2009-02-25 10:30:30

JAMES CARVALHO VÀ HY LỄ CUỘC ĐỜI TRÊN BĂNG TUYẾT


Đầu tháng giêng năm 1624, một nhóm người công giáo, gồm một linh mục và khoảng 60 giáo dân, dắt díu nhau chạy vào một thung lũng tuyết ở phía Bắc đảo Hokkaido của Nhật Bản. Họ chạy trốn những kẻ lùng bắt bắt đạo công giáo. Họ tìm vào thung lũng băng tuyết để được tự do sống đức tin của mình.

Thật không may, cuộc chạy trốn của họ lưu lại nhiều dấu vết trên nền tuyết trắng. Theo dấu vết ấy, toán quân truy tìm đến tận góc cùng của thung lũng và bao vây nơi đoàn người đang ẩn náu. Để đánh lạc hướng toán lính và giúp cho những người khác có cơ hội chạy thoát, vị linh mục tiến ra phía trước và nhận mình là một linh mục ngoại quốc, là người mà họ đang truy lùng. Vui mừng vì nghĩ đến phần thưởng mà nhà cầm quyền đã hứa ban cho những nhóm bắt được các linh mục ngoại quốc, toán quân lơ là và để cho nhiều người khác chạy trốn vào trong những cánh rừng lân cận. Họ bắt trói vị linh mục và một số người khác dẫn về Sendai, lúc ấy là thủ phủ của quận Oshu, dưới quyền cai trị của ông hoàng Masamune.

Vị mục tử ấy là cha Carvalho, một linh mục Dòng Tên, nhà thừa sai truyền giáo trên đất nước Nhật Bản.

Carvalho sinh năm 1587 tại Coimbra, nước Bồ Đào Nha. Sau khi được thụ phong linh mục tại Maccao năm 1609, cha Carvalho được phái đi làm vị thừa sai trên đất nước Nhật Bản.

Để làm thừa sai trên đất Nhật, Cha Carvalho học cách trở nên một người Nhật Bản. Cha tập quỳ gối theo kiểu Nhật, mặc Kimono, mang sandals, đội nó rộng vành, và dần dần tập cho mình các kỹ năng ăn uống dùng đũa và ăn thức ăn trong tô.

Những năm đầu, Cha Carvalho được tự do và bình an hoạt động tại những vùng lân cận của thủ đô Miyako. Các cộng đoàn kitô hữu tại đây phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, bầu khí bình an bị phá vỡ vào năm 1614 khi tướng quân Iyeyasu, ra chiếu chỉ trục xuất các nhà truyền giáo ngoại quốc và ra lệnh phá hủy hoặc đóng cửa tất cả các nhà thờ Kitô giáo. Giống như hàng trăm thừa sai khác, Cha Carvalho bị đưa về Maccao. Trong thời gian hai năm ở Maccao, Cha Carvalho trở thành người đồng sáng lập nhóm thừa sai Nhật Bản cho sứ vụ ở Cochinchina, miền Nam Việt Nam. Thế nhưng Cha vẫn xác định rằng Nhật Bản mới là sứ mạng của mình, và đó mới là nơi mình ước mong quay trở lại. Khoảng năm 1616, Cha bí mật quay lại Nhật Bản và đi ngược lên phương Bắc để chăm sóc cho những tín hữu từ phương Nam tìm đến tị nạn. Nơi đây, cha làm việc giữa những người thợ mỏ, tại một mỏ bạc vừa mới được phát hiện ra ở quận Oshu và Dewa. Cha tập thích nghi với khí hậu băng giá của phương Bắc và đời sống trong các hang động, chuồng trại và những túp lều tạm bợ. Bất chấp những khó khăn của thời tiết và đường xa vạn dặm, Cha vẫn thực hiện các cuộc viếng thăm đến các Kitô hữu sống ở các quận khác và làm gia tăng con số các tín hữu trong vùng này.

Sau khi bị bắt trong thung lũng tuyết ngày 7.1.1624, Cha Carvalho và nhóm bạn bị tống giam trong một nhà ngục tại thành phố Sendai. Bên cạnh nhà ngục là con sông Hirose, một dòng sông băng cuộn chảy. Cạnh bờ sông, người ta đào một hố rộng, đổ đầy nước băng vào để chuẩn bị cho cuộc hành hình các tù nhân.

Ngày 18.2, nhóm tù nhân được dẫn đến dòng sông băng. Họ bị lột trần truồng và bị ném xuống hố băng nước ngập đến đầu gối. Trong hố băng, những người này bị buộc thực hiện một nghi thức truyền thống của Nhật Bản là lặp đi lặp lại thao tác quỳ gối trên gót chân, rồi đứng thẳng lên giữa trời. Mỗi khi quỳ gối, họ chìm trong nước bằng, và mỗi khi đứng thẳng họ phơi mình trong gió tuyết. Người nào chịu bỏ đạo sẽ được giải phóng khỏi cực hình và được cho tự do.

Trên hố băng ấy, Cha Carvalho đã thực hiện nghi thức thần giáo với trọn con tim của một linh mục công giáo. Quả thế, là một thừa sai, Cha đã thay đổi mình để sống như một người Nhật Bản, nhờ đó thổi vào trong văn hóa đất nước con của Nữ Thần Thái Dương những giá trị Tin Mừng Kitô giáo. Là một tù nhân bị tra tấn, Cha lại có thể thổi vào những nghi thức thần giáo cái hồn thiêng của những lời kinh nguyện Kitô giáo. Cha thực hiện nghi thức quỳ gối đứng lên với những lời kinh nguyện thầm thĩ. Nhờ đó cha lấy được can đảm để đi đến cùng chặng hành trình và khích lệ những người bạn của mình trung tín đến cùng với đức tin của họ.

Ngày 22.2.1624, lần thứ hai nhóm người bị quẳng vào hố băng với khẩu lệnh: bỏ đạo hay là chết ! Nhóm người lại thực hiện cái nghi thức tra tấn quái ác. Khoảng cuối ngày, gió thổi mạnh và bão tuyết ập đến. Từng người một trong số tù nhân đổ gục trên nền tuyết. Một người lên tiếng: “Cha ơi, con không thể chịu thêm được nữa rồi. Tạm biệt Cha!” “Hãy ra đi !” Cha Carvalho đáp lại “Hãy ra đi trong bình an của Chúa và về trở về với ân sủng của Người!”. Cha Carvalho là người cuối cùng chịu đựng được cuộc hành hình cho đến tối. Trong đêm, giọng cầu nguyện khẩn thiết của Cha mỗi lúc một yếu dần. Cuối cùng, Cha chỉ còn có thể thì thầm gọi tên Giêsu Maria và hoàn tất hy lễ cuộc đời mình trên nền tuyết trắng.

Chân phước James Carvalho
Linh mục Dòng Tên
Sinh năm 1578, tại Coimbra – Bồ Đào Nha
Tử đạo ngày 22.2.1624, tại Sendai – Nhật Bản
Thánh lễ nhớ ngày 4.2, cùng với các vị tử đạo tại Nhật Bản

Lưu Minh Gian 







All the contents on this site are copyrighted ©.