2009-11-25 17:47:26

Noi gương Thiên Chúa Ba Ngôi sống với, sống cho và sống trong nhau để thay đổi thế giới



”Thế giới này sẽ thay đổi biết bao, nếu trong các gia đình, các giáo xứ và trong mỗi cộng đoàn khác các tương quan được sống theo gương của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong đó mỗi ngôi vị không chỉ sống với mà còn sống cho và sống trong ngôi vị khác!”

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi gặp gỡ chung hơn 6.000 tín hữu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ngài đã giới thiệu hai thần học gia kitô khác thuộc thế kỷ XII: đó là Ugo và Riccardo di San Vittore ở Paris. San Vittore là đan viện do Guglielmo di Champeaux, một bậc thầy nổi tiếng thành lập, và là người đã trao ban cho nó một căn tính văn hóa vững vàng. Đây là một trường đào tạo các đan sĩ, nhưng cũng rộng mở cho sinh viên ngoại trú, và là nơi thần học đan viện - hướng tới việc chiệm niệm các mầu nhiện đức tin trong Kinh Thánh - và thần học kinh viện - dùng lý trí để tìm hiểu các mầu nhiệm ấy - được tổng kết một cách tốt đẹp.

Ugo di San Vittore sinh tại Sassonia hay tại Fiandre, nhưng đến sống tại Paris, là thủ đô văn hóa thời ấy và gia nhập đan viện San Vittore, ban đầu như là môn sinh sau đó là thầy dậy. Trước khi qua đời năm 1141 Ugo đã nổi tiếng tới độ được gọi là ”thánh Agostino thứ hai”, vì giống thánh nhân Ugo suy niệm rất nhiều về tương quan giữa đức tin và lý trí, giữa khoa học đời và thần học. Đức Thánh Cha nói về xác tín chính của thần học gia Ugo như sau: Theo Ugo di San Vittore, mọi khoa học, ngoài sự hữu ích cho việc hiểu Kinh Thánh, chúng còn có một giá trị nội tại và được trau dồi để mở rộng sự hiểu biểt của con người, cũng như để đáp ứng ngưỡng vọng hiểu biết chân lý. Sự tò mò lành mạnh đó khiến cho Ugo khuyến khích các sinh viên đừng thu hẹp ước muốn học hỏi, nhưng hãy sẵn sàng học từ mọi người điều mình không biết. Vì người muốn học hỏi một điều gì đó từ tất cả mọi người sẽ khôn ngoan hơn mọi người. Ai nhận điều gí đó từ mọi người, thì sau cùng sẽ trở thành người giầu có hơn mọi người (Eruditiones Didascaliae, 3,14; PL 176,774).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói khoa học mà các triết gia và thần học gia trường phái Vittore đặc biệt trau đồi là thần học. Trước hết nó đòi hỏi phải học Kinh Thánh với lòng yêu mến, vì Thiên Chúa tự mạc khải trong Kinh Thánh. Để giải thích Kinh Thánh Ugo di San Vittore đề nghị phương pháp truyền thống giáo phụ thời trung cổ bao gồm 4 ý nghĩa: lịch sử theo chữ, ẩn dụ, tương tự và luân lý. Ugo nhấn mạnh tầm quan trọng của ý nghĩa lịch sử theo chữ. Trước khi khám phá ra ý nghĩa biểu tượng, phải hiểu biết sâu rộng ý nghĩa của lịch sử được trình thuật trong Kinh Thánh. Hiểu biết ý nghĩa lịch sử đó ta sẽ thấy Chúa Quan Phòng can thiệp vào lịch sử theo một chương trình được sắp xếp có trật tự, chứ lịch sử không phải là một định mệnh mù quáng hay một trường hợp vô lý. Trái lại Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử con người và khơi dậy một cuộc đối thoại tuyệt diệu giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa bước vào và hành động trong lịch sử, như thể là thành phần của lịch sử, nhưng Ngài luôn luôn bảo vệ và tôn trọng sự tự do và trách nhiệm của con người.

Việc học Kinh Thánh và ý nghĩa lịch sử theo chữ của nó khiến cho thần học trở thành đích thực, nghĩa là có thể minh họa các chân lý một cách có hệ thống, hiểu biết cấu trúc của chúng và giải thích các tín điều đức tin, mà Ugo di San Vittore trình bầy qua một tổng kết vững vàng trong khảo luận về ”Các bí tích của đức tin kitô”. Trong đó có một định nghĩa ”bí tích” sẽ được các thần học gia khác hoàn chỉnh sau này và bao gồm các yếu tố rất hay. Ugo viết: ”Bí tích là một yếu tố hình thể hay chất liệu được đề nghị một cách bên ngoài và hữu hình, với sự tương tự diễn tả một ơn vo hình và thiêng liêng, diễn nghĩa ơn ấy, vì nó đựơc thành lập cho mục đích này, và chứa đựng ơn ấy vì có khả năng thánh hóa” (9,2; PL 176,317). Theo Ugo có ba yếu tố giúp định nghĩa bí tích: bí tích được Chúa Kitô thành lập, thông truyền ơn thánh và sự tương tự giữa yếu tố hữu hình và yếu tố vô hình là các ơn của Chúa. Đây là quan niệm rất gần gũi với sự nhậy cảm của con người ngày nay, vì các bí tich được trình bầy với một thứ ngôn ngữ bao gồm các biểu tượng và hình ảnh có khả năng trực tiếp nói với trái tim con người. Cả ngày nay nữa thật là điều quan trọng, khi các linh hoạt viên phụng vụ, đặc biệt là các linh mục với sự khôn ngoan mục vụ, biết chú ý tới giá trị các dấu chỉ riêng của các lễ nghi ban bí tích - tính cách hữu hình và sờ mó được của Ơn Thánh - và lo lắng chú tâm dậy giáo lý làm sao để cho mỗi một buổi cử hành các bí tích được mọi tín hữu sống với lòng sùng mộ sâu xa và niềm vui thiêng liêng.

Trong phần hai của bài huấn dụ Đức Thánh Cha giới thiệu gương mặt của Riccardo, người Ecốt, là môn sinh của Ugo, sống tại đan viện San Vittore từ năm 1162 tới 1173. Riccardo cũng coi việc học Kinh Thánh là quan trọng nhưng nhấn mạnh trên ý nghĩa ẩn dụ biểu tượng của Kinh Thánh. Riccardo giải thích gương mặt cả Beniamino con của tổ phụ Giacóp như biểu tượng của sự chiêm niệm và tuyệt đỉnh của đời sống thiêng liêng. Trong bai văn bản tựa đề ”Beniamino thứ” và ”Beniamino cả” Riccardo đề nghị với tín hữu một con đường thiêng liêng và mời gọi họ thực thi các nhân đức khác nhau tập dùng lý trí để đưa vào kỷ luật và trật tự các tình cảm và các giao động yêu thương và cảm xúc nội tại. Chỉ khi đạt sự quân bình và trưởng thành nhân bản trong lãnh vực này, con người mới sẵn sàng để đạt tới sự chiêm niệm.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Như thế sự chiệm niệm là điểm tới, là kết qủa cua một lộ trình cam go, bao gồm cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí, nghĩa là - một lần nữa - một diển văn thần học. Thần học khởi hành từ các chân lý là đối tượng của đức tin, nhưng tìm đào sâu sự hiểu biết bằng cách dùng lý trí để có được đức tin. Việc áp dụng lý trí để hiểu biết đức tin đã được Riccardo trình bầy trong tác phẩm lớn ”Thiên Chúa Ba Ngôi” gồm 6 cuốn, trong đó Riccardo suy tư về Mầu Nhiệm một Chúa Ba Ngôi một cách sâu sắc. Theo ông vì Thiên Chúa là tình yêu, bản tính thiên chúa duy nhất bao gồm sự thông truyền, hiến dâng và yêu thương giữa hai Ngôi Vị: Chúa Cha và Chúa Con trao đổi tình yêu vĩnh cửu với nhau. Nhưng sự hoàn hảo của hạnh phúc và lòng lành không chấp nhận các loại trừ và đóng kín, trái lại đòi hỏi sự hiện diện vĩnh cửu của một Ngôi Vị thứ ba là Chúa Thánh Thần. Tình yêu ba ngôi là tham dự, hòa hợp và bao gồm sự vui thú tràn đầy, việc không ngừng nếm hưởng niền vui.

Tuy nhiên Riccardo ý thức được rằng mặc dù tình yêu mạc khải là bản thể của Thiên Chúa, Đấng giúp con người hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng nó vẫn luôn luôn là một sự tương tự vì Mầu Nhiệm này vượt qúa trí khôn con người. Là thi sĩ và người thần bí Riccardo còn dùng hai hình ảnh khác nữa để nói về Thiên Chúa: Thiên Chúa như một con sông và như một làn sóng yêu thương vọt trào từ Chúa Cha, chảy qua chảy lại trong Chúa Con để rồi đổ tràn nơi Chúa Thánh Thần.

Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Như Riccardo chúng ta cũng hãy nâng tâm hồn lên chiêm ngưỡng các thực tại thiên linh. Ước chi niềm vui mênh mông mà tư tưởng sự ngưỡng mộ và lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho chúng ta, nâng đỡ dấn thân cụ thể, để noi gương hiệp thông toàn thiện trong tình yêu của Chúa chúng ta cũng biết xây dựng các tương quan giữa con người với nhau như vậy. Như tôi đã nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin cách đây vài tháng: ”Chỉ có tình yêu khiến cho chúng hạnh phúc, vì chúng ta sống trong tương quan, và chúng ta sống để yêu thương và được yêu thương” (Oss. Rom 8-9/6/2009).

Đức Thánh Cha đã chào các nhóm bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngài nhắc cho mọi người biết tuần tới là bắt đầu Mùa Vọng. Ngài mời gọi giới trẻ sống thời điểm mạnh mẽ này với việc tỉnh thức cầu nguyện và dân thân quảng đại sống Tin Mừng. Ngài xin các người đau yếu dâng khổ đau để giúp dân kitô chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, và cầu chúc các cặp vơ chồng mới cưới là chứng nhân của Thánh Thần tình yêu, Đấng linh hoạt và nâng đỡ toàn thể gia đình của Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.