2009-07-21 16:00:56

BỊ BÁCH HẠI DƯỚI THỜI NGA HOÀNG VÀ CÁCH MẠNG CỘNG SẢN NGA


... Câu chuyện chúng tôi hân hạnh giới thiệu cùng quý vị khởi hành từ một làng nhỏ bên nước Lituani. Ngôi làng mang tên Marijampole và nhân vật chính mang tên Giorgio Matulewicz chào đời ngày 13-4-1871. Giorgio là trai út trong gia đình Công Giáo nghèo nhưng thật đạo đức có 8 người con. Chẳng bao lâu, Giorgio sớm nếm mùi cay đắng. Cậu bé mất Cha năm lên 4 và mất Mẹ năm lên 10. Giờ đây cậu bé sống dưới sự chăm sóc bảo trợ của anh cả tên Gioan. Giorgio chuyên cần học tập. Mãn bậc tiểu học, mặc dầu tỏ ra xuất sắc và hiếu học, cậu bé cúi đầu vâng phục lệnh anh cả truyền phải nghỉ học và đi làm thuê.

May mắn là vào thời kỳ này, người anh thứ trở về từ thủ đô Mạc-tư-khoa. Anh thứ nhận ra ngay khả năng học tập cùng đức tính chuyên cần của em trai út nên ra tay can thiệp. Anh thứ quyết định chịu mọi phí tổn để Giorgio ghi tên vào Trường Kỹ Thuật. Mãn bậc trung học, một lần nữa anh cả lại truyền cho em út phải nghỉ học và ra đồng làm việc. Giorgio tuân lệnh không một lời than trách, mặc dầu thấy ước nguyện trở thành linh mục bỗng một sớm một chiều tan thành mây khói và mặc dầu sức khoẻ lúc ấy thật tồi tệ.

Nhưng THIÊN CHÚA Quan Phòng không bỏ rơi Giorgio. Bất ngờ một người anh họ tên Gioan trở về từ Ba Lan. Biết rõ ước nguyện thầm kín của em, anh họ Gioan tìm mọi cách giúp đỡ và ghi tên Giorgio - 18 tuổi - vào Chủng Viện Ba Lan ở Kielce. Giorgio chính thức gia nhập Đại Chủng Viện ngày 1-10-1891.

Tưởng rằng mọi sự sẽ trôi xuôi êm ả, nào ngờ giông tố nổi lên với chính sách bách hại của Nga hoàng lan sang cả quê hương Ba Lan. Đây là chính sách thù nghịch Giáo Hội Công Giáo, khiến các chủng viện Ba Lan phải đóng cửa. Tuy nhiên, các giáo sư Chủng Viện bị giam tù nhưng các chủng sinh thì phân tán trong các chủng viện. Thế là thầy Giorgio - chủng sinh duy nhất người Lituani - được chuyển tới Đại Chủng Viện của Tổng Giáo Phận Varsava, thủ đô Ba Lan. Đây là thời gian quan trọng giúp thầy Giorgio có dịp chứng kiến tận mắt và cảm nghiệm sâu xa những chặng đường khổ giá mà dân tộc và Giáo Hội Công Giáo Ba Lan phải gánh chịu.

Năm 1895 thầy Giorgio được gởi đi kết thúc các năm thần học cuối cùng tại Học Viện Công Giáo Pietroburgo. Sau ba năm, thầy thụ phong Linh Mục và được đề cử làm giáo sư môn Thần Học. Tân Linh Mục được Đức Giám Mục chỉ định trông coi giáo xứ Daleszyce bên nước Ba Lan. Nhưng chỉ vỏn vẹn 2 tháng, Cha ngã bệnh nặng, một phần vì khí hậu khá nghiệt-ngã khiến cho bệnh tình cũ lúc thiếu thời tái phát dữ dội. Cha bắt buộc phải xin phép đi chữa bệnh ở Đức rồi ở Thụy Sỹ.

Trong thời gian chữa bệnh ở Fribourg, Cha Giorgio lợi dụng dịp tốt để trau dồi kiến thức. Nhưng khó khăn vẫn chưa buông tha. Cha vừa bị chứng bệnh hoành hành vừa bị nhóm công an mật vụ của chế độ Nga hoàng bám sát theo dõi. Cha chỉ may mắn thoát khỏi nanh vuốt bọn công-an-mật nhờ sự can thiệp đúng thời đúng lúc của vị Giám Mục bản quyền. Cha được chuyển nhanh về thủ đô Varsava để tiếp tục điều trị.
Khi bệnh tình thuyên giảm, Cha tiếp tục công tác tông đồ, đặc biệt trong việc dấn thân phục vụ các tín hữu Kitô. Trước tiên Cha thành lập Hội Công Nhân Công Giáo rồi đến Hội Sinh Viên Công Giáo và Hiệp Hội Tông Đồ dành riêng cho các Linh Mục Giáo Phận. Song song với việc thành lập các Hội Đoàn, Cha còn giữ vai trò giảng thuyết, giải tội và linh hướng, nhờ các khả năng đọc hiểu kinh nghiệm cuộc đời và tâm lòng con người. Ngoài ra tận nơi kín ẩn của con tim, Cha còn có nguyện ước phát huy đối thoại với Giáo Hội Đông Phương và vãn hồi cuộc sống tu trì tại Nga, đặc biệt là cải tổ luật dòng Đức Mẹ MARIA Vô Nhiễm Nguyên tội.

Sau khi Đức Thánh Cha Pio X (1903-1914) chúc lành cho tu luật cải tổ, Cha Giorgio xin gia nhập hội dòng và tuyên khấn ngày 29-8-1909. Sau khi Cha Bề Trên Cả qua đời, Cha Giorgio được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền. Cha hăng say chu toàn trách nhiệm và thành lập ngành nữ mang tên Nữ Tu Nghèo Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hội dòng chuyên việc giáo dục các thanh thiếu nữ.

Thế chiến thứ nhất 1914-1918 bùng nổ gieo rắc kinh hoàng và chết chóc. Cha Giorgio được chỉ định làm Giám Mục trông coi giáo phận Vilna với ngai tòa đặt tại Kaunas. Cùng với trách vụ mới, Đức Cha Giorgio gặp rất nhiều khó khăn từ bọn “bônxêvích - cách mạng cộng sản Nga” cũng như nhóm công an mật vụ Ba Lan. Các nhóm này tìm mọi thủ đoạn đánh phá và quấy rối các công việc của Đức Cha. Thấy tình hình quá căng thẳng, Đức Cha đệ đơn từ chức và Tòa Thánh chấp nhận.

Tháng 12 năm 1925 Đức Thánh Cha Pio XI (1922-1939) đặt Đức Cha làm Kinh Lược Tông Tòa tại Lituani. Nhưng thi hành công tác chưa được 2 năm thì Đức Cha Giorgio Matulewicz qua đời ngày 27-1-1927, hưởng dương 56 tuổi.

... ”Anh chị em hãy tìm sức mạnh trong THIÊN CHÚA và trong uy lực toàn năng của Ngài. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của THIÊN CHÚA, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn âm phủ. Bởi đó, anh chị em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của THIÊN CHÚA. Như thế, anh chị em có thể vận dụng toàn lực đ đi phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng tht đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an. Hãy luôn cầm khiên mộc là Đức Tin, nhờ đó anh chị em có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời THIÊN CHÚA” (Thư gởi tín hữu Êphêsô 6,10-17).

(”MARIA di Fatima”, Mater Dei Invicta Regina, Rivista mensile di spiritualità, Anno 11, n.1, Gennaio 2009, trang 19-21)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.