Nếu xét theo lịch sử thì lễ kính Chúa Giêsu Vua mới được thiết lập
chưa đầy 85 năm, do quyết định của
đức thánh cha Piô XI vào ngày 11 tháng 12 năm 1925, nhân dịp
kết thúc năm thánh. Lúc đầu, lễ Chúa Giêsu Vua được
cử hành vào chúa nhựt cuối tháng 10, nhưng sau cuộc cải tổ phụng vụ
của công đồng Vaticanô II thì được chuyển sang chúa nhật
chót của năm phụng vụ. Tuy là một lễ mới thiết lập, nhưng tước
hiệu Chúa Giêsu Vua đã được gặp thấy trong các
sách Tân ước. Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh
Truyền tin, đức thánh cha đã nêu bật tính cách
độc đáo của vương quyền của Chúa Kitô: không phải
là quyền bính bá chủ theo nghĩa chính trị trần gian, nhưng là vương quyền
của tình thương, một thứ tình thương được biểu lộ qua
việc hy sinh mạng sống trên thập giá. Sau khi ban phép lành Toà Thánh, đức
Bênêđictô XVI còn nhắc đến hai cuộc cử hành khác. Thứ nhất là
lễ phong chân phước cho nữ tu Marie-Alphonsine Danil Ghattas diễn ra
vào lúc 11 giờ sáng tại nhà thờ Truyền tin ở Nazareth. Chị sinh ngày 4/10/1843
và qua đời ngày 25/3/1927 tại Giêrusalem. Theo ý muốn của Đức
Mẹ, chị đã lập ra hội dòng Mân Côi để phục vụ các thiếu
nữ ở Trung đông, qua việc giáo dục nhân bản và tôn giáo cho họ. Thứ
hai là ngày cầu nguyện cho các nữ đan sĩ nhân lễ Đức Mẹ
dâng mình vào đền thờ hôm thứ bảy vừa rồi. Đây là một
cơ hội để bày tỏ tình liên đới đối
với những người dâng trót đời để cầu nguyện
cho Hội thánh và cho nhân loại. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ
Anh
chị em thân mến
Vào chúa nhựt chót của năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa
Kitô là Vua trời đất, một lễ tương đối mới mẻ nhưng đã đâm rễ sâu trong Kinh thánh
và thần học. Tước hiệu “vua” gán cho Đức Giêsu rất là quan trọng trong các sách Tin
mừng và cung cấp cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về chân dung và sứ mạng cứu độ
của Người. Về điểm này chúng ta có thể ghi nhận một sự tiến triển: từ chỗ là “vua
của Israel” người ta tiến đến “vua vũ trụ”, chủ tể của trời đất và của lịch sử, nghĩa
là vượt qua những hoài bão của chính dân Do thái. Ở trọng tâm của mạc khải vương quyền
của đức Giêsu Kitô là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Khi đức Giêsu bị treo
trên thập giá, các tư tế, kinh sư và kỳ mục đã chế nhạo Người và nói: “Kìa, vua dân
Israel đấy; hãy xuống khỏi thập giá thì chúng tôi sẽ tin” (Mt 27,42). Thực ra, trong
tư cách là Con Thiên Chúa mà đức Giêsu đã tự ý trao nộp mình để chịu khổ nạn, và thập
giá là dấu chỉ nghịch lý của vương quyền của Người, vương quyền nằm ở tình thương
của Chúa Cha dành cho sự bất tuân vì tội lỗi. Chính vì hiến dâng mình làm hy lễ xá
tội mà đức Giêsu trở thành Vua vũ trụ, như chính Người đã tuyên bố khi hiện ra với
các môn đệ sau khi phục sinh: “Mọi quyền bính trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy”
(Mt 28,18).
Quyền bính của đức Giêsu Kitô Vua nằm ở chỗ nào? Đây không phải
là thứ quyền bính của các vua chúa lãnh tụ trần gian; nhưng là quyền bính thiên linh
trao ban sự sống vĩnh cửu, giải thoát khỏi sự dữ, đập tan sự thống trị của tử thần.
Đó là quyền bính của tình yêu, có sức rút tiả điều thiện từ cái ác, uốn mềm một trái
tim chai đá, mang lại hoà bình vào nơi tranh chấp gay go, thắp lên hy vọng giữa đêm
tối mịt mùng. Thứ vương quyền Ân sủng như thế không hề áp đặt ai hết, nhưng tôn trọng
tự do của chúng ta. Chúa Kitô đã đến để “làm chứng cho sự thật” (Ga 18,37) – như Người
đã tuyên bố trước mặt quan Philatô - : ai đón nhận chứng tá của Người thì đặt mình
ở dưới trướng của Người, theo lối nói của thánh Inhaxiô Loyola. Vì thế, một sự chọn
lựa được đặt ra cho mỗi lương tâm: tôi muốn đi theo ai? Thiên Chúa hay tà thần? Chân
lý hay gian dối? Chọn lựa đi theo Chúa Kitô không bảo đảm thành đạt theo tiêu chuẩn
của thế gian, nhưng chắc chắn sẽ gặp thấy sự bình an và hoan lạc mà duy chỉ có Người
mới có thể ban. Điều này đã được chứng thực ở nơi biết bao nhiêu người, vì danh Chúa
Kitô, vì danh của sự thật và công lý, đã chống lại các lời dụ dỗ của quyền lực thế
gian mang nhiều lốt mặt nạ khác nhau, đến nỗi đã dám đóng ấn cho lòng trung thành
của mình bằng việc tử vì đạo.
Anh chị em thân mến. Khi sứ thần Gabriel đến
truyền tin của đức Maria, thì Người tiên báo rằng người con của bà sẽ thừa hưởng ngai
báu vua Đavit và sẽ hiển trị ngàn đời (xc. Lc 1,32-33). Và đức Trinh nữ đã tin trước
khi sinh hạ đức Giêsu cho trần gian. Rồi dĩ nhiên Mẹ đã phải tự hỏi về vương quyền
của đức Giêsu sẽ ra như thế nào, và chỉ hiểu được bằng cách lắng nghe lời của Chúa
và nhất là thông dự mật thiết vào mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Chúa. Chúng
ta hãy xin Mẹ Maria giúp cho chúng ta biết đi theo đức Giêsu là Vua của chúng ta,
như Mẹ đã làm, và làm chứng cho Chúa bằng trót cuộc đời.