2009-06-03 11:36:48

CÉCILIA THI-QUỲNH THÁNH NỮ TỬ ĐẠO ĐẠI HÀN


Bà Cécilia Thi-Quỳnh là vợ thứ hai của ông Agostino Thiên, một tín hữu Công Giáo Triều Tiên đạo đức. Ông Thiên chấp nhận cái chết để tuyên xưng Đức Tin Công Giáo vào năm 1801. Thật ra khi về làm vợ ông Thiên, bà Thi-Quỳnh còn là người ngoại giáo. Nhưng ông Thiên rao giảng đạo Công Giáo cho vợ và bà Thi-Quỳnh hoàn toàn tự do tin theo. Từ đó bà tỏ ra xứng đáng với tình yêu và lòng tín cẩn của hiền phu. Bà cũng nhất mực bước theo chồng trong mọi gian nguy của cuộc đời những tín hữu bị bách hại vì Đức Tin Công Giáo.

Năm 1801, ông Agostino Thiên bị bắt cùng với hiền thê và ba người con. Nhưng ông Agostino được diễm phúc chết vì đạo cùng với một người con trai. Còn bà Cécilia Thi-Quỳnh được trả tự do cùng với hai đứa con khác. Được trả tự do nhưng tất cả tài sản lại bị tịch thu. Bà Cécilia phải chạy về quê chồng xin tá túc một nơi gần nhà chồng. Không may cho bà, ông cha chồng không thèm ngó ngàng đến mẹ con bà, bỏ rơi gia đình bà trong cảnh khốn khổ. Một ít lâu sau đó, người con gái lớn của bà qua đời, rồi đến lượt vợ và con của con trai tử đạo cũng qua đời. Chỉ còn lại bà với con gái tên Êlisabét Thi-Yến và con trai tên Phaolô.

Một đêm, bà Cécilia Thi-Quỳnh nằm mơ thấy hiền phu quá cố hiện về và nói với bà:

- Tôi đã dọn sẵn trên trời 8 chỗ. 5 chỗ đã có người, còn lại ba chỗ. Vậy hãy can đảm, nhẫn nhục chịu mọi đau khổ ở đời này, và nhất là mau mau đến với tôi trên thiên quốc!

Giấc mơ để lại nơi tâm hồn bà Cécilia một niềm vui khôn tả và giúp bà chấp nhận mọi khó khăn.

Phaolô, con trai của bà, dấn thân trong công tác chuyên chở, đưa dẫn các Linh Mục thừa sai ngoại quốc vào Đại Hàn. Anh thường đi Bắc Kinh để tiếp đón các ngài, nên hay vắng nhà lâu ngày. Sự xa cách làm cho bà Cécilia rất đau khổ. Thêm vào đó là những hiểm nguy đợi chờ trong các cuộc hành trình kéo dài từng tháng từng năm. Vì thế mỗi lần từ biệt con, bà Cécilia có cảm tưởng đó là lần cuối cùng.

Trong thời kỳ đạo Công Giáo tại Triều Tiên bị bách hại vào năm 1839, một người cháu của bà Cécilia sống ở tỉnh mời bà đến ở chung, để tránh những cuộc bách hại thường tàn khốc nơi các miền quê. Nhưng bà từ chối và nói:

- Cô hằng ao ước được diễm phúc tử đạo. Nay dịp may đến, lẽ nào cô lại tìm cách trốn thoát. Thêm vào đó, cô muốn cùng chịu tử đạo với Phaolô, con cô.

Và đúng như lòng bà Cécilia Thi-Quỳnh ước nguyện. Ngày 19-7-1839, bà bị bắt. Năm đó bà đã 79 tuổi. Bà bị đưa ra công đường. Quan hỏi bà:

- Có thật bà tin theo đạo Công Giáo không?

Bà đáp:

- Thật! Tôi theo đạo và giữ đạo.

Quan bảo:

- Bà phải chối đạo và tố giác những người đồng đạo của bà.

Bà Cécilia thẳng thắn trả lời:

- Tôi bằng lòng chịu chết nhưng không bao giờ chối bỏ THIÊN CHÚA tôi thờ. Còn việc tố giác người đồng đạo tôi cũng không làm, bởi vì ở vào tuổi tôi, tôi không thể nào làm một hành động đê tiện như vậy.

Từ khi bị giam, bà Cécilia Thi-Quỳnh bị tra hỏi tất cả 12 lần và bị đánh cả thảy 230 roi. Tuy nhiên bà can đảm, nhẫn nhục chịu roi đòn và không hở miệng than trách lời nào. Lý hình ngạc nhiên về thái độ điềm tĩnh của một phụ nữ cao tuổi như bà. Phần bà, bà mong ước được diễm phúc bị chém đầu, như bao vị tử đạo Công Giáo Đại Hàn khác. Bà nói đến ân huệ này với niềm hy vọng và tươi vui. Bà cũng nói đến con đường khổ nạn và Thánh Giá của Đức Chúa GIÊSU, và dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA vì đặc ân chịu đau khổ với Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Tuy nhiên luật pháp Đại Hàn cấm hành quyết người cao tuổi. Do đó để giết chết bà Cécilia Thi-Quỳnh, các quan án đã gia tăng tra tấn roi đòn, khiến bà phải ngã gục. Bà can đản nhẫn nhục chịu đựng tất cả cho đến ngày 23-11-1839 thì trút hơi thở cuối cùng, trên môi vẫn lẩm nhẩm kêu tên cực trọng Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA.

... ”Này con, đừng quên lãng giáo huấn của thầy. Huấn lệnh của thầy, lòng con lo giữ trọn. Vì nhờ đó, con s được sống lâu trăm tui, và đầy tràn phúc lộc bình an. Ước chi ân tình và tín nghĩa chẳng hề lìa xa con, nhưng nên như vòng con đeo vào c, và được con ghi khắc tận đáy lòng. Như vậy, con sẽ được cả THIÊN CHÚA lẫn phàm nhân yêu thương và quí chuộng. Hãy hết lòng tin tưng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đưng đi nưc bưc. Người sẽ san bằng đường nẻo con đi” (Sách Châm Ngôn 1-6).

(”I LXXIX MARTIRI COREANI”, Andiano Launay, Milano 1925, trang 128-130)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.