2009-05-21 09:27:35

Đức Thánh Cha cầu mong tín hữu các tôn giáo độc thần sống chung hòa bình và thăng tiến thiện ích cho nhân loại


Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tái lập lại ước mong trên đây trước hơn 30.000 tín hữu hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung thứ tư 20-5-2009 tại quảng trường thánh Phêrô.
Như qúy vị và các bạn đã biết Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mới công du Giordania và Thánh Địa về thứ sáu tuần vừa qua. Vì thế trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với tín hữu một số tâm tình và kinh nghiệm của ngài về chuyến viếng thăm này.

Chặng đầu tiên của chuyến viếng thăm là Giordania trong các ngày từ mùng 8 đến 11 tháng 5. Đức Thánh Cha đã thăm núi Nebo nơi ông Môshê đã được Thiên Chúa chỉ cho xem thấy Đất Hứa nhưng không được vào, và Betania là nơi thánh Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa. Nhà thờ tưởng niệm Nebo biểu tượng cho lộ trình hành hương của con người bước đi giữa cái đã có và cái chưa đến. Giáo Hội sống chiều kích cánh chung và lữ hành đó trong thực tại đã được kết hiệp với Chúa Kitô Phu Quân, và nếm hưởng trước lễ cưới, trong khi chờ đợi Chúa trở lại ngày sau hết. Tại Betania Đức Thánh Cha đã làm phép các viên đá đầu tiên để xây hai nhà thờ tại nơi thánh Gioan làm phép rửa. Đây là dấu chỉ sự thừa nhận và tôn trọng của vương quốc Ascemita đối với sự tự do tôn giáo và truyền thống kitô. Sau khi nhắc lại biến cố gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo, ngoại giao đoàn, và các viện trưởng đại học tại đền thờ Al Hussein bin Talal, do vua Abdallah II xây để tưởng niệm vua cha là vua Hussein, người đã tiếp đón Đức Giáo Hoàng Phaolo VI trong chuyến viếng thăm Giordania hồi năm 1964, Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc chung sống hòa bình như sau:

Sự kiện các tín hữu kitô và hồi giáo chung sống hòa bình và tôn trong lẫn nhau quan trọng biết bao nhiêu! Cảm tạ Chúa và nhờ sự dấn thân của các nhà lãnh đạo, đây là điều xảy ra bên Giordania. Vì thế tôi đã cầu nguyện để cho các nơi khác cũng được như vậy, tôi đặc biệt nghĩ tới các kitô hữu đang phải sống các điều kiện khó khăn bên Irak.

Tại Giordania có một cộng đoàn đông đảo các kitô hữu gồm người tị nạn Palestine và Irak. Đây là một sự hiện diện có ý nghĩa, và được xã hội đánh giá cao, vì các công tác giáo dục, và trợ giúp bác ái mà Giáo Hội cống hiến cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo và chủng tộc. Thí dụ điển hình là trung tâm Nữ Vương Hòa Bình tại Amman, nơi tiếp nhận các người tàn tật. Khi thăm viếng nơi đây Đức Thánh Cha đã đem niềm an ủi đến cho người tàn tật, nhưng ngài cũng được phong phú nhờ chứng tá khổ đau và sự chia sẻ nhân bản của các anh chị em này. Nó là dấu chỉ dấn thân của Giáo Hội trong lãnh vực văn hóa. Đức Thánh Cha cũng đã làm phép viên đá xây đại học đầu tiên tại Madaba, thuộc Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem. Nó biểu lộ sự thăng tiến mà Giáo Hội dành cho việc kiếm tìm chân lý và công ích, là tiền đề không thể thiếu đối với sự đối thoại đích thật và phong phú giữa các nền văn hóa. Tại Amman Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi hát kinh chiều trong nhà thờ thánh Giorgio, và thánh lễ tại sân vận động thủ đô, với sự tham dự của dân Chúa gồm tín hữu thuộc nhiều truyền thống khác nhau nhưng hiệp nhất trong một lòng tin duy nhất.

Chặng thứ hai của chuyến tông du là Thánh Địa, từ ngày 11 đến 15 tháng 5. Đức Thánh Cha nói ngài đến Miền Đất, nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, sống, chết và phục sinh như một người hành hương của lòng tin và của hòa bình, để khẩn nài Chúa cho tất cả mọi người sống tại nơi Chúa đã nhập thể, như là con cái Chúa và là anh chị em với nhau. Đức Thánh Cha nói:
Trong vùng đất được Thiên Chúa chúc phúc đó, nhiều lần xem ra không thể ra khỏi cơn lốc của bạo lực. Nhưng không có gì là không có thể đối với Thiên Chúa và đối với những người tin tưởng nơi Chúa! Vì thế lòng tin vào một Thiên Chúa duy nhất và từ bi, là nguồn lợi qúy báu nhất của các dân tộc ấy, phải có thể làm phát xuất ra tất cả sức mạnh của sự tôn trọng, hòa giải và cộng tác. Đó là điều Đức Thánh Cha đã cầu mong khi viếng thăm Đại Mufti và các thủ lãnh các cộng đoàn hồi giáo, cũng như Rabbi Trưởng Giêruslaem, các tổ chức đối thoại liên tôn, và các vị lãnh đạo tôn giáo vùng Galilea.

Chính tại Giêrusalem là nơi gặp gỡ của ba tôn giáo lớn độc thần, Đức Thánh Cha đã cầu mong mọi tín hữu từ bỏ các thành kiến và ý muốn thống trị đề cùng nhau thực thi giới răn yêu thương: mến Chúa với tất cả con người mình và yêu thương tha nhân như chính mình. Tại Giêrusalem Đức Thánh Cha cũng đã viếng thăm Bức Tường Khóc và đền thờ Đá Tảng, là hai nơi biểu tượng cho Do thái giáo và Hồi giáo. Ngài cũng thăm đài tưởng niệm cuộc diệt chủng Do thái Yad Vashem và suy niệm về mầu nhiệm ”tên của con người”: mỗi người đều thánh thiêng và có tên được viết trong con tim của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha khẳng định rằng không bao giờ được phép quên cuộc diệt chủng do thái, trái lại phải luôn nhớ tới nó như là lời cảnh báo đại đồng đối với sự thánh thiêng của cuộc sống con người.

Chuyến viếng thăm Thánh Địa cũng là chuyến viếng thăm các cộng đoàn công giáo sống tại đây. Đức Thánh Cha đã đến thăm Nhà Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã rửa chân cho các Tông Đồ, thành lập bí tích Thánh Thể và ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội, để suy niệm về sự hiệp nhất trong một thân thể và một tinh thần duy nhất hầu biến đổi thế giới với sức mạnh của tình yêu thương. Sống ơn gọi này tại Thánh Địa có những khó khăn của nó, nhưng Đức Thánh Cha đã khích lệ các Giám Mục và tín hữu đừng sợ hãi. Đức Thánh Cha cũng đã gặp các tu sĩ sống đời chiêm niệm và cám ơn họ về lời cầu nguyện các tu sĩ dành cho Giáo Hội và cho nền hòa bình.

Trong thánh lễ cử hành tại Thung Lũng Giosaphat ở Giêrusalem, Đức Thánh Cha đã cùng mọi người suy niệm về sự Phục Sinh và sức mạnh của niềm hy vọng và hòa bình đối với Thành Thánh và toàn thế giới. Trong thánh lễ dâng trước Vương cung thánh đường Giáng Sinh Đức Thánh Cha đã cảm nghiệm được thực tại của sự bấp bênh, cô đơn và nghèo túng, xa vời sứ điệp an bình của mầu nhiệm Giáng Sinh. Ngài cũng đã thăm nhà thương nhi đồng Bếtlehem, do các giáo phận Đức và Thụy Sĩ tài trợ, cũng như thăm trại tị nạn Aida để bầy tỏ tình liên đới và sự gần gũi của Giáo Hội đối với các anh chị em tị nạn và khích lệ họ iếm tìm hòa bình với các phương thế không bạo động. Tai Nagiarét ngài cử hành thánh lễ cho tín hữu và cùng nhau cầu nguyên cho mọi gia đình, để họ tái khám phá ra vẻ đẹp của hôn nhân và cuộc sống gia đình, gía trị của tinh thần tu đức gia đình và nền giáo dục, chú ý tới trẻ em có quyền lớn lên trong hòa bình và an vui.

Chuyến hành hương của Đức Thánh Cha kết thúc với cuộc viếng thăm Thánh Mộ và Đồi Can vê, cũng như gặp gỡ đại diện các Giáo Hội Kitô tại Tòa Thượng Phụ Hy Lạp Chính Thống và nhà thờ thượng phụ Armeni Tông Truyền. Mặc dù các biến cố xảy ra tại các nơi thánh này, mặc dù đã có các chiến tranh, tàn phá và xung khắc giữa các kitô hữu tại các Nơi Thánh này, Giáo Hội vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình và tiến bước về hiệp nhất, vì được Thần Khí của Chúa Kitô phục sinh thúc đẩy.

Đức Thánh Cha đã không quên cám ơn nhà vua và hoàng hậu Giordania cũng như mọi giới chức đạo đời Giordania, Israel và Palestina cũng như tất cả mọi người đã cộng tác để cho cuộc hành lòng tin và hòa bình của ngài được diễn ra tốt đẹp.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungari, Slovac, Croat và Ý. Ngài cầu chúc chuyến hành hương viếng mộ hai thánh Pherô Phaolô củng cố niềm tin của họ nơi Chúa và Giáo Hội. Chào đông đảo các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Đức Thánh Cha nói thứ năm hôm nay tại Vaticăng cũng như nhiều nước khác Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Giáo Hội Italia và các Giáo Hội khác sẽ mừng vào Chúa Nhật tới đây. Lễ Thăng Thiên mời gọi mọi người hướng nhìn lên Chúa Giêsu, là Đấng trước khi về trời đã trao phó cho các Tông Đồ sứ mệnh loan báo sứ điệp cứu độ cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ dấn thân phục vụ Tin Mừng. Ngài xin các anh chị em đau yếu dâng khổ đau cho Chúa và góp phần qúy báu làm cho Nước Chúa lớn mạnh trong thế giới. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biến gia đình trở thành các tổ ấm trong đó con người học làm chứng cho Tin Mừng hy vọng.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.