2009-10-26 12:27:40

Giáo Hội và công tác mục vụ cho người di cư tại Italia


Vào hạ tuần tháng 9 năm 2009 Ủy ban thường vụ của Hội Đồng Giám Mục Italia đã nhóm họp để duyệt xét các vấn đề của người di cư. Ngày 24-9-2009 các tham dự viên đã đặc biệt chú ý tới các anh chị em di cư đến từ các nước Đông Âu. Một số rất đông các anh chị em này thuộc Giáo Hội Chính Thống.

Trong một bài phỏng vấn dành cho báo Quan Sát Viên Roma nhân dịp này Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách mục vụ cho người di cư và lưu động khẳng định rằng không phải sự kiện các anh chị em di cư thuộc nhiều tôn giáo khác nhau tìm tới các nước Âu châu khiến cho căn cước Kitô của đại lục này bị khủng hoảng. Nhưng chính tiến trình tục hóa và duy đời cực đoan bất khoan nhượng đã đẩy đưa các xã hội Tây âu tới tình trạng khủng hoảng này. Theo Đức Cha Vegliò sự hiện diện của người di cư không khiến cho căn cước Kitô bị suy yếu đi. Dĩ nhiên là nguy cơ đó hiện hữu, nhưng Đức Cha xác tín rằng sự hiện diện của các anh chị em di cư ti nạn thuộc các tôn giáo khác là một khích lệ hơn là một đe dọa đối với căn cước Kitô. Khi đối chiếu với một căn cước tôn giáo vững vàng và xác tín khác chính họ cũng được phong phú thêm và họ cũng khiến cho môi trường trong đó họ sinh sống được phong phú.

Phát biểu trong phiên họp cuối cùng Đức ông Piergiorgio Saviola tổng giám đốc văn phòng đặc trách người di cư tị nạn của Hội Đồng Giám Mục Italia khẳng định rằng cần phải có một chương trình mục vụ toàn vẹn chú ý tới tất cả các thực tại của vấn đề di cư tị nạn và cộng tác chặt chẽ với các thực tại khác của Giáo Hội Italia. Đức Ông Vittorio Nozza, Giám đốc Caritas Italia cũng nhấn mạnh rằng cung cách tốt nhất để thực hiện sự hội nhập toàn vẹn giữa các người tị nạn và cộng đoàn địa phương là phải tái phục hồi tầm quan trọng của các cuộc gặp gỡ lắng nghe và trao đổi. Vì vậy phải tìm ra các kiểu và đưa ra các lựa chọn mục vụ mới. Toàn xã hội đều phải góp phần vào việc tái phục hồi và xây dựng sự hội nhập toàn vẹn đó giữa con người với nhau.

Trong khi đó Đức Ông Gianni Cesena, giám dốc văn phòng cộng tác giữa các Giáo Hội của Hội Đồng Giám Mục Italia, cho rằng các đề tài truyền giáo và di cư tị nạn cũng rất gần gũi nhau. Hiện nay Italia có khoảng 11.000 thừa sai làm việc truyền giáo đó đây trên thế giới. Trong năm 1994 số các thừa sai Italia là 24.000 vị, và các thừa sai đã hội nhập vào cuộc sống của người dân địa phương, nơi các vị làm việc. Còn Đức Ông Sergio Nolli, giám đốc văn phòng mục vụ gia đình nêu bật sự kiện các anh chi em di cư tị nạn sống các tình trạng khổ đau cũng như các tình trạng hy vọng vào một tương lai khác cho chính họ và cho con cái của họ. Các gia đình Kitô có thể nắm giữ vai trò định đoạt đối với sự hội nhập của gia đình các anh chị em di cư tị nạn, bắt đầu từ trường học, nơi có rất đông trẻ em di cư tị nạn theo học. Chính từ tương quan giữa các trẻ em có thể nảy sinh ra các tương quan nhân bản qúy báu giữa các phụ huynh Italia và các phụ huynh di cư tị nạn.

Văn phòng đặc trách người di cư tị nạn của Hội Đồng Giám Mục Italia phối hợp công tác mục vụ của 600 nhân viên mục vụ gồm các linh mục tuyên úy, các tu sĩ và giáo dân và hơn 2.000 linh mục sinh viên nước ngoài đang theo học tại Italia.

Cộng đoàn di cư tị nạn đông nhất tại Italia là cộng đoàn Rumani gồm 856.721 người. Công việc mục vụ do Đức Ông Anton Lucaci phối hợp. Đông hàng thứ hai là cộng đoàn Phi châu nói tiếng Pháp và tiếng Anh gồm 796.375 người. Công tác mục vụ do hai cha Robert Emeka Mgbeahurike và Denis Kibangu phối hợp. Đứng hàng thứ ba là cộng đoàn Albani gồm 436.307 người. Công tác mục vụ do cha Pasquale Ferraro phối hợp. Tiếp đến là cộng đoàn người Hoa gồm 169.165 người do cha Pietro Xingang Cui phối hợp. Thứ năm là cộng đoàn Ucraine gồm 140.392 người, do cha Oleksander Sapunko phối hợp. Rồi đến cộng đoàn Sri Lanka gồm 120.000 do cha Joe Neville Pereira phối hợp. Thứ bẩy là cộng đoàn Phi Luật Tân gồm 116.415 người do Đức Ông Ruperto Santos phối hợp. Cộng đoàn Ba Lan gồm 105.194 người do cha Adam Dalach phối hợp. Cộng đoàn Ấn Độ và Ấn Độ theo lễ nghi Siro Malabar gồm 83.743 người do hai cha Antony George Pattaparambil và Jose Pollayil phối hợp. Cộng đoàn Hungari có 10.000 người do Đức Ông Lazzlo Nemmeth phối hợp. Ngoài ra còn có cộng đoàn Lituani gồm 3.000 người do cha Petras Siurys phối hợp. Trong khi cộng đoàn Madagascar gồm 2.600 người do cha Joseph Rabenirina phối hợp. Và sau cùng là cộng đoàn Việt Nam gồm 1079 người do cha Agostino Nguyễn Văn Dụ phối hợp.

Cha Pietro Xingang Cui cho biết tại Italia có khoảng 300.000 người Hoa sinh sống, nhưng chỉ phân nửa có giấy tờ hợp lệ. Trong số đó có khoảng 3.000 tín hữu công giáo tức chiếm 1%. Cha cho biết cha thường gặp các khó khăn trong việc mục vụ cho các anh chị em này, vì người ta thường nói số tín hữu công giáo Hoa ít, nên không cần thiết. Tuy nhiên công tác mục vụ do cha Cui phối hợp bao gồm việc rao truyền Tin Mừng cho các anh chị em này. Chẳng hạn hồi năm 2006 trong tỉnh Firenze, trung bắc Italia, đã không có người Hoa nào theo công giáo, nhưng hiện nay đã có một cộng đoàn công giáo sinh động. Cách đây 2 năm tại Napoli, miền nam Italia, đã chỉ có một gia đình công giáo, hiện nay có 40 người. Nhưng mỗi khi có thánh lễ tiếng Hoa, thì hơn phân nửa số người tham dự chưa được rửa tội. Năm ngoái tại Prato đã có 17 tân tòng được rửa tội. Tại thành phố này có hàng chục ngàn người Hoa sinh sống và hiện cũng có một chủng sinh đang theo học để làm linh mục. Đã có hai nữ tu người Hoa đến đây dậy tiếng Ý cho người lớn và trẻ em. Tại Milano cũng có trường dậy tiếng Ý cho các anh chị em di cư người Hoa. Tại Rimini miền trung Italia, hồi năm 2004 đã không có người công giáo nào, nhưng hiện nay hàng năm có hàng chục người được lãnh bí tích rửa tội. Cha Pietro cho biết với số người Hoa di cư đông như vậy công tác tông đồ mục vụ và cánh đồng truyền giáo rộng mênh mông. Cha đang đợi 4.000 cuốn Kinh Thánh tiếng Hoa được gửi từ Pháp sang. Trong khi đó các anh em tin lành hoạt động truyền giáo rất mạnh và có rất nhiều phương tiện. Tại Napoli có một tín hữu công giáo Hoa đã không tìm ra cộng đoàn công giáo để sinh hoạt nên đã theo tin lành.

Đức Ông Anton Lucaci đặc trách phối hợp mục vụ cho tín hữu Rumani cho biết cộng đoàn Rumani có tới 1 triệu người, trong đó có 40.000 tín hữu công giáo sống và sinh hoạt trong 20 cộng đoàn khác nhau trên toàn nước Italia. Các cộng đoàn này rất sinh động với các chương trình sinh hoạt của các hội đoàn. Các linh mục làm tuyên úy cho tín hữu Rumani đều xuất thân từ đại chủng viện Iashi trong vùng Moldavia Rumani. Tín hữu công giáo lễ nghi latinh chỉ là một thiểu số so với các tín hữu công giáo hy lạp và tín hữu chính thống. Tại những nơi nào không có các linh mục công giáo hy lạp hay linh mục chính thống, nếu muốn các tín hữu này có thể tham dự các lễ nghi và sinh hoạt chung với cộng đồng công giáo lễ nghi latinh. Sự kiện một thiểu số các thành phần tội phạm gốc Rumani có gây tai tiếng cho cộng đoàn, nhưng đây cũng là dịp quan phòng để tín hữu sống lòng tin mạnh mẽ hơn và cố gắng chứng minh cho thấy đa số người Rumani lương thiện.

Trong số các cộng đoàn di cư có đức tin sinh động và lòng đạo sâu xa phải kể tới cộng đoàn Phi Luật Tân, do Đức Ông Ruperto Santos phối hợp. Số người Phi di cư hợp lệ lến tới hơn 100.000 và có lẽ phải kể thêm 100.000 người di cư bất hợp lệ nữa. Có tất cả 57 trung tâm mục vụ cho tín hữu Phi với 7 tuyên úy, 68 linh mục cộng tác viên và 200 nữ tu. Đức Ông Santos cho biết người dân Phi là một dân tộc di cư, vì có tới 20% tổng số dân sống ở nước ngoài. Vấn đề khiến cho mọi người lo lắng đó là thế hệ Phi thứ hai sinh trưởng tại Italia, không còn biết tiếng mẹ đẻ nữa. Nhiều người trẻ không lui tới nhà thờ nữa và cũng bỏ học để sống lang thang trên đường phố, rơi vào nạn bài bạc và xì ke ma túy. Chính vì thế các tuyên úy Phi đang củng cố mục vụ giới trẻ. Ngày 18 tháng 10 vừa qua là lễ Gia đình của cộng đoàn Phi đã được tổ chức tại đền thánh Đức Bà Fatima San Vittorino tại Roma. Ngoài ra hàng năm cũng có trại hè cho giới trẻ do các tu sĩ Salesien tổ chức, tại các địa điểm khác nhau.

Cha Oleksander Sapunko năm nay 33 tuổi là tuyên úy phối hợp công tác tông đồ mục vụ cho 120 cộng đoàn Ucraine cùng với sự cộng tác của 40 linh mục khác. Các vị liên lạc với nhau qua một địa chỉ Internet có tện goi là ”Hướng về ánh sáng”. Cộng đoàn di cư Ucraine hầu như chỉ gồm các chị em phụ nữ, chuyên làm nghề săn sóc người già, trẻ em và người tàn tật. Để tìm việc tại Italia họ bỏ chồng con ở bên Ucraine. Nếu lỡ bị mất việc họ thường rơi vào tình trạng bị trầm cảm. Cha Sapunko cho biết trường hợp bên Hoa Kỳ có khác, vì họ di cư cả gia đình. Đối với các phụ nữ này việc tái hội nhập họ vào xã hội Ucraine cũng là một khó khăn mục vụ khác nữa phải chú ý.

Còn có một cộng đoàn di cư điển hình khác nữa tại Italia là cộng đoàn các anh chị em gốc Phi châu. Cha Denis Kibangu Malonda, người Congo, cha sở Tivoli cho biết các anh chị em phi châu di cư hợp pháp được khoảng 128.000 ngàn, nhưng có rất nhiều người khác không có giấy tờ hợp lệ. Mỗi cộng đoàn đều được các linh mục sinh viên đang theo học tại Italia trợ giúp mục vụ. Số người tham dự thánh lễ cao, nhưng cũng có các tín hữu bỏ Giáo Hội công giáo để theo tin lành Pentecostal. Nhiều người khác hội nhập vào các giáo xứ Italia. Họ thường dậy giáo lý, điều khiển ca đoàn, và cũng có người tìm ra ơn gọi làm linh mục và phục vụ các người đồng hương.

Cộng đoàn công giáo Ấn theo lễ nghi Siro Malabar chỉ có khoảng 12.000 người, do cha Jose Pollayil phối hợp mục vụ. Tại Roma có 4.000 người và mới đây giáo phận Roma đã dành cho họ một nhà thờ để dâng thánh lễ, thường là vào chiều ngày thứ 5 vì ngày đó các phụ nữ coi người già hay trẻ em được nghỉ.

(Avvenire 25-9-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.