2009-02-23 15:14:23

Rao giảng Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông tối tân


Ngày 24-1-2009 lễ thánh Phanxicô de Sales bổn mạng giới truyền thông công giáo, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho công bố sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông thứ 43 tựa đề ”Kỹ thuật mới, tương quan mới. Thăng tiến một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại và thân hữu”.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng các phương tiện kỹ thuật truyền thông tối tân ngày nay là một món qùa qúy báu cho nhân loại, vì chúng thăng tiến sự cảm thông và tình liên đới giữa con người với nhau, đặc biệt đối với các cộng đoàn và các người cần được trợ giúp và dễ bị tổn thương nhất. Hệ thống vi tinh liên mạng và điện thoại di động cho phép con người liên lạc với nhau và trao đổi tin tức hình ảnh trong nháy mắt. Chúng giúp con người đối thoại với nhau, sống tình yêu thương hiệp thông và thân hữu giữa các thành phần trong đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng cũng giúp con người kiếm tìm chân thiện mỹ, thăng tiến phát triển, công bằng hòa bình, các quyền con người, việc tôn trọng sự sống và thiên nhiên, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm và sự cộng tác giữa các cá nhân và các dân tộc. Chúng giúp con người chia sẻ trao đổi các giá trị hay đẹp giữa các nền văn hóa và qua đó củng cố sự cảm thông, tinh thần đại đồng và lòng khoan nhượng. Dĩ nhiên cần phải cẩn thận trong việc sử dụng và có óc phán đoán phân định lành mạnh, vì các phương tiện kỹ thuật truyền thông tân tiến này cũng có thể bị dùng cho các mục tiêu xấu xa tha hóa con người. Chúng cũng có nguy cơ khiến cho người trẻ rơi vào thế giới ảo ảnh, bị cô lập và cắt đứt với thực tại cuộc sống.

Trong sứ điệp Đức Thán Cha đặc biệt mời gọi người trẻ trở thành các người loan báo Tin Mừng và các giá trị kitô trong thế giới vi tính.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Domenico Sigalini, tổng tuyên úy phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia, kiêm chuyên viên mục vụ giới trẻ, và của ông Stefano Martelli, giáo sư xã hội về các tiến trình văn hóa tại đại học Bologna trung bắc Italia, về sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Trước hết là Đức Cha Domenico Sigalini.

Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha có nhận xét gì về sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông, và xem ra một trong những điểm ý nghĩa nhất trong sứ điệp đó là việc thừa nhận thế hệ vi tính. Theo Đức Cha nó có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây là một sứ điệp can đảm. Không phải là Đức Thánh Cha không biết các nguy cơ của hệ thống liên mạng, nhưng ngài cũng không trừ qủy các nguy cơ đó. Vì thế sứ điệp của Đức Thánh Cha sẽ đem lại thiện ích cho người trẻ là lớp người trực tiếp sử dụng hệ thống liên mạng, cũng như cho người lớn, vì ngài kêu gọi họ có trách nhiệm giáo dục lớn hơn đối với giới trẻ. Trong sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế Truyền Thông Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh nhiều điều quan trọng.

Hỏi: Một trong những điều ý nghĩa nhất đó là Đức Thánh Cha đã thừa nhận thế hệ vi tính. Đối với Đức Cha việc thừa nhân này có ý nghĩa gì?

Đáp: Mọi người chúng ta đều nhận ra cảm quan của người trẻ đối với các kỹ thuật tân tiến ngày nay. Riêng cá nhân tôi, việc ghi nhận này đã gây ra cho tôi ấn tượng rất lớn. Lý do là vì tôi cũng nhận ra nơi đó vài đặc tính của người trẻ ngày nay.

Hỏi: Đức Cha thấy đâu là các đắc thái nổi bật nhất nơi người trẻ?

Đáp: Trước hết chính người trẻ là lớp người có nhiều kinh nghiệm nhất đối với thực tại vi tính, được hiểu như là khoảng không gian diễn tả trong đó họ có thể sống kinh nghiệm cuộc đời. Trong đó họ nối kết các liên hệ, họ đối thoại với nhau, họ tổ chức các cuộc gặp gỡ, và làm nảy nở ra các tình cảm.

Tuy nhiên hệ thống liên mạng cũng có nguy hiểm của nó: đó là nó giam cầm người trẻ trong thế giới ảo ảnh và không sống thực tại đích thật của cuộc sống nữa. Đây là nguy cơ mà chúng ta là người lớn với các trách nhiệm giáo dục của mình, chúng ta không được coi thường.

Hỏi: Thưa Đức Cha, có nhiều nhà bình luận đã bị ấn tượng mạnh vì giọng điệu Đức Thánh Cha dùng trong sứ điệp. Ngài tỏ ra rất tin tưởng nơi các kỹ thuật tân tiến. Đức Cha nghĩ sao?

Đáp: Vâng, tôi đồng ý với nhận xét của qúy vị. Đây là một sứ điệp rất tích cực, nhưng không ngây thơ. Dĩ nhiên là Đức Thánh Cha dư biết là qua hệ thống liên mạng cũng có nhiều chất liệu dơ bẩn, hay có một số người dùng Internet để phổ biến các điều dối trá chống lại Tin Mừng và chống lại Giáo Hội. Vì thế ngài mới yêu cầu chú ý tới phẩm chất của các nội dung và không dừng lại ở các khía cạnh tiêu cực. Trái lại, ngài cho biết những gì tích cực nơi các phương tiện kỹ thuật tân tiến này. Giờ đầy thế giới giáo dục phải xây nhịp cầu giữa ảo ảnh và thực tại bằng cách khích lệ người trẻ có các tương quan đích thật.

Hỏi: Thật thế, vì Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ đừng tầm thường hóa tình bạn, có phải vậy không thưa Đức Cha?

Đáp: Đúng vậy. Người trẻ phải được giáo dục đừng sống cô lập trong một thế giới trừu tượng, vì không thể giải quyết cuộc sống tình cảm với các địa chỉ trên mạng trình bầy các áo ảnh, mà phải được giải quyết bằng các tiếp xúc và đụng chạm đích thật với thực tại, đôi khi khó khăn, nhưng chắc chắn là trung thực và nhân bản hơn.

Hỏi: Trong sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 2009 Đức Thánh Cha cũng mời gọi giới trẻ công giáo rao truyền Tin Mừng trong lãnh vực liên mạng. Làm thế nào để trải dài mục vụ cho giới trẻ trên mạng thưa Đức Cha?

Đáp: Internet là một phương thế rất mạnh mẽ giúp diễn tả điều chúng ta tin và thông truyền nó cho các người khác. Nó là một cuộc đối thoại mà trong khi chúng ta thực hành thì chúng ta liên tục thay đổi kiểu diễn tả và tạo ra sự cảm thông lẫn nhau. Vì thế ai có các kho tàng nội tâm thì đưa lên mạng để chia sẻ cái phong phú nội tâm đó của mình với người khác. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải có óc tượng tưởng sáng tạo mục vụ cũng như khả năng tìm tòi khám phá, và làm trung gian thông truyền văn hóa. Người trẻ có khả năng làm được tất cả những điều này.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tại sao Đức Cha lại ghi danh tham dự địa chỉ liên mạng Facebook?

Đáp: Bởi vì tôi nghĩ rằng sự hiện diện trong thế giới này là một việc trải dài chức thừa tác của tôi. Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan tới những đề tài nền tảng của cuộc sống. Do đó tại sao lại không tìm cách trả lời cho các câu hỏi này bằng cách sử dụng hệ thống liên mạng?

Sau đây là một số nhận định của ông Stefano Martelli, giáo sư xã hội về các tiến trình văn hóa tại đại học Bologna trung bắc Italia, về sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Thông của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Cuốn sách của giáo sư tựa đề ”Băng hình xã hội hóa” đã được in lần thứ IV. Giáo sư đã là một trong các thuyết trình viên tại đại hội do văn phòng truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia tổ chức mới đây.

Hỏi: Thưa giáo sư Martelli, giáo sư nghĩ gì về sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông của Đức Thánh Cha?

Đáp: Sứ điệp của Đức Thánh Cha tiếp nhận tốt ý thức kinh ngạc trước các khả thể to lớn của việc tự xã hội hóa, mà các kỹ thuật tân tiến cống hiến cho trẻ em và người trẻ. Trong sự tôn trọng đối với các thế hệ đi trước, người trẻ sinh ra trong xã hội được các hệ thống liên mạng biến trở thành toàn cầu ngày nay, có thể tiếp xúc một cách dễ dàng với các người trẻ đồng trang lứa gần xa khắp nơi trên thế giới.

Đồng thời sứ điệp của Đức Thánh Cha cũng mời gọi tất cả mọi người chú ý đến các nguy hiểm của các tiếp xúc đó mà không có người lớn. Theo tôi nguy hiểm chính không phải là có các cuộc gặp gỡ xấu trên mạng, nhưng là mất thì giờ lang thang trên các mạng không được thành lập một cách tốt và bị lạc trong đó.

Hỏi: Trong mức độ nào qua phương tiện truyền thông liên mạng, chúng ta có thể thăng tiến một nền văn hóa của sự tôn trọng, đổi thoại, và tình bạn, trong một thế giới như thế giới của các địa chỉ trên mạng, trong đó sự tiếp cận nhanh chóng và thông truyền ảo ảnh khác với các tương quan ”diện đối diện” trong cuộc sống thường ngày?

Đáp: Mạng vi tính giúp nhân lên gấp nhiều lần các cuộc tiếp xúc và khả thể hiểu biết, nhưng các cuộc gặp gỡ định đoạt xảy ra trong cuộc sống thường ngày với các người có ý nghĩa đối với chúng ta, với các chứng nhân có uy tín. Chính tại đây cả trong thời đài toàn cầu, người lớn biết giáo dục có thể cống hiến cho người trẻ các dịp gặp gỡ cá nhân. Tôi nghĩ đến các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, là các dịp tạo ra các tương quan lâu dài giữa các người trẻ và các nhóm trẻ thuộc nhiều quốc gia với nhau, nhờ các phương tiện truyền thông và kỹ thuật tối tân, trong đó có hệ thống liên mạng.

Hỏi: Thưa giáo sư, theo giáo sư trong sứ điệp tựa đề ”Các kỹ thuật mới các tương quan mới”, ảo ảnh và thực tại đối chọi với nhau trong kỷ nguyên của địa chỉ trên mạng Web 2.0. Giữa hai thế giới có mối dây nối kết nào không?

Đáp: Ảo ảnh và thực tại là các từ phỏng chừng vậy để ám chỉ hai kiểu truyền thông, kiểu truyền thông ”mặt đối mặt” và kiểu truyền thông qua trung gian của máy vi tính nối với Mạng. Khuynh hướng hiện nay đối chọi chúng với nhau là điều thái qúa. Vì từ từ khi người ta tập sử dụng các kỹ thuật mới trong cuộc sống thường ngày, ngoài máy vi tính ra, thì còn có các loại điện thoại cầm tay, mà chúng ta gửi qua hệ thống thư trên mạng, rồi lấy nhạc từ trên mạng vào điện thoại di động vv... Tất cả các đối kháng này sẽ biến mất.

Thật ra, điều hiệp nhất ảo ảnh và thực tại là con người, là bản vị và kiểu nó bước vào trong tương quan với người khác. Liên quan tới điểm này sứ điệp của Đức Thánh Cha đã rất là rõ ràng. Đức Thánh Cha dùng các từ rất hay đẹp, bằng cách chỉ cho thấy trong việc truyền thông được thi hành một cách tốt đẹp, có con đường giúp con người tiến tới gần Thiên Chúa, là ”Thiên Chúa của sự truyền thông và của tình hiệp thông”.

(Avvenire 24-1-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.