2009-03-09 11:21:32

Không có Thiên Chúa xã hội chống lại con người


Phỏng vấn ông Mario Mauro, tân đại diện tổ chức An Ninh và Cộng Tác Âu châu chống kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị Kitô hữu

Mới đây ông Mario Mauro, 47 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc Hội Âu châu, đã được chỉ định làm đại diện tổ chức An Ninh và Cộng Tác Âu châu chống kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị các Kitô hữu.

Tổ chức An Ninh và Cộng Tác Âu châu, viết tắt là OSCE, đã được thành lập năm 1973 nhằm bảo vệ hòa bình và đối thoại chính trị tại Âu châu. Tổ chức OSCE hiện quy tụ 56 quốc gia thành viên, trong đó có Quốc Gia Thành Phố Vaticăng, Nga và Hoa Kỳ Nga. Tổ chức có trụ sở tại Vienne thủ đô nước Áo và các văn phòng tại Varsava, La Haye và Copenhagen. Hiện nay tổ chức An Ninh và Cộng Tác Âu châu đang đảm trách 20 sứ mệnh tại 20 nước trên thế giới, với sự cộng tác của hàng ngàn cộng sự viên quốc tế. Sứ mệnh kéo dài đầu tiên của tổ chức bắt đầu từ năm 1992 tại Kosovo. Tổ chức An Ninh và Cộng Tác Âu châu có nhiệm vụ điều hợp việc chuẩn bị các chiến dịch bầu cử, trợ giúp quản trị các khu vực phi quân sự, chống lại cảnh đất đai đồi tệ, các tổ chức tội phạm và tài trợ cho các trung tâm tị nạn và chống nạn buôn bán phụ nữ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Mario Mauro về văn phòng chống kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị Kitô hữu của tổ chức OSCE.

Hỏi: Thưa ông Mauro, tổ chức OSCE là tổ chức quốc tế đầu tiên gắn liền chính trị với tôn giáo, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Tổ chức An Ninh và Cộng Tác Âu châu là tổ chức quốc tế đã thiết lập một liên hệ rõ ràng giữa giải pháp của các vấn đề chính trị và việc tôn trọng sự tự do tôn giáo.

Dĩ nhiên, không có vấn đề chính trị nào có thể được giải quyết bằng tôn giáo. Nhưng cũng đương nhiên là không có vấn đề chính trị nào được giải quyết bằng cách gây chiến với tôn giáo.

Trên bình diện lịch sử biến cố chế độ cộng sản sụp đổ đã mở ra một cái bình Pandora, từ đó phát xuất ra nhiều tai ương. Nó đã làm nảy sinh ra một quang cảnh cần được đọc dưới ánh sáng của sự phân tích, mà Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã làm. Hai nguy hiểm lớn nhất mà con người ngày nay đang gặp phải là khuynh hướng qúa khích và chủ trương duy tương đối. Khuynh hướng cuồng tín lấy Thiên Chúa làm bình phong che đậy cho dự án quyền lực của con người, trong khi chủ trương duy tương đối đặt tất cả mọi lựa chọn trên cùng một bình diện, đến độ hủy diệt kinh nghiệm và ý niệm về sự thật. Cả hai chủ thuyết đều diễn tả gương mặt của ý thức hệ hiện đại. Đó cũng là ý thức hệ đã ghi dấu lịch sử cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX với các bộ mặt khác nhau: các chủ nghĩa quốc gia cực đoan, các chế độ độc tài... Chỉ có điều là ở đây Thiên Chúa trở thành một yếu tố định đoạt.

Hỏi: Thiên Chúa là yếu tố định đoạt trong nghĩa nào thưa ông?

Đáp: Khi chế độ cộng sản sụp đổ vì mất đi nõi cốt mác xít của nó, thì khuynh hướng hồi giáo cuồng tín trở thành chân trời của một dự án quyền bính đối với những người muốn thay thế hàng lãnh đạo cũ trong một vài quốc gia nào đó.

Trong khi chủ trương duy tương đối theo một con đường khác, đặc biệt tại Tây Âu, nhưng với cùng một chiến thuật: đó là yêu sách xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, và rốt cuộc nó kết thúc với việc đưa ra một dự án xã hội chống lại con người.

Hỏi: Nhưng mà tất cả những điều này có liên quan gì tới tổ chức An Ninh và Cộng Tác Âu châu thưa ông, vì tổ chức OSCE nảy sinh là để ngăn ngừa các cuộc chiến tranh lạnh mà?

Đáp: Tổ chức OSCE đã hiểu rằng trào lưu bài Do thái và khuynh hướng hồi cuồng tín đã trở thành các bàn thờ đối chọi với các năng động quyền lực của chủ nghĩa mác xít. Nhưng cũng có thể nói như thế đối với việc kỳ thị các tín hữu Kitô bên Tây Âu này. Hiện tượng này tinh tế hơn, vì thế cho nên người ta chế nhạo tầm quan trọng của lòng tin trong lãnh vực cuộc sống công cộng, tới độ loại trừ các Kitô hữu. Nhưng nội dung giống nhau: đó là người ta vi phạm các quyền con người. Vì thế tổ chức mới bắt đầu đưa ra văn phòng chống kỳ thị này. Văn phòng sẽ bắt đầu hoạt động với một hội nghị bàn tròn triệu tập tại Vienne trong các ngày đầu tháng 3 này. Nhưng ngày 13-2-2009 chúng tôi có một cuộc họp tại Varsava để lượng định các dữ kiện đã thu thập được. Các dữ kiện thu thập gồm nhiều biến cố các khau từ các kỳ thị xảy ra trong một vài nước cho tới biến cố nữ ca sĩ Madonna trình diễn ca nhạc với cảnh đóng đanh, nhằm mục đích chế nhạo và bôi bác kinh nghiệm lòng tin kitô.

Trong việc thu thập các dữ kiện và các con số tôi đã chứng minh cho thấy trong các bài tường trình của Liên Hiệp Âu châu trong các thập niên qua Tòa thánh đã hay bị kết án vi phạm các quyền con người hơn là Trung Quốc và Cuba. Vượt ngoài mọi sự, điều này là dấu chỉ của một thành kiến.

Hỏi: Tại sao Kitô giáo lại bị coi là chướng ngại như vậy?

Đáp: Tôi xin trả lời qúy vị bằng cách đưa ra một câu hỏi: Tại sao lại có một chiến thuật nhắm chứng minh cho thấy tất cả các kinh nghiệm đề cập tới sự thật lại là nguồn gốc gây ra xung khắc như vậy? Tại sao người ta lại cố ý so sánh Kitô giáo với chủ trương hồi giáo qúa khích, khi các chứng tích lịch sử cho thấy các chứng nhân Kitô là các chứng nhân không bạo lực? Đương nhiên là người ta có ý xấu khi làm như vậy, và lý do là vì các cuộc tranh đấu của Giáo Hội đụng chạm tới nhiều khía cạnh sinh động. Chẳng hạn như cuộc thảo luận liên quan tới bệnh liệt kháng và quan niệm về sự sống. Đụng chạm tới việc sử dụng ngân qũy để giải quyết vần đề dân số tức là đụng chạm tới vấn đề thăng tiến hay không thăng tiến việc làm cho tuyệt đường sinh sản của phụ nữ thuộc thế giới thứ ba, và việc cổ võ như thế có hợp pháp hay không. Đây chỉ là một thí dụ điển hình thôi. Điểm cần nói đó là Giáo Hội không đặt các vấn đề lý thuyết mà cụ thể liên quan tới cuộc sống con người, nhất là đâu là các vi phạm quyền con người.
 
Hỏi: Giáo sư có nhận ra sự mâu thuẫn khôi hài trong thái độ của người ta đi từ chỗ lý thuyết hóa một tôn giáo không có sức nặng xã hội nào sang việc tố cáo sự thần quyền Kitô?

Đáp: Nó là một bi hài kịch của cái gọi là ”chính trị đúng đắn”, trong đó người ta tìm cách gạt bỏ các quy chiếu truyền thống tôn giáo khỏi cuộc sống công cộng, nhưng bên trong thì họ lại chấp nhận các mô thức qúa khích tạo ra tình trạng một nước trong một nước. Nói cách khác, một đàng người ta cổ võ việc thừa nhận sự bình đẳng phái tính, nhưng đàng khác họ lại biện minh cho việc cắt bỏ một phần cơ phận sinh dục của nữ giới, vì cho nó là ”phần của một nền văn hóa”. Tôi không thuộc cánh hữu công giáo muốn bắt xã hội Âu châu phải tùng phục một ý thức hệ của các giá trị, nhưng tôi chỉ muốn chứng minh cho điều Đức Gioan Phaolô II nói: ”Tự do tôn giáo là thước đo mọi quyền tự do khác”. Nó là một sự tự do, qua đó bạn có thể nhận ra các quyền tự do khác. Khi nó không được tôn trọng, thì nó là dấu chỉ cho biết các quyền tự do khác cũng không được tôn trọng. Và trong nghĩa này nó định tính nền dân chủ.

Điều này lại càng đúng hơn sau khi chế độ cộng sản sụp đổ: ở đâu còn có lý do cho các chế độ độc tài hiện hữu, thì ở đó tự do tôn giáo cũng bị chối bỏ. Hay tôn giáo bị khai thác trở thành tôn giáo của Nhà Nước. Sự kiện này lại càng giúp chúng ta hiểu tại sao đề tài tôn giáo không xa lạ với định nghĩa của các kẻ nắm quyền. Nhưng sự tự do tôn giáo là con đường duy nhất có thể đi để cho phẩm giá con người được giữ gìn khỏi trở thành nạn nhân của quyền bính bạo lực. Sự kiện con người không thể bị giản lược hệ tại chỗ nó có một điểm quy chiếu vượt ngoài bối cảnh của quyền bính.

Hỏi: Hình vẽ nổi tiếng của Đức Ông Giussani người sáng lập phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng nói rằng: nếu bạn là điểm nhỏ trong vòng tròn thế giới, thì hoặc là bạn có tương quan với một điểm X vượt cao hơn nó, hay bạn phải theo kiểu quay của vòng tròn đó, có đúng thế không?
 
Đáp: Đúng thế. Chính vì vậy mà quyền bính sợ hãi sự siêu việt. Do đó người ta có khuynh hướng nội tại hóa tất cả những gì đối thoại với ước muốn nằm trong trái tim con người. Thăng tiến các quyền con người trước hết là bảo vệ khả thể trái tim của con người gắn liền với điều nó có thể chu toàn. Và vì thế nó vượt xa sự ngẫu nhiên và rộng mở cho sự siêu việt.

Hỏi: Thưa ông đâu là các vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay?

Đáp: Có những điểm nóng bên Đông cũng như bên Tây. Hiện nay có vấn đề kỳ thị các Kitô hữu tại các nước thành viên của tổ chức OSCE như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, và một vài nước khác trong vùng Caucase. Rồi cũng có vấn đề kỳ thị chủng tộc gắn liền với người di cư sống tại Âu châu. Tiếp đến cũng có nạn bài do thái tái phát, gắn liền với tình hình nóng bỏng của vùng Trung Đông, cũng như tại nhiều nước Tây Âu lại tái phát một loại thần bí ngoại giáo và khuynh hướng tân đức quốc xã. Nhưng cũng có vấn đề liên quan tới một ý niệm tục hóa xã hội, biến thành duy đời cục đoan và thước đo nền dân chủ.

Chẳng hạn như bên Tây Ban Nha người ta đang tìm đưa ra một luật về tự do tôn giáo, cho phép kiện ra tòa việc không cho nữ giới làm linh mục công giáo. Nó có nghĩa là người ta không có ý tưởng riêng về phần đóng góp của cuộc sống tôn giáo cho xã hội dân sự. Đó là chưa nói đến việc tháo gỡ các thánh giá trong các công sở, khăn trùm đầu vv... Trong qúa khứ các hình thức kỳ thị tôn giáo lộ hiện rõ ràng, dưới hình thái thảm cảnh mà người dân phải sống trong một vài quốc gia. Ngày nay nó là trung tâm của một thảm cảnh mà Tây Âu đang phải sống. Cần phải nhắn gửi thế giới Tây Âu hai sứ điệp: thứ nhất điều nối kết chúng ta mạnh mẽ hơn là điều chia rẽ chúng ta; thứ hai nó không loại trừ vấn đề sự thật, nhưng khiến cho nó trong sáng hơn. Đối thoại trong các điều kiện này không có nghĩa chỉ là tìm kiếm một giàn xếp, nhưng phải lãnh trách nhiệm tiến tới với sự thật, mà tôi không có sẵn trong túi, nhưng là một kinh nghiệm có thể sống một cách nhân bản. Chúng ta có thể đi sâu vào sự thật và trên sự thật đó có thể xây dựng sự chung sống.

(TRACCE, Febbraio 2009, trang 38-41)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.