay 78 tuổi, là một cây cổ thụ của Giáo Hội công giáo Hòa Lan và là người được tín hữu và dân chúng rất thương mến, kể cả những người hồi giáo.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Simonis, tình hình Giáo Hội công giáo tại Hòa Lan hiện nay ra sao? Xem ra Đức Hồng Y không lạc quan lắm, tại sao vậy thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng đúng thế. Có lẽ có các dấu chỉ cho thấy một khuynh hướng mới, nhưng đây chỉ là các con số nhỏ nhoi. Con số lớn 58% trên tổng số 16 triệu dân Hòa Lan không còn biết ý nghĩa chính xác của lễ Giáng Sinh là gì nữa vẫn còn đó. Và có người khi nhìn vào Hòa Lan thì lo âu vì thấy có nhiều đền thờ hồi giáo. Tôi có thể hiểu được ưu tư của họ. Nhưng vấn đề đích thật trong đất nước này đã bắt đầu từ trước khi có phong trào di cư của các sắc dân khác vào Hòa Lan: đó là chúng tôi đã đánh mất đi căn cước Kitô của mình. Nếu căn cước Kitô đã mạnh mẽ, chúng tôi sẽ không sợ hãi người hồi giáo. Vâng, tại Hòa Lan có vấn đề của một khuynh hướng hồi giáo qúa khích, nhưng đa số các người di cư hồi không theo khuynh hướng qúa khích này.

Điều khiến cho tôi lo âu nơi các thế hệ trẻ không phải là phong trào qúa khích, mà là sự lan tràn của khuynh hướng tục hóa. Tôi sợ rằng các thế hệ trẻ sau cùng sẽ theo tôn giáo đang thực sự thống trị xã hội Tây Phương: đó là khuynh hướng duy tương đối.
 
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khuynh hướng kỳ thị chủng tộc và bài ngoại có phải là các vấn đề hiện hữu tại Hòa Lan hay không?

Đáp: Tôi không tin như thế. Dân tộc Hòa Lan là một dân tộc khoan nhượng. Do đó tôi không thấy có làn sóng bài ngoại hay kỳ thị chủng tộc.

Hỏi: Tại Haarlem chúng con có nghe Đức Giám Mục sở tại nói rằng người ta bắt đầu nhận thấy nơi giới trẻ một ý nghĩa của sự trống rỗng, sự thiếu thốn của điu đã bị quên lãng tức đc tin Kitô, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, có đúng như thế thật. Nơi nhiều người trẻ người ta nhận ra sự trống rỗng đó. Nhưng người trẻ không biết vượt thắng sự trống rỗng ấy, không biết phải hỏi gì và phải hỏi ai. Họ đã không được giáo dục để nhận biết và nhận thức ra uớc muốn của con tim mình. Trong nghĩa này tôi cũng xác tín như Đức Cha Punt của giáo phận Haarlem là Giáo Hội Hòa Lan thực sự là Giáo Hội truyền giáo. Đã có hai thế hệ bị mất đi. Nghĩa là bây giờ phải bắt đầu lại từ đầu. Và bắt đầu trở lại từ đầu trong một nền văn hóa thờ ơ với Kitô giáo và giữa các phương tiện truyền thông xã hội không thân thiện với Kitô giáo.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, năm nay Đức Hồng Y đã 78 tuổi. Trong thời chiến tranh Đức Hồng Y đã là một em bé. Hồi đó Hòa Lan lại đã không phải là một quốc gia có đức kitô mạnh mẽ hay sao. Thế mà điều gì đã xảy ra khiến cho tình hình tôn giáo Hòa Lan trở thành tồi tệ như hiện nay?

Đáp: Chắc hẳn đó đã là một Kitô giáo qúa mang nặng khuynh hướng duy luân lý cứng nhắc. Đã không có một sự nổi loạn triệt để như tính tình triệt để của người Hòa Lan. Họ không có khả năng tin ”một chút” vào một cái gì đó. Hoặc là thế này hoặc là thế kia. Vì vậy họ đã trở thành trái nghịch với điều mà họ đã là trong qúa khứ.

Hỏi: Tuy vậy trong đại chủng viện Haarlem hiện nay có 45 sinh viên đại chủng sinh, và hàng năm trong giáo phn này có vài trăm người lớn xin lãnh bí tích rửa tội. Tại Amsterdam con đã gặp thấy các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Terexa Calcutta qùy chầu trước Thánh Giá. Các tín hữu công giáo tại đây ít i, nhưng mạnh mẽ, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng đúng thế. Chắc chắn là trong một tình trạng như hiện nay thì muối bị bắt buộc phải trở thành mặn hơn thôi...

Hỏi: Trong thánh lễ Giáng Sinh Đức Hồng Y muốn nói gì với các tín hữu?

Đáp: Tôi muốn nói với họ rằng có lẽ họ đã quên đi sự kiện Kitô, sự kiện nòng cốt: đó là Thiên Chúa đã làm người và đến trong thế giới của chúng ta trong khó nghèo, khiêm hạ và giòn mỏng yếu đuối như một trẻ sơ sinh, vì yêu thương chúng ta.

Hỏi: Đức Hồng Y có biết là mới đây tại Drunen, một xứ nhỏ gần đây chúng con đã tình cờ trông thấy khoảng một trăm trẻ em từ nhà thờ công giáo đi ra, nơi các em đã tham dự một lễ nghi chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh không?

Đáp: Thật là lạ. Hẳn đó là nỗ lực của vị linh mục trẻ mới được đổi về đây... Lịch sử lại bắt đầu trở lại. Và để bắt đầu trở lại, thì chỉ cần gương mặt của một Kitô hữu dấn thân.

(Avvenire 23-12-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.