2009-04-20 11:46:11

PHÊRÔ NHÂN, VỊ THÁNH TỬ ĐẠO ĐẠI HÀN


Ông Phêrô Nhân xuất thân từ một gia đình giàu có, theo Đạo Công Giáo từ lâu đời, sống tại miền Nam Triều Tiên. Ông sống đạo chân thành và sốt sắng. Ông lập gia đình và có đông con cái. Ông nổi tiếng dịu hiền nhân hậu. Thêm vào đó, bệnh trạng thường xuyên khiến ông luôn mang dáng dấp nhẫn nhục và khoan hồng. Mọi người trong làng - lương cũng như giáo - đều hết lòng quý mến ông.

Ông Phêrô Nhân chào đời tại tỉnh Tchoung-Tchyeng-to nhưng lớn lên thay đổi chỗ ở nhiều nơi. Sau cùng ông định cư tại làng Syeng-tjou. Chính tại đây ông bị bắt vì Đạo Công Giáo ngày 5-12-1866 cùng với 2 chứng nhân anh hùng khác. Đó là thánh Phêrô Thiên và quí tử là thánh Giuse Thiên.

Hôm ấy quân lính thình lình vây kín làng Syeng-tjou khi màn đêm buông xuống. Họ xông vào nhà ông Phêrô Nhân và hách dịch hỏi:

- Ông có theo Đạo thờ Đức Chúa Trời không?

Bị hỏi bất ngờ, ông Nhân hoảng sợ chối ngay:

- Không!

Nghe câu trả lời, ông Phêrô Thiên - người láng giềng Công Giáo đang có mặt - liền gọi ông Nhân ra chỗ riêng và nói:

- Anh và tôi cùng sống tại làng này. Bộ anh tưởng bọn lính tin lời anh và để cho anh yên sao? Hãy suy nghĩ kỹ đi!

Lấy lại bình tĩnh, ông Phêrô Nhân nói với quân lính:

- Lúc nãy sợ quá tôi trả lời KHÔNG. Nhưng thật ra tôi là môn sinh của Đạo Đức Chúa Trời.

Bọn lính chất vấn:

- Nhìn nhà cửa, chúng tôi thấy gia đình ông giàu có. Vậy ông giấu sách báo và tiền bạc ở đâu?

Ông Nhân đáp:

- Tôi không có sách. Tôi chỉ nghe và học thuộc lòng.

Bọn lính bảo ông đọc thử vài Kinh. Ông đọc ngay Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Rồi ông khẩn khoản xin bọn lính tha cho ông:

- Nếu các ông bắt tôi thì vợ con tôi lấy gì mà sống? Vã lại, tôi đau yếu nữa!

Vợ con ông cũng nài nĩ xin tha cho ông.

Một người lính già trong nhóm nói với đồng bọn:

- Ông này bệnh hoạn. Thôi để ông ta yên.

Quay sang ông Phêrô Nhân người lính già nói:

- Hãy trốn ngay đêm nay. Bằng không, nếu các nhóm lính khác đến họ sẽ bắt ông.

Nhưng ông Phêrô Nhân không làm theo lời khuyên và vẫn ở nhà. Ngày hôm sau bọn lính đến thật và bắt ông giải nộp ra tỉnh. Nơi công đường quan hỏi:

- Cả ông nữa, ông cũng theo Đạo Công Giáo mà triều đình nghiêm cấm phải không?

Ông Phêrô Nhân trả lời:

- Đúng! Tôi là tín hữu Công Giáo.

Quan nói:

- Nếu ông làm điều triều đình cấm thì có nghĩa ông là tên phản loạn. Nếu ngay bây giờ ông từ bỏ tôn giáo này thì tốt. Còn nếu ông tiếp tục thì tôi sẽ truyền giết ông.

Ông Phêrô Nhân đáp:

- Cho dù phải chết nhiều lần tôi vẫn tiếp tục tin theo Đạo Công Giáo.

Quan ra lệnh:

- Hãy nói cho tôi biết tên các thầy dạy Đạo của ông.

Ông Phêrô Nhân trả lời:

- Nếu phải chết, tôi xin chết một mình. Tôi nhất định không tố cáo ai để khỏi làm hại người khác.

Quan tổng trấn truyền giam ông Phêrô Nhân vào ngục. Ông can đảm chịu đủ thứ cực hình, như muốn xóa bỏ hình ảnh nhát sợ ban đầu. Dù bị đánh đập nhừ tử ông vẫn không hé môi than trách. Ông cương quyết trung thành với Đức Tin Công Giáo, Đức Tin mà ông bà tổ tiên truyền lại từ bao đời.

Các người làm chứng kể lại rằng. Trong nhà giam, các tù nhân vì Đức Tin Công Giáo khích lệ nhau can đảm đến cùng. Họ nâng đỡ nhau bằng các buổi đọc kinh chung hàng ngày vào 3 buổi Sáng-Trưa-Tối.

Trên đường đến nơi hành quyết, ông Phêrô Nhân bước đi cạnh bạn hiền là ông Phêrô Thiên. Ông nhắc lại thái độ yếu đuối của mình và nói với bạn:

- Đâu ai ngờ là câu chuyện biến đổi mau lẹ đến thế!

Ông Phêrô Thiên vui vẻ đáp:

- Đúng vậy! Đâu ai ngờ lại nhanh thế!

Nghe các bạn vui vẻ nói về ân phúc sắp lãnh nhận, ông Phêrô Thiên nói thêm:

- Chúng ta sẽ tận hưởng niềm hạnh phúc bất tận. Đúng là một đại lễ!

Những người ngoại giáo có mặt trong buổi hành quyết ngạc nhiên kháo láo với nhau:

- Thật là điều lạ lùng! Chỉ cần nói một câu, đủ để cứu họ thoát chết. Vậy mà họ không nói. Trái lại họ hân hoan lãnh chịu cái chết. Một cái chết kinh hoàng khủng khiếp!

Khi lưỡi gươm vung lên, đầu vị anh hùng tử đạo Phêrô Nhân nhẹ nhàng rơi xuống. Hôm ấy là ngày 13-12-1866.

 
... ”Đường kẻ lành đi là đường ngay thẳng. Lối kẻ hiền theo là lối Chúa san bằng. Vâng, lạy THIÊN CHÚA, trên con đường thánh ý Chúa vạch ra, chúng con chờ đợi Chúa. Hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ưc mong tưởng nhớ đến Ngài. Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa. Trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải. Khi Chúa thực thi quyết định của mình khắp năm châu, người bốn bể học biết đường công chính .. Lạy THIÊN CHÚA, Ngài cho chúng con đưc an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm, đều do Ngài thực hiện cho chúng con” (Isaia 27,7-12).

(Paul Destombes, MEP, ”Au Pays du Matin Calme”, Paris/1968, trang 206-210)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.