2009-03-23 17:33:43

Nạn buôn bán ma túy tại Á châu


Phỏng vấn ông Gary Lewis, đặc trách Trung tâm miền Á châu và Thái Bình Dương của Văn phòng Liên Hiệp quốc về ma túy và tội phạm, về tình hình sản xuất và buôn bán ma túy trên thế giới

Hồi cuối tháng 2 năm 2009 Văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm đã công bố bản tường trình liên quan tới tình hình sản xuất và buôn bán ma túy trên thế giới.

Tại Á châu có hai vùng sản xuất nhiều ma túy nhất là vùng ”Nửa vành trăng vàng” tức Afghanistan và vùng ”Tam giác vàng” gồm Myanmar, Lào và Thái Lan. Việt Nam cũng thường được coi là một phần của vùng này. Vùng ”Tam giác vàng” này rộng 350 ngàn cây số vuông và hồi thập niên 90 đã cung cấp 25% tổng số lượng ma túy toàn thế giới. Nhờ chiến dịch khuyến khích các nông dân trồng các loại sản phẩm khác, do Liên Hiệp Quốc phát động, số lượng ma túy đã giảm 10% trong 10 năm qua và trong năm 2008 vùng này cung cấp 15% tổng số lượng ma túy trên thế giới.

Là vùng sản xuất nhiều ma túy các nước Đông Nam Á cũng là một trong những vùng tiêu thụ nhiều ma túy nhất thế giới. Năm 2002 số người nghiện ma túy là 1,6% tổng số dân. Năm 2005 nó giảm xuống 0,6%, nhưng hiện nay lại tăng lên 1,1% gồm những người trên 15 tuổi so với 0,4% trên toàn thế giới. Nói chung số người nghiện ma túy tại các nước vùng đông nam á là 0,5%, nhưng trong các vùng trồng ma túy thì có tới 2,3%. Chất amfetamine là loại ma túy phổ thông nhất. Và Phi Luật Tân đứng hàng đầu với 6% tổng số dân dùng amfetamine trong năm 2008. Campuchia, Lào, Malaysia và Thái Lan cũng có số người nghiện ma túy cao. Chất ketamina thường được dùng để gây mê hiện là loại bán chạy nhất tại Trung Quốc, và là chất được 73% người trẻ Hồng Kông dưới 21 tuổi sử dụng. Trong khi bạch phiến là loại ma túy phổ biến nhất tại Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam.

Afghanistan là nước sản xuất nhiều ma túy nhất thế giới. Hiện nay nước này tiếp tục cung cấp 93% số lượng thuốc phiện thô. Tuy trong năm 2008 lượng sản xuất giảm 20% nhưng nay lại bắt đầu gia tăng. Ủy ban hỗn hợp chính quyền Kabul và Liên Hiệp Quốc cho biết trong năm 2009 này việc sản xuất sẽ giảm thêm. Lý do là vì giá thuốc phiện thô hạ chỉ được khoảng 60 mỹ kim một ký, và vì thiếu nước trong các vùng miền nam Afghanistan trồng cây thuốc phiện. Ông Kai Eide, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan cho biết sự thành công tùy thuộc nơi khả năng củng cố các phát triển tích cực này trong hai năm tới. Hiện có 18 trên tổng số 38 tỉnh Afghanistan đã tuyên bố được giải thoát khỏi nông nghệ trồng thuốc phiện. Trong 7 tỉnh khác việc sản xuất cũng sẽ giảm thiểu vì có sự kiểm soát gắt gao của chính quyền. Tuy nhiên Afghanistan vẫn là nước sản xuất nhiều ma túy nhất thế giới với 93% thuốc phiện thô được chế biến thành các chất ma túy khác nhau đó đây trên thế giới. Và trong tình trạng chiến tranh tại Afghanistan hiện nay, việc buôn bán khí giới, thuốc phiện và phong trào hồi giáo cực đoan kiểu người Taleban, được kết tụ với nhau nơi các du kích quân. Người Taleban chống lại chính quyền của tổng thống Amin Kazai và các lực lượng nước ngoài ủng hộ chính quyền Kabul, có được các khoản tiền lời khổng lồ phát xuất từ việc buôn bán ma túy. Năm ngoái số tiền này lên tới 470 tỷ mỹ kim, bao gồm cả thuế đánh trên các nông dân trồng cây nha phiến cũng như trên các tay buôn nha phiến dưới quyền kiểm soát của du kích quân taleban, đặc biệt là trong tỉnh Helmand. Nhìn từ góc cạnh này chiến tranh tại Afghanistan chống lại các lực lượng của người Taleban ngày càng trở thành cuộc chiến chống lại các chủ nhân ông của thuốc phiện.

Trong thập niên vừa qua phong trào phát triển canh tác các thứ sản phẩm khác đã đem lại các thành công giúp giảm số lượng ma túy sản xuất trong vùng Đông Nam Á. Tệ nạn trồng cây ma túy xem ra được nhổ tận gốc rễ tại Việt Nam vào năm 2000, tại Thái Lan vào năm 2003, tại Lào vào năm 2005 và tại Myanmar số lượng ma túy cũng giảm khá. Nhưng trong năm 2008 vừa qua số lượng ma túy lại gia tăng. Bốn nước thuộc vùng Tam giác vàng tại Đông Nam Á cung cấp 15% tổng số lượng thuốc phiện toàn thế giới và biến chế thuốc phiện thô đến từ Afghanistan, qua ngã Ấn Độ và Nepal. Tại Thái Lan số lượng thuốc phiện sản xuất gia tăng 24% trong năm 2008.

Có nhiều lý do giải thích sự kiện này: trước hết nông dân cần các nguồn tài trợ khác để có thể sống còn, tiếp đến là nạn nghèo túng gia tăng trong một vài vùng, rồi cảnh người dân thất vọng trước các chương trình đã bắt đầu nhưng không đem lại lợi tức mong đợi. Thế rồi nhu cầu thị trường địa phương gia tăng, nạn gian tham hối lộ lan tràn và các luật lệ chống ma túy thường khi không được áp dụng, sự khan hiếm ngân khoản từ các tổ chức quốc tế chống ma túy, và cả các thay đổi khí hậu cũng ảnh hưởng trên đất đai của một vài vùng. Cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế và giá nguyên liệu gia tăng khiến cho nhiều cộng đoàn nông dân quay trở lại với nghề trồng cây thuốc phiện.

Ông Leik Boonwat, đặc trách văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm tại Lào, cho biết nghề trồng cây thuốc phiện khiến cho nông dân sống ở miền nam bang Shan của Myanmar thu hoạch được 265 mỹ kim mỗi kílô. Những người sống tại miền bắc bang Shan thu được hơn 400 mỹ kim mỗi kí lô. Tại Lào gía một kílô thuốc phiện thô là 1.220 mỹ kim và tại Thái Lan là 1.250 mỹ kim. Trong khi tại Afghanistan mỗi kí lô thuốc phiển thô chỉ giá 95 mỹ kim. Và một mẫu cây thuốc phiện có thể sản xuất 40 kí lô nhựa thô, trong khi tại Myanmar chỉ được 14 kí. Vẫn theo ông Boonwat, tại những nơi nào các chương trình trồng nông sản khác hoạt động tốt, thì dân chúng kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng cần phải có an ninh và hòa bình cũng như sự dấn thân tích cực của các chính quyền địa phương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Gary Lewis, đặc trách Trung tâm miền Á châu và Thái Bình Dương của Văn phòng Liên Hiệp quốc về ma túy và tội phạm, về tình hình sản xuất và buôn bán ma túy trên thế giới.

Hỏi: Thưa ông Lewis, trong bản tường trình của văn phòng Liên Hiệp Quốc về ma túy và tội phạm việc trồng các nông phẩm khác lại được đề cao như một trong các phương thế giúp chống lại việc trồng cây thuốc phiện. Nhưng như thế có đủ không thưa ông?

Đáp: Không. Việc tái sản xuất thuốc phiện có các lý do khác nhau cần phải được lượng định để đề nghị các giải pháp thích hợp. Chẳng hạn, xem ra rõ ràng là sự phát triển không đồng đều của vùng đã là động lực của việc sản xuất: sản xuất thuốc phiện hay sản xuất nhiều thuốc phiện hơn để có được cuộc sống sung túc như các phương tiện truyền thông đề nghị hay đôi khi đã được trông thấy trong các làng. Một sự tiến bộ mời gọi có các kiểu sống mới, nhưng nó cũng gạt bỏ con người ra ngoài, qua các tốn phí ngày càng cao của các nhu cầu thường ngày, và vì thế người ta tìm các câu trả lời dễ dàng và cổ xưa:ở đây là trồng cây nha phiến. Sau cùng cần lượng định các nhu cầu của thị trường bạch phiến và anfetamine, vì ngày nay trong vùng này có các nước không chỉ cung cấp chất liệu mà cũng biến chế các chất liệu đó để kiếm được nhiều tiền hơn.

Hỏi: Thưa ông có nhiều người chỉ trích một sự thành công được đưa lên các bảng thống kê, nhưng trong một vài vùng sự thành công hoàn toàn vẫn còn rất xa vời, ông nghĩ sao?

Đáp: Cần phải lượng định các tình hình địa phương. Bên Thái Lan các nghiên cứu và chương trình sản xuất các nông phẩm khác đã bắt đầu từ năm 1969, nhưng chỉ giữa thập niên 1980 mới diệt được các đồn điền trồng cây nha phiến. Cần phải nhiều năm mới có thể tạo ra một việc sản xuất khác cho người dân địa phương. Trong các vùng khác đã không có đủ thời gian và có lẽ cả các đề nghị và ngân khoản nữa.
 
Hỏi: Thuốc phiện là một vấn đề toàn cầu. Nhưng cách giải quyết qua ngã các người sản xuất địa phương xem ra có các kết quả thường khi gây tranh luận, riêng ông thì ông nghĩ sao?

Đáp: Vâng, có đúng như vậy thật. Lại còn đúng hơn nữa vì các thống kê của chúng tôi cho thấy rằng các thành công trong qúa khứ thường gây thiệt hại cho phẩm chất cuộc sống của người dân, ít nhất là tại Myanmar và Lào, mà không loại trừ được nạn buôn bán ma túy hay giảm thiểu số người nghiện ma túy trên thế giới. Ngoài các nước kể trên thì người ta tìm cách di chuyển thị trường trong nghĩa là không sản xuất, nhưng cung cấp các địa điểm chuyển ma túy, các căn cứ lọc ma túy và các thị trường tiêu thụ.

Hỏi: Như thế thì cần phải thay đổi các đường lối chính trị chống lại việc sản xuất ma túy chứ, có phải thế không thưa ông?

Đáp: Chúng ta đang mất đi việc kiểm soát từ nền tảng và việc chú ý tới cuộc sống thường ngày của những người không có cách sinh sống nào khác. Cần phải có một cái nhìn xa hơn và có phối hợp hơn. Không thể chiến thắng bằng cách dẵm chân trên đầu trên cổ người dân địa phương được. Cần phải khiến cho họ trở thành các đồng minh, các diễn viên chứ không phải là các khán giả đối với tương lai của họ.

(Avvenire 1-3-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.