2009-02-17 15:43:30

Năm Vũ Trụ Học và Năm Darwin


Một số nhận định của ông Nicola Cabibbo, giáo sư vật lý học kiêm Chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh, về ”Năm Vũ Trụ Học” và ”Năm Darwin”

Năm 2009 đã được Liên Hiệp Quốc tuyên bố là ”Năm Vũ Trụ Học”, kỷ niệm 400 năm khoa học gia Galileo Galilei người Ý, khám phá ra kính viễn vọng. Nhưng năm 2009 cũng là năm kỷ niệm 200 năm nhà khoa học thiên nhiên Charles Darwin người Anh sinh ra.

Hôm mùng 10-2-2009 một cuộc triển lãm về nhà thiên nhiên học Darwin đã được khai mạc tại Roma, sau đó cuộc triển lãm sẽ được trình bầy tại Milano bắc Italia, rồi tại Bari nam Italia. Đây là cuộc triển lãm vĩ đại nhất từ trước tới nay, do Viện bảo tàng Lịch sử thiên nhiên Hoa Kỳ tổ chức tại Dinh Triển Lãm Roma từ ngày 12-2 là ngày sinh của khoa học gia Darwin (12-2-1809), cho tới ngày 3 tháng 3.

Cuộc triển lãm này đã được tổ chức nhiều nơi trên thế giới, nhưng lần này có thêm hai khu vực hoàn toàn mới mẻ so với các lần triển lãm trước đây. Có một phòng trưng bầy lịch trình tiến hóa của con người, với các hình người tiền sử có kích thước lớn như người thường, và một phòng trưng bầy các dấu tích người hóa thạch tìm thấy tại Italia. Mục đích cuộc triển lãm là để giúp người xem lần lại con đường lich sử của nhân loại theo cái nhìn của khoa học gia Charles Darwin, khi ông đi đó đây quan sát thiên nhiên và ghi chép lại trong sổ tay của ông cây gia phả cuộc sống con người và thú vật.

Biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra trong 200 năm qua. Nhưng năm 2009 này cũng là dịp kỷ niệm 150 năm Charles Darwin cho in cuốn sách của ông liên quan tới ”Nguồn gốc các chủng loại qua sự tuyển chọn tự nhiên hay qua việc duy trì các chủng tộc ưu tiên trong cuộc chiến đấu cho sự sống”. Cuốn sách này đã được in năm 1859. Darwin đã sống tại thiên đàng quần đảo Galapagos lâu năm để quan sát hình thái nhiều thú vật khác nhau và đưa ra thuyết tiến hóa giúp chúng ta hiểu tiến trình tiến hóa của các chủng loại khác nhau. Nhưng ngày nay các loài thú khác nhau sống tại quần đảo Galapagos cũng đang gặp nguy cơ diệt chủng, vì các tay buôn bán thú vật qúy hiếm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Nicola Cabibbo, giáo sư vật lý học, kiêm Chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh, về khoa học gia Galileo Galilei và Charles Darwin. Theo giáo sư Cabibbo, từ tinh sao cho tới các phân tử di truyền tất cả đều là các sự kiện hết, chứ không phải là các lý thuyết.

Hỏi: Thưa giáo sư Cabibbo, cách đây 400 năm khoa học gia Galileo Galilei, người thành Pisa bắc Italia, đã chế ra kính viễn vọng cho phép nghiên cứu vũ trụ. Những thuyết của ông về vũ trụ đã khiến cho Galileo trở thành cha đẻ của khoa thiên văn. Trong năm kỷ niệm này các giới chức chuyên môn có cho thấy cả các khía cạnh ít được dân chúng biết tới trong cuộc đời của Galileo hay không?

Đáp: Với Galileo, từ thiên văn hình học và lý thuyết chúng ta bước sang thiên văn vật lý. Nhưng mà Galileo cũng được nhắc tới vì phần đóng góp của ông cho cơ khí, với luật trọng lượng và cho khoa học chất liệu nữa. Khoa học gia Galileo đã thành lập ra trường học trong đó có các nhà khoa học tên tuổi như Evangelista Torricelli, là người kế nghiệp ông nghiên cứu việc chế ra hàn thử biểu để đo áp xuất trong không khí. Trường nghiên cứu do Galileo thành lập đã đẩy mạnh sự phát triển của khoa học.

Hỏi: Thưa giáo sư, vào thời của Galileo thuyết trái đất xoay quanh mặt trời của khoa học gia Copernic đã chưa được chứng minh một cách vĩnh viễn. Và các thẩm phán đã nghĩ rằng họ có bổn phận phải ngăn chặn việc phổ biến thuyết này, có đúng thế không?

Đáp: Thuyết do Galileo đưa ra là một thuyết mới mẻ, nhưng tất cả những gì ông đã khám phá ra đã khiến cho các thẩm phán hiểu rằng các sự việc tiến triển như khoa học gia Copernic đã nghĩ. Trong khi các vệ tinh của Mộc Tinh xoay quanh hành tinh của chúng, thì có cái gì đó không xoay quanh Trái Đất. Tuy nhiên đó không phải là một bằng chứng đích thật cho thấy Trái Đất xoay quanh Mặt Trời. Bằng chứng Trái Đất xoay quanh Mặt Trời sẽ được đưa ra vào thế kỷ thứ XVII, nhưng sau Newton, và với khoa học gia Bradley, là người đã khám phá ra hiện tượng sao lệch, tức một sự xê xích rất nhỏ vị trí của các vì sao, do sự chuyển động của Trái Đất gây ra. Khám phá của khoa học gia Bradley là bằng chứng đầu tiên không thể chối cãi được chứng minh cho thấy hệ thống Copernic có lý. Việc chứng minh vĩnh viễn sẽ xảy ra vào năm 1851 với dây rọi của khoa học gia Jean Bernard Foucault dưới mái tròn của đền thờ các thần trong thủ đô Paris.

Hỏi: Như thế, thật là dễ hiểu khi các nhà vũ trụ học Roma nài nỉ khoa học gia Galileo đưa ra các chứng cớ chắc chắn hơn, có đúng vậy không thưa giáo sư?

Đáp: Đúng vậy. Các chứng cớ tăng dần theo thời gian, và có đúng thật là các chứng cớ do Galileo đưa ra đã không được xác đáng cho lắm. Tuy nhiên tư tưởng của Galileo hay đẹp hơn hệ thống của Tolomeo rất nhiều, nó có một sự thanh lịch nội tại, và cho phép giải thích nhiều hiện tượng trên trời với sức thuyết phục không thể nghi ngờ được.

Hỏi: Hồi đó các người chống đối khoa học gia Galileo đã hỏi ông những điều gì thưa giáo sư?

Đáp: Câu hỏi thứ nhất mà những người chống lại Galileo đưa ra đó là: ”Nếu trái đất di chuyển, thì tại sao chúng ta lại không cảm thấy điều đó?” Câu trả lời nằm trong nguyên tắc của tính tương đối đã được ông Giordano Bruno minh giải, được Galileo lấy làm của mình và được khoa học gia Albert Eistein lấy lại. Galileo giải thích rằng: nếu tôi ở trên một con thuyền đang đi, thì tôi không nhận thấy là tôi chuyển động. Cũng thế dân chúng sống trên Trái Đất không nhận thấy Trái Đất đang di chuyển một cách nhanh chóng.

Hỏi: Thế mà tại sao Galileo lại trượt chân trên việc lấy hiện tượng thủy triều để giải thích việc trái đất di chuyển thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, trong trường hợp này thì Galileo bị lóa mắt. Ông cho rằng hiện tượng thủy triều là bằng chứng Trái Đất xoay quanh chính mình. Lý lẽ này đã không đứng vững, vì hiện tượng nước thủy triều lên xuống là do hấp lực của Mặt Trăng và Mặt Trời, chứ không phải vì Trái Đất xoay quanh chính nó.
 
Hỏi: Người ta đã đề nghị với khoa học gia Galileo trình bầy trực giác của ông tức thuyết mặt trời là trung tâm như là giả thuyết, thế mà tại sao khoa học Gia Galileo lại đã không chấp nhận?

Đáp: Đối với một khoa học gia lớn như ông thời đó, thật là điều xấu hổ khi phải khẳng định một điều mình không tin. Nhưng rất tiếc là sau đó ông đã phải làm. Galileo là khoa học gia lớn, vì ông đã có một quan niệm mới về thiên văn và về khoa học nói chung. Trước ông thiên văn đã chỉ được dùng để xác định ngày lễ Phục Sinh, hay khi nào có nhật thực. Với Galileo người ta bắt đầu nghiên cứu tinh sao như là các vật thể vật lý, như là các đối tượng, trong một cách nào đó giống Trái Đất. Galileo đã khám phá ra rằng Mặt Trăng có các núi non gò nổng của nó, và nếu các núi đó là núi đá thì Mặt Trăng có cùng bản chất vật lý của Trái Đất. Ông cũng khám phá ra rằng Kim Tinh có các giai đoạn của nó và Mặt Trời cũng xoay quanh chính mình, vì Galileo nhận thấy các vết trên Mặt Trời và các vết đó cũng di chuyển, vì Mặt Trời cũng xoay quanh chính nó. Ngoài ra với Galileo chúng ta sang trang đối với nghành thiên văn siêu việt: theo hệ thống thiên văn cổ điển các vật thể trên trời di chuyển trên các hình cầu thủy tinh đồng tâm với Trái Đất; mỗi một hành tinh có hình cầu của nó.

Khoa học gia Galileo đã là một người sáng tạo lớn với luật trọng lượng rơi, với các áp dụng khác nhau trong sự chuyển động của đạn, và với các nghiên cứu tiên tiến về sự kháng cự cơ khí của các vật thể. Galileo cũng đã là người đầu tiên thực hiện các dụng cụ giúp nghiên cứu một định luật vật lý.

Hỏi: Thưa giáo sư Cabibbo, năm 2009 cũng là năm kỷ niệm 200 năm khoa học gia Charles Darwin sinh ra, đồng thời là năm kỷ niệm 150 ấn hành cuốn sách ”Nguồn gốc các chủng loại” của ông. Có các dữ kiện khoa học mới mẻ nào trong lãnh vực này không?

Đáp: Dưới ánh sáng của các hiểu biết liên quan tới hệ phân tử di truyền “genoma”, chúng ta có thể khẳng định rằng sự tiến hóa là một sự kiện, chứ không phải là một giả thuyết nữa. Chúng ta biết các yếu tố di truyền của con người, của các loài khỉ, và của các thú vật khác, qua các nghiên cứu thực hiện trên các dấu tích thạch hóa và các chủng loại sống động. Lịch sử của sự sống trên Trái Đất có một cấu trúc hết sức vững vàng. Có thể dựng lại cây gia phả và thiết định ”ai là bà con với ai”. Chẳng hạn chúng ta có được minh xác từ vitamine C, mà cơ thể con người không thể sản xuất được. Phân tử di truyền cần thiết nằm trong DNA của con người và của đười ươi trong cùng vị thế như trong DNA của tất cả các thú vật khác. Nhưng trong con người cũng như nơi đười ươi phân tử di truyền bị hư, bị gẫy trong cùng một cách thức như nhau. Và điều đó là một trong những yếu tố chứng minh cho thấy ”liên hệ bà con” giữa đười ươi và con người. Giải thích theo thuyết tiến hóa thì đó là vì các loài khỉ và các siinh vật đầu tiên bao gồm cả con người, tìm cách tự cung cấp vitamine C bằng cách ăn trái cây bù lại, và vì thế không cần đến phân tử di truyền này.

(Avvenire 25-1-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.