2009-08-11 11:15:42

VẤN ĐỀ GIỚI TRẺ NGÀY NAY


Bà Suzanne Sellin là giáo sư tại một trường trung học chuyên nghiệp kỹ thuật nội trợ bên nước Pháp. Đại đa số các học sinh của trường xuất thân từ gia đình nghèo, kém may mắn trong xã hội Pháp hiện đại. Vì thế, có thể nói rằng, các học sinh này mang trong mình dòng máu ngỗ nghịch, phản loạn và bất cần! Trong một bối cảnh ”mất dạy” như thế, các giáo sư gặp không biết bao nhiêu là khó khăn. Xin nhường lời cho bà Suzanne Sellin chia sẻ kinh nghiệm ”dạy dỗ” giới trẻ và nhất là, bí thuật ”tôn trọng” giới trẻ để bắt buộc chúng phải kính trọng giáo sư.

Trong lớp tôi có một nữ sinh luôn luôn đến trễ. Nhưng đây lại là chuyện không có gì ”bất-bình-thường”! Bởi lẽ, trong lớp học 14 nữ sinh thì trung bình mỗi ngày đều đặn có từ 6 đến 8 người đến trễ! Vậy phải chọn giải pháp nào bây giờ??? Ban đầu, tôi nói với nữ sinh luôn luôn đến trễ:
- Em phải bắt đầu làm việc đi!

Nhưng cô nàng cứ ”tảng-lờ” như không nghe lệnh truyền. Cô ta tiếp tục đủng-đa đủng-đỉnh và phá rối lớp học. Tôi bèn lên tiếng đe dọa đuổi cô gái ra khỏi lớp. Cô nàng không chịu thua, bướng bỉnh hỏi lại:
- Làm sao em biết được ý muốn của cô bây giờ: cô muốn em ra khỏi lớp hay cô muốn em ở lại trong lớp?

Tôi đành chọn câu trả lời:
- Em ở lại trong lớp nhưng em phải học hành nghiêm chỉnh và giữ thinh lặng!

Thú thật, tôi không thể nào hiểu và chấp nhận cái kiểu xử-sự như thế! Tôi đau đớn tự hỏi đâu là mức độ ”bình-thường” mà một giáo sư có thể đề ra cho các học sinh của mình??? Đôi khi tôi đâm ra lúng-túng lưỡng-lự không dám trách cứ các học sinh. Thế nhưng, trong giới giáo sư thì tôi thuộc về mẫu giáo sư vừa khoan hậu vừa nghiêm khắc!

Làm thế nào để dung hợp hai đức tính xem ra có vẽ trái ngược nhau? Thưa, đó là vì tôi cố gắng tỏ ra tôn trọng giới trẻ. Và đáp lại, giới trẻ bị bắt buộc phải kính trọng tôi!

Cứ sự thường, khi bị quở trách là thiếu kính trọng thì giới trẻ phản ứng ngược lại. Bởi lẽ, lối sống lối hành xử của giới trẻ không phải là lối sống và lối hành xử của người lớn. Đôi khi chúng ta không có cùng ngôn ngữ và thái độ như nhau. Vậy thì phải chăng chúng ta - những nhà giáo dục - không còn cách nào khác dạy cho giới trẻ phải biết kính trọng tha nhân, kính trọng người lớn??? Đối với cá nhân tôi, tôi thông truyền cho giới trẻ thế nào là kính trọng người khác bằng chính cách cư xử kính trọng của tôi. Có thế, giới trẻ có trước mắt một mẫu gương sống động về sự kính trọng.

... Tiếp theo đây là kinh nghiệm của anh Nicolas 24 tuổi người Pháp. Từ tháng Giêng năm 2004 anh là nhân viên Cảnh Binh Quốc Gia, có các trạm kiểm soát lưu động.

Chúng tôi đang sống trong một thời đại mà đồng phục cảnh binh không còn gây ấn tượng kính nể! Hiện nay, vừa khi nhân viên Cảnh Binh cố gắng bảo vệ luật pháp, nhắc nhở người dân tôn trọng luật pháp, thì ngay tức khắc, gây ra phản ứng ngược lại. Giới trẻ thì tỏ ra bất bình, thóa mạ, chửi bới và thường đi đến hành động bạo lực. Trong khi người lớn thì dùng ngôn từ đúng đắn hơn nhưng không che dấu thái độ cộc cằn nóng nảy.

Trước các phản ứng dữ dằn này, nhân viên cảnh binh chúng tôi tìm cách không đáp lại cùng một thứ ngôn ngữ, nhưng vẫn nắm vững tình thế. Điều này không luôn luôn dễ dàng trong thực tế. Thật ra trong thời gian huấn luyện chúng tôi không được chỉ dẫn rõ ràng phải đối xử như thế nào trong trường hợp gặp phải phản ứng mất dạy, hành động vũ phu. Giờ đây trong thực tế của nghề nghiệp, mỗi người phải tìm cách ứng xử tùy theo tính khí hoặc tùy theo kinh nghiệm thâm niên.

Phải thành thật thú nhận rằng, càng ngày người ta càng phải đối đầu với những nhóm trẻ và những nhóm người bất lịch sự, khiếm nhã. Ban đầu là lời nói và kết thúc bằng hành động đập phá, gây rối. Thật đáng buồn biết bao!

... ”Đc Chúa GIÊSU vào đền thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: ”Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho Ông quyền ấy?” Đc Chúa GIÊSU đáp: ”Còn Tôi, Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho Tôi, thì Tôi cũng sẽ nói cho các ông biết Tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ trả lời: ”Chúng tôi không biết!” Đức Chúa GIÊSU cũng nói với họ: ”Tôi cũng vậy, Tôi không nói cho các ông biết là Tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (Matthêu 21,23-27).

(”Annales d'Issoudun”, Septembre/2008, trang 8-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.