2009-04-23 17:30:19

Việc chú giải Kinh Thánh phải chú ý tới bối cảnh và truyền thống của Giáo Hội


VATICĂNG: Trong buổi tiếp các thành viên Ủy Ban Giáo Hoàng Kinh Thánh sáng thứ năm 23-4-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khẳng định rằng: ”Chỉ có bối cảnh của Giáo Hội mới cho phép Kinh Thánh được hiểu đích thật như Lời của Chúa. Và điều này bao gồm việc khước từ mọi giải thích chủ quan”.

Ngỏ lời với các thành viên của Ủy ban do Đức Hồng Y William Levada Chủ tịch hướng dẫn, Đức Thánh Cha nói đề tài cuộc họp của Ủy ban ”Linh hứng và sự thật của Kinh Thánh” đáp ứng ưu tư của ngài, vì việc giải thích Kinh Thánh có tầm quan trọng nền tảng đối với lòng tin Kitô và cuộc sống của Giáo Hội. Trích Hiến chế Lời Chúa của Công Đồng Chung Vaticăng II Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Thiên Chúa là tác gỉa của Kinh Thánh. Các sách của Cựu Ước cũng như Tân Ước đã được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần và vì thế chúng dậy dỗ một cách chắc chắn và trung thành chân lý mà Thiên Chúa muốn được trao ban trong các sách thánh cho sự cứu rỗi của chúng ta. Nhưng đồng thời tài liệu công đồng cũng nhắc nhở rằng trong Kinh Thánh Thiên Chúa nói với con người trong cách thế của con người. ”Thật vậy, các lời của Thiên Chúa được diễn tả với các tiếng nói của con người, đã trở nên giống ngôn ngữ của loài người, như Ngôi Lời của Thiên Chúa Cha vĩnh cửu, sau khi nhận lấy các yếu đuối của bản tính nhân loại, trở nên giống con người” (DV 13). Chính vì vậy có một nguyên tắc tối cao của việc giải thích đúng đắn mà không có nó thì các sách thánh chỉ là chữ viết chết: đó là Kinh Thánh phải được đọc và giải thích với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần”.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã nhắc lại ba tiêu chuẩn của việc giải thích Kinh Thánh một cách đúng đắn: đó là chú ý tới nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh, việc du nhập vào trong bối cảnh của truyền thống sống động của toàn Giáo Hội và sự tương xứng của lòng tin, hay sự gắn bó chặt chẽ giữa các sự thật riêng rẽ của lòng tin với nhau và với toàn bộ chương trình của sự Mạc khải và sự toàn vẹn của chương trình cứu độ chứa đựng trong đó. Nhiệm vụ của các nhà chú giải là góp phần vào sự hiểu biết sâu rộng hơn và trình bầy ý nghĩa của Kinh Thánh. Nhưng việc nghiên cứu các văn bản một cách khoa học thôi không đủ. Để tôn trọng sự trung thực của lòng tin của Giáo Hội nhà chú giải phải chú ý nhận ra Lời Chúa trong các văn bản đó bên trong lòng tin của Giáo Hội... Chỉ có bối cảnh của Giáo Hội mới cho phép Kinh Thánh được hiểu như Lời Chúa đích thật, trở thành sự hướng dẫn và luật lệ đối với cuộc sống của Giáo Hội và sự trưởng thành thiêng liêng của tín hữu (SD RG 23-4-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.