2009-12-07 11:19:17

Tương quan giữa khoa học, đức tin và luân lý


Phỏng vấn khoa học gia Claude Cohen Tannoudji về tương quan giữa khoa học, đức tin và luân lý

Trong hai ngày 20 và 21 tháng 11 năm 2009 tổ chức ”Khoa học cho hòa bình” đã nhóm hội nghị quốc tế lần đầu tiên tại đại học Bocconi Milano Bắc Italia, với sự tham dự của hàng chục khoa học gia thuộc nhiều bộ môn đến từ nhiều nước khác nhau. Trong số các thuyết trình viên của hội nghị có nhiều khoa học gia từng được giải thường Nobel như Luc Montagnier, Nobel hóa học, Shirin Ebadi, Nobel hòa bình, Đức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, Chưởng ấn Hàn lâm viện khoa học giáo hoàng và Hàn lâm viện khoa học xã hội của Tòa Thánh. Ngoài ra cũng có nhà vật lý người Pháp Claude Cohen Tannoudji, Nobel vật lý 1997.

Đề tài ngày đầu tiên của hội nghị là ”Các nền tảng văn hóa cho việc phát triển ý niệm về hòa bình”. Các bài thuyết trình và thảo luận bàn tròn xoay quanh các tiểu đề như ”Khoa học như dụng cụ cho việc chung sống hòa bình”, ”Chiến thuật đa phương cho thế giới hòa bình”, ”Sự gây hấn, chiến tranh và an ninh”, ”Các tổ chức quốc tế, các lực lượng hòa bình bất bạo động và việc bảo hòa”, ”Nguồn gốc và việc phòng ngừa các xung đột tôn giáo”.

Ngày thứ hai của hội nghị có đề tài “Các viễn tượng cho một việc phòng ngừa các xung đột”. Các bài thuyết trình đã xoay quanh các tiểu đề như ”Các quyền con người: sức khỏe, giáo dục và khả năng chịu đựng được”, ”Tưởng tượng ra và xây dựng thế giới hòa bình”, ”Khả thể đạt thực phẩm”, “Hướng về một chính trị Âu châu chung về đối ngoại và an ninh”, ”Kinh tế hòa bình và việc giải trừ võ trang”, ”Hướng tới một thỏa hiệp thương mại quốc tế”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của giáo sư vật lý người Pháp Claude Cohen Tannoudji về tương quan giữa khoa học, đức tin và luân lý. Giáo sư Tannuodji đã được giải thưởng Nobel vật lý vì các nghiên cứu liên quan tới việc dùng tia hồng ngoại để bắt các nguyên tử. Giáo sư cũng là thành viên của Hàn lâm viện khoa học Tòa Thánh và nhiều tổ chức khoa học khác.

Hỏi: Thưa giáo sư việc dấn thân của giáo sư cho tổ chức ”Khoa học cho hòa bình” đã nảy sinh như thế nào?

Đáp: Tôi tin rằng khoa học có thể khiến cho hòa bình giữa các dân tộc đang xung khắc với nhau trở thành dễ dàng hơn, vì nó tạo thuận lợi cho việc trao đổi và đối thoại. Khoa học là một ngôn ngữ đại đồng mà tất cả mọi người có thể hiểu được. Khi gặp nhau để thảo luận về khoa học, thì người ta học hiểu biết nhau và ít nghi ngờ người khác hơn.

Hỏi: Thưa giáo sư các nhà vật lý, vẫn đưc coi như là các khoa hc gia ưu hạng, ngày nay có nhậy cảm đối với các đòi buộc của luân lý không?

Đáp: Các nhà vật lý ngày càng chú ý hơn tới các hậu qủa các khám phá của họ và họ hy vọng rằng các khám phá đó có thể khiến cho cuộc sống con người được tiện nghi hơn và có luân lý đạo đức hơn. Tôi thấy ngày nay đó là điều đặc biệt đúng thật trong lãnh vực của các vấn đề môi sinh và các nguồn năng lượng. Nhưng không phải chỉ có khoa vật lý, mà cả y khoa và các khoa học liên quan tới thực phẩm nữa.

Hỏi: Hơn 60 năm năm đã trôi qua kể từ khi trái bom nguyên tử đầu tiên nổ tại Hiroshima và Nagasaki bên Nhật Bản. Đâu là các hình ảnh vẫn còn kêu gọi lương tâm của các khoa học gia?

Đáp: Khi khoa học gia Einstein xin tổng thống Hoa Kỳ suy nghĩ chín chắn về vấn đề này, thì ông đã hoàn toàn có lý. Đôi khi tôi tự hỏi ngày nay nhân loại sẽ ra sao, nếu Hitler đã phát triển bom nguyên tử trước. Rất tiếc là chúng ta không thể là những người chủ hòa bằng mọi gía, khi các kẻ độc tài đe dọa nhân loại.

Hỏi: Việc tách nguyên tử vẫn là biểu tượng tốt nhất của một khám phá mà các hậu qủa có thểợt thoát mọi sự kiểm soát, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Các hàng rào duy nhất có thể giúp tránh các nguy hiểm đó là giáo dục ý thức trách nhiệm. Các hiểu biết tiến triển, và tôi tin rằng việc tách nguyên tử đã là một khám phá trong mọi trường hợp. Ngày nay chúng ta cũng thấy là các hiệu qủa của nó có thể góp phần cho thiện ích của nhân loại. Còn lâu lắm trước khi đạt tới năng lượng mặt trời một cách thực sự hữu hiệu, thì nguyên tử năng sẽ là lựa chọn tốt nhất thay thế cho các nguồn năng lượng gây ô nhiễm hơn như than đá và dầu hỏa.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong thời chiến tranh lạnh, vài khoa học gia Tây Âu đã để cho mình bị chính quyền Mastcơva quyến rũ. Hai mươi năm sau khi bc tường Berlin sụp đổ, khoa học còn có thể bị sập bẫy của ý thức hệ hay không?

Đáp: Thật rất khó mà nói được, và cũng đúng thật là không phải tất cả mọi khoa học gia đã thành công trong việc duy trì một tinh thần độc lập tối thiểu. Cần phải luôn luôn phân biệt khoa học với chính trị. Khoa học trước hết là một sinh hoạt trí thức nhằm tìm hiểu thế giới bao quanh chúng ta. Còn chính trị, trái lại, luôn luôn giản lược vào một ý kiến về kiểu cai trị.

Hỏi: Bên Iran vấn đ năng lượng nguyên tử vẫn nóng bỏng, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Chắc chắn rồi. Nguy hiểm luôn luôn hiện diện. Nhưng để tránh các thảm cảnh mới, không thể chỉ hướng tới các khoa học gia. Cần phải làm cho liên minh tiến tới và các nước dân chủ phải cùng hoạt động với nhau.
 
Hỏi: Giáo sư có lp trường nào liên quan tới cuộc đối thoại giữa các lý lẽ của khoa học và đức tin?

Đáp: Cả hai lãnh vực đều rất là quan trọng đối với con người. Nhưng giữa hai bên có sự khác biệt định đoạt. Khoa học sẽ không bao giờ có thể chứng minh sự không hiện hữu của Thiên Chúa, tôn giáo sẽ không thể đem lai các câu trả lời cho các vấn nạn mà các nhà nghiên cứu đặt ra.

Hỏi: Xung khắc giữa hai lãnh vực này có ý nghĩa hay không thưa giáo sư?

Đáp: Ai tìm cách dưỡng nuôi các tranh luận giữa hai lãnh vực là sai lầm. Trong qúa khứ chúng ta đã chứng kiến vài lệch lạc trong các tranh luận này. Cần phải tránh đừng để cho một lãnh vực thống trị lãnh vực kia. Các lệch lạc của Giáo hội trong vụ án Galileo Galilei là điều không thể chấp nhận được. Đồng thời các yêu sách của một vài khoa học gia vô thần sẵn sàng kiểm duyệt kinh tin kính hay đức tin cũng là điều không thể chấp nhận được.

Hỏi: Thưa giáo sư người ta nói tới sự xung khắc có thể có giữa việc tìm tòi khoa học thuần túy và khoa học kỹ thuật, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Chỉ có một sự tìm tòi duy nhất tìm hiểu các hiện tượng và sau đó thấy các áp dụng có thể thực hiện được. Đây là sự liên tục và không thể quy định một hàng rào, một ranh giới. Chỉ có sự tìm tòi có phẩm chất là quan trọng thôi.

Hỏi: Nhưng mà cũng có người cho rằng ngày nay các nhà khoa học qúa kết đoàn vi nhau, giáo sư nghĩ sao?

Đáp: Chúng tôi có gặp nguy cơ này thật, bởi vì khởi đầu với việc quy định các mục tiêu qúa chính xác là một sai lầm. Cần phải hướng việc nghiên cứu tới mục tiêu phát triển. Khi đã hoàn thành một khám phá, cần phải tiếp nhận các khía cạnh kinh tế của nó. Nhưng óc sáng tạo của các nhà nghiên cứu không luôn luôn được đánh giá cao, và nói chung người ta thường quên rằng trước khi có các áp dụng, thì phải có các khám phá đã.

Hỏi: Giáo sư thường tự định nghĩa mình là một người nghiên cứu tìm tòi ”hứng khởi”. Giáo sư có tìm thấy sự hăng say đó nơi các nhà nghiên cứu ngày nay hay không?

Đáp: Có chứ. Các nhà nghiên cứu trẻ được động viên rất nhiều và cảm thấy có các lý do để nghiên cứu tìm tòi. Nhưng công việc này ngày nay trở thành khó khăn hơn. Bên Âu châu các điều kiện vật chất cho việc nghiên cứu rất là bấp bênh. Do đó nó hạn hẹp số người muốn đầu tư vào lãnh vực này. Đây thật là một mâu thuẫn lớn, nếu chúng ta nghĩ tới các ranh giới hấp dẫn của lãnh vực tìm tòi nghiên cứu đang rộng mở trước mắt: từ vật lý không gian cho tới các ngành khoa học giúp tiến sâu vào các lãnh vực hiểu biết khác nhau.

(Avvenire 19-11-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.