2009-06-03 15:59:09

LỜI CẦU XIN VÀ TÌNH TRI ÂN


André Frossard (1915-1995) là văn sĩ và là ký giả của nhật báo ”Le Figaro - Người Thợ Cạo” của Pháp. Nhưng có lẽ trước tiên phải nói: ông là tín hữu Công Giáo. Danh xưng này ông chỉ lấy lại vào khoảng thập niên 1970. Trước đó, ông là nhà vô thần, một loại vô thần ”đần-độn”, như ông từng hài hước gán cho mình, nghĩa là, không hề suy tư và đặt ra bất cứ vấn đề nào! Cho đến một ngày, ông tình cờ bước vào nhà nguyện của các Nữ Tu dòng ”Chầu Thánh Thể Đền Tạ” ở thủ đô Paris để tìm gặp một người bạn. Nơi đây ông bỗng bị ”ngã ngựa”, y như Saul trên đường Damas. Ông bước ra khỏi nhà nguyện với tâm tình hoàn toàn biến đổi. Chỉ trong phút giây, ông trở thành tín hữu Công Giáo của Giáo Hội Roma Công Giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền.

Từ đó cuộc đời ông André Frossard chuyển sang hướng đi mới, có Đức Tin Công Giáo soi dẫn và có Tình Yêu THIÊN CHÚA hộ phù. Ông không ngần ngại kể lại kinh nghiệm trở về và gặp gỡ THIÊN CHÚA cho mọi người, đặc biệt là trong tác phẩm nổi tiếng: ”Dieu existe, je L'ai rencontré - THIÊN CHÚA hiện hữu, tôi đã gặp Ngài”.

Đối với ông, ơn trở về với Giáo Hội Công Giáo là hồng ân vô giá mà ông được diễm phúc lãnh nhận. Suốt đời ông có nhiệm vụ ghi ơn và ca tụng lòng nhân hậu bao la của THIÊN CHÚA. Chính ông thổ lộ tâm tình trong một bài phỏng vấn như sau.

Cuộc hoán cải của tôi giống như hiện tượng vật lý hạt nhân. Và khi nhận thức hiện tượng thì lời cầu nguyện tức khắc trở thành lời tán tụng ngợi khen. Đây là lời kinh tuyệt hảo nhất trong mọi lời kinh. Nó cũng là hình thức hoạt động cao nhất mà tâm trí con người có thể đạt được: một hoạt động thiên thần. Đó là lời kinh của các nhà chiêm niệm thần bí, của người trở lại sau khi chạm trán với sự thật hiển nhiên, không thể chối cãi. Sự thật hiển nhiên bắt buộc con người nhận thức ra nó phải cúi đầu khiêm tốn chấp nhận, cùng lúc, dâng lời ngợi khen tán tụng THIÊN CHÚA.

Phải chăng hình thức cầu nguyện tán tụng vẫn còn chiếm trọn tâm tình cầu nguyện ông dâng lên THIÊN CHÚA mỗi ngày, ông André Frossard trả lời:

 
- Một phần, nhưng tôi cũng thêm vào đó lời cầu nguyện xin. Đối với tôi, đây cũng là hình thức cầu nguyện không kém phần quan trọng. Ngày nay có nhiều tín hữu khinh thường hình thức cầu nguyện này. Nhưng thật ra nó là lời cầu nguyện được chính Đức Chúa GIÊSU khuyên dạy. Ngài bảo: ”Các con hãy gõ thì cửa sẽ mở cho các con. Hãy cầu xin thì người ta sẽ ban cho các con điều các con mong ước”. Thêm vào đó, đối với tôi, cầu nguyện và khấn xin Chúa điều gì, tức là chúng ta làm đẹp lòng Chúa, vì chúng ta cho Chúa có dịp giúp đỡ, ban ơn cho chúng ta. Tôi nghĩ là chúng ta chưa đào sâu đủ ý nghĩa của bài dụ ngôn Đức Chúa GIÊSU nói trong Phúc Âm về người con trai hoang đàng. Tại sao người con lại quyết định lên đường trở về với cha mình? Phải chăng vì anh thương nhớ cha? Chắc chắn không! Vậy thì phải chăng anh hối hận? Cũng không phải! Anh trở về với lý do duy nhất là anh đói. Người anh cả hiểu rõ lý do này, do đó anh cả nổi giận và ghen tức. Người cha cũng hiểu rõ như vậy. Chỉ khác một điều là tình phụ tử quá bao la và cao cả. Chính người cha chạy ra đón con, khi đứa con trai thứ đang còn ở xa, rất xa. Ông ôm com vào lòng và truyền giết con bê béo để thết đãi con, làm mhư thể là anh con trai trở về vì thương nhớ cha già, hoặc vì hối hận lỗi lầm! Hình ảnh người cha nói lên phần nào Tình Yêu vô biên vô tận của THIÊN CHÚA là CHA chúng ta. Quả thật, chúng ta không bao giờ có thể thấu hiểu trọn vẹn Tình Yêu THIÊN CHÚA dành cho chúng ta.

Phải chăng ông tin rằng, nếu cầu xin thì sẽ được nhậm lời, ông André Frossard đáp:

- Tôi tin như vậy, nhưng với điều kiện là chúng ta cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng đánh đổi, để được điều nguyện xin. Chẳng hạn nếu muốn xin cho một em bé được khỏi bệnh, thì bạn phải chấp nhận bệnh tật của bạn. Và thường thì lời cầu của bạn hữu hiệu ngay. Nói thế tức là tôi muốn nêu cao tầm quan trọng của khổ đau, bởi vì khổ đau tự nó có giá trị vô giá. Giống như cuộc khổ nạn và Thánh Giá của Đức Chúa GIÊSU KITÔ vậy. Nếu Đức Chúa GIÊSU KITÔ muốn dùng khổ đau và Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta thì hẳn là Ngài có lý do sâu xa để hành động như thế. Đối với chúng ta cũng vậy. Kẻ đau khổ là người đang cầu nguyện, dĩ nhiên là trong tâm tình hoàn toàn chấp nhận khổ đau.

... Đức Chúa GIÊSU nói với các môn đệ: ”Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu ngưi ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Matthêu 16,24-26).

(”PRIER”, l'aventure spirituelle, n.127, Octobre/1990, trang 5-9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.