2009-03-16 11:59:56

KHÔNG CÔNG GIÁO CỬ HÀNH HÔN LỄ NƠI NHÀ THỜ CÔNG GIÁO


Nhật Bản là quốc gia Á Châu đông dân với hơn 126 triệu người nhưng cũng là quốc gia có tỉ số Công Giáo thấp nhất với 0,03% nghĩa là chỉ có khoảng 500 ngàn tín hữu Công Giáo.

Trong bối cảnh con số tín hữu Công Giáo khiêm tốn như thế, các Linh Mục Thừa Sai hoạt động tích cực tối đa để phục vụ dân Nhật - Công Giáo cũng như không Công Giáo - với hy vọng có thể đưa thêm vài chục người gia nhập Giáo Hội Công Giáo thánh-thiện duy-nhất và tông-truyền.

Trong số các sinh hoạt mục vụ đặc thù tại Nhật có việc giúp các đôi bạn trẻ không Công Giáo cử hành hôn lễ nơi nhà thờ Công Giáo. Hàng năm có khoảng từ 40 đến 50 cặp xin cử hành hôn lễ nơi nhà thờ Công Giáo.

Người ta tự hỏi các cặp này tìm kiếm gì nơi nhà thờ Công Giáo??? Ý nghĩa cho cuộc sống ư? Chắc chắn như thế! Tìm kiếm THIÊN CHÚA chăng? Không hẳn như vậy! Thế nhưng, các Linh Mục Công Giáo vẫn dành thời giờ để giúp các đôi bạn không Công Giáo muốn cử hành hôn lễ nơi nhà thờ Công Giáo vì đây là cơ hội ngàn vàng để nói với họ về THIÊN CHÚA và về Giáo Hội Công Giáo. Thông thường, các buổi cử hành này để lại kỷ niệm khó quên và mang lại kết quả tốt đẹp sau đó.

Xin trưng dẫn trường hợp điển hình của bà Harada. Bà không phải tín hữu Công Giáo nhưng xin làm lễ cưới tại nhà thờ Công Giáo vào tháng 3 năm 1971. Câu chuyện có nguồn gốc từ một ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ bà nhận được vào ngày còn là cô bé nơi trường tiểu học.

Một ngày - vừa tốt nghiệp cán sự y tế và là chuyên viên cố vấn cho một ngôi trường quan trọng trong thành phố - cô Harada được mời tham dự lễ cưới của một giáo sư tại nhà thờ Công Giáo. Thánh Lễ thật trang trọng, vừa mang nét đẹp tôn giáo thánh thiêng vừa mang dáng dấp văn hóa vô cùng kích động. Nghi lễ cưới Công Giáo để lại nơi tâm hồn cô Harada một cảm tưởng khó xóa mờ. Hơn thế nữa, cảm tưởng khơi dậy nơi cô một kỷ niệm thân thương của thời thơ ấu. Hôm ấy, nơi cửa trường tiểu học, bé Harada nhận được tấm ảnh thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ do vị mục sư tin lành đứng phân phát cho các học sinh. Tấm ảnh thật đẹp.

Rồi cô Harada đính hôn với một giáo sư của ngôi trường cô làm cố vấn. Vị hôn phu là nhà khoa học điềm đạo, không thích ồn ào náo động. Cô Harada nghĩ đến chuyện tổ chức một lễ cưới đơn sơ - không trống không kèn - kèm theo một bữa tiệc thanh đạm không tốn kém.

Thế nhưng không hiểu tại sao, Harada lại thay đổi ý kiến. Cô muốn lễ cưới diễn ra nơi nhà thờ Công Giáo gần nhất. Cô muốn ghi dấu khúc quanh cuộc đời bằng một nghi lễ mang lại ý nghĩa và có sắc thái nghiêm trang. Sau khi bàn tính và được sự đồng thuận của vị hôn phu, cả hai bắt đầu tham dự một loạt khoảng 12 buổi chuẩn bị cho nghi thức làm lễ cưới nơi nhà thờ Công Giáo.

Cha sở giáo xứ là một Linh Mục Thừa Sai dòng Phanxicô người Pháp. Vốn mang tâm tình nhiệt thành truyền giáo, Cha chấp nhận việc chuẩn bị cho các đôi tân hôn ngoài Công Giáo làm lễ cưới nơi nhà thờ Công Giáo. Đối với Cha, công tác đặc thù này là một trong những công tác ưu tiên của các Linh Mục Thừa Sai làm việc tại Nhật Bản.

Từ sau lễ cưới diễn ra vào tháng 3 năm 1971, bà Harada ít khi đặt chân đến nhà thờ Công Giáo, ngoại trừ vài dịp đặc biệt như tham dự một buổi hòa nhạc chẳng hạn. Nhưng bà chỉ đi một mình không có phu quân tháp tùng.

Mãi đến 7 năm sau, dưới ảnh hưởng của người bạn Công Giáo và gặp đủ mọi thứ khó khăn trong cuộc đời từ nghề nghiệp, giao tế đến sức khoẻ, bà Harada mới bắt đầu nghĩ đến việc trở lại nhà thờ Công Giáo. Nhưng con đường gia nhập Giáo Hội Công Giáo vẫn còn dài và gặp nhiều cản trở. Cản trở đầu tiên đến từ chính bản thân bà. Sau cùng, bà Harada cương quyết theo khóa học dành cho dự tòng diễn ra trong vòng 2 năm.

Tháng 4 Năm Thánh 2000 bà Harada chính thức lãnh bí tích Rửa Tội. Năm 2000 đúng là Đại Năm Thánh đối với bà Harada về mọi mặt dưới đủ mọi hình thức. Từ đó bà nghiêm chỉnh sống Đạo và hăng say tham gia các hoạt động của giáo xứ, đặc biệt trong cung cách nhã nhặn bà tiếp xúc với các tân dự tòng.

... ”Đừng làm điều xấu, thì cái xấu sẽ không thắng được con. Điều bất công, con hãy xa tránh, thì nó sẽ lánh xa con. Con ơi, đừng gieo trên những luống bất công, kẻo phải gặt bất công đến bảy lần. Đừng xin THIÊN CHÚA cho con quyền cao, cũng đừng xin vua cho con chức trọng. Đừng tưởng mình là công chính trước mặt THIÊN CHÚA, cũng đừng ra vẻ khôn ngoan trước mặt đức vua. Đừng tìm cách để được làm thẩm phán, nếu con không có khả năng nhổ rễ bất công; kẻo rồi vì nể mặt kẻ quyền thế, mà con làm tổn thương đức liêm khiết của con” (Sách Huấn Ca 7,1-6).

(”Le CHRIST au monde”, n.3, Mai-Juin/2005, trang 242-244)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.