2009-03-04 11:50:04

GIÁ TRỊ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO


Ông Michel Lorphelin là Phó Tế Vĩnh Viễn thuộc Tổng Giáo Phận Paris, thủ đô nước Pháp. Ông là cựu kỹ sư, lập gia đình, có 3 người con và 6 đứa cháu. Như bao Phó Tế Vĩnh Viễn khác, ông Michel nhận trách nhiệm giúp các đôi bạn trẻ Công Giáo chuẩn bị lãnh bí tích hôn phối. Chính Phó Tế Vĩnh Viễn nói về công tác mục vụ như sau.

Tôi phụ trách việc giúp các bạn trẻ Công Giáo chuẩn bị cử hành hôn lễ tại nhà thờ. Sau thời gian quen biết và tìm hiểu nhau, một số các bạn trẻ quyết định đi đến hôn nhân, nghĩa là, thề hứa trung thành sống chung đến trọn đời, trước mặt xã hội và Giáo Hội Công Giáo.

Trong xã hội xô-bồ hỗn-độn hiện nay, với cảnh sống lang-bang chung-chạ không hôn nhân hoặc ngoài vòng hôn nhân, thì việc làm của nhóm bạn trẻ Công Giáo thật đáng chú ý và đáng đề cao. Khi các bạn trẻ Công Giáo ước ao kết hôn tại nhà thờ, chứng tỏ các bạn trẻ muốn rằng:

- Hôn ước cần chính thức long trọng cam kết trước THIÊN CHÚA và trước mặt loài người.

Ngoài ra, khi xin lãnh bí tích Hôn Phối, các bạn trẻ Công Giáo hiểu rằng:

- Việc kết hợp vợ chồng trở thành ”bất khả phân ly và nhất phu nhất phụ.

Thật ra, không phải tất cả các bạn trẻ Công Giáo muốn kết hôn tại nhà thờ đều là tín hữu Công Giáo sống Đạo đàng hoàng! Một số lớn đã từ lâu không giữ Đạo, hay ít ra một trong hai người đã bỏ Đạo. Thế nhưng, giờ đây, trước khi kết giao vĩnh viễn, họ nhớ lại phần giáo lý từng hấp thụ khi còn nhỏ và muốn trở về với Giáo Hội Công Giáo. Sau cùng, phải kể đến gương sống chung thủy trong bậc vợ chồng của ông bà, cha mẹ, cô bác, dì dượng, chú thím, cậu mợ, có ảnh hưởng rất lớn trên các bạn trẻ.

Chính các gương hôn nhân trung tín thúc đẩy các bạn trẻ Công Giáo dấn thân nghiêm chỉnh trong đời sống hôn nhân và gia đình.

Đa số các bạn trẻ Công Giáo tôi gặp đã ”sống chung” từ một hay hai năm!

Họ đúng là giới trẻ thời đại! Nhưng họ muốn ”đi xa hơn”, như lời họ nói. Họ muốn hợp thức hóa việc ”sống chung”, muốn bảo đảm và ổn định cuộc sống lứa đôi cũng như muốn có mái ấm gia đình cho những đứa con đã sinh ra hoặc sắp sinh ra! Và họ quyết định xin làm lễ thành hôn tại nhà thờ. Nhiều người trẻ Công Giáo tâm sự:

- Nếu tôi không kết hôn tại nhà thờ, tôi sẽ cảm thấy mình chưa kết hôn. Vã lại, dù sao, cử hành hôn lễ tại nhà thờ có cái gì đó khác biệt: long trọng hơn, cảm động hơn và rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, lý do sau cùng căn bản và chính đáng hơn:

- Bí tích Hôn Phối thánh hiến việc kết giao giữa hai người nam nữ cách toàn-vẹn, vĩnh-viễn và bất-khả truất-bãi.

Thật là điều đáng khích lệ! Người tôi yêu hôm nay vẫn là một như hôm qua, sẽ giống như ngày mai, và vẫn tín-cẩn trung-trinh cho đến mãi mãi!

Việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn Phối diễn ra hai cách: hoặc chung hoặc riêng, tùy ý các đôi bạn trẻ chọn lựa. Mỗi cặp có thể xin giúp chuẩn bị riêng. Bằng không, đôi ba cặp hợp thành một nhóm nhỏ và cùng chuẩn bị chung trong việc học hỏi ý nghĩa và nhiệm vụ của đời sống lứa đôi, của bậc làm cha làm mẹ.

Thời gian chuẩn bị phân chia thành 5 lần. Buổi gặp gỡ đầu tiên dành để tìm hiểu về chính mình và về người bạn đường. Biết nhau và hiểu nhau mới có thể yêu nhau chân thành. Lần gặp gỡ thứ hai chúng tôi đặc biệt suy tư về hậu quả việc chọn lựa. Khi chọn một người có nghĩa là tôi từ chối tất cả các người khác. Vậy thì tôi có hoàn toàn tự do để làm việc này không??? Nếu có, yêu thương đối với tôi mang ý nghĩa nào? Buổi học hỏi thứ ba dành để đào sâu các ”chiều kích” hôn nhân như: tình yêu, lứa đôi, tính dục, trung tín, tha thứ, cởi mở và chỗ đứng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong đời sống gia đình. Lần gặp gỡ thứ tư hướng nhìn về tương lai: các vấn đề liên quan đến con cái và giáo dục chúng. Ngoài ra, các đôi bạn cũng dự thảo, “cứu xét” một kế hoạch ”sống chung”, sao cho êm đẹp và vẹn toàn! Buổi gặp gỡ sau cùng, tổng kết những gì đã suy tư dưới ánh sáng và giáo huấn của bí tích Hôn Phối mà các đôi bạn sẽ lãnh nhận.

Trong tư cách là người đã lập gia đình và có con cháu, mỗi buổi giúp các đôi bạn trẻ Công Giáo học hỏi và chuẩn bị hôn nhân mang lại cho tôi niềm vui khôn tả. Tôi hân hoan ghi nhận rằng:

- Người trẻ ngày nay, dù trong hoàn cảnh và tâm tình tôn giáo nào, vẫn còn rất bén nhạy đối với giá trị của hôn nhân nói chung và hôn nhân Công Giáo nói riêng.

... Những người Pharisêu thưa với Đức Chúa GIÊSU rằng: ”Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Đức Chúa GIÊSU đáp: ”Các ông không đọc thấy điều này sao: ”Thưở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người có nam có nữ và Người đã phán: ”Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương thịt. Vậy, sự gì THIÊN CHÚA đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Matthêô 19,3-6).

(”Annales d'Issoudun”, Janvier/2000, trang 28-29)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt







All the contents on this site are copyrighted ©.