2009-06-24 17:14:20

Đức Thánh Cha giải thích về năm Linh Mục


VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 30 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 24-6-2009, ĐTC Biển Đức 16 đã giải thích về ý nghĩa năm Linh Mục.

Trong số các tín hữu hiện diện đặc biệt cũng có phái đoàn hành hương 55 người thuộc Giáo Xứ Việt Nam ở Paris, thủ đô Pháp, do Cha Giuse Trần Anh Dũng hướng dẫn.

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, ĐTC tạm ngưng loạt bài về các giáo phụ và các học giả Kitô giáo, để quảng diễn ý nghĩa về Năm Linh Mục ngài mới khai mạc hôm 19-6-2009 vừa qua. Ngài nói tóm tắt như sau:

”Thứ sáu vừa qua, lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, một ngày theo truyền thống vẫn được dành để cầu nguyện cho sự thánh hóa các linh mục, đã đánh dấu khởi đầu Năm Linh Mục, kỷ niệm 150 năm qua đời của thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, bổn mạng các cha sở. Năm Thánh Phaolô sắp kết thúc và năm Linh Mục hiện nay mời gọi chúng ta hãy để ý xem Thánh Phaolô Tông Đồ và cha sở khiên hạ của giáo xứ Ars đã hoàn đồng hóa với sứ của các vị thế nào, bằng cách cố gắng sống trong sự hiệp thông liên lỷ với Chúa Kitô. Ước gì Năm Linh Mục này giúp tất cả các linh mục tăng trưởng, tiến tới sự trọn lành thiêng liêng vốn là điều thiết yếu để sứ vụ của các vị được hữu hiệu và giúp các tín hữu ngày càng quí chuộng hoàn toàn hồng ân cao cả của chức linh mục: đối với chính các LM, Giáo Hội và cho thế giới chúng ta. Được trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô trong bí tích truyền chức Thánh, LM được mời gọi trở thành Alter Christus, Chúa Kitô thứ hai. Vì thế, sự kết hiệp bản thân với Chúa phải thống nhất mọi khía cảnh của đời sống và hoạt động linh mục. Trong năm Linh Mục này, chúng ta hãy phó thác tất cả các LM cho Mẹ Maria, là Mẹ Giáo Hội và cầu nguyện để các Linh Mục được tăng trưởng trong lòng trung thành với sứ vụ trở thành những dấu chỉ sống động về sự hiện diện và lòng từ bi vô biên của Chúa Kitô.

Thánh Phaolô và Vianney

 
Trước khi tóm lược bài huấn giáo bằng các thứ tiếng khác nhau, ĐTC đã diễn giải bằng tiếng Ý với nhiều chi tiết hơn về Năm Linh Mục và về chính ý nghĩa của LM.

Trước tiên, ngài ghi nhận 2 thánh Phaolô và Vianney rất khác biệt nhau về cuộc sống: một vị đi từ miền này sang miền khác để loan báo Tin Mừng, vị khác đón tiếp hàng ngàn tín hữu và ở lại trong giáo xứ bé nhỏ của ngài. Tuy nhiên có một cái gì cơ bản làm cho hai vị giống nhau, đó là sự hoàn toàn đồng hóa của hai vị với sứ vụ của mình, sự hiệp thông của các ngài với Chúa Kitô, đến độ thánh Phaolô có thể nói: ”Tôi đã bị đóng đinh với Chúa Kitô. Không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Galát 2,20). Và thánh Gioan Maria Vianney ưa lập lại rằng: ”Giả sử chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa ẩn náu trong linh mục như ánh sáng đàng sau tấm kiếng, như rượu được hòa với nước”... Hiện nhiên điều kiện lịch sử và xã hội thời thánh cha sở họ Ars đã thay đổi, và chúng ta có lý để tự hỏi các LM ngày nay có thể bắt chước thánh nhân thế nào trong sự đồng hóa với sứ vụ qua những hoàn cảnh xã hội hoàn cầu hóa ngày nay. Trong một thế giới trong đó quan niệm chung về cuộc sống ngày càng bớt phần thánh thiêng, và thay vào đó, chức năng trở thành tiêu chuẩn duy nhất có tính chất quyết định, quan niệm của Công Giáo và chức LM có nguy cơ bị mất đặc tính tự nhiên, đôi khi cả trong ý thức giữa lòng Giáo Hội nữa. Nhiều khi, trong các giới thần học, cũng như trong việc thực hành mục vụ và huấn luyện giáo sĩ, người ta đặt hai quan niệm về chức LM đối nghịch nhau. Cách đây vài năm tôi đã nhận xét: một bên là những ngừơi quan niệm về chức LM theo khía cạnh chức năng xã hội và định nghĩa yếu tính của chức LM bằng ý niệm phục vụ: phục vụ cộng đoàn, chu toàn một chức năng, bên kia là quan niệm có tính chất bí tích và thực thể, không chối bỏ tính chất phục vụ của chức linh mục, nhưng coi chức này ăn rễ nơi chính yếu tính của thừa tác viên và đây là điều được xác định do một hồng ân Chúa ban qua trung gian của Giáo Hội (J. Ratzinger, Minestero e vita del Sacerdote, in: Elementi di Teologia fondamentale. Saggio su fede e ministero, Brescia 2005, p 165).

ĐTC cũng giải thích thế nào là rao giảng Tin Mừng đối với linh mục, và thế nào là chỗ đứng ưu tiên của việc rao giảng? Ngài nhấn mạnh rằng việc rao giảng ở đây không phải chỉ là công bố lời nói, nhưng là công bố Lời Chúa, và việc rao giảng này đồng hóa với chính con người của Chúa Kitô, tự bản chất Người cởi mở đối với quan hệ với Chúa Cha và vâng phục thánh ý Cha. Vì thế, một việc phục vụ đích thực dành cho Lời Chúa đòi Linh mục phải hướng tới sự từ bỏ mình, đến độ có thể nói như thánh Tông Đồ: ”Không còn là tôi sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi”. LM không thể coi mình là chủ nhân ông của lời Chúa, nhưng là tôi tớ của Lời Chúa. LM không phải là lời Chúa, nhưng phải công bố Lời Chúa như Gioan Tây Giả là tiếng nói của Lời Chúa, ”Tiếng nói kêu trong hoang địa: hãy dọn đường cho Chúa, hãy uốn thẳng đường” (Mc 1,3).

Vì thế, trở thành tiếng của Lời Chúa, không phải chỉ là một khía cạnh chức năng của linh mục, trái lại đòi LM phải ”tiêu hao” bản thân trong Chúa Kitô, tham dự vào mầu nhiệm chết đi và sống lại của Chúa với tất cả con người của mình: trí khôn, tự do, ý chí, dâng hiến thân mình như lễ hy sinh sống động (Rm 12,1-2). Chỉ nhờ sự tham dự vào hy tế của Chúa Kitô, việc rao giảng của LM mới có tính chất chân thực.

Với đông đảo tín hữu hành hương nói tiếng Ý, ĐTC chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nói: Hôm nay chúng ta mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, được Thiên Chúa sai đến để làm chứng cho ánh sáng và chuẩn bị cho Chúa một dân tộc sẵn sàng. Hỡi những người trẻ, Cha cầu chúc các con tìm trong tình bạn với Chúa Giêsu sức mạnh cần thiết để luôn xứng đáng với những trách nhiệm đang chờ đợi các con. Hỡi anh chị em bệnh nhân, tôi khuyên nhủ anh chị em hãy coi những đau khổ và thử thách hằng ngày như một cơ hội Chúa ban để cộng tác vào việc cứu độ các linh hồn. Và hỡi các đôi vợ chồng mới cưới, tôi mời gọi anh chị em hãy biểu lộ tình yêu của Chúa qua sự trung thành với nhau và quảng đại đón nhận sự sống.

Trước đó, ĐTC đã nồng nhiệt chào thăm phái đoàn do Phó tổng thư ký LHQ quốc dẫn và là đại diện đặc biệt về các trẻ em trong tình trạng xung đột võ trang. Ngài nói: ”Tôi nồng nhiệt đánh giá cao sự dấn thân của Ông Phó Tổng thư ký và các cộng sự viên trong nỗ lực bảo vệ trẻ em nạn nhân của bạo lực và võ khí, tôi nghĩ tới tất cả các trẻ em trên thế giới, nhất là những em đang phải sợ hãi, chịu cảnh bị bỏ rơi, đói khổ, lạm dụng, bệnh tật, và chết chóc. Tôi gần gũi tất cả những nạn nhân nhỏ bé và nhớ đến các em trong kinh nguyện”.

G. Trần Đức Anh OP







All the contents on this site are copyrighted ©.