2009-04-27 17:07:48

Cuộc chiến môi sinh trên thế giới


Phỏng vấn triết gia Pháp Michel Serres, về cuộc chiến môi sinh trên thế giới hiện nay

Trong các năm qua môi sinh đã trở thành một đề tài cấp thiết được các vị lãnh đạo tôn giáo thường xuyên nhắc đến. Điển hình như Đức Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Các tai ương thiên nhiên như nạn sóng thần Tsunami bên Indonesia, nạn động đất tại Tứ Xuyên bên Trung Quốc, bên Ấn Độ, Trung và Đông Âu hay bão Katrina tại New Orleans bên Hoa Kỳ, đã khiến cho hàng trăm ngàn người chết và hàng chục triệu người phải chạy nạn. Hiện tượng hâm nóng trái đất khiến cho băng Bắc Cực tan chảy, lũ lụt, hạn hán mất mùa xảy ra trong nhiều vùng khác nhau và cả nạn sa mạc lan tràn. Năm 2006 đã được Liên Hiệp Quốc tuyên bố là năm chống sa mạc lan tràn. Theo ước lượng của Ủy ban chống sa mạc lan tràn của Liên Hiệp Quốc có tới 135 triệu người có nguy cơ phải trở thành dân tị nạn vì các lý do môi sinh thay đổi. Đây là tình trạng báo động của ngàn năm thứ ba.

Theo bản tường trình của đại học Columbia, Học viện địa lý kỹ thuật Na-Uy và tổ chức Ngân Hàng Thế Giới hiện nay có 20% các vùng đất trên thế giới và 3,4 tỷ người, tức phân nửa tổng số dân trên thế giới, sống trong các vùng có nguy cơ môi sinh như hạn hán mất mùa, lũ lụt, núi lở, bão táp, núi phun lửa và động đất. Các vùng khô cằn hay bán khô cằn hiện chiếm gần 40% tổng số đất đai thế giới, tức 5,2 tỷ mẫu tây với gần 2 tỷ dân, trong đó có 500 triệu người sống trong các vùng khô cằn và 400 triệu người khác sống trong các vùng đất hết chất mầu mỡ và có sản lượng thấp. Trong số 5 tỷ mẫu đất nông nghiệp trong các vùng khô cằn hay có tới 70% đang từ từ biến thành sa mạc hay rất có nguy cơ biến thành sa mạc. Hằng năm trên năm châu hiện tượng soi mòn khiến cho thế giới mất đi 24 tỷ tấn đất mầu mỡ. Và hiện tượng này ngày càng gia tăng chứ không thuyên giảm.

Theo bản tường trình tựa đề ”Thích ứng và tính dễ bị thương tích” đối với các thay đổi khí hậu, do phân bộ tài chánh của tổ chức Liên Hiệp Quốc đặc trách môi sinh, trong vòng năm ngoái các tai ương môi sinh đã gia tăng 6%, và từ nay cho tới năm 2040 hàng năm thế giới phải tiêu mất 1.000 tỷ mỹ kim cho các tai ương này. Trong vòng 55 năm tới đây sẽ có 100 triệu người phải vĩnh viễn rời bỏ quê hương vì các thay đổi khí hậu. Nguy hiểm nhất là những người sống ven các bờ biển và đại dương. Vấn đề đó là 16 thành phố lớn và đông dân nhất thế giới đều quay ra bờ biển. Ông Olaf Novak, đặc trách văn phòng Liên minh bảo hiểm, cho biết cả khi thế giới có thành công trong việc thải ít thán khí hơn vào không trung đi nữa, vào năm 2040 nhiệt độ của trái đất sẽ gia tăng 0,6 độ Celsius, khiến cho mực nước đại dương sẽ dâng cao, và sẽ xảy ra nhiều cuộc hạn hán mất mùa đói kém.

Tuy nhiên các vấn đề môi sinh trên đây cũng khiến cho nhiều nhà trí thức quan ngại suy tư. Chẳng hạn như trường hợp của triết gia người Pháp Michel Serres trong tác phẩm mới xuất bản tựa đề ”Thế chiến”. Triết gia Michel Serres rất nổi tiếng vì các suy tư tri thức luận và lịch sử khoa học. Trong các năm qua triết gia chú ý tới cuộc khủng hoảng môi sinh. Tác phẩm ”Thế chiến” vừa chào đời là một loại ”di chúc” trí thức của ông.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông về cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên, gây ra nạn khủng hoảng môi sinh trên thế giới hiện nay.
 
Hỏi: Thưa ông, đâu là lý do đã khiến cho ông viết cuốn sách có tính cách tiểu sử cá nhân này?

Đáp: Trước hết tôi muốn trở lại với các vấn đề môi sinh, mà tôi đã đề cập tới trong hai cuốn sách tựa đề ”Khế ước tự nhiên” và ” Sự dữ sạch sẽ”. Đây là phần tiếp theo của tác phẩm gồm ba cuốn. Đồng thời chiến tranh cũng đã là kinh nghiệm của cuộc đời tôi, và tôi thấy cũng là điều đúng đắn khi cống hiến các kỷ niệm riêng tư đó để dẫn nhập vào cuộc chiến, mà chúng ta tất cả đang sống ngày nay. Đó là cuộc chiến môi sinh.

Hỏi: Thưa ông, kiểu nói ”thế chiến” mà ông dùng như ta đề cuốn sách mới in có nguy cơ khiến cho độc giả lẫn lộn hay không?

Đáp: Cho tới nay kiểu nói này đã chỉ được dùng để ám chỉ hai thế chiến đã xảy ra trong thế kỷ XX vừa qua, cả khi không phải mọi quốc gia đều tham dự. Cuộc chiến mà tôi nói tới ở đây là cuộc chiến của con người chống lại thế giới, chống lại thiên nhiên, chống lại môi sinh. Nó có chiều kích toàn cầu, vì liên quan tới toàn trái đất và mọi sinh vật của trái đất. Loài người chúng ta cần tới trái đất, nhưng trái đất không nhất thiết cần đến chúng ta.

Hỏi: Trong cuốn ”Thế chiến” ông đã nhấn mạnh rằng để hiểu cuộc khủng hoảng môi sinh hiện nay, quy chiếu lịch sử không luôn luôn là điều ích lợi. Tại sao vậy thưa ông?

Đáp: Chẳng hạn khi tôi nghĩ tới thế chiến thứ II, tôi nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa nhận thức của người đã trực tiếp sống thời đó và nhận thức của người đã không sống mà chỉ học biết các sự kiện một cách gián tiếp qua các tài liệu lịch sử. Từ đó tôi đâm ra nghi ngờ môn sử học, và tôi gợi ý là nên tìm hiểu biết ý nghĩa qua các phương tiện khác nữa.

Hỏi: Nghĩa là qua cả các sự thật nhân chủng học trong nhiều trình thuật huyền thoại, cổ xưa hay các trình thuật tôn giáo nữa: từ huyền thoại Ghilgamesh cho tới Kinh Thánh, có phải thế không thưa ông?

Đáp: Vâng. Tôi thích một cái nhìn nhân chủng học về các sự vật, và tôi đã luôn luôn tìm tiếp nhận các kết hiệp giữa các trình thuật này và các khoa học ngày nay. Các khoa học ”cứng nhắc” như người ta thường nói, cũng cống hiến cho chúng ta một trình thuật lớn, và thật là tự nhiên khi chúng ta nhận ra các cây cầu nối liền các thế giới đó với nhau, và chúng có dáng vẻ xa nhau, nhưng thực ra không đúng.

Hỏi: Tại sao ông lại coi các trình thuật này là đặc biệt xác đáng liên quan tới xung khắc ngày nay giữa con người và thiên nhiên?
 
Đáp: Khi có các thay đổi môi sinh tàn bạo như các thay đổi mà chúng ta đang sống hiện nay, thì chúng ta được thúc đẩy đi vào chiều sâu, hướng cái nhìn tới con người. Chính vì thế các trình thuật cổ xưa lại tái xuất hiện như là các dụng cụ giải thích qúy báu. Chúng ta hãy nghĩ tới trình thuật lụt hồng thủy chẳng hạn: ngày nay nó có ý nghĩa rất phong phú với các gợi hứng sâu thẳm. Cả triết gia Platone và các tư tưởng gia khác của thời xa xưa cũng thường nói với chúng ta về hiện tại một cách chính xác. Cả các trình thuật mới hơn sau này cũng dậy chúng ta rất nhiều điều. Chẳng hạn tôi nghĩ tới một dụ ngôn của La Fontaine, kể lại sự kiện một nông dân có thể ảnh hưởng trên khí hậu cho tới độ phải mất mạng.

Hỏi: Trong sách ông cũng nhắc lại kinh nghiệm là thủy thủ hải quân Pháp hồi còn trẻ. Cuộc chiến ngày nay trên thế giới có nhắc lại cuộc chiến của thuyền trưởng Achab hay không?

Đáp: Như là cựu thủy thủ tôi rất nhậy cảm đối với các ám tỷ và trình thuật hải hành. Nhưng bối cảnh cuộc chiến, mà con người ngày nay đang làm chống lại thế giới, khác với bối cảnh của thuyền trưởng Achab trước kia. Trong tác phẩm ”Moby Dick” thiên nhiên được coi như là một tác nhân, một kẻ thù chống lại con người. Nhưng ngày nay trái lại chúng ta nhận ra rằng số phận của chúng ta gắn liền chặt chẽ với khế ước hòa bình, mà chúng ta phải ký kết với thế giới, với thiên nhiên.

Hỏi: Tuy vậy chúng ta đang sống trong một thời đại của các tai ương thiên nhiên, có nguy cơ tr thành ngày càng thưng xuyên hơn, ít nhất là theo dự đoán của các nhà khoa học... Ông nghĩ sao?

Đáp: Có đúng thật là trong nghĩa này cuộc chiến của con người với thiên nhiên chưa kết thúc. Nhưng tôi đã không bao giờ coi thiên nhiên như là một cái gì êm dịu. Thật ra thiên nhiên rất là cứng cỏi và tôi đã sống kinh nghiệm này trong một trận bão lớn tại Địa Trung Hải, khi con tầu của tôi bị coi như mất tích. Bạo lực là một trong các đặc thái của thiên nhiên. Nhưng vấn đề đó là ngày nay càng ngày càng có một loại thi đua giữa cái bạo lực của con người và cái bạo lực của thiên nhiên. Nếu phải có một thỏa hiệp giữa con người và thế giới, thì đó là bởi vì có một sự đua tranh bạo lực giữa hai bên.
 
Hỏi: Trong thỏa hiệp ấy giữa con người và thiên nhiên, khoa học và tôn giáo nắm giữ vai trò nào thưa ông?

Đáp: Các khoa học là một kiểu hiểu biết các khía cạnh đặc biệt và cô lập của các sự vật. Vượt ngoài vấn đề cá nhân của lòng tin, trái lại, các tôn giáo cống hiến cho chúng ta các quan điểm và các trình thuật tổng quát. Nhất là ngày nay chúng ta không thể loại bỏ một yếu tố và dành ưu tiên cho một yếu tố khác. Con người triết lý phải duy trì trong mình mọi sự, nếu không thì sự hiểu biết của chúng ta bị què quặt, phiến diện và thiếu sót.

Hỏi: Thưa ông, ngưi đọc cuốn ”Thế chiến” rất ngạc nhiên vì trong sách có nhiều kiểu nói của tiếng Ý, tại sao vậy?

Đáp: Lý do là vì tôi rất yêu thương Italia, và có ý thức tình huynh đệ rất lớn đối với người dân của quốc gia này, nơi các người bạn thân thiết nhất của tôi sinh sống. Thế rồi khi tôi còn bé, cha tôi đã là một thương gia buôn bán xi măng, và tất cả khách hàng của ông là các thợ nề người Italia.

(Avvenire 17-4-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.