2009-02-24 17:32:34

Kitô giáo thăng tiến các khám phá khoa học


Phỏng vấn ông Federico Di Trocchio, giáo sư môn ”Tri thức luận” tại đại học La Sapienza Roma, về phần đóng góp của lòng tin Kitô cho các nghiên cứu khoa học

Ngày 21-2-2009 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến 300 tham dự viên hội nghị thứ XV của Hàn Lâm Viện Khoa Học Tòa Thánh về sự sống nhóm tại nội thành Vaticăng về đề tài ”Những biên cương mới của khoa di truyền học và nguy cơ của ngành ưu sinh”. Ngài mạnh mẽ kêu gọi bài trừ mọi hình thức kỳ thị con người dựa trên những yếu tố di truyền, đồng thời cần phát triển nền văn hóa đón tiếp, yêu thương và liên đới đối với những người đau khổ.

Đề cập tới đề tài của hội nghị Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tố giác não trạng của nhiều người ngày nay, tuy không theo ý thức hệ ưu sinh, tuyển chọn giống tốt hoặc nhằm cải tiến giống như trong qúa khứ, nhưng muốn biện minh cho một quan điểm khác về sự sống và phẩm giá con người dựa trên các ước muốn riêng tư và quyền cá nhân. Vì thế người ta có xu hướng dành ưu tiên cho các khả năng hoạt động, hiệu năng, sự trọn hảo, vẻ đẹp thể lý và coi nhẹ các chiều kích khác của cuộc sống mà họ coi là không xứng đáng. Từ đó sự tôn trọng con người bị suy giảm, nhất là khi đứng trước viễn tượng một con người bị khuyết tật hoặc bị một thứ bệnh di truyền sẽ xuất hiện trong cuộc sống. Cụ thể là người ta tìm cách hủy bỏ ngay từ trong trứng nước những người con mà họ cho là có thể bị khuyết tật và vì thế không đáng sống”.

Trước đó Đức Thánh Cha cũng ghi nhận những bước tiến nhảy vọt của ngành di truyền học, kể từ khi Linh Mục Grégoire Mendel, dòng thánh Agostino, khai sáng hồi giữa thế kỷ XIX. Ngày nay người ta hiểu biết toàn bộ di truyền của con người và lãnh vực nghiên cứu mỗi ngày mở ra những chân trời mới phần lớn chưa được khám phá. Ngài cảnh giác chống lại chủ trương thu hẹp con người vào lãnh vực di truyền học, hay đồng hóa con người với những thông tin di truyền học và những phản ứng của nó với môi trường chung quanh. Đức Thánh Cha khẳng định rằng: ”Con người luôn luôn cao cả hơn tất cả những gì hợp thành thân thể của nó; thực vậy, vì con người mang trong mình sức mạnh của tư tưởng, luôn hướng tới sự thật về bản thân và thế giới. Vì thế con người cao vượt hơn sự phối hợp các thông tin di tryền học nhận được từ cha mẹ”.

Chính vì vậy, Đức Thanh Cha nói: ”Cần phải tái khẳng định rằng mọi hình thức kỳ thị, do bất kỳ quyền bính nào, đối với cá nhân con người, các dân tộc hoặc chủng tộc, dựa trên những khác biệt do các yếu tố di truyền học, hoặc là thực sự hoặc là tưởng tượng, đều là một xúc phạm chống lại toàn thể nhân loại. Cần phải mạnh mẽ tái khẳng định phẩm giá bình đẳng của mỗi người, dựa trên nguyên sự kiện họ được bước vào cuộc sống. Sự phát triển về sinh học, tâm lý, văn hóa hoặc tình trạng sức khỏe không bao giờ có thể trở thành yếu tố kỳ thị. Trái lại cần củng cố nền văn hóa đón nhận và yêu thương, biểu lộ cụ thể tình liên đới với những người đau khổ, phá đổ những hàng rào mà xã hội thường dựng lên vì kỳ thị những người tàn tật và bị bệnh, hoặc tệ hại hơn nữa người ta đi đến chỗ tuyển chọn hoặc phủ nhận quyền sống nhân danh một lý tưởng trừu tượng về sức khỏe và sự hoàn hảo về thể lý”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Federico Di Trocchio, giáo sư môn ”Tri thức luận” tại đại học La Sapienza Roma, về phần đóng góp của Kitô giáo cho các nghiên cứu và khám phá khoa học, và về tôn giáo như cái phanh giúp khoa học tôn trọng các giá trị luân lý đạo đức trong việc nghiên cứu.

Trong thời gian qua giáo sư Di Trocchio đã cho xuất bản cuốn sách cuối cùng của ông tựa đề ”Con đường của khoa học. Các thành công, các hiểm nguy và viễn tượng”. Trong chương cuối cùng của cuốn sách này giáo sư đã đúc kết các khám phá nền tảng để mở ra các suy tư triết học và xã hội học táo bạo. Đôi khi đó chỉ là những ghi nhận cần được khai triển đào sâu và minh giải nhiều hơn. Có lẽ nhiều suy tư xem ra bi quan và có khuynh hướng lý tưởng hóa qúa khứ, nhưng chúng đều là các khiêu khích đáng cho người đọc suy nghĩ. Giáo sư Federico Di Trocchio nổi tiếng là người thẳng thắn phê bình các lệch lạc trong lãnh vực khoa học ngày nay, trong đó có cả ngành ưu sinh.

Hỏi: Thưa giáo sư Di Trocchio, trong cuốn sách ”Con đường của khoa học. Các thành công, các hiểm nguy và viễn tượng”, giáo sư đã khẳng định rằng chính nền thần học Kitô đã đặt để tính cách hợp lý vào trung tâm của việc nghiên cứu khoa học. Như thế khoa học tây phương đã nảy sinh với Giáo Hội Công Giáo trong nghĩa nào?

Đáp: Nếu chúng ta cho rằng tính cách hợp lý đã được người Hy lạp phát triển là một trong những yếu tố nền tảng của khoa học, thì tại sao khoa học đã chỉ nảy sinh trong kỷ nguyên Kitô? Theo nhiều nhà sử học - và ở đây tôi đặc biệt đánh gía cao công trình nghiên cứu của sử gia Alistair Crombie - thì chính nền thần học công giáo đã đặt để tính cách có lý vào trung tâm việc nghiên cứu của mình và tự đặt mình và tính cách có lý vào trung tâm của cuộc sống xã hội. Nỗ lực có ý nghĩa nhất đã được trường học của tòa tổng giám mục thành Chartres bên Pháp thực hiện trong thế kỷ thứ XII: người ta loại bỏ quan niệm cho rằng Thiên Chúa trực tiếp và liên tục can thiệp vào các hiện tượng, và bắt đầu duyệt xét chúng như là các hiện tượng được điều hòa bởi các luật lệ tự nhiên, do Thiên Chúa đặt định.

Thế rồi người ta cũng cho rằng có thể dùng lý trí để hiểu biết và giải thích thế giới này. Chỉ cần nghĩ tới điều mà ông Adelard of Bath, triết gia và là nhà toán học, nói với những người nói chuyện với ông để tránh việc họ đưa ra các lý thuyết cho rằng các hiện tượng đó là các phép lạ. Ông nói với họ: ”Tôi xin qúy vị, hãy chấp nhận các lý lẽ đi”.

Hỏi: Thế mà tại sao ngày nay Giáo Hội lại thường bị coi như là kẻ thù của khoa học, thưa giáo sư?

Đáp: Như là người có tinh thần đời, rất tiếc là tôi phải nói ngược lại: đó là ngày nay điều trái ngược lại thật hơn; nghĩa là Giáo Hội là bạn của Khoa học, chứ không phải là kẻ thù của khoa học như người ta vẫn thường tưởng nghĩ một cách sai lầm. Giáo Hội cung cấp cho chúng ta một cực biện chứng qúy báu cho khoa học. Nhưng trái lại trong nhiều lãnh vực, khoa học lại đã tự biến mình trở thành triệt để qúa khích. Thái độ qúa khích này được diễn tả ra trong khuynh hướng duy đời cực đoan, giải thích sự thật khoa học như thể là các tín điều, và không khoan nhượng chấp nhận lập trường của người khác. Dầu sao đi nữa thì ngày nay các Giáo Hội có thái độ hòa giải hơn là trong qúa khứ. Đó là một tài nguyên văn hóa xã hội, vì nó có khả năng khơi dậy một suy tư có óc phê bình liên quan tới các khuynh hướng và can thiệp, mà khoa học phải làm dưới sức đẩy của các yếu tố ngoại tại.

Cho dù xem ra đó là một việc giảm thiểu, tôn giáo giống như là một cái phanh và là một việc kiểm soát có nhiệm vụ cứu vãn khoa học khỏi rơi vào sự suy thoái kỹ thuật do chủ nghĩa tư bản gây ra. Chẳng hạn như việc nhất quyết bảo vệ sự sống của Giáo Hội có nhiệm vụ luân lý đạo đức xã hội quan trọng, trong nghĩa nó lấp đầy một khoảng trống của sự khôn ngoan mà khoa học đã không thể lấp đầy được.
 
Hỏi: Thưa giáo sư, trong sách giáo sư cũng nói đến một ”âm mưu vô thần” di chuyển đàng sau các thái độ thù nghịch đối với Giáo Hội, khiến cho người ta cho rằng Giáo Hội phản khoa học, có đúng thế không?

Đáp: Vâng. Đây là một cuộc nghiên cứu quan trọng và tế nhị. Ở trong sách tôi chỉ muốn cho biết trước hướng đi tổng quát mà thôi. Xem ra nhiều hiệp hội khác nhau theo chủ thuyết nhân bản khoa học của thế giới Anglosaxon, hiện nay được quy tụ dưới cái dù của tổ chức có tên gọi là ”Liên hiệp quốc tế nhân bản và luân lý”, có rất nhiều ảnh hưởng trên các hiệp hội quốc gia thăng tiến tiến bộ khoa học; và một cách gián tiếp nó cũng ảnh hưởng trên các nguyệt san khoa học. Các gốc rễ của tình trạng này bắt nguồn từ sự giao thoa giữa các lợi lộc của kỹ nghệ dân sự, của tổ chức quân sự và của ý thức hệ vô thần, được củng cố trong thời có chiến tranh. Tầm quan trọng của chúng là quyền năng điều kiện hóa, mà các tổ chức này có trên cộng đoàn khoa học và trên dư luận công cộng, trong tương quan với các hướng đi tổng quát của lãnh vực nghiên cứu và việc áp dụng kết qủa của các nghiên cứu đó.
 
Hỏi: Thưa giáo sư, còn có một khiêu khích khác nữa liên quan tới đề nghị biến khoa học gia trở thành một người của thế giới văn hóa vô vị lợi trong việc tìm kiếm và không bị sác nhiễu bởi sự cần thiết của các lợi lộc, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Sự cách biệt giữa con số các nhà khoa học và các ngân khoản tài trợ dành cho họ đã tạo ra một bầu không khí cạnh tranh rất mạnh mẽ trong việc gây qũy và tích trữ các ngân qũy. Đây là tình trạng lại càng khiến cho sự độc lập của các nghiên cứu tìm tòi khoa học bị điều kiện hóa nhiều hơn, vì nó bắt buộc việc tìm tòi nghiên cứu phải đồng hóa với các đòi hỏi của giới chức chính trị và kỹ nghệ. Điều này xác định sự đô hộ thắng thế của các đường lối nghiên cứu và áp dụng, và của các hiện tượng bệnh hoạn lệch lạc như sự lừa đảo: chẳng hạn đưa ra các dữ kiện bịa đặt hay sao chép các chi phí ma để quảng cáo, việc kiểm duyệt và hủy bỏ các sáng chế không phù hợp với các đường lối ưu thắng của các tổ chức chính trị và kinh tế nói trên. Nhà khoa học tìm gia tăng sự hiểu biết về thế giới và về con người đáng lý ra phải được tài trợ bởi lãnh vực công cộng, và để cho lãnh vực tư nhân đảm trách nhiệm vụ của sự tiến bộ kỹ thuật.

Hỏi: Thưa giáo sư trong sách giáo sư cũng nói đến ”sự độc tài của những kẻ tầm thường xoàng xĩnh”, giáo sư có ý ám chỉ cái gì hay những ai vậy?

Đáp: Các nghiên cứu của hai học giả De Solla Price và Lotka đã cho phép đi tới kết luận rằng sự bành trướng liên lỉ của cộng đoàn các nhà nghiên cứu cho thấy trong hàng ngũ các khoa học gia số các khoa học gia chỉ ”chuyên môn nửa chừng” nhiều hơn số các khoa học gia thực sự có óc sáng tạo. Nó cũng chứng minh cho thấy đa số các sáng chế mới mẻ là kết qủa công việc nghiên cứu của một số nhỏ các nhà khoa học thực sự có tài năng; trong khi đa số các khoa học gia đã không đóng góp một cách đáng kể nào cho sự tiến bộ của việc nghiên cứu tìm tòi. Các kết qủa phân tích này đã không bao giờ bị bác bỏ. Nhưng vấn đề đó là ngày nay không ai dám đương đầu với các đề tài gây khó chịu này, vì chúng sẽ đòi buộc phải duyệt xét lại đường lối chính trị liên quan tới lãnh vực khoa học.

Hỏi: Thế còn vấn đề lệch lạc luân lý trong lãnh vực nghiên cứu khoa học trên thế giới ngày nay thì sao thưa giáo sư?

Đáp: Chúng ta không thể chối cãi rằng việc ngành ưu sinh đề nghị dành cho các cá nhân khả năng lựa chọn con người hay cải tiến giống người, là một ý tưởng do khoa học ngày nay đề nghị một cách nhẹ dạ. Nó đã là điều mà khoa ưu sinh cổ điển đã đề nghị hồi tiền bán thế kỷ XIX nhằm tuyển chọn giống người tốt hay nhắm cải tiến giống người, và bị mọi người ngay nay khước từ.

(SD 21-2-2009; Avvenire 12-2-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.