2009-03-10 17:07:53

Nạn trẻ em nô lệ trên thế giới


Phỏng vấn ông Pierpaolo Romani, giáo sư xã hội học, về nạn trẻ em nô lệ trên thế giới

Ngày 3-3-2009, ”Tổ Chức Phong Trào Trẻ Em” đã triệu tập một đại hội tại Roma với đề tài ”Những người bảo đảm. Ai bảo đảm cho các trẻ em?”

Trong sứ điệp gửi đại hội tổng thống Italia ông Giorgio Napolitano khẳng định rằng: ”Bảo vệ trẻ em là một mục tiêu cần được theo đuổi với sự cương quyết, với sự trợ giúp của các phương tiện sư phạm tối tân và bằng cách hết sức chú ý tới các nhu cầu của trẻ em và người trẻ”.

Ông Renato Schiffani, Chủ tịch Thượng Viện cũng gửi sứ điệp tới hội nghị và nhấn mạnh rằng: ”Đề tài trẻ em và việc bảo vệ chúng phải là trọng tâm của mọi thảo luận về tương lai của xã hội chúng ta, mà không đợi đến lúc sự chú ý được đánh thức bởi các sự kiện thê thảm được báo chí nói tới. Chúng đòi buộc chúng ta phải có các hành động cứng rắn và có phối hợp”.

Trong sứ điệp gửi đại hội ông Gianfranco Fini, Chủ tịch Hạ Viện trích lại phần nhập đề của Tuyên Ngôn Quyền của Trẻ Em được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn hồi năm 1959, khẳng định rằng: ”Một xã hội nhắm mắt làm ngơ trước các hiện tượng bạo lực và khai thác hoặc thảm cảnh của thế giới trẻ vị thành niên là một xã hội không có tương lai”.

Trong bài thuyết trình khai mạc đại hội về việc bảo vệ trẻ em, bà Maria Rita Parsi, chủ tịch Phong Trào Trẻ Em nêu bật rằng ”Thảm cảnh sống của trẻ em hiện nay là một tình trạng khẩn trương, càng ngày càng gia tăng với tốc độ gây lo âu, đồng thời cũng phải buồn lòng ghi nhận sự thờ ơ của thế giới người lớn. Chúng ta không thể đồng lõa với sự bất động và sự thinh lặng đó”.

Ngày 3-3-2009 ông Roberto Maroni, Bộ trưởng Nội Vụ Italia, đã ký thỏa hiệp với nước Nigeria về việc chống lại tệ nạn buôn bán người. Phát biểu trong đại hội lần thứ V của các văn phòng cảnh sát quốc gia và lực lượng cảnh sát quốc tế, diễn ra tại Lyon bên Pháp, ông Maroni đã mạnh mẽ tố cáo nạn buôn bán người như là khâu làm ăn đứng hàng thứ ba của các tổ chức tội phạm quốc tế, sau kỹ nghệ buôn bán ma túy và buôn bán khí giới, và mỗi năm thu vào hàng chục tỷ mỹ kim. Theo ông, đường lối tốt nhất là các thỏa hiệp song phương với các nước, quê hương của các nạn nhân.

Mục đích đầu tiên của kỹ nghệ buôn bán người đó là khai thác tình dục. Ba phần tư các nạn nhân được di chuyển tới các thị trường tình dục. Mục đích thứ hai là để cung cấp công nhân rẻ tiền: một phần năm các nạn nhân sẽ trở thành công nhân nô lệ bất hợp pháp. Đây là hiện tượng thường hằng nhưng ít được nhận diện và do các tổ chức tội phạm quản lý.

Toàn hệ thống buôn bán người này là do các tổ chức tội phạm quốc tế kiểm soát, mặc dù điểm khởi hành là do các tổ chức tội phạm quốc gia hay vùng miền móc nối, với rất nhiều uyển chuyển, thường là dựa trên liên hệ chủng tộc. Riêng trong trường hợp của Italia có sự cộng tác chặt chẽ giữa các tổ chức mafia Italia và các tổ chức mafia ngoại quốc. Để đương đầu với hiện tượng ngày càng gây âu lo này, trong tư cách là quốc gia chủ tịch hội nghị thượng đỉnh của khối G8 vào tháng 5 tới đây tại Roma, Italia sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận để tăng cường sự cộng tác quốc tế. Hiện nay hằng năm có 1,5 triệu phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của tệ nạn buôn bán nô lệ này: nô lệ của kỹ nghệ tình dục cũng như nô lệ lao động.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Pierpaolo Romani, giáo sư xã hội học, về nạn trẻ em nô lệ trên thế giới. Giáo sư Romani đã nhiều lần là cố vấn cho Ủy ban quốc hội chống nạn tội phạm mafia và từ nhiều năm qua cũng đặc trách các hình thức tội phma liên quan tới việc buôn bán người.

Hỏi: Thưa giáo sư Romani, nạn trẻ em nô lệ trên thế giới ngày nay chỉ liên quan tới kỹ nghệ mại dâm hay còn liên quan tới lãnh vực nào khác nữa?

Đáp: Hiện nay trên thế giới không chỉ có cảnh khai thác tình dục trẻ em, mà cũng còn có tệ nạn khai thác sức lao động của trẻ em nữa. Tệ nạn trẻ em nô lệ tình dục và trẻ em lao động thì ai trong chúng ta cũng biết. Nhưng còn có một lãnh vực khai thác nữa đem lại những món tiền lời khổng lồ: đó là tệ nạn các tổ chức tội phạm ma túy dùng trẻ em dưới 14 tuổi cho công tác buôn bán các chất ma túy nữa. Bên cạnh đó còn có nạn khai thác trẻ em cho nghề móc túi và ăn trộm trong các tư gia.

Hỏi: Thưa giáo sư, theo Bộ Nội Vụ Italia, các trẻ em nước ngoài có nguy cơ rơi vào tay của những kẻ khai thác bóc lột, đặc biệt khi các em không có cha mẹ hay thân nhân người lớn, có đúng thế không?

Đáp: Dĩ nhiên là khi trẻ em chỉ có một mình thì dễ trở thành nạn nhân của các kẻ khai thác bóc lột các em cho nhiều hoạt động khác nhau. Nhưng cũng không được quên rằng tại Italia có nhiều trẻ em ngoại quốc, vì chính cha mẹ các em, đôi khi vì thiện ý muốn gửi gắm các em để các em có cơ may có được cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng nhiều khi là do sự giàn xếp với chính các tay anh chị tội phạm, giao các em cho họ để đổi lấy một số tiền. Có các cuộc điều tra cho thấy nhiều trường hợp các trẻ em bị khai thác vì chính cha mẹ các em quyết định bán các em như vậy. Rồi cũng có các cuộc điều tra cho thấy tại một số nước Đông Âu, các tổ chức tội phạm len lỏi vào trong các trung tâm dành cho người di cư.

Hỏi: Như thế nạn buôn bán người là một hiện tượng phổ biến hơn là điều mà người ta vẫn tưởng nghĩ cho tới nay, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Chúng ta hãy nghĩ tới nạn khai thác tình dục các thiếu nữ trẻ người gốc Slave hay người Nigeria thì biết: trong con mắt của đa số người, những kẻ ”gian ác” chỉ là những tay anh chị đầu nậu thuộc tổ chức buôn bán và khai thác phụ nữ và trẻ gái mại dâm, mà người ta không hề nhắc tới các khách hàng tiêu thụ của kỹ nghệ mại dâm. Họ cũng là một khâu của tệ nạn này.

Hỏi: Thưa ông, mới đây Bộ Nội Vụ Italia cũng đã nêu lên nghi vấn cho rằng đàng sau nạn buôn bán trẻ em cũng có một thực trạng ghê sợ hơn nữa: đó là bàn tay của những tay buôn bán cơ phận người. Đây chỉ là một giả thuyết thôi hay là chuyện có thật?

Đáp: Nó có thể là chuyện có thật chứ. Nhiều cuộc điện đàm chứng minh cho thấy các tay buôn người này nói về các nạn nhân như là các đồ vật và coi họ như là các món hàng để mua bán trong chợ, để khai thác và bán lại. Do đó tôi không lấy làm lạ, khi biết là trong các chuyện buôn bán người này có cả việc buôn bán các cơ phận nữa. Tuy nhiên cần phải nói thêm điều này nữa: đó là để lấy thận hay một cơ phận nào đó của nạn nhân, thì không thể đứng mà lấy được, mà cần phải có một toán bác sĩ giải phẫu và các dụng cụ y khoa thích hợp và mắc tiền. Và đây là điều người ta chưa khám phá ra tại Italia này.

Hỏi: Khi chính quyền gửi trả về quê quán một nạn nhân của tệ nạn buôn bán người, việc trợ giúp có phải là hình thức đáng lựa chọn nhất hay không thưa giáo sư?

Đáp: Đây là một trong các hình thức trợ giúp các người lớn và trẻ em tái hội nhập môi trường gốc của họ, với điều kiện là môi trường đó lành mạnh và không có thành kiến đối với việc tái hội nhập. Cũng có những trường hợp có những người đã được tái hội nhập, nhưng không có các phương tiện để sinh sống và họ đã lại tìm cách trở lại Italia đến 6-7 lần.

Hỏi: Italia mới ký một thỏa hiệp cộng tác với Nigeria, đây là thỏa hiệp thứ 52 với 52 nước khác nhau trên thế giới. Giáo sư có nghĩ rằng các thỏa hiệp này có giúp chống lại tệ nạn buôn bán người hay không?

Đáp: Có chứ. Chúng giúp chống lại tệ nạn buôn bán người cũng y như các nhóm điều tra liên quốc và một loạt các nhân viên mật vụ giúp khám phá ra các tay đầu não của tổ chức này vậy. Nhưng việc chống lại và đàn áp các tổ chức này dọc dài lộ trình của chúng từ các quốc gia gốc tới các nước chuyển tiếp, phải được yểm trợ bởi các đường lối chính trị trợ giúp tái thiết cơ cấu kinh tế và xã hội của các quốc gia gốc, làm sao để người dân có công ăn việc làm ổn định và không cảm thấy cần phải tìm ra nước ngoài sinh sống. Nếu Liên Hiệp Âu châu không đưa ra một chiến thuật chung, thì sẽ luôn mãi là đích tới của hàng triệu người tuyệt vọng, không có sự lựa chọn nào khác là trốn chạy khỏi quê hương của họ để có thể sống còn.

(Avvenire 4-3-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.