2009-06-25 11:43:33

NỮ THẨM PHÁN PHÁP CÓ QUẢ TIM VÀNG


Ban ngày làm việc nơi tòa án, ban tối trở về chăm sóc một ”bộ lạc” gồm đến 24 thanh thiếu niên. Đứa nhỏ nhất lên 3. Đứa lớn nhất 21 tuổi. Đó là cuộc sống hàng ngày của bà Martine Bouillon, nữ thẩm phán độc thân người Pháp. Bà làm việc tại tòa án Bobigny, cách thủ đô Paris của nước Pháp vài cây số về phía Đông Bắc.

Tất cả ”bộ lạc” đều gọi bà Martine bằng ”Má”, nhưng thật ra không có đứa nào con ruột của bà. Trong số 24 thanh thiếu niên cùng sống dưới mái nhà, chỉ có 10 đứa là con nuôi chính thức, còn lại 14 đứa là con nhận nuôi dùm, trong thời gian vô hạn định. Cùng giúp đỡ bà Bouillon trong công tác dưỡng dục nhóm trẻ có ông Patrick, một cảnh binh về hưu.

Câu chuyện tình yêu của cuộc đời nữ thẩm phán Martine Bouillon bắt đầu vào năm 1978, khi lần đầu tiên bà nhận nuôi một bé trai Việt Nam. Cha mẹ bé bị chết trên biển cả trong cuộc vượt biên, chỉ mình bé sống sót. Sau đó, bà nhận nuôi thêm một số trẻ em khác. Lúc ấy, bà Martine làm thẩm phán điều tra tại Bar-le-Duc, ở miền Đông nước Pháp.

Năm 1991, bà được thăng chức phó biện lý và chuyển về làm việc tại Bobigny, gần thủ đô Paris. Từ đó, các đồng nghiệp thẩm phán chuyên về các trẻ vị thành niên có thói quen ký thác cho bà một số trẻ em hoặc không có giấy tờ hợp lệ, hoặc bị cha mẹ bỏ rơi, hoặc bị rơi vào vòng nô lệ của các tổ chức bất lương, chuyên việc buôn bán các trẻ em. Số trẻ em do bà nhận nuôi hoặc giữ dùm cứ tăng mãi, cho đến số 24.

”Bộ lạc” 24 thanh thiếu niên gồm đủ chủng tộc và màu da: Á châu, Phi châu và Âu châu. Tất cả sống tại căn nhà trước kia là đan viện ở Noisy-sur-Oise, cách Paris 50 cây số về hướng Bắc..

Đại gia đình sống nhờ trước tiên tiền lương thẩm phán của bà Martine. Tiếp đến là lòng quảng đại của các tổ chức từ thiện. Ngoài ra, bà còn nhận số tiền trợ cấp xã hội cho mỗi thiếu niên thuộc ”bộ lạc”. Tuy nhiên, tất cả góp lại không phải số tiền khổng lồ. Vì thế, việc chi tiêu trong gia đình phải tính toán kỹ lưỡng. Đó cũng là phương thức giáo dục giúp các thanh thiếu niên biết tiết kiệm và xử dụng đồng tiền cách đúng đắn. Ngoài ra, công việc trong nhà được phân công rõ ràng và đồng đều. Các trẻ lớn có nhiệm vụ giúp đỡ và chăm sóc các trẻ nhỏ tuổi hơn.

Trong tuần, bà Martine Bouillon phải làm việc suốt ngày nơi tòa án, nhiều lúc về đến nhà đã khuya. Vì thế, công việc điều hành và giáo dục các trẻ được giao cho ông Patrick, vị cảnh binh về hưu sống chung với bà Martine. Ông Patrick là người sành tâm lý. Ông theo phương pháp giáo dục của thánh Phanxicô đệ Sales (1567-1622): ”nắm tay sắt, găng tay nhung”. Nhờ thế mà ông điều khiển toàn ”bộ lạc” trong trật tự, tươi vui, hòa hợp và hạnh phúc. Thứ bảy và Chúa Nhật thì nhiệm vụ điều hành cộng đoàn chuyển sang bàn tay giáo dục của bà Martine Bouillon.

Ngoài nhiệm vụ nơi tòa án và công việc điều hành nơi gia đình, bà Martine dấn thân bài trừ tệ nạn lạm dụng tính dục trẻ em. Bà xuất bản cuốn ”Viol d'anges - Hiếp dâm các thiên thần”. Cuốn sách vạch trần tất cả tội phạm liên quan đến trẻ em: tội bóc lột sức lao động trẻ em; tội buôn bán mãi dâm trẻ em; tội lạm dụng tính dục trẻ em. Cuốn sách gây tiếng vang trong dư luận quần chúng. Nhất là khi người ta khám phá ra những tổ chức quốc tế chuyên buôn bán trẻ em để đưa chúng vào con đường mãi dâm và sau cùng, thủ tiêu chúng. Viết sách thôi chưa đủ, bà còn thành lập hiệp hội ”Hermes” chuyên việc bảo vệ trẻ em.

Trận chiến của nữ thẩm phán Martine Bouillon trở thành trận chiến của nhiều chính quyền trong việc bảo vệ trẻ em thoát khỏi các tệ nạn xúc phạm đến trẻ em.

Khi đề cập đến tội xúc phạm đến trẻ em, bà Martine Bouillon đau đớn nói:

- Cứ mỗi lần đọc một hồ sơ liên quan đến tội lạm dụng tính dục một trẻ nữ hoặc một trẻ nam, tôi bỗng bừng bừng nổi giận, giận đến nỗi bất chấp cả nền công lý, tôi thầm nghĩ: ”Thà giam lầm 10 người vô tội còn hơn thả lỏng một tên lạm dụng tính dục trẻ em!”

... Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Chúa GIÊSU rằng: ”Thưa Thy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Chúa GIÊSU liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: ”Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng vào được ớc Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nh này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Matthêu 18,1-7).

(”Famiglia Cristiana”, n.30, Luglio/1997, trang 36-38)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.