2009-09-28 14:44:39

Một số thách đố của các Giáo Hội Phi châu


Phỏng vấn Đức Ông Chidi Denis Isizoh, thuộc văn phòng thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn

Trong các ngày từ mùng 4 đến 25 tháng 10 tới đây Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II sẽ diễn ra trong nội thành Vaticăng về đề tài ”Giáo Hội tại Phi châu phục vụ hòa giải, công lý và hòa bình”. Trong ba tuần lễ các nghị phụ sẽ thảo luận về các vấn đề của Giáo Hội trong đại lục này.

Phi châu có thể là một phòng thí nghiệm liên đới giữa các dân tộc và sự chung sống giữa các tôn giáo. Nếu một đàng gia tài của chế độ thực dân vẫn còn tạo ra các xung khắc và bất hòa, khiến cho các các dân tộc và các chủng tộc khác nhau bị cưỡng bách phải sống chung với nhau trong một quốc gia có các ranh giới do con người phận định một cách giả tạo; thì đàng khác thường ngày người ta cũng chứng kiến việc đối thoại và kiếm tìm sự chung sống hòa bình. Trong tình trạng không dễ dàng này Giáo Hội có một vai trò nền tảng là tiếng nói của những người không có tiếng nói.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Ông Chidi Denis Isizoh, người Nigeria, thuộc văn phòng thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên Tôn, về một số thách đố của các Giáo Hội tại Phi châu.

Hỏi: Thưa Đức Ông Isizoh, Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II diễn ra vào tháng 10 sắp tới đã dành ra hai đon để bàn về cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Tương quan giữa tín hữu công giáo và tín hữu các tôn giáo khác hiện nay ra sao?

Đáp: Nói chung tương quan giữa tín hữu công giáo và tín hữu các tôn giáo khác tốt đẹp, nhưng cũng cần phải phân biệt. Trong đa số các vùng miền phi châu tín hữu công giáo, các Kitô hữu nói chung, và tín đồ của các tôn giáo khác, đặc biệt là của tôn giáo cổ truyền phi châu và hồi giáo, chung sống và làm việc với nhau. Tôn giáo không phải là cái gì tách rời khỏi các sinh hoạt của cuộc sống. Có nhiều tiếng nói phi châu không có từ chính xác để định nghĩa kiểu sống này. Nhưng hình thái tương quan thông thường nhất giữa các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo khác là việc đối thoại trong cuộc sống và sự cộng tác với nhau, trong đó mỗi người trình bầy các lý tưởng tôn giáo của mình: sống như các người hàng xóm tốt lành, lo lắng cho những ai gặp khó khăn, góp chung tiền bạc và khả năng để lo cho công ích trong làng, tham dự vào tiến trình quyết định đối với sự tiến bộ của xã hội, tìm chống lại nạn tội phạm. Trong các lãnh vực chia sẻ đó, mỗi người đóng góp các giá trị đã học được từ tôn giáo của mình. Bên Phi châu, người dân thường vui vẻ chung sống với nhau và cộng tác vào các chương trình công ích trong các làng mạc và thành thị khắp nơi. Họ thường không đào sâu các các vấn đề thần học trong tôn giáo của họ, cả khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ một cuộc đối thoại sâu xa trong chân lý và bác ái.

Hỏi: Tôn giáo cổ truyền phi châu có thái đ nào đối với Công Giáo thưa Đức Ông?

Đáp: Tín đồ tôn giáo cổ truyền phi châu chiếm đa số dân, nhưng họ thường là bạn của các tín hữu công giáo. Hồi thế kỷ trước rất đông người được rửa tội đã là tín đồ của tôn giáo cổ truyền phi châu. Liên quan tới việc đối thoại liên tôn Giáo Hội Công Giáo có hai thái độ: một thái độ đối với các tín hữu của tôn giáo cổ truyền và một thái độ đối với những người theo Công Giáo. Với tín hữu tôn giáo cổ truyền Giáo Hội khuyến khích đối thoại. Đối với các người theo đạo thì khó hơn, vì tôn giáo cổ truyền phi châu bao gồm toàn cuộc sống, cống hiến các phạm trù tư tưởng giúp giải thích các biến cố cuộc sống: sinh ra, lập gia đình, làm việc, và cả các biến cố buồn thương như tật bệnh và tang chế. Tôn giáo cổ truyền cống hiến các câu trả lời và các giải pháp. Giờ đây khi một Kitô hữu mới đương đầu với các biến cố này, thì họ tìm một câu trả lời nơi Kitô giáo. Khi một người chưa đâm rễ sâu trong đức tin, thì có nguy cơ trở về với tôn giáo cổ truyền, vì họ không tìm ra một câu trả lới tức khắc và thỏa mãn.

Trong một vài vùng phi châu việc thay đổi từ tôn giáo này qua tôn giáo khác là một thách đố đích thật. Giải pháp mà Giáo Hội đề nghị là ”chú ý mục vụ”, tức là cung cấp cho các Kitô hữu gặp khó khăn ấy một sự hướng dẫn. Sự chú ý này được diễn tả ra bằng nỗ lực của các linh mục dậy giáo lý một cách mạnh mẽ, đào tạo lòng tin, thành lập các các hội đồng mục vụ, sống gần gũi và liên đới với tín hữu, cầu nguyện chung.

Hỏi: Thế còn việc đối thoại với các anh chị em hồi giáo thì sao thưa Đức Ông?

Đáp: Tại nhiều nước phi châu, tương quan giữa tín hữu Kitô và hồi giáo tốt đẹp. Đây là tin vui thường được các phương tiện truyền thông quan trọng nhất loan báo. Dĩ nhiên, cũng có các luật trừ đối với tương quan hạnh phúc này: chúng ta hãy nghĩ tới hai ba nước trong đó thỉnh thoảng có xảy ra cảnh bất khoan nhượng và trong đó có một vài vị lãnh đạo chính trị lèo lái tâm tình tôn giáo để đạt các mục tiêu riêng tư của họ.

Hỏi: Vậy ngày nay tín hữu công giáo có thể cộng tác với tín hữu hồi trong các lãnh vực nào thưa Đức Ông?

Đáp: Cuộc đối thoại giữa tín hữu Kitô tại các nước miền nam sa mạc Sahara có một điểm lợi quan trọng. Đó là tôn giáo cổ truyền phi châu cống hiến một bối cảnh xã hội văn hóa cho phép các tín hữu Kitô và hồi giáo cơ may hiểu biết nhau. Họ thường hiểu các mô thức tư tưởng của nhau một cách dễ dàng. Bên Phi châu các tín hữu Kitô và hồi giáo cộng tác với nhau trong nhiều lãnh vực. Trong lãnh vực giáo dục họ có thể cùng nhau loại trừ nạn mù chữ và dốt nát. Họ có thể góp phần khắc ghi trong tâm lòng con người một nền luân lý lành mạnh trong chính quyền và trong các cơ cấu công cộng, dậy dỗ cho tín hữu biết các quyền lợi và bổn phận của họ trong xã hội, cộng tác với nhau trong cuộc chiến chống lại nạn nghèo đói, thăng tiến một nền dân chủ lành mạnh: chẳng hạn như cùng nhau bảo trợ các cuộc bầu cử và can đảm lên án các chuyện bất bình thường và không nghiêm chỉnh. Các tín hữu cũng có thể cùng nhau phát huy công bằng xã hội và sự liêm chính trong cuộc sống công cộng và tư nhân bằng cách yêu cầu các giới chức chính trị trả lẽ về các hành động của họ.

Hỏi: Trong thông điệp ”Bác ái trong chân lý” Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tố cáo tình trạng thiếu phát triển của các dân tộc 40 năm sau khi Đức Phaolô VI công bố thông điệp ”Phát triển các dân tộc”. Có cái gì làm chậm bước tiến của sự phát triển tại Phi châu không, thưa Đức Ông?

Đáp: Trong thông điệp này Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có nhiều điều để nói với từng người và từng dân tộc. Theo tôi Đức Thánh Cha đã đưa ra một khẳng định rất quan trọng khi viết: “Tiến bộ trên bình diện kinh tế và kỹ thuật không thôi, không đủ”. Nghĩa là phải chú ý tới sự phát triển con người toàn vẹn.

Áp dụng vào trường hợp của Phi châu, tôi có thể nói rằng sự phát triển đã được thực hiện theo tinh thần của thông điệp “Phát triển các dân tộc” và ”Bác ái trong chân lý” trong nhiều lãnh vực cộng tác quốc tế, trong việc bảo vệ các giá trị sự sống và gia đình, trong lãnh vực giáo dục, dân chủ, đối thoại quốc gia và các cuộc thảo luận về việc chung sống. Tuy nhiên cũng có một vài chướng ngại làm trì trệ việc phát triển. Gia tài của chế độ thực dân ngày nay vẫn còn dấu vết. Việc hòa tan các nhóm chủng tộc trong các quốc gia tân tiến - mà nếu không có chúng thì ranh giới các nước đã khác hẳn - và theo tôi đó đã là chướng ngại nghiêm trọng khiến cho việc phát triển bị chậm lại. Chúng ta lại đã chẳng chứng kiến cảnh Liên Xô, Yougoslavia, và các quốc gia đông âu khác tan rã, và chúng đã trở lại với thực tại quốc gia trước kia hay sao? Đa số các nước phi châu đều đang phải gánh chịu các hậu qủa của việc hòa tan các dân tộc khác nhau một cách kỳ cục, mà các phương tiện truyền thông thường gọi là ”các nhóm bộ tộc”, do chế độ thực dân tạo ra. Ngay từ đầu đã có các căng thẳng trong các cấu trúc của chúng, và cứ thỉnh thoảng thì sự căng thẳng ấy lại bùng nổ. Nó dẫn đưa tới các xung khắc, tranh giành quyền bính và kiểm soát các tài nguyên. Có đúng thật là sau bao nhiêu năm các nước nhỏ có ít các chủng tộc hơn đã thành công trong việc chấp nhận sự hiệp nhất cưỡng bách này, nhưng các nước lớn hơn sẽ bị bó buộc phải thương lượng và tìm ra các giàn xếp trong nhiều thời gian nữa. Đây là điều hiển nhiên trong trường hợp của các nước Cộng hòa dân chủ Congo, Nigeria, Nam Phi và Sudan. Chính việc tranh luận quốc gia liên quan tới sự hiện hữu của chúng khiến cho sự phát triển bị trì trệ.

Hỏi: Thưa Đc Ông, ngoài các chướng ngại kể trên, còn có các chướng ngại nào khác cản lối sự phát triển tại Phi châu hay không?

Đáp: Có chứ. Chẳng hạn còn có sự tham lam, ước muốn làm giầu ngay tức khắc, nạn gian tham hối lộ, tính cách không thể tin cậy được từ phía hàng lãnh đạo. Thế rồi còn có nạn di cư ra nước ngoài. một số người dân phi châu chán nản vì thấy thiếu các điều kiện cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người ngay trên quê hương mình, nên họ tìm đến các đồng cỏ xanh tươi hơn và di cư ra nước ngoài sinh sống. Một số người còn nghĩ rằng nền giáo dục tại học đường tiêu cực đối với tôn giáo của họ và đối với xã hội. Thế rồi còn có vài nước thuộc miền bắc bán cầu âm mưu trên bình diện quốc tế để duy trì những gì mà họ có và thương lượng những gì họ có với các nước khác. Đây là vấn đề liên quan tới các điều kiện bất bình đẳng trong lãnh vực thương mại quốc tế. Ngoài ra trong thời đại toàn cầu này, một vài giá trị của sự phát triển toàn vẹn được người dân phi châu qúy chuộng bị đe dọa, đặc biệt là sự sống và gia đình.

Hỏi: Thưa Đc Ông Isizoh, Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II vào tháng 10 sắp tới đây s có các đề tài quan trọng như hòa giải, công lý và hòa bình. Giáo Hội có thể đóng góp gì để tạo điều kiện cho các giá trị này đâm rễ sâu trong xã hội phi châu hay không?
 
Đáp: Chúng tôi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ II được thành công. Việc chọn lựa đề tài cho thấy Giáo Hội tại Phi châu sinh động trong tinh thần trách nhiệm đối với đại lục này. Trong 50 năm qua Phi châu bận rộn với các vấn đề độc lập và tự cai quản, nhiều quốc gia đã sống trong cảnh chiến tranh, xung khắc, và tranh luận. Và người ta tự hỏi Phi châu sẽ ra sao? Thượng Hội Đồng Giám Mục sẽ đề cập tới vấn đề này. Chỉ có hòa bình khi có hòa giải và công lý.

Trên thế giới chúng ta thường thấy sau khi thù nghịch giao chiến với nhau, người ta thành lập các tòa án để xử các tội phạm chiến tranh, lên án bỏ tù và đôi khi giết họ. Nhưng kiểu trả thù theo tâm thức con người trần gian không đem lại hòa bình. Một vài người cho rằng nó thoa dịu các vết thương, nhưng có thật vậy không?

Có một kiểu khác giúp chữa lành xã hội sau chiến tranh và xung khắc: đó là hòa giải. Chính Chúa Kitô đã mời gọi con người hòa giải với nhau (Mt 18,15-17). Nam Phi đã áp dụng giáo huấn này của Chúa và đã đề nghị giải pháp này với cộng đồng quốc tế. Giáo Hội đã nắm giữ một vai trò sinh động, là tiếng nói của những người không có tiếng nói và bênh vực những người bị áp bức và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, cũng như chữa lành các vết thương.
 
Hỏi: Năm Linh Mục có thể là dịp giúp các linh mục phi châu tái khám phá ra căn tính và sứ mệnh của mình hay không thưa Đức Ông?

Đáp: Chức linh mục là ơn và là mầu nhiệm. Chúng ta có lý do để tạ ơn Thiên Chúa vì số ơn gọi linh mục gia tăng bên Phi châu. Có người không có đức tin cho rằng ơn gọi đông, vì lý do kinh tế và cuộc sống dễ dãi thúc đẩy người trẻ đi tu. Nhưng nhiều người trẻ Phi châu thuộc các gia đình trung lưu và nhiều gia đình không đồng ý cho người trẻ đi tu. Thế rồi một số linh mục phi châu đã trở thành thừa sai đi truyền giáo ở các nước khác, nơi cuộc sống khổ sở hơn tại quê nhà rất nhiều. Trong Năm Linh Mục chúng ta phải cảm tạ Chúa vì con số đông đảo các linh mục Phi châu, vì các dấn thân tông đồ mục vụ của các vị. Có những vị đi xe đạp hay đi xe gắn máy hàng chục cây số để làm việc mục vụ cho tín hữu sống trong các làng quê hẻo lánh xa xôi, không có đồng lương chắc chắn nào, mà chỉ sống nhờ lòng quảng đại của tín hữu, trong số đó có các giáo lý viên.

Hỏi: Thưa Đc Ông, đâu là các vn đề mà các linh mục phi châu phải đương đầu trong chức thừa tác mỗi ngày?

Đáp: Có vài vùng Phi châu gây lo âu. Đe dọa lớn nhất hiện nay là nạn ly giáo do các vụ truyền chức giám mục và linh mục mới đây gây ra. Đối với một số linh mục giữ ba lời khấn ngày càng trở thành khó khăn hơn. Một số vị bị lôi cuốn bởi các sự vật trần tục. Đây không phải chỉ là tình trạng tại Phi châu mà thôi.

Chúng ta phải cầu nguyện nhiều cho các vị. Trong Năm Linh Mục này mọi linh mục được mời gọi trở về với lòng sốt mến tinh thần ban đầu, đã khiến cho các vị bước tới bàn thánh và dâng mình trở thành một Đức Kitô khác. Đây là dịp giúp suy tư duyệt xét cách sống các lời khấn, cũng như đời cầu nguyện của mình, kiểu sống và thi hành sứ vụ linh mục. Chúng ta hãy qùy gối xuống cảm tạ Thiên Chúa đã chọn chúng ta làm dụng cụ nghèo nàn để làm việc trong vườn nho của Ngài. Trong năm nay Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi linh mục tái thánh hiến mình cho Thiên Chúa và sứ mệnh linh mục. Thật là điều an ủi, khi khám phá ra nhiều kênh chuyển ơn thánh, qua các linh mục, chảy vào lòng Giáo Hội trong năm nay.

(SD 29-8-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.