2009-05-11 18:22:31

Việc dậy môn tôn giáo trong các trường học âu châu


Phỏng vấn Đức Hồng Y Péter Erdoe Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu và Đức Ông Giordano, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại cạnh Quốc Hội Âu châu, về cuộc thảo luận liên quan tới giờ dậy môn tôn giáo trong các trường học Âu châu

Chiều ngày mùng 4-5-2009 Hội Đồng Âu châu tại Strasbourg bên Pháp đã có buổi trình bầy và thảo luận về cuộc nghiên cứu liên quan tới giờ dậy tôn giáo trong các trường học âu châu. Nghiên cứu này do Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu đảm trách theo đề xướng của Hội Đồng Giám Mục Italia. Cùng hiện diện trong buổi thảo luận có Đức Hồng Y Peter Erdoe, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu và Đức Cha Mariano Crociata, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Italia.

Việc dậy môn tôn giáo hiện nay là một mô thức được đa số người thừa nhận, nhưng có những nơi người ta không đi qúa chiều kích luân lý đạo đức. Trong các phần phát biểu, đại diện của các quốc gia trong Liên Hiệp Âu châu và Quốc Hội Âu châu nêu bật rằng dù sao đi nữa việc dậy tôn giáo diễn tả một nguồn lực đối với mọi xã hội. Đức Cha Crociata thì nhấn mạnh tầm quan trọng của một Âu châu không chỉ nghĩ tới các thị trường, mà cũng phải nghĩ tới các giá trị và đặt để con người vào trung tâm mọi sinh hoạt và chương trình của mình.

Từ mấy thập niên qua trong các trường học nhiều nước Âu châu, giờ dậy tôn giáo đã trở thành một môn học tự do, học sinh có thể chọn tùy ý, chứ không phải là một môn bắt buộc như trước kia. Các đảng phái duy đời cực đoan và tả phái chủ trương loại bỏ mọi ảnh hưởng của tôn giáo trên cuộc sống xã hội. Và giờ đây người ta đã nhận ra các hậu qủa tai hại của đường lối chính trị bài tôn giáo này, ở đây là Kitô giáo. Riêng tại Italia hồi thập niên 1980 có tới 90% phụ huynh muốn cho con cái mình được học môn tôn giáo nhưng vấn đề đã bị các đảng phái chính trị gạt bỏ, giờ tôn giáo mất chỗ đứng trong chương trình và biến thành giờ học tùy sở thích của học sinh.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Péter Erdoe, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu, và Đức Ông Giordano, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh cạnh Quốc Hội Âu châu, về cuộc thảo luận nói trên. Trước hết là nhận xét của Đức Ông Giordano.

Hỏi: Thưa Đức Ông, trong bài phát biểu tại cuộc họp về việc dậy môn tôn giáo, Đc Ông đã khẳng định rằng sau các năm không tin tưởng, hiện có việc lưu tâm tới sự kiện tôn giáo. Đức Ông có nhận định nào về cuộc họp chiều ngày mùng 4 tháng 5 vừa qua?

Đáp: Đối với riêng cá nhân tôi, thì đó đã là một lúc cảm động, vì ngày mùng 5 tháng 5 năm 1949, tức cách đây 60 năm Hội Đồng Âu châu đã được thành lập. Tôi đến đây làm việc từ ngày mùng 1 tháng 9 năm 2008, như là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh. Trước đó tôi đã là thư ký của Liên Hội Đồng các Giám Mục âu châu, là tổ chức đã thực hiện cuộc nghiên cứu về giờ dậy môn giáo giáo này. Tôi đã đồng hành và tiếp tục đồng hành với việc nghiên cứu ấy.

Hỏi: Thưa Đc Ông, đâu là các vn đề nòng cốt liên quan tới việc nghiên cứu nói trên?

Đáp: Ngày nay chúng tôi ghi nhận sự kiện người ta lại bắt đầu chú ý hơn tới vấn đề tôn giáo. Nếu trong vài thập niên qua chúng ta đã phải sống thái độ nghi ngờ nào đó, hay thái độ lãng quên vấn đề tôn giáo, ở đây là giờ dây môn tôn giáo, thì ngày nay chúng ta thấy nó trở lại, cả khi vẫn còn có một vài vết tích của sự nghi ngờ và lãng quên này. Ngày nay người ta khám phá ra rằng tôn giáo là một sự kiện chính trị, nó có tầm quan trọng đối với xã hội và đối với chính trị. Và trong lãnh vực này chúng ta nhận thấy có sự hàm hồ, vì một đàng có người cho rằng tôn giáo thường bị lợi dụng cho các lập trường bạo lực, và cú xốc mạnh do biến cố khủng bố phá hoại ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã chứng minh cho thấy điều đó. Đàng khác, có một ý thức ngày càng lớn hơn về tầm quan trọng định đoạt của tôn giáo đối với hòa bình, tình liên đới và sự chung sống giữa các dân tộc. Người ta ý thức được trở lại rằng tôn giáo là yếu tố nền tảng đối với các nền văn hóa. Vì thế chiều kích tôn giáo cũng quan trọng đối với cuộc gặp gỡ của các nền văn hóa.

Ngoài ra, riêng tại Âu châu này càng ngày người ta càng nhận thấy sự cấp bách của vấn đề ý nghĩa cuộc sống. Chúng ta đừng quên rằng trong ít nhất 15 nước Âu châu có rất nhiều người trẻ tự tử vì thấy cuộc đời vô nghĩa.

Hỏi: Các dữ kiện Đức Ông vừa kể trên đây cũng là những lý do biện minh cho việc dậy tôn giáo trong các trường học, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, nhưng còn có nhiều lý do khác nữa. Trước hết tôn giáo là một khoa học, vì thế nó cũng có quyền được học hiểu như như bất cứ khoa học nào khác, và nhà nước có bổn phận đưa nó vào trong chương trình đào tạo giới trẻ. Thật thế vì đối tượng của tôn giáo là đối tượng được rất nhiều khoa học khác nhau nghiên cứu, và có lẽ không có đối tượng nào khác được nghiên cứu tìm hiểu nhiều như vậy. Thế rồi chúng ta hãy nghĩ tới các bộ môn như lịch sử các tôn giáo, tâm lý các tôn giáo, xã hội học về tôn giáo, hiện tượng học của tôn giáo, triết lý của tôn giáo; đó là chưa nói tới môn thần học là môn học đặc thù của tôn giáo. Đàng khác nữa, có sự kiện tại học đường có một chiều kích giáo dục mạnh mẽ, và vì thế cần tiếp nhận mối dây liên hệ giữa giáo dục, đào tạo và tôn giáo.

Còn có một nút thắt khác mà chúng tôi phải đương đầu và cũng là một vấn nạn: đó là làm thế nào để giảng hòa việc dậy môn tôn giáo - mà chúng tôi coi là phải có một phương pháp và nội dung rất nghiêm chỉnh và khổng lồ - làm thế nào để giảng hòa môn tôn giáo với chủ trương đa tôn giáo mà chúng tôi hiện có tại Âu châu này. Từ đó chúng tôi cũng có vấn đề đại kết giữa các Giáo Hội Kitô giáo khác nhau, và vấn đề liên tôn đối với các tôn giáo khác. Thật thế vì tại Âu châu này chúng tôi có nhiều tôn giáo khác nhau: từ Do thái giáo tới Hồi giáo, cho tới các tôn giáo đông phương như Phật giáo. Một đàng chúng tôi cảm thấy rằng tôn giáo không bao giờ là một sự kiện chung chung, trừu tượng, không bản vị; các tôn giáo có một gương mặt, có một lịch sử. Chúng là những điều đã xảy ra trong lịch sử, vì thế việc dậy dỗ nghiêm chỉnh về tôn giáo phải là dậy các tôn giáo khác nhau, nghĩa là gắn liền với một kinh nghiệm chính xác. Thế thì làm thế nào để giảng hòa sự kiện này với sự kiện đa tôn giáo tại Âu châu? Đó là một vấn nạn khác nữa mà tôi tin rằng càng ngày chúng tôi càng phải đối phó nhiều hơn nữa, có lẽ cả trên bình diện đại kết cũng như trên bình diện liên tôn.

*** Sau đây là một số nhận định của Đức Hồng Y Peter Erdoe, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu châu.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y có nhận xét gì về việc dậy môn tôn giáo trong các trường học?

Đáp: Việc dậy tôn giáo trong các trường học là điều có một ý nghĩa đích thật. Nó hữu ích cho Giáo Hội, đối với lòng tin, và một cách khách quan đối với nền giáo dục trong toàn Âu châu. Dĩ nhiên các hình thức pháp lý, thế đứng pháp luật của việc dậy môn tôn giáo trong các trường học có thể khác nhau. Cả thế đứng xã hội của tôn giáo và các tôn giáo cũng khác nhau từ nước này sang nước khác. Có những nước có đa số dân theo Kitô giáo nhưng không phải là công giáo; có những nước trong đó các tôn giáo được đối xử hầu như đồng đều như nhau; cũng có những nước trong đó đa số dân không có lòng tin; có những nước có đa số dân theo Hồi giáo. Đó là gương mặt đa tôn giáo của Âu châu. Tôi còn nhớ rất rõ hồi tôi theo học tiểu học bên Hungari tất cả việc quảng cáo chính thức là đuổi bắt các phù thủy, vì nhà nước nói rằng còn có các gia đình chậm tiến cung cấp cho con cái hai nền giáo dục. Điều này có nghĩa là có một số gia đình vẫn muốn học đường có giờ dậy tôn giáo cho con cái họ, trong khi hai nền giáo dục là điều không thể chấp nhận được vì nhà nước cho rằng nó gây ra thiệt hại cho trẻ em trên bình diện tâm lý. Giới cha mẹ không được giáo dục con cái họ khác với ý thức hệ của nhà nước. Nhưng đây là điều trái nghịch với nguyên tắc phụ đới. Ngày nay chúng ta thấy có một vài lạc quan nào đó, vì kiểu lý luận như thế ít có chỗ đứng tại Âu châu, và chắc chắn là nó không được phép trở lại nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y cuộc họp là kết qua của việc soạn thảo các dữ kiện do các Hội Đồng Giám Mục khác nhau cung cấp và gộp chung lại với nhau. Nhưng mà việc phối hợp tất cả dấn thân này trên bình diện âu châu sẽ có thể sinh hoa trái cho Âu châu trong tương lai hay không, và các Hi Đồng Giám Mục có nỗ lực tiếp tục việc trao đi này hay không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong Ủy Ban của các Hội Đồng Giám Mục Âu châu có một tiểu ban đặc trách về giáo lý và việc dậy môn tôn giáo. Chính trong những ngày này có cuộc họp tại Roma, vì thế nó không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng, mà cũng là điều khiến cho chúng tôi vui mừng nữa, vui vì có cơ may cải tiến các phương pháp của chúng tôi, vui vì khả năng duyệt xét cả nội dung việc dậy môn tôn giáo nữa, vì có nhiều khác biệt lớn giữa các nước với nhau. Tại một vài nước giờ tôn giáo đa diện, cả khi giáo sư là một tín hữu công giáo thực hành đạo, xem ra việc giảng dậy là lòng tin của Giáo Hội; nhưng trong các xã hội khác, với cùng các tiêu chuẩn pháp lý, việc dậy dỗ lại không có kết qủa, vì thế có các lập trường khác nhau và mỗi người có thể học hỏi được kinh nghiệm của người khác.

(RG 5-5-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.