2009-11-18 16:35:07

Vẻ đẹp nghệ thuật là con đường dẫn đưa tới chỗ gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa


  ”Vẻ đẹp là lộ trình ưu tiên hấp dẫn nhất dẫn đưa con người đến chỗ gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa” Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập đến nghệ thuật kiến trúc roman và gôtích được biểu hiệu bằng các nhà thờ chính tòa thời trung cổ. Lòng tin kitô đâm rễ sâu nơi tín hữu các thế kỷ thời trung cổ đã không chỉ cho chào đời các tuyệt tác của văn chương, thần học, tư tưởng và lòng tin, mà còn gợi hứng cho một trong các sáng tạo nghệ thuật cao đẹp nhất của nền văn minh đại đồng: đó là các nhà thờ chính tòa. Rodolfo il Glabro, đan sĩ người Pháp cho biết trên toàn thế giới thời đó, đặc biệt tại Italia và Gallie tín hữu thi đua nhau xây lại các nhà thờ chính tòa, các nhà thờ đan viện và cả các nguyện đường trong các làng cũng được trùng tu nữa.

Đã có nhiều yếu tố giải thích sự kiện này như sự ổn định chính trị lớn hơn, dân số gia tăng, các thành phố, việc trao đổi và sự phồn thịnh phát triển mạnh. Ngoài ra các kiến trúc sư cũng tìm ra các giải pháp kỹ thuật tiến triển hơn, giúp gia tăng chiều kích và bảo đảm được sự vững chắc và ngy nga của các dinh thự. Đức Thánh Cha đề cao lý do chính như sau:

Tuy nhiên một cách chính yếu là nhờ lòng nhiệt thành và sốt mến tinh thần của phong trào đan tu đang bành trướng mạnh mà người ta xây các nhà thờ đan viện, nơi phụng vụ có thể được cử hành với tất cả sự xứng đáng và long trọng, và tín hữu có thể dừng lại cầu nguyện, bị thu hút bởi việc sùng kính các thánh tích và là đích điểm hành hương. Và thế là nảy sinh ra các nhà thờ và nhà thờ chính tòa xây theo kiểu roman, có các gian dọc dài để tiếp đón các tín hữu, với các tường dầy và chắc chắn có vòm bằng đá và đường nét đơn sơ chính yếu. Có một điểm mới đó là việc đưa nghệ thuật điêu khắc vào trong các nhà thờ. Các nghệ sĩ chú ý tới mục đích giáo dục nhiều hơn là sự hoàn hảo của nghệ thuật, vì cần phải gợi lên nơi tâm hồn tín hữu các ấn tượng mạnh mẽ và các tâm tình thúc đẩy họ xa lánh thói xấu, sự dữ và thực thi các nhân đức và sự thiện. Đề tài thông thường là Chúa Kiô thẩm phán đại đồng có các nhân vật của sách Khải huyền bao quanh. Bình thường các cửa vào nhà thờ được chạm trổ các tượng này để nêu bật rằng Chúa Kitô là cửa dẫn lên Trời. Đàng sau cánh cửa này, tín hữu tin nơi Chúa Kitô tối cao, công chính và thương xót có thể nếm hưởng trước hạnh phúc vĩnh cửu của phụng vụ và các việc đạo đức được cử hành bên trong.

Thế rồi trong hai thế kỷ XII và XIII từ miền bắc nước Pháp có một kiểu xây cất khác được phổ biến đó là kiến trúc gôtích, cao vút lên và sáng sủa. Các nhà thờ chính tòa gôtích cho thấy một tổng hợp của đúc tin và nghệ thuật, được diển tả ra một càch hài hòa qua ngôn ngữ đại đồng và hấp dẫn của vẻ đẹp còn gây kinh ngạc cho đến ngày nay. Nhờ các vòm dựa trên các cột to lớn có thể nâng mái lên rất cao. Sự cao vút ấy muốn mời gọi tín hữu cầu nguyện và nó chính là một lời cầu nguyện. Qua đó nhà thờ chính toa gôtích muốn diễn ra ra trong các nét kiến trúc khát vọng của các linh hồn hướng về Thiên Chúa. Ngoài ra các kỹ thuật mới cũng cho phép trang hoàng các bức tường chung quanh với các kính nhiều mầu sắc. Các cửa sổ trở thành các hình ảnh sáng láng rất thích hợp với việc dậy dỗ dân chúng trong đức tin. Từng kính mầu một kể lại cuộc đời một vị thánh, một dụ ngôn hay các biến cố kinh thánh khác. Từ các kính mầu đó đổ xuống các thác ánh sáng phản chiếu trên tín hữu để thuật lại lịch sử cứu độ và lôi cuốn họ vào trong lịch sử này.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nêu lên một đặc điểm khác nữa trong việc xây cất các nhà thờ chính tòa gôtích: đó là sự kiện toàn cộng đoàn kitô và dân sự đều tham gia vào việc xây cất và trang hoàng nhà thờ: người khiêm hạ cũng như kẻ quyền thế, người mù chư cũng như các nhà thông thái, để tất cả mọi người đều được dậy dỗ trong đức tin. Và Đức Thánh Cha định nghĩa điêu khắc theo kiểu gô tích như sau:

Điêu khắc gô tích đã làm cho các nhà thờ chính tòa trở thành ”Kinh Thánh bằng đá”, bằng cách diễn tả các giai thoại của Phúc Âm và minh giải các nội dung của năm phụng vụ, từ cảnh Giáng Sinh cho tới cảnh Chúa hiển vinh. Trong các thế kỷ đó cũng ngày càng phổ biến tri giác về nhân tính của Chúa, các đớn đau của Cuộc Khổ Nạn được trình bầy một cách thực tế: Chúa Kitô khổ đau trở thành hình ảnh được mọi người yêu mến, và thích hợp trong việc gợi lên lòng đạo đức và sám hối tội lỗi. Cũng không thiếu các nhân vật cựu ước mà lịch sử trở thành thân thiết với tín hữu lui tới nhà thờ như lich sử cứu độ. Với các mái vòm tràn xầy vẻ đẹp, sự dịu hiền và thông minh nghệ thuật điêu khắc gô tích của thế kỷ XIII mạc khải một lòng đạo đức hạnh phúc và thanh thản. Ngoài ra lòng sùng kính con thảo đối với Mẹ Thiên Chúa cũng được phổ biến. Đức Maria được coi như một phụ nữ tươi cười hiền dịu và đặc biệt được diễn tả như nữ hoàmg thiên quốc và trần gian, quyến thế và từ bi. Tín hữu lui tới các nhà thờ chính tòa gôtích cũng thấy các tác phẩm ghi nhớ các thánh, mẫu gương của cuốc sống kitô và là các người bầu cử cho họ bên tòa Chúa. Cũng không thiếu các tượng có tính cách đời như các cảnh làm việc ngoài đồng, khoa học và nghệ thuật. Nhưng tất cả đều hướng tới Thiên Chúa và được dâng cho Thiên Chúa trong nơi phụng vụ được cử hành.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: chúng ta có thể hiểu ý nghĩa được gán cho nhà thờ chính tòa gôtích một cách tốt đẹp hơn, khi đọc câu khắc trên cánh cửa nhà thờ thánh Denis ở Paris như sau: ”Hỡi bạn là người bước qua muốn ca ngợi vẻ đẹp của các cánh cửa này, đừng để cho mình bị lóa mắt bởi vàng hay vẻ tráng lệ huy hoàng, nhưng bởi công việc lao nhọc. Nơi đây ngời lên một công trình danh tiếng, nhưng xin trời cho công trình danh tiếng sáng ngời này làm các thần trí rạng sáng lên, đễ với các chân lý sáng láng họ tiến bước về ánh sáng thật, nơi Chúa Kitô là cách cửa thật”.

Không thể hiểu được các công trình nghệ thuật nảy sinh tại Âu châu trong các thế kỷ này, nếu không chú ý tới linh hồn tôn giáo đã linh hứng chúng. Marc Chagal đã viết rằng: ”trong bao thế kỷ các họa sĩ đã chấm bút vẽ của mình vào mẫu tự mầu là Kinh Thánh”. Khi đức tin được cử hành trong phụng vụ gặp gỡ nghệ thuật, thì tạo ra một môt sự hòa hợp sâu thẳm, vì cả hai có thể và muốn nói về Thiên Chúa bằng cách khiến cho cái vô hình trở thành hữu hình.

Đức Thánh Cha nói ngài muốn chia sẻ điều này với giới nghệ sĩ trong cuộc gặp gỡ họ ngày 21 tới đây để tái đề nghị với họ tình bạn giữa nền tu đức kitô và nghệ thuật như các vị tiền nhiệm là hai vị tôi tớ Chúa Phaolo VI và Gioan Phaolô II đã từng cầu mong. Vẻ đẹp mà các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ chiêm ngưỡng và diễn tả ra trong ngôn ngữ của họ là gì, nếu không phải là phản ánh sự rạng ngời của Ngôi Lời vĩnh cửu nhập thể?


Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau và chúc tín hữu những ngày hành hương bổ ích và sốt sắng. Trong số các đoàn hành hương hôm qua cũng có một đoàn tín hữu Việt Nam đến từ Brooklyn Hoa Kỳ do cha Đỗ Đức Toán hướng dẫn.

Nhắc tới ngày lễ thánh hiến đền thờ thánh Pherô tại Vaticăng và đền thờ thánh Phaolo trên đường Ostiense, Đức Thánh Cha nói nó là dịp giúp hiểu biết giá trị của Giáo Hội. Ngài khích lệ các bạn trẻ yêu mến Giáo Hội và hăng say góp phần xây dựng Giáo Hội. Ngài xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau cho sức lớn mạnh thiêng liêng của cộng đoàn kitô và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới trở thành dầu chỉ tìơh yệu sống động của Chúa Kitô giữa lòng thế giới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.