2009-12-03 09:33:17

BẠN ĐƯỜNG ĐỨC GIÊSU (07)


THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ
NGƯỜI BIẾT ƯỚC MUỐN VÀ NHẬN ĐỊNH RealAudioMP3


Các bạn trẻ thân mến,

Sống ở đời ai cũng có ước mơ. Ước mơ gắn liền với hoài bão, hy vọng. Nơi nào có ước mơ, nơi ấy có sự sống và thăng tiến. Ước mơ khơi nguồn sáng tạo và thúc đẩy con người tiến về phía trước. Người ta thường nói không phải tất cả mơ ước đều trở thành sự thật, nhưng mọi thành đạt đều được ấp ủ từ những ước mơ. Tuổi trẻ là tuổi của những ước mơ bởi chính ước mơ làm cho người trẻ hy vọng và háo hức tiến về phía trước. Ước mơ nói lên con người. Ai mơ ước gì thì người đó là thế. Mơ ước dẫn đường và đưa người ta đến những bến bờ khác nhau. Biết mơ ước đã khó, thực hiện ước mơ còn khó hơn. Có thể phải đánh đổi nhiều thứ để biến ước mơ thành hiện thực. Tin mừng thuật lại chuyện anh thanh niên đến hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Sau khi nghe câu trả lời của Đức Giêsu, anh thanh niên buồn rầu bỏ đi, để mặc mơ ước mãi là ước mơ vì anh không thể rời bỏ tài sản của mình.

Phụng vụ chư thánh hôm nay giới thiệu cho chúng ta một gương mặt khác, một người từng ấp ủ những ước mơ và biết cách biến ước mơ thành hiện thực: thánh Phanxicô Xaviê, người biết ước mơ và nhận định. Trong hành trình truyền giáo của mình, thánh Phanxicô Xaviê luôn nung nấu một mơ ước cháy bỏng là giới thiệu Chúa Giêsu đến với các dân tộc ở Châu Á. Từ Ấn Độ đến Nhật Bản, từ vùng đảo Indonêxia cho đến cửa ngõ và Trung Hoa, ước mơ duy nhất của thánh Phanxicô là nhắm đến lợi ích phổ quát hơn để đem lại vinh danh Chúa hơn. Ước mơ của thánh nhân được đánh dấu bằng những lần lên đường cho sứ vụ. Mỗi chặng đường thể hiện tình bạn sâu xa với Chúa Giêsu ngang qua cầu nguyện và nhận định. Trên hết, thánh nhân mong ước làm theo Thánh ý Thiên Chúa vì tâm niệm sống của ngài là “ai chết đi mỗi ngày, tức là đi nguợc lại ý riêng, không tìm những điều thuộc về mình, nhưng là những điều thuộc về Chúa Giêsu Kitô, sẽ được bình an biết bao". (Bt 15,15)

Cuộc đời truyền giáo của thánh Phanxicô được đánh dấu bằng ba chuyến đi lớn, qua đó chúng ta thấy phần nào những ước mơ và tính cách của ngài trong tương quan với Thiên Chúa và sứ vụ. Khi đến Ấn Độ, với tư cách nhà truyền giáo do vua Bồ Đào Nha sai đi, thánh Phanxicô tận lực chinh phục các linh hồn và mở rộng biên cương giáo hội, hết lòng phục vụ vị vua đời tạm. Sau đó, nhiều lời mời gọi, nhiều tiếng kêu đến từ những nơi khác, từ những vùng đất mới như Sri Lanca, từ Maluku đặt ngài vào vị trí phải lựa chọn: bảo vệ quyền lợi của Bồ Đào Nha hay dấn thân cho người Ấn Độ. Từ việc phục vụ vua trần thế, thánh Phanxicô chiêm ngắm vị vua muôn đời và ước ao hiến thân phục vụ vị vua ấy mà thôi. Ước ao là thế, nhưng thánh nhân cần lắng nghe tiếng Chúa nơi tâm hồn mình. Trong một lá thư, ngài viết: "Chúa muốn chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn thánh ý mỗi khi Người bày tỏ và cho chúng ta cảm nhận được từ trong lòng. Muốn sống tốt ở đời này, chúng ta phải làm khách hành hương để đi bất cứ đâu, đến nơi chúng ta có thể phục vụ Chúa." (Bt 50,2)

Kinh nghiệm về sự an ủi thiêng liêng là dấu chỉ cho thấy ý Chúa muốn về một lựa chọn nào đó. Qua cầu nguyện và nhận định, thánh Phanxicô cảm nghiệm sự bình an nội tâm và an ủi ngọt ngào từ việc lựa chọn chỉ phục vụ thánh ý Chúa mà thôi. Ngài lên đường đến quần đảo Maluku, Indonesia, rồi từ đó đi Malacca, Malaysia vì nghe biết nơi này cần người rao giảng lời Chúa. Tại đây, trong khi chờ tàu trở lại Ấn Độ, có người nói với thánh Phanxicô về các hòn đảo ở Nhật Bản, và người Nhật ham học hỏi, thích cái gì mới lạ. Từ đó, Nhật Bản luôn chiếm một chỗ quan trọng trong tâm trí thánh Phanxicô, mơ ước truyền giáo cho vùng đất mới được ấp ủ và chờ ngày được Thiên Chúa đoái thương chuẩn nhận. Sau đó, trong một lá thư gởi thánh Inhã, thánh Phanxicô viết: "Ở Nhật Bản, tất cả là lương dân, không có người Hồi giáo cũng không có người Do Thái, mà lại có đầu óc tò mò, rất muốn học biết cái mới, cả về Thiên Chúa cũng như về những điều tự nhiên khác, nên con đã quyết định sẽ đến đó. Con thấy tâm hồn rất phấn khởi. Con không ngại đi Nhật Bản, vì con cảm nhận trong tâm hồn mình cái gì đó dào dạt, mặc dầu con hầu như chắc chắn sẽ gặp nhiều nguy hiểm lớn lao hơn những gì con từng gặp xưa nay" (Bt 70,8.10)

Những nguy hiểm mà thánh Phanxicô cho là lớn lao hơn những gì ngài từng gặp là thách đố trên đường biến ước mơ thành hiện thực. Những tháng ngày lênh đênh trên biển, giữa sóng dập gió vùi, giữa ranh giới sống và chết, nơi đó, thánh nhân chịu thử thách nặng nề và chính trong giờ phút khó khăn như vậy, Chúa tiếp tục hướng dẫn và đồng hành với ngài. Thánh Phanxicô ghi lại kinh nghiệm ấy như sau: "Phương thuốc tốt nhất cần dùng trong những hoàn cảnh như vậy là hết sức dũng cảm chống lại Kẻ Thù, đừng tin tưởng chút nào nơi mình, nhưng đặt hết tin tưởng nơi Thiên Chúa, đặt tất cả sức mạnh và tất cả hi vọng nơi Người, và nhờ Đấng Bảo Vệ vĩ đại như vậy, chúng ta trở nên mạnh mẽ; đừng hèn nhát và không chút nghi ngờ việc mình sẽ chiến thắng." (Bt 90,7)

Trên đất Nhật, khi rao giảng cho dân chúng, Thánh Phanxicô nghe được nhiều thắc mắc về Thiên Chúa và công cuộc sáng tạo. Ngoài ra, người Nhật còn không hiểu tại sao người Trung Hoa lại không biết và chưa tin vào Chúa Giêsu. Một thắc mắc thông thường nhưng lưu lại tâm trí thánh Phanxicô một câu hỏi lớn, khơi nguồn một giấc mơ, một hành trình mới: truyền giáo cho người Trung Hoa. Thánh Phanxicô lại tiếp tục lên đường thực hiện mơ ước của mình là đem Chúa đến những vùng đất xa xôi chưa biết Chúa. Vẫn với đích nhắm duy nhất là để cho ích lợi phổ quát hơn, thánh nhân xác tín rằng: "Trong Thiên Chúa, tôi rất hi vọng là một con đường sắp được mở ra, không chỉ cho anh em trong Dòng, mà còn cho tất cả các dòng khác..." (Bt 96,52)

Tại đảo Thượng Xuyên, cửa ngõ vào Trung Hoa, trong khi chờ tàu vào đất liền, thánh Phanxicô ngã bệnh và là lúc Chúa muốn ngài trao trọn cuộc đời nơi bàn tay Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Lời kinh dâng hiến thánh nhân thường tâm niệm và mơ ước giờ đây trở thành hiện thực: “Mọi sự đều là của Chúa, xin Chúa sử dụng tùy ý Chúa. Xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa. Được như thế là đủ cho con." (Lt 234)


Đặng Thế Nhân

banduong.banduong@yahoo.com







All the contents on this site are copyrighted ©.