2009-02-28 18:19:19

Tình trạng ”giáo dục khẩn trương” tại Italia


 Phỏng vấn bà Anna Oliverio Ferraris, chuyên viên tâm lý về các lý do gây ra tình trạng ”giáo dục khẩn trương” tại Italia

Hồi cuối năm 2008 các phương tiện truyền thông tại Italia đã thực hiện một cuộc thăm dò liên quan tới tình hình ”sức khỏe giáo dục” trong nước. Kết qủa cho thấy các sinh viên học sinh Italia ”đội sổ”, vì nổi tiếng là ”lười” và kém thông minh nhất. Thế là các giới chức trách nhiệm trong lãnh vực chính trị, xã hội và giáo dục lời qua tiếng lại đổ tội cho nhau và đề cập tới ”tình hình giáo dục khẩn trương”.

Trong hai ngày 27-28 tháng 3 tới đây Diễn Đàn Giáo Đục lần thứ IX sẽ được tổ chức tại trung tâm Villa Aurelia ở Roma. Diễn đàn lần này có đề tài là ”Sự khẩn trương trong việc giáo dục: con người, trí thông minh, sự tự do và tình yêu thương”. Đề tài được chọn cho Diễn Đàn Giáo Dục lần này đã lấy hứng từ các tư tưởng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI liên quan tới nhiệm vụ cấp thiết của nền giáo dục, và từ tài liệu mục vụ các Giám Mục Itaia đã công bố sau Đại Hội Verona, trong đó các vị mời gọi canh tân dấn thân và đầu tư nhiều hơn cho lãnh vực giáo dục. Các Giám Mục Italia đã công bố tài liệu mục vụ này vì Giáo Hội Italia rất ý thức được tình trạng giáo dục xuống cấp trong nước, và các thách đố mới mà tình trạng này đề ra cho mục vụ giới trẻ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của bà Anna Oliverio Ferraris, chuyên viên tâm lý, về các lý do gây ra tình trạng giáo dục khẩn trương tại Italia.

Hỏi: Thưa giáo sư Oliverio Ferraris, tại Italia này ai cũng nói tới ”tình trạng khẩn trương trong nền giáo dục”. Đâu là các lý do gây ra tình trạng này?

 
Đáp: Có rất nhiều lý do khác nhau. Các gia đình thường không chú ý tới nhiệm vụ giáo dục con cái. Có thể là vì các bậc cha mẹ qúa bận bịu với công ăn việc làm hàng ngày nên không còn giờ để nghĩ tới bổn phận quan trọng này của họ. Thế rồi cũng có thể là các bậc cha mẹ thuộc thế hệ không ưa thích quyền bính và các lệnh truyền, vì thế họ gặp khó khăn trong việc lãnh nhận trách nhiệm giáo dục con cái họ.

Rồi ngày nay trường học là nơi xảy ra mọi thứ vô trật tự, trong đó vì nhiều lý do và vấn đề khác nhau số học sinh qúa đông, phòng ốc chật hẹp, trong đó các giáo chức thường bị giản lược trở thành các người giám thị, chứ không phải là các nhà giáo dục đào tạo; và một đôi khi để được thành công thì các giáo chức lại đặt mình ngang hàng trên cùng mức độ với học sinh. Sự kiện này khiến cho giới giáo chức không còn có đủ uy tín để giáo dục người trẻ nữa.

Thêm vào đó còn có các yếu tố ngoại tại là bầu khí và các ảnh hưởng của môi trường xã hội. Các sinh hoạt, các tổ chức và các nhân vật trong môi trường xã hội như các giới chức chính trị, kinh tế, là các thành phần thoái hóa, không nêu gương sáng trong cung cách nói năng hành xử của họ, vì thế họ cống hiến rất ít phẩm chất giáo dục.

Hỏi: Thưa giáo sư, trong trường hợp xảy ra xung khắc giữa con cái và các giáo chức, các bậc phụ huynh thưng có khuynh hướng bênh vực con cái họ, cho chúng là có lý và đổ lỗi cho các giáo chức. Tai sao vậy? Có phải vì không có sự cộng tác chặt chẽ giữa các phụ huynh và các giáo sư hay không?

Đáp: Nhiều gia đình cảm thấy họ bị đe dọa bởi chính môi trường bên ngoài, vì thế họ co cụm trong chính mình và từ chối tin tưởng nơi người khác, kể cả nhà giáo. Đàng khác trong thời đại có các thay đổi mau chóng như thời đại ngày nay, trong đó hàng ngày xảy ra biết bao nhiêu chuyện tồi bại, được các phương tiện truyền thông báo chí truyền hình phim ảnh và hệ thống liên mạng phổ biến mỗi ngày, thì khó mà tránh được các ảnh hưởng gây ấn tượng mạnh trên cuộc sống. Bị chìm ngập trong một môi trường ngày càng cạnh tranh như thế, chúng ta muốn rộng mở đời mình cho các hành động tốt, nhưng cũng như có thể lo sợ đóng kín trong chính mình và co cụm lại trong thế tự vệ.

Hỏi: Nhưng mà thưa giáo sư, xưa kia chúng ta đâu có thấy nhiều khó khăn như vy trong tương quan giữa giới cha mẹ và các giáo chức đâu?

 
Đáp: Ngày xưa các bậc làm cha mẹ chấp nhận gương mặt của giáo chức và cả các phương cách dậy dỗ của họ nữa, một phần vì các bậc phụ huynh có trình độ văn hóa thấp hơn, nhưng nhất là có sự tương ứng lớn hơn giữa các giá trị gia đình và khung cảnh xã hội.

Ngoài điều này ra cần phải thêm sự kiện tại Italia người ta đã coi thường gía trị văn hóa, không gán cho vắn hóa một giá trị lớn. Vì thế người ta cũng không đánh giá cao các giáo chức là những người có nhiệm vụ thông truyền văn hóa cho con cái của họ.

Hỏi: Tuy nhiên xem ra cả trường học cũng không có một chương trình giáo dục đúng đắn nữa, có phải thế không thưa giáo sư?

Đáp: Các cải cách cuối cùng liên quan tới học đường đã đề ra các yếu tố hữu hiệu, nhưng không giải quyết được vấn đề giáo dục. Từ phía các phụ huynh họ cảm thấy họ bị lỗi thời trên bình diện kỹ thuật. Chẳng hạn như con cái của họ rất là giỏi và thành thạo việc sử dụng các máy vi tính và đủ mọi thứ máy móc tối tân, trong khi đó thì giới ông bà cha mẹ và người lớn tuổi hầu như mù tịt không biết gì. Chính vì thế nên họ cảm thấy bị hụt hẫng, và cho rằng họ chẳng có gì để dậy dỗ con cái cháu chắt họ nữa. Và như thế cả giới phụ huynh lẫn các nhà giáo đều mất đi các mục tiêu nền tảng của việc giáo dục. Do đó cần phải có các thầy dậy mới có thể thông truyền các điều đó cho người trẻ: chẳng hạn như học cách biết sống với người khác.

Hỏi: Giáo sư nghĩ gì về trường hợp các học sinh và người trẻ hãm hiếp phụ nữ, đ xăng thiêu sng ngưi ăn mày, vẫn lái xe sau khi uống rượu say hay dùng ma túy và gây ra tại nạn giết ngưi, như đã xảy ra trong các tháng qua tại Italia?

Đáp: Chúng ta đang đứng trước các bệnh xã hội nghiêm trọng. Người trẻ hằng ngày phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau trong gia đình; ngoài ra họ phải sống chìm ngập trong các hình ảnh của một xã hội bạo lực, thì đến một lúc nào đó họ cảm thấy cần một cái ống để giải tỏa các căng thẳng và các tâm tình bị tước đoạt đó, nếu không thì chính họ sẽ bị nổ tung. Những gì qúy vị vừa nêu trên, tuy là các hành động tồi bại và thiếu luân lý đạo đức, nhưng là kiểu cách người trẻ lựa chọn để giải tỏa các căng thẳng trong cuộc sống của họ. Tôi không bênh vực, nhưng chỉ giải thích lý do khiến cho người trẻ có các hành động đó.

Hỏi: Như thế thì giáo dục và tâm lý đi song song với nhau trong việc giúp tìm ra một thế quân bình cá nhân, có phải vậy không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng. Nếu không có ai đề nghị với người trẻ một tương lai tích cực, một dự án, một niềm hy vọng, thì người trẻ không thể lớn lên được. Trái lại ngày nay chúng ta lên án người trẻ phải ngày càng kéo dài tuổi trẻ của họ, mà không để cho họ tham gia và lãnh lấy trách nhiệm trong cuộc sống, thì đương nhiên là họ sẽ không trưởng thành được. Cần phải đề nghị với người trẻ ngay từ khi chúng được 13-14 tuổi các kinh nghiệm, qua đó chúng cảm thấy chúng hữu ích, chẳng hạn săn sóc môi sinh, hay làm việc thiện nguyện vv...

Hỏi: Làm thế nào để giáo dục cho người trẻ biết phân biệt thiện ác, lành dữ, thưa giáo sư?

 
Đáp: Nền tảng của việc giáo dục đó là ở trong gia đình. Một đứa trẻ được gia đình giáo dục dậy dỗ và theo dõi một cách thích hợp, thì ngay từ khi 7-8 tuổi nó đã biết phân biệt thiện ác lành dữ rồi. Vì thế theo tôi, để phòng ngừa nạn tội phạm, cần phải làm việc trên giới phụ huynh, cần phải đào tạo họ biết chu toàn các bổn phận làm cha mẹ. Tiếp đến nhiệm vụ của học đường là củng cố những gì trẻ em đã nhận được từ nền giáo dục của gia đình.

Học đường không thể thay thế gia đình. Do đó có cách thức khác giúp phòng ngừa nạn bạo lực, đó là tiêu ít tiền hơn cho các máy truyền hình hay máy móc này nọ, và dành nhiều tiền hớn cho trường học.

Hỏi: Giáo sư có tin rằng có thể tái tạo một cộng đoàn giáo dc trong tương lai hay không?

Đáp: Tôi bi quan, nếu tôi nhìn vào các nhân vật của cuộc sống công cộng: rất tiếc ngày nay giáo dục có nghĩa là thúc đẩy người trẻ đi ngược dòng đời. Mà làm sao họ có thể đi ngược dòng đời, khi trước mắt họ có dầy rẫy những gương xấu của người lớn như thế?

Đàng khác tôi cũng không quên sự kiện ngay cả trong các giai đoạn tăm tối nhất của lịch sử Italia, đã có người cứu vãn được nền văn hóa: nhất là các tu viện, với các sinh hoạt thăng tiến và duy trì văn hóa trí thức của các tu sĩ. Cũng cần phải nói thêm rằng thật ra tình hình tại Italia giống như da báo: nghĩa là không phải mọi sự đều tiêu cực cả. Cũng có các trường học hoạt động tốt và cống hiến cho giới trẻ các kinh nghiệm giáo dục hay đẹp, có phẩm chất. Có lẽ khi khởi hành từ các trường như thế, cuộc leo dốc giáo dục không phải là điều không làm được.

(Avvenire 21-2-2009)

Linh Tiến Khải









All the contents on this site are copyrighted ©.