2009-07-22 16:14:38

ĐTC Bin Đức 16 và dịp kỷ niệm 900 năm qua đời của Thánh Anselmo


AOSTA. Chiều thứ sáu, 24-7-2009, ĐTC Biển Đức 16 sẽ đến Nhà thờ chính tòa giáo phận Aosta, bắc Italia, ở miền ngài đang nghỉ hè, để chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể 400 LM, tu sĩ và đại diện giáo dân trong giáo phận.
ĐTC sẽ đặc biệt kính viếng hài cốt thánh Anselmo được giữ tại Nhà thờ chính tòa này. Tại đây, ngày 21-4 năm nay đã diễn ra lễ bế mạc tuần lễ kỷ niệm 900 năm qua đời của thánh Anselmo, dòng Biển Đức.

Tiểu sử thánh Anselmo

 
Thánh Anselmo được gọi là Anselmo thành Aosta, hay Anselmo viện phụ Đan viện Le Bec, hoặc Anselmo thành Canterbury, tiến sĩ Hội Thánh, là một nhà thần học và triết gia nổi tiếng của Giáo Hội. Ngài sinh năm 1033 tại Aosta. Do ảnh hưởng của người mẹ rất đạo đức, Anselmo ước muốn sống đời tu trì nhưng gặp sự chống đối của thân phụ. Sau khi mẹ qua đời, quan hệ gia đình trở nên khó khăn, năm hơn 20 tuổi, Anselmo giã từ Aosta sang Pháp, trong khi thân phụ anh lại gia nhập tu viện mà trước đây ông không đồng ý cho con vào tu.

Năm 1059, khi được 26 tuổi, Anselmo đến Đan viện Biển Đức Đức Bà Le Bec ở miền Normandie, tây bắc Pháp, để theo học với giáo sư nổi tiếng Lanfranco thành Pavía, là bề trên và là giám đốc trường Đan viện. Năm sau đó, thầy Anselmo gia nhập Đan viện Biển Đức này rồi trở thành cộng tác viên của sư phụ trong việc giảng dạy. Chỉ 3 năm sau, Anselmo được bầu làm Bề trên thay thế thầy Lanfranco bấy giờ chuyển sang làm Viện phụ Đan viện thánh Stephano. Năm 1078, khi vị sáng lập Đan viện Đức Bà Le Bec qua đời, cha Anselmo được toàn thể Đan viện bầu làm viện phụ.

Cha sống và hoạt động khẩn trương tại đây cho đến năm 1092, soạn nhiều tác phẩm thần học và triết học, trong đó có hai cuốn nổi tiếng nhất là Monologion và Proslogion. Trong tư cách là Viện phụ, ngài cũng thường phải du hành nhiều nơi, kể cả Canterbury bên Anh quốc.

Năm 1093, cha Anselmo được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Canterbury. Tại Anh, ngài nhiều lần đụng độ với hai vua Williams II và Henry I, nên hai lần phải lưu vong tại tịch viện Villa Sclavia của dòng Biển Đức ở Italia. Về sau nhờ sự bình định giữa vua và Đức Giáo Hoàng, thánh nhân mới được trở về Canterbury và qua đời tại đây năm 1109, thọ 76 tuổi. 385 năm sau đó, ngài được tôn phong hiển thánh năm 1494, và được tôn làm Tiến Sĩ Hội thánh vào năm 1720.

Thánh nhân cũng để lại rất nhiều kinh nguyện và suy niệm, và nhiều thư từ với các bạn hữu và môn đệ.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha

 
Chiều ngày 21-4-2009, trong buổi lễ kỷ niệm 900 năm qua đời của thánh Anselmo, cử hành tại nhà thờ chính tòa Aosta, trước sự tham dự của đông đảo các tín hữu đặc biệt là Viện Phụ Tổng quyền Notker Wolf của dòng Biển Đức, ĐHY Giacomo Biffi, nguyên TGM giáo phận Bologna, Đặc Sứ của ĐTC đã tuyên đọc Sứ điệp, qua đó ĐTC gợi lại những nét đặc biệt trong cuộc đời, giáo huấn và linh đạo của Thánh Anselmo, đồng thời khích lệ các Đan sĩ dòng Biển Đức noi gương khôn ngoan của thánh Anselmo, liên kết chiêm niệm với việc nghiên cứu trí thức để hiểu biết các mầu nhiệm đức tin.

ĐTC viết: ”Dịp kỷ niệm này là cơ hội không nên bỏ qua để nhớ lại một trong những nhân vật sáng ngời nhất của trong truyền thống của Giáo Hội và trong lịch sử tư tưởng tây Âu. Kinh nghiệm gương mẫu về đời đan tu của Thánh Anselmo, phương pháp đặc sắc của ngài trong việc suy nghĩ lại mầu nhiệm Kitô giáo, đạo lý tinh tế của thánh nhân về thần học và triết học, giáo huấn của ngài về giá trị bất khả xâm phạm của lương tâm và về tự do, trong tư cách là sự gắn bó trong tinh thần trách nhiệm với sự thật và sự thiện, hoạt động hăng say của ngài trong việc chăm sóc các linh hồn, dồn toàn lực để thăng tiến tự do của Giáo Hội.. và việc kỷ niệm 900 năm thánh nhân qua đời cũng đang khơi dậy và cổ võ tại nhiều nơi, và bằng nhiều cách”.

”Trong dịp kỷ niệm vị Tiến sĩ tuyệt vời này, Giáo phận Aosta nơi có di hài của thánh nhân, không thể không trổi vượt. Giáo phận ưa coi thánh Anselmo như người con danh tiếng nhất của mình. Cả sau khi rời Aosta trong thời thanh xuân, thánh nhân vẫn tiếp tục nhớ đến những kỷ niệm tái xuất hiện trong ý thức vào những lúc quan trọng nhất trong cuộc sống. Trong số những kỷ niệm ấy, có hình ảnh rất dịu hiền của mẹ Ngài và phong cảnh núi non hùng vĩ trong vùng với những đỉnh cao vút luôn có tuyết phủ.. Qua hình ảnh này ngài thấy tượng trưng sự cao cả tuyệt đối của Thiên Chúa.. Ngay từ hồi còn bé, thánh nhân đã cho rằng để gặp Thiên Chúa, cần phải leo lên đỉnh núi. Thực vậy, càng ngày ngài càng ý thức rằng Thiên Chúa ở trên cao không thể leo tới được, ở ngoài những đích điểm mà con người có thể tới, xét vì Thiên Chúa ở ngoài những gì con người có thể tưởng nghĩ. Vì thế hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, ít là trên mặt đất này không bao giờ chấm dứt, nhưng sẽ luôn luôn là tư tưởng và khát mong, một tiến trình nghiêm túc của trí tuệ và là một lời khẩn nguyện của con tim”.

ĐTC nhắc đến những năm thánh Anselmo sống tại Đan viện Le Bec ở miền Normandie và khẳng định rằng: ”Dừng lại những năm đời sống đan tu của thánh Anselmo có nghĩa là gặp một tu sĩ trung thành, luôn sống với Thiên Chúa và trong các khoa thiên quốc đến độ đạt tới đỉnh cao của khoa học về Thiên Chúa, đi sâu vào trong đó và có thể giải thích những vấn đề thâm sâu nhất, trên hết là thiên tính của Thiên Chúa và đức tin của chúng ta, cảm nghiệm với những lý lẽ rõ ràng những gì thuộc về đạo lý chắc chắn của Công Giáo” (Vita Sancti Anselmi, I, 7)...

”Khi làm Bề trên và Viện Phụ Đan viện Le Bec, ngài nổi bật về đoàn sủng làm thầy dậy về đời sống thiêng liêng, biết và trình bày một cách khôn ngoan những con đường trọn lành đan tu. Đồng thời người ta cũng bị thu hút vì thiên tài giáo dục của thánh nhân, được biểu lộ qua phương pháp phân định (Ep 61), và đây cũng là một đường lối riêng của ngài trong suốt cuộc sống, một phương pháp bao gồm lòng từ bi và cương quyết. Sau cùng, là khả năng đặc biệt của ngài trong việc huấn luyện các môn đệ về kinh nghiệm cầu nguyện đích thực: các bài nguyện gẫm hoặc suy niệm của ngài rất được ưu chuộng và được sử dụng rộng rãi, đã góp phần giúp bao nhiêu người trong thời đại của thánh nhân trở thành những tâm hồn cầu nguyện. Người ta nói rằng ta tìm được thánh Anselmo chân thực nhất tại Le Bec, nơi ngài sống 33 năm trời, và cũng là nơi ngài bị bệnh nặng. Nhờ sự trưởng thành thủ đắc được trong một môi trường suy tư và cầu nguyện như thế, ngài có thể tuyên bố giữa những phiền muộn sau này khi làm GM rằng: ”Tôi không giữ trong tâm hồn một oán hận nào đối với một ai” (Ep 321). Sự tưởng nhớ đan viện luôn tháp tùng thánh nhân trong suốt cuộc đời. Ngài thú nhận như vậy khi buộc lòng phải rời bỏ đan viện để nhận sứ vụ Giám Mục mà ngài cảm thấy mình không thích hợp”.

Cha Anselmo được bổ nhiệm làm TGM Canterbury và thế là hành trình sầu khổ hơn của thánh nhân bắt đầu, và người ta cũng thấy rõ ràng tình yêu của ngài đối với chân lý (Ep 327), sự ngay chính của thánh nhân, lòng trung thành nhiệm nhặt của ngài đối với lương tâm, ”tự do giám mục” của ngài (Ep 206), sự liêm chính thành nhân như GM (Ep 314), hoạt động của thánh nhân trong việc giải thoát Giáo Hội khỏi những ảnh hưởng và áp lực trần thế và những tính toán nô lệ không thể dung hợp với bản chất thiêng liêng của Giáo Hội. Những lời ngài nói với vua Henry thật là gương mẫu: ”Tôi trả lời rằng trong khi chịu phép rửa tội cũng như trong khi chịu chức, tôi không hề hứa tuân giữ luật hoặc tập tục của thân phụ nhà vua hay của TGM Lanfranco, nhưng là tuân giữ luật của Thiên Chúa và tất cả các mệnh lệnh mà tôi nhận được” (Ep 319).

Đối với Thánh Anselmo, vị Giáo Chủ của Giáo Hội tại Anh quốc, nguyên tắc này luôn có giá trị: ”Tôi là Kitô hữu, tôi là đan sĩ, tôi là giám mục: vì thế tôi muốn trung thành với tất cả mọi người, theo nghĩa vụ của tôi đối với mỗi người” (Ep 314). Trong nhãn giới đó, ngài không do dự quả quyết” ”Tôi chẳng thà không đồng ý với con người còn hơn là đồng ý với họ nhưng lại không đồng ý với Thiên Chúa” (Ep 314). Chính vì thế, thánh nhân cảm thấy sẵn sàng chịu hy sinh tột cùng: ”Tôi không sợ đổ máu đào của tôi; tôi không sợ một vết thương nào trên thân thể tôi và cũng không sợ mất của cải” (Ep 311).

Và ĐTC kết luận rằng:
”Vì tất cả những lý do trên đây, chúng ta hiểu tại sao thánh Anselmo vẫn giữ nguyên tính chất rất thời sự và sự thu hút mạnh mẽ ngày nay và thật là điều rất hữu ích khi đọc lại và tái xuất bản các tác phẩm của Ngài, cũng như tái suy tư về cuộc đời của thánh nhân. Vì thế tôi vui mừng được biết nhân dịp kỷ niệm 900 năm qua đời của thánh Anselmo, giáo phận Aosta đã nổi bật trong việc đề ra một loạt các sáng kiến thích hợp và thông minh, nhất là ấn hành kỹ lưỡng các tác phẩm của thánh Anselmo với ý hướng phổ biến và giới mọi người yêu mến giáo huấn và gương lành của người con thời danh của mình.”

Và qua ĐHY Đặc sứ Giacomo Biffi, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy ngưỡng mộ và quí mến hướng nhìn người đại đồng hương của mình, ánh sáng của thánh nhân tiếp tục chiếu tỏa trong toàn thể Giáo Hội, nhất là lòng yêu mến của thánh Anselmo đối với chân lý đức tin và sự hăng say đào sâu các chân lý này nhờ lý trí. Thực vậy, đức tin và lý trì được liên kết tuyệt vời với nhau nơi thánh Anselmo.”

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.