2009-06-29 14:49:23

Đức Thánh Cha trao dây pallium cho 34 vị Tổng Giám Mục chính tòa


VATICAN. Sáng 29-6-2009, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô và trao dây Pallium cho 34 vị TGM chính tòa thuộc 20 quốc gia.

Trong số các tiến chức, có hai vị Á châu là Đức Cha Francis Xavier Kriengsak, 60 tuổi, tân TGM Bangkok Thái Lan, và Đức Cha Albert Malcom Ranjith, 62 tuổi, tân TGM Colombo Sri Lanka và nguyên là Tổng thư ký Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích. Nhóm đông nhất là 5 vị người Mỹ, TGM các giáo phận Detroit, New York, Saint Louis, Omaha và New Orleans. Tổng cộng có 16 vị TGM thuộc Mỹ châu.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Len để làm dây Pallium được lấy từ những con chiên màu trắng được các tu sĩ thuộc một tu viện tại giáo xứ thánh Agnès, ở đường Nomentana, Roma, nuôi, và hàng năm, cứ đến ngày lễ thánh nữ Agnès tử đạo, 21-1, họ mang chiên tới trao cho ĐTC và ngài trao lại cho các nữ tu thuộc đan viện thánh Cecilia thuộc dòng Biển Đức, gần Vatican nuôi để xén lấy lông làm len và đan thành dây Pallium.

Dây Pallium là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Thánh Simeon thành Tessalonica viết: ”Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao”. Dây này cũng biểu hiệu sự hiệp thông giữa vị vị TGM chính tòa với Tòa Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC là 34 vị TGM chính tòa, trước sự hiện diện của hơn 40 HY trong đó có ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, TGM giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh, trên 80 GM, trong đó có 28 GM Việt Nam, và 10 ngàn tín hữu.
Giống như những năm trước đây, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople đã gửi phái đoàn đến tham dự và do Đức TGM Emmanuel, thủ lãnh Giáo Hội Chính Thống tại Pháp hướng dẫn. Tháp tùng ngài còn có 1 GM và 1 Phó tế. Phái đoàn này được một chỗ danh dự trước bàn thờ.

Bài giảng của ĐTC
 
Trong bài giảng sau Phúc Âm, ĐTC đã dựa vào bài đọc trích từ thư thứ I của thánh Phêrô Tông Đồ để diễn giảng về sứ vụ GM, trước khi đưa ra những lời nhắn nhủ dành cho các vị TGM nhận giây Pallium. Ngài nói:

”Vậy thánh Phêrô nói gì với chúng ta, chính trong năm Linh Mục này, về nghĩa vụ của tư tế? Trước tiên, ngài hiểu sứ vụ tư tế hoàn toàn từ Chúa Kitô. Ngài gọi Chúa Kitô là ”người chăn dắt và canh giữ .. các linh hồn” (2,25). Bản dịch tiếng Ý dịch là ”custode” người canh giữ, còn từ tiếng Hy lạp thì dùng từ Episcopos, Giám Mục. Tiếp sau đó Chúa Kitô được mô tả là Mục Tử tối cao - archipoímen (5,4). Thật là lạ vì thánh Phêrô gọi Chúa Kitô là Giám Mục - Giám Mục của các linh hồn. Qua đó ngài có ý nói gì? Trong từ tiếng Hy Lạp có chứa xựng động từ ”nhìn thấy”, vì thế từ ấy được dịch là ”người canh giữ” hay là ”người canh chừng”. Nhưng chắc chắn ở đây ngài không có ý hiểu là một sự canh chừng từ bên ngoài, như thể một lính canh nhà tù. Đúng hơn ngài hiểu đó là sự nhìn thấy từ trên cao, nhìn từ độ cao của Thiên Chúa. Nhìn thấy trong viễn tượng của Thiên Chúa là một cái nhìn yêu thương muốn phục vụ tha nhân, giúp đỡ họ trở thành thực sự là mình. Chúa Kitô là ”Giám mục của các linh hồn”, điều này có nghĩa là Ngài nhìn thấy chúng ta trong viễn tượng của Thiên Chúa. Khi nhìn từ Thiên Chúa, ta có một cái nhìn tổng quan, thấy được những nguy hiểm và cả những hy vọng và cơ hội. Trong viễn tượng của Thiên Chúa, ta thấy được điều cốt yếu, thấy được con người nội tâm. Nếu Chúa Kitô là GM của các linh hồn, đối tượng là tránh cho linh hồn trong con người khỏi trở nên lầm than, làm sao cho con người không đánh mất yếu tính của mình, khả năng đối với sự thật và tình thương, làm cho linh hồn nhận biết Thiên Chúa và không lạc mất trong những cái vòng lẫn quẩn; không bị mất hút trong sự cô lập nhưng cởi mở đối với toàn thể. Chúa Giêsu là Giám mục của các linh hồn, là khuôn mẫu của mọi sứ vụ Giám mục và linh mục. Giám mục và linh mục trong viễn tượng đó có nghĩa là: đảm nhận vị trí của Chúa Kitô. Suy nghĩ, nhìn và hành động từ vị thế được nâng cao của Chúa. Từ Chúa luôn sẵn sàng phục vụ con người, để họ tìm được sự sống.

ĐTC nói thêm rằng: Như thế từ ”Giám mục” rất gần với từ ”Mục tử”, đúng ra hai từ có thể dùng như nhau. Nhiệm vụ của vị mục tử là chăn dắt, và gìn giữ đoàn chiên và dẫn chúng tới cánh đồng cỏ đúng. Chăn dắt đoàn chiên có nghĩa là chăm sóc để chiên tìm được lương thực thích hợp, được no đầy không phải đói khát. Ngoài tính chất biểu tượng, điều này có nghĩa là Lời Chúa là lương thực mà con người đang cần. Luôn làm cho Lời Chúa hiện diện và vì thế nghĩa vụ của vị Mục tử ngay chính là mang lương thực cho con người. Mục tử cũng phải biết chống lại kẻ thù, những chó sói. Thánh Phêrô, trong diễn văn dành cho các trưởng lão, cũng nêu bật một điều rất quan trọng. Không phải chỉ nói mà thôi: các Mục Tử không phải chỉ nói mà thôi, cần phải trở thành gương mẫu cho đoàn chiên (5,3). Lời Chúa được đưa từ quá khứ tới hiện tại, khi Lời Chúa được sống thực. Thậy là tuyệt với khi thấy nơi các thánh Lời Chúa trở thành một lời nói với thời đại chúng ta. Nơi những nhân vật như thánh Phanxicô, và như Cha Piô và bao nhiêu vị khác, Chúa Kitô thực sự trở thành những người đồng thời với thế hệ các vị, Ngài ra khỏi quá khứ và đi vào hiện tại. Điều này có nghĩa là: mục tử là gương mẫu của đoàn chiên, sống lời Chúa trong lúc này, trong đại cộng đồng của Hội Thánh”.

Trong phần cuối của bài giảng, ĐTC đặc biệt ngỏ lời với các vị TGM lãnh giây Pallium:

”Giờ đây, tôi ngỏ lời với Anh em quí mến trong hành giám mục, sắp lãnh nhận từ tay tôi giây Palliu. Dây này được dệt bằng lông những con chiên mà Giáo Hoàng đã làm phép trong lễ kính thánh Agnès. Điều ấy nhắc nhớ những con chiên của Chúa Kitô mà Chúa Phục Sinh đã ủy thác cho thánh Phêrô nhiệm vụ coi sóc (cf Ga 21,15-18), nhắc nhớ đoàn chiên của Chúa Giêsu Kitô mà anh em phải chăm sóc trong niềm hiệp thông với Phêrô, nhắc nhớ chính Chúa Kitô, Đấng như mục tử nhân lành đã vác lấy con chiên lạc trên vai, là nhân loại, để đưa về nhà, nhắc nhớ sự kiện Chúa là Mục Tử tối cao, đã muốn trở thành Chiên Con, để gánh lấy từ bên trong số phận của tất cả chúng ta, để mang lấy và chữa lành chúng ta từ nội tâm. Chúng ta hãy cầu xin Chúa xin Ngài ban cho chúng ta bước theo vết của những mục tử công chính, không phải vì bị bó buộc nhưng tự nguyện, như Chúa muốn... với tâm hồn quảng đại.. như mẫu gương của đoàn chiên” (1 Pr 5,2tt).

Trao dây Pallium

 
Sau bài giảng của ĐTC, ĐHY Agostino Cacciavillan, người Ý, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, trong tư cách là Hồng y trưởng đẳng phó tế đã giới thiệu lên ĐTC 34 vị tân TGM xin nhận dây Pallium. Khi tên của các vị xướng lên, các tín hữu tháp tùng đã reo hò và vỗ tay chào mừng. ĐHY Cacciavillan cũng nhắc đến danh tánh các vị TGM đã xin giây Pallium nhưng không thể đến Roma hôm nay được.

Tiếp đến các tân TGM xưng danh tánh và cùng đọc lời tuyên thệ hứa sẽ luôn luôn trung thành và vâng phục Thánh tông đồ Phêrô, Giáo Hội tông truyền Roma, ĐGH và các người kế vị hợp pháp ngài. ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây nay, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

ĐTC cũng đọc công thức trong đó có đoạn nói rằng: ”Ước gì giây Pallium này, đối với anh em, là biểu hiệu sự hiệp nhất và là dấu chỉ sự hiệp thông với Tòa Thánh, là mối giây bác ái và là một khích lệ can đảm mạnh mẽ để trong ngày Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô, vua của các Mục Tử, đến và tỏ hiện, anh em cùng với đoàn chiên được ủy thác cho anh em, có thể được mặc lấy áo của sự bất tử và vinh quang”.

Tiếp đến từng vị tân TGM tiến lên qùy trước mặt ĐTC để ngài đeo dây Pallium cho, trước những tiếng vỗ tay của cộng đoàn. Sau cùng, Đức TGM Monterisi, Tổng thư ký Bộ Giám Mục, đã tiến lên trước mặt ĐTC để nhận các dây Pallium còn lại để chuyển tới các vị TGM vắng mặt.

Sau thánh lễ, ĐTC đã cùng với vị TGM trưởng Phái đoàn chính thống Constantinople xuống hầm Đền thờ và cầu nguyện tại Mộ của Thánh Phêrô Tông Đồ.

Kinh Truyền Tin

 
Sau đó, ngài về dinh tông tòa và xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quang trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC nhắc đến ý nghĩa lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, bổn mạng Giáo Phận Roma. Trong bài giảng cho Cộng đoàn Roma, thánh Giáo Hoàng Lêo Cả quả quyết rằng ”Hai vị thánh này là những người Cha và Chủ Chăn đích thực của anh chị em, các ngài đã thiết lập Giáo Hội anh chị em để được tháp nhập vào nước trời” (Bài giảng in Nat. App. Petri et Paulo, c.I, PL 54,422).

ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy luôn trung thành với ơn gọi Kitô và chừng chiều theo não trạng của thế gian này, nhưng luôn để cho Tin Mừng biến đổi và canh tân, để đi theo những gì thực sự là tốt và đẹp lòng Chúa (Rm 12,2).
ĐTC cũng giải thích về lễ trao dây Pallium cho các vị Tổng GM chính tòa. Ngài nhắc đến sự hiện diện của Phái đoàn Chính Thống Constantinople như một lý do mang thêm vui mừng cho đại lễ này. Ngài nói: Ước gì việc cùng nhau tôn kính hai thánh Phêrô và Phaolô tử đạo là bảo chứng sự hiệp thông ngày càng trọn vẹn và nồng nhiệt giữa các tín hữu Kitô ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta hãy cầu xin điều ấy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô qua lời kinh Truyền Tin quen thuộc.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC loan báo sắp công bố thông điệp thứ ba của ngài về các vấn đề xã hội với tựa đề ” Caritas in veritate ” (Bác ái trong sự thật).

G. Trần Đức Anh OP








All the contents on this site are copyrighted ©.