2009-06-15 17:02:12

Nguốc gốc cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế trên thế giới


Phỏng vấn ông Mauro Magatti, giáo sư xã hội học về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế trên thế giới hiện nay

Trong các tuần qua giới chức kỹ nghệ xe hơi Mỹ, Canada và Âu châu đã ráo riết thương lượng với nhau để cứu vãn công ăn việc làm cho hàng chục ngàn công nhân. Sau khi hãng General Motor của Mỹ bị phá sản, hãng Chrysler của Mỹ rao bán cổ phần và Fiat đã ký hợp đồng cộng tác với 20% tổng số vốn, nhưng cho tới năm 2025 số cổ phần của hãng Fiat Italia có thể lên tới 51%.

Trong khi đó hãng Opel của Đức ký hợp đồng với hãng Magna của Canada khiến cho Italia mất một mối lợi. Kỹ thuật của hãng Fiat nổi tiếng trong việc chế tạo các xe hơi trung bình hay nhỏ, nhưng máy tốt, có hình dáng đẹp và uống ít xăng dầu. Người ta tìm mọi cách để khỏi phải đóng các xưởng chế tạo xe hơi, nhưng trong việc tái tổ chức thế nào cũng có một số công nhân bị sa thải, và không ai biết có thể cứu vãn công ăn việc làm cho giới công nhân tới khi nào. Đây chỉ là một trong các lãnh vực bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế dễ nhận ra nhất. Nhưng hầu như mọi lãnh vực thương mại kỹ nghệ đều gặp khó khăn và rơi vào tình trạng suy thoái chưa từng thấy từ bao thiệp niên qua.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Mauro Magatti, giáo sư xã hội học về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế trên thế giới hiện nay.

Giáo sư Mauro Magatti sinh năm 1960 đậu tiến sĩ kinh tế tại đại học Bocconi, và hiện nay đang dậy môn phân tích các cơ cấu chủ thuyết tư bản hiện đại tại Đại học công giáo Thánh Tâm Milano. Từ nhiều năm qua giáo sư nghiên cứu hiện tượng toàn cầu hóa và các hậu quả của nó.

Hỏi: Thưa giáo sư, sau thời gian rối loạn cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới xem ra bắt đầu dịu lại, có đúng vậy không?

Đáp: Vâng, nền kinh tế thế giới đã bị đứng tim, nhưng được cấp cứu nhờ các can thiệp may mắn tức thì và nhanh chóng. Nhưng giờ đây chúng ta đang đứng trước hai ngã đường: trở lại kiểu sống như trước đây, giả đò là đã hoàn toàn khỏi bệnh, hay thay đổi lối sống. Nếu không thay đổi lối sống, thì tình trạng bất ổn hiện nay sẽ kéo dài và chúng ta sẽ phải chứng kiến các cuộc khủng hoảng tệ hại hơn nữa trong tương lai.

Hỏi: Như là nhà xã hội học, giáo sư đọc hiểu cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay trên thế giới như thế nào?

Đáp: Tôi so sánh cuộc khủng hoảng hiện nay với những gì đã xảy ra hồi thập niên 1970. Hồi đó chúng ta đã có 10 năm xung khắc xã hội nảy sinh từ cuộc khủng hoảng Nhà Nước quốc gia. Đây là một mô thức đã làm phát sinh ra nhiều khía cạnh tích cực, nhưng với thời gian nó đã đổ đốn và biến thành chủ nghĩa nhà nước. Cũng thế, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay là dấu hiệu mạnh mẽ của một cuộc khủng hoảng khác: đó là cuộc khủng hoảng mô thức kinh tế trong 30 năm qua, là mô thức đã có công cải tiến các mẫu mực kinh tế và các điều kiện sống của hàng triệu người. Nhưng như trước đây chúng ta đã thấy các hạn hẹp của chủ nghĩa nhà nước, thì ngày nay chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa thị trường và các mâu thuẫn của nó. Tầm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và bản chất của nó có thể là dịp giúp chúng ta bắt đầu một cuộc duyệt xét sâu rộng liên quan tới vài lệch lạc đã từ từ xảy ra trong mô thức đó.

Hỏi: Trong một cuốn sách sẽ được nhà xuất bản Feltrinelli ấn hành, giáo sư cho rằng mô thức tư bản kỹ thuật duy hư vô đã bước vào cuộc khủng hoảng. Nó có nghĩa là gì vậy?

Đáp: Cái mâu thuẫn nền tảng của mô thức đó được tóm gọn trong kiểu nói ”tư bản duy hư vô” và trong các ảo tưởng nảy sinh từ đấy. Loại tư bản này đã mù quáng tin vào sức mạnh của kỹ thuật, và làm suy yếu khả năng của các chủ thể chia sẻ các giá trị hay các sự vật có giá trị vượt xa hơn lợi xuất kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chánh biểu tượng cho sự mâu thuẫn này: các giá trị tài chánh tất cả đều là giả tạo, trong nghĩa chúng không dính líu tới thực tại. Nó giống như một cái trứng được đánh lên, và dung lượng gia tăng một cách giả tạo, rồi lại xẹp ngay sau đó. Ngày nay chúng ta trông thấy tất cả các thứ đó ngay dưới mắt mình, vì thế cần phải biết học bài học của nó. Nói cách khác: sự tăng trưởng kinh tế là một thiện ích, nhưng nó không thể là mục đích. Lợi xuất và những gì kiếm được phải kết hiệp với một sự phát triển xã hội, nếu không chúng sẽ làm nảy sinh ra các cơ cấu tài chánh vén mở cho thấy chúng chỉ là các lâu đài bằng giấy, sẽ bị sụp đổ như chúng ta đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Sự phát triển kinh tế duy nhất là sự phát triển chấp nhận đi chậm hơn một chút, nhưng khiến cho xã hội lớn lên.

Hỏi: Một sự phát triển có chừng mực, được các luật lệ chung kiểm soát, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng. Trong các thập niên qua chúng ta đã xây dựng một mối dây nối kết chặt chẽ giữa sự phát triển kinh tế và xã hội trên bình điện Nhà Nước quốc gia. Giờ đây phải trải dài tất cả trên một mức rộng rãi hơn nữa. Từ đó mới có vấn đề luật lệ, mà người ta nói đến nhiều. Nhưng mà vấn đề là chúng ta có sẵn sàng chấp nhận chạy chậm hơn một chút, và lớn lên hơn như là cộng đoàn hay không. Vì thế nên không thể không tưởng tượng ra một quyền bính có khả năng quyết định các ranh giới cho sự phát triển. Để có thể ra khỏi chủ thuyết tư bản cũ, cần tìm ra những thế quân bình mới, và những khía cạnh hiến pháp mới thích hợp cho mục đích này.

Hỏi: Giáo sư đang tưng tượng ra loại quyền bính nào vậy? Nó có bản chất kinh tế hay chính trị?

Đáp: Cái khó khăn chính là ở đó. Dĩ nhiên là tôi không nghĩ tới một siêu Nhà Nước. Nhưng tôi nói rằng các thỏa hiệp Bretton Woods là sản phẩm của thế chiến thứ II. Tưởng tượng ra một kiến trúc kinh tế mới, mà không phải là con đẻ của chiến tranh, là điều rất khó. Cần phải có trí thông minh chính trị rất lớn và một cái nhìn xa rộng.

Hỏi: Theo các dấu chỉ mà giáo sư quan sát, chúng ta có đang đi trong hưng đó hay không, hay người ta lại không nhận ra trong các lập trường khác nhau ý muốn khóa sổ vần đề và trở về với tình trạng trước kia?

Đáp: Nền kinh tế đã bị đứng tim, như chúng ta đã nói. Trở về với kiểu sống trước kia xem ra không phải là điều thận trọng. Vì thế vội vã qủa quyết rằng cuộc khủng hoảng đã qua là một dấu hiệu xấu. Thật vậy suy tư trở lại định hướng kinh tế toàn diện là một việc đòi hỏi nhiều năm chứ không phải vài tháng. Một cuộc khủng hoảng tài chánh như cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được giải quyết trong vòng một năm, nhưng các hậu qủa xã hội của nó có thể kéo dài rất lâu. Và sai lầm nghiêm trọng nhất là giả vờ cho rằng không có các hậu qủa này. Tôi thấy nguy cơ cụ thể đó là xảy ra một tiến trình bất ổn lâu dài.

Hỏi: Mới đây giáo sư tuyên bố rằng: ”Sau các năm dài của cá nhân chủ nghĩa, có lẽ đã đến lúc hiểu rằng có một sợi dây nối liền chúng ta với nhau. Như là leo núi vậy: sợi dây nối liền các thành phần với nhau là một trợ giúp và bảo đảm, chứ không phải là hạn chế sự tự do của từng người”. Từ quan niệm này thì giáo sư lạc quan hay bi quan dối với tương lai?

Đáp: Đây không phải là chuyện của các thái độ... Tôi chỉ hạn hẹp vào việc nhận xét rằng cuộc khủng hoảng cho thấy trong xã hội của chúng ta vẫn còn có các nguồn lực luân lý, tại Mỹ cũng như tại Âu châu. Dĩ nhiên các tài nguyên đó cần được khởi động và hướng dẫn. Cần có các quan niệm văn hóa và chính trị yểm trợ các tài nguyên này. Chắc chắn là trong lúc suy sụp luân lý chúng ta học được các bài học qua các khổ đau: lịch sử nói cho chúng ta biết điều này. Nhưng chúng ta hy vọng sự khôn ngoan thắng thế để giúp tránh các tổn thất xã hội cao.

Hỏi: Trong một bài diễn thuyết cách đây mấy tuần, giáo sư đã nêu bật việc khẩn thiết phối hợp sự tự do với tinh thần trách nhiệm một cách mới mẻ, như là con đường giúp thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế hiện nay. Tại sao vậy?

Đáp: Trong sâu thẳm của tất cả mọi sự, tôi tin một cách chính xác là có tương quan giữa sự tự do và tinh thần trách nhiệm. Từ đó nảy sinh ra đề tựa cuốn sách sắp tới của tôi ”Tự do tưởng tượng”. Trong tương lai trận đấu thực sự phải chơi là kiểu chúng ta suy tư về sự tự do, trong một thế giới đã sản xuất ra sự phát triển kinh tế xã hội, mà chúng ta đã biết, nhưng giờ đây lại đòi hỏi một phụ trội về tình liên đới.

Ngày nay chúng ta đang sống trong tuổi thanh niên, nhìn từ quan điểm của sự tự do. Sau khi nghĩ rằng tự do là muốn làm gì thì làm, cởi bỏ hết mọi ràng buộc, giờ đây là lúc phải làm cho nó trưởng thành, chín mùi trong chiều hướng của tinh thần trách nhiệm, vì nếu không có tinh thần trách nhiệm, thì cũng sẽ không có tự do. Tôi tin rằng ở đây mở ra một không gian lớn cho một ”tân cá nhân chủ nghĩa”, vượt qúa các trôi giạt ”kỹ thuật duy hư vô”.

(Avvenire 28-5-2009)
 
Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.