2009-06-03 10:34:14

Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka trong tiến trình hòa giải quốc gia


Ngày 19 tháng 5 vừa qua tổng thống Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka đã tuyên bố trước quốc hội rằng cuộc nội chiến đã chấm dứt. Buổi nói chuyện của tổng thống đã được đài truyền hình và phát thanh quốc gia chiếu và truyền đi trực tiếp. Trong diễn văn nói với quốc dân bằng tiếng Singale, tổng thống Mahinda đã khẳng định rằng mình thực thi quyền bính, mà nhân dân đã trao phó cho ông hồi năm 2005 khi bầu ông làm tổng thống. Ông đã giải phóng quốc gia và đem mọi tấc đất trở về trật tự pháp luật. Trong diễn văn tổng thống Sri Lanka cũng nhắc tới các binh sĩ đã tử trận trong cuộc nội chiến. Ông kêu gọi mọi người góp phần tái thiết đất nước và trợ giúp giải quyết vấn đề của hàng trăm ngàn người tị nạn chiến tranh. Tổng thống Mahinda ghi nhận rằng có hai loại công dân: những công dân yêu nước và những công dân không yêu nước. Và ông đã cam kết bảo vệ toàn dân kể cả người Tamil, vì đó là dấn thân và trách nhiệm tổng thống của ông.

Tuy chính quyền loan tin là ông Velupillai Prabhakaranm, lãnh tụ lực lượng Lôi Hổ Tamil, đã bị giết chết, nhưng ông Selvarasa Pathmanathan, đặc trách liên lạc quốc tế của lực lượng Lôi Hổ Tamil cho biết ông Velupillai vẫn còn sống, vì xác của ông đã không được tìm thấy trong số 18 xác của toán chỉ huy phiến quân bị giết ngày 18 tháng 5 vừa qua.

Chính quyền của tổng thống Mahinda Rajapaksa cũng thảo luận với các đại diện của Liên Hiệp Quốc về việc trợ giúp tái định cư 280.000 người tị nạn đang tạm trú trong các trại tị nạn của chính quyền.

Đức Cha Joseph Vianney Fernando, Giám Mục giáo phận Kandy, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mục Sri Lanka nhận định rằng chiến tranh sẽ chỉ thực sự chấm dứt, khi đất nước có khả năng vượt thắng những chia rẽ chủng tộc. Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mục Sri Lanka nói: ”Chiến tranh kể như chấm dứt, nhưng chúng ta chỉ có thể cử hành sự chấm dứt chiến tranh một cách thực sự, khi chúng ta có thể vượt thắng những thành kiến và sống chung với nhau như một dân tộc. Tôi rất vui mừng khi nghe tổng thống tuyên bố hôm nay rằng từ ”dân thiểu số” sẽ bị loại bỏ khỏi từ điển của chúng ta”. Đức Cha Fernando cũng cho biết cuộc nội chiến tại Sri Lanka đã bắt nguồn từ sự ngược đãi kỳ thị những người Tamil, và các anh chị em này không cảm thấy họ hoàn toàn là người Sri Lanka. Sri Lanka có 19 triêu dân, trong đó 18% là người Tamil. Nhiều người Sri Lanka theo Phật giáo tin rằng Phật giáo và các phật tử phải được hưởng vị thế ưu tiên tại Sri Lanka. Cuộc nội chiến trong 26 năm qua tại Sri Lanka đã khiến cho 80 ngàn người thiệt mạng.

Để mừng chiến thắng và chấm dứt chiến tranh chính quyền mời gọi dân chúng toàn nước treo quốc kỳ trên nhà cửa, bàn giấy và công xưởng. Đức Cha Savundaranayagam, Giám Mục Jaffna, là thủ phủ miền bắc Sri Lanka, cho biết không thể có bầu khí tươi vui trọn vẹn trước cảnh hơn hai trăm ngàn người tị nạn đã bị mất hết nhà cửa, ruộng vườn và đang thiếu thốn mọi sự. Trong các trại tị nạn tại Jaffna có hơn 3000 người tị nạn phải sống tạm bợ. Và Đức Cha hy vọng chính quyền bảo đảm cho họ có một tương lai tốt đẹp hơn. Dân tị nạn muốn trở về quê quán sớm chừng nào có thể, muốn có cuộc sống tự do và phẩm giá được tộn trọng.

Đức Cha Oswald Gomis, Tổng Giám Mục Colombo, cũng chia sẻ các ưu tư của Đức Cha Savundaranayagam. Đức Cha nói: ”Chúng tôi đã thắng một trận đánh, nhưng chiến tranh chưa chấm dứt. Nó sẽ chỉ thực sự chấm dứt khi có một tâm tình quốc gia chung, khi tất cả mọi người đều được thừa nhận là một dân tộc sống trong một quốc gia với các quyền bình đẳng. Đức Cha Gomis cám ơn chính quyền và quân đội đã chấm dứt chiến tranh, nhưng nhìn về tương lai Đức Cha khẳng định rằng: ”Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta là một cộng đoàn đa chủng tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa. Vì thế giờ đây tất cả phải bắt tay vào việc đương đầu với thách đố lớn lao là xây dựng một quốc gia và quên đi các khác biệt chủng tộc, chính trị và tôn giáo”. Đức Tổng Giám Mục Colombo xin nhân dân toàn nước có thái độ khiêm tốn và khôn ngoan, biết học hỏi được từ các lầm lỗi qúa khứ, chia sẻ trách nhiệm đối với các lỗi lầm và tha thứ cho nhau. Và Đức Cha lập lại câu ngài vẫn thường nói, đặc biệt với các giới chức chính trị: ”Nếu hiệp nhất chúng ta sẽ triển nở. Nhưng nếu chia rẽ chúng ta sẽ chết”. Đức Cha kêu gọi chính quyền dấn thân tìm ra một công thức chính trị có thể tạo ra sự tin tưởng và thăng tiến ý thức chung thuộc về nhau, lôi kéo sự cộng tác của mọi nhóm thiểu số trong toàn nước.

Trong các ngày trước khi cuộc giao tranh chấm dứt, chính quyền và quân đội cho biết đã thành công trong nỗ lực giải cứu 70 ngàn người tị nạn ra khỏi vùng giao tranh, nơi họ đã bị kẹt giữa hai lằn đạn của quân đội và phiến quân. Theo Liên Hiệp Quốc đã có khoảng 7.000 thường dân bị thiệt mạng trong các tháng giao tranh.

Liên quan tới số phận của các lãnh tụ lực lượng Lôi Hổ Tamil còn sống sót, giới quan sát viên tin rằng họ sẽ bị tòa án Sri Lanka xét xử. Còn các binh sĩ cựu phiến quân thì sẽ phải theo một chương trình tái hội nhập vào xã hội. Vào hạ tuần tháng 4 chính quyền của tổng thống Mahinda đã cống hiến cho ông Velupillai Prabhakaran, lãnh tụ lực lượng Lôi Hổ Tamil, cơ may đầu hàng, nhưng đã không được trả lời. Trong qúa khứ cũng đã có hai lãnh tụ của lực lượng phiến quân là Karuna Amman và Pilleyan, ra đầu hàng, và hiện cả hai người đều là bộ trưởng trong chính quyền Sri Lanka.

Dân chúng người Singale cũng người Tamil chỉ muốn chiến tranh chấm dứt, vì họ đã qúa mệt mỏi. Các tu sĩ phật giáo thì ủng hộ một nước Sri Lanka hoàn toàn gồm người Singale và không chấp nhập ý tưởng tha thứ cho các lãnh tụ phiến quân. Cũng có vị cầu mong ông Velupillai tự tử trước khi rơi vào tay quân đội. Ông Sarath Fernando, chuyên viên phân tích tình hình chính trị Sri Lanka cho rằng ông Velupillai không muốn theo con đường đầu hàng của hai thủ lãnh nói trên, vì không nhận được bảo đảm nào của chính quyền Colombo. Lực lượng Lôi Hổ Tamil chỉ là một phần nhỏ của phong nhân dân Tamil đòi nhà nước tôn trọng các quyền lợi và phẩm giá của họ. Giờ đây tuy nó không còn nữa nhưng người dân Tamil vẫn tiếp tục tranh đấu cho sự bình đẳng và người dân thường không võ trang của Sri Lanka phải nắm giữ vai trò quan trọng hơn trong cuộc đấu tranh này.

Hiện nay công tác cứu trợ 280.000 người tị nạn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền cũng như các Giáo Hội Kitô. Chính quyền Colombo đợi chờ các trợ giúp quốc tế. Ông Mahinda Samarasinghe, Bộ trưởng cứu trợ và các quyền con người, cho biết chính quyền cần có ít nhất là 50 triệu mỹ kim để có thể đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người tị nạn. Đa số người tị nạn sống trong các trại do chính quyền thiết kế trong vùng Vavuiya, Mannar, và Jaffna. Người tị nạn cần mọi sự: từ lương thực, quần áo chăn mền cho tới các dụng cụ nấu nướng, tập, viết, mực và sách vở tài liệu cho các học sinh. Thủ tưởng Manmohan Singh đã trích ra 1 tỷ rupie, tức hơn 20 triệu mỹ kim, cho công tác cứu trợ. Trong các ngày qua đã có 90 tấn đồ cứu trợ được gửi tới cho các nạn nhân.

Ngay trong những ngày đầu cuộc tổng tấn công của quân đội, Giáo Hội Công Giáo đã phát động chiến dịch quyên góp lương thực, thuốc men, nước uống, quần áo chăn mền và các dụng cụ bếp núc cần thiết cho người tị nạn. Linh Mục Damian Fernando, Giám đốc Caritas Sri Lanka, cho biết Caritas Quốc Tế đã phát động chiến dịch trợ giúp bằng cách mời gọi 162 quốc gia trợ giúp Caritas Sri Lanka trong công tác nặng nề này. Cha cũng cho biết trong những ngày qua Caritas Niu Dilen đã đáp ứng lời kêu gọi của chính quyền Colombo bỏ ra 30 ngàn mỹ kim để mua thực phẩm và thuốc men cho người tị nạn.

Trong cuộc nội chiến Giáo Hội Công Giáo cũng đã gánh chịu nhiều thiệt thòi về nhân mạng, trong đó có cha Mariampillai Sarathjeevan, 41 tuổi thuộc giáo phận Jaffna, người đã chết ngay trong ngày ngưng tiếng súng. Cha là một trong bẩy linh mục của giáo phận đã ở lại với người tị nạn cho đến giây phút cuối cùng trong vùng đầm lầy Nanthi Kadal. Cha đã qua đời vì bị đứng tim ngày 18 tháng 5, là ngày chiến tranh kết thúc. Cha Sarahjeevan đã là cha sở giáo xứ Killinochi, và là điều hợp viên tổ chức Tái phục hồi của dòng Tên trong giáo phận Jaffna. Cha đã ngã chết trên đường vì kiệt lực sau mấy tháng sống thiếu thốn khổ sở trong một căn hầm, dưới các vụ dội bom liên tục. Cha đã được chở tới nhà thương tỉnh Vavuniya, nhưng đã tắt thở trước khi xe tới nhà thương. Vì không có máy bay chở xác cha về Jaffna nên Đức Cha Thomas Savundaranayagam đã quyết định cho cử hành đám táng cha tại thủ đô Colombo.
Ngày 26 tháng 5 vừa qua đám táng cha đã được cử hành tại Colombo với sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và các nhân viên Caritas giáo phận. Đức Cha Oswald Gomis, Tổng Giám Mục Colombo và ba cha chính giáo phận thủ đô đã chủ sự lễ nghi tiễn biệt sau thánh lễ bằng tiếng Tamil, do linh mục James Pathinathan cử hành. Nữ tu Teresa Ranee, dòng Cát Minh đã đọc vài dòng tưởng niệm do cha David Manuelpillai là bạn và là vị đã đào tạo cha Sarathjeevan, viết: ”Theo chân Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Thầy của chúng ta, cha Sarathjeevan đã nói: ”Tôi sẽ không bỏ rơi dân của tôi”. Các lời cương quyết và chia sẻ này đã do một người có sau lưng 6 năm linh mục gương mẫu. Trong những ngày cuối cùng cha đã âu lo vì không thể dâng thánh lễ, vì phải sống đói khát trong một hầm trú. Sau cùng khi có thể ra khỏi hầm, cha đã không chịu đựng nổi khi thấy dân chúng hấp hối và tim cha đã ngừng đập”. Xác cha Sarathjeevan đã được hỏa táng Nghĩa trang Borella trong thủ đổ Colombo và tro sẽ được đem về an táng tại Jaffna. Chắc chắn những hy sinh mất mát của Giáo Hội cũng góp phần tích cực vào tiến trình hòa giải đất nước Sri Lanka.

(ASIANEWS 5.19.27-5-2009; 23-4; 13-3; 26-3; CNS 19-5-2009)

Linh Tiến Khải










All the contents on this site are copyrighted ©.