2009-02-11 16:37:57

Chiếc thang 30 bậc của cuộc sống Kitô


Sáng thứ tư 11-2-2009 đã có 8000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI. Trong số các đoàn hành hương cũng có nhóm 55 tín hữu công giáo Việt Nam Đan Mạch do cha quản nhiệm Nguyễn Minh Quang hướng dẫn.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha bắt đầu loạt giáo lý mới liên quan tới các tác giả Kitô của Giáo Hội Đông Tây thời Trung Cổ. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Anh chị em thân mến, sau 20 bài giáo lý về thánh Phaolô Tông Đồ, hôm nay tôi muốn trình bầy các tác giả Kitô lớn của Giáo Hội Đông Tây thời Trung Cổ. Tôi xin đề nghị gương mặt của Gioan Climaco, là chữ phiên âm từ hy lạp ”klímacos”, có nghĩa là cái thang (klímax). Đây là tựa đề tác phẩm chính của đan sĩ, miêu tả cảnh con người leo thang lên với Thiên Chúa. Tác giả chào đời vào khoảng năm 575 và sống trong các năm khủng hoảng trầm trọng nhất của thành phố Bisanzio, thủ đô của đế quốc Roma Đông Phương. Bất thình lình khung cảnh địa lý thay đổi, và phong trào xâm lăng của các dân rợ đã khiến cho các cơ cấu của đế quốc Roma sụp đổ. Đã chỉ có cơ cấu của Giáo Hội là đứng vững và tiềp tục chu toàn sứ mệnh truyền giáo, nhân bản và văn hóa xã hội của mình, đặc biệt là qua mạng lưới các tu viện, trong đó có các nhân vật tôn giáo lớn hoạt động, chẳng hạn như đan sĩ Gioan Climaco.

Gioan Climaco sống trong vùng núi, nơi ông Môshê đã gặp gỡ Thiên Chúa và ngôn sứ Elia đã nghe được tiếng Chúa, và ông kể lại các kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Tiểu sử cuộc đời người, được đan sĩ Daniele di Raito ghi lại, cho biết năm lên 16 tuổi Gioan Climaco đã trở thành đan sĩ tại núi Sinai và trở thành môn đệ của viện phụ Martirio, một cụ già khôn ngoan. Năm lên 20 tuổi Gioan chọn sống như ẩn sĩ trong một hang đưới chân núi, tại Tola, cách đan viện thánh nữ Catarina ngày nay 8 cây số. Cuộc sống ẩn tu không khiến cho đan sĩ xa cách những ai muốn gặp người để được hướng dẫn trên con đường thiêng liêng, cũng như đi thăm các đan viện khác tại Alessandria. Cuộc sống cô tịch khiến cho Gioan yêu mến tha nhân và yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn (Vita 5, 7). Sau 40 năm sống đời ẩn tu trong khóc lóc cầu nguyện và chiến đấu chống lại ma quỷ, Gioan được chỉ định làm viện phụ của đan viện lớn ở núi Sinai, và trở về sống trong đan viện. Nhưng vài năm trước khi qua đời Gioan lại nhớ cuộc sống ẩn tu, giao quyền hướng dẫn đan viện cho một đan sĩ khác, và qua đời sau năm 650.

Đan sĩ Gioan nổi tiếng nhờ tác phẩm ”Cái thang”, được Tây Phương coi như ”Thang của Thiên Đàng” (PG 88,632-1164). Đây là tác phẩm được viện phụ Raito gần núi Sinai xin đan sĩ Gioan sáng tác để trình bầy cuộc sống thiêng liêng, trong đó đan sĩ Gioan miêu tả lộ trình đời đan sĩ từ khi từ bỏ thế gian cho tới lúc đạt sự trọn lành của tình yêu thương. Lộ trình đó được khai triển qua 30 bậc nối tiếp nhau, nhưng có thể tóm gọn trong ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là đoạn tuyệt với thế gian để trở về với tình trạng trẻ thơ của Phúc Âm. Điều chính yếu như thế không phải là sự đoạn tuyệt mà là việc gắn liền với những gì Chúa Giêsu kêu mời, nghĩa là trở về tình trạng thơ ấu thiêng liêng, trở thành trẻ thơ.

Đan sĩ Gioan chú giải giai đoạn này như sau: ”Một nền tảng tốt bao gồm ba nền tảng và 3 cột trụ là sự vô tội, việc ăn chay và sự khiết tịnh. Tất cả các trẻ sơ sinh trong Chúa Kitô (x. 1 Cr 3,1) bắt đầu bằng ba điều này, bằng cách noi gương những trẻ sơ sinh trong vật lý” 1,20; 636). Việc tách rời khỏi những người và những nơi thân thiết cho phép linh hồn bước vào trong sự hiệp thông sâu xa hơn với Thiên Chúa. Việc từ bỏ này rộng mở cho sự vâng lời là con đường dẫn tới sự khiêm tốn qua các hổ nhục sẽ không bao giờ thiếu từ phía các anh em khác. Liên quan tới giai đoạn thứ hai của con đường nên trọn lành Đức Thánh Cha nói:

Chặng thứ hai của lộ trình là cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại các đam mê. Mỗi bậc thang gắn liền với một đam mê chính, được định nghĩa và chẩn mạch với phương dược chữa trị và nhân đức tương đương. Các bậc thang này chắc chắn là khảo luận chiến thuật tinh thần quan trọng nhất mà chúng ta có được. Tuy nhiên cuộc chiến đấu chống lại các đam mê tích cực nhờ hình ảnh ”lửa” của Chúa Thánh Thần. Đan sĩ Gioan viết: ”Tất cả những ai bước vào cuộc chiến đấu khó khăn và cam go này hãy biết rằng họ bị ném vào một ngọn lửa, nếu họ thực lòng ước ao lửa thiêng liêng ở trong họ” (1,18; 636).

Lửa của Chúa Thánh Thần là lửa của tình yêu và chân lý, giúp đem lại chiến thắng. Theo đan sĩ Gioan Climaco cần ý thức rằng các đam mê tự chúng không phải là xấu xa. Chúng trở thành xấu xa vì con người tự do sử dụng chúng một cách xấu xa. Nếu được thanh tẩy, các đam mê mở ra cho con người con đường dẫn tới Thiên Chúa với các năng lực được hiệp nhất bởi khổ hạnh và ơn thánh, và nếu chúng đã nhận được từ Đấng Tạo Hóa một trật tự và một khởi đầu... thì ranh giới của nhân đức là vô tận” (26/2,37; 1068).

Giai đoạn cuối cùng là sự toàn thiện Kitô được khai triển trong 7 bậc thang cuối cùng. Đó là các tình trạng cao nhất của cuộc sống thiêng liêng, có thể được kinh nghiệm bởi các người ẩn sĩ sống đơn độc, đã đạt được sự yên tịnh và bình an nội tâm. Nhưng các đan sĩ sốt sắng nhất cũng đạt được chúng. Ba bậc thang đầu tiên là sự đơn sơ, khiêm nhường và phân định. Cũng như các giáo phụ, đan sĩ Gioan coi khả năng phân định quan trọng nhất. Mọi cung cách hành xử đều phải được phân định, mọi sự đều tùy thuộc nơi các lý do sâu xa cần xem xét. Đây là việc thức tỉnh nơi vị ẩn tu, nơi Kitô hữu sự ”nhậy cảm thiêng liêng” và ”ý thức của con tim” như là các ơn của Chúa: ”Sau Thiên Chúa, luật lệ hướng dẫn mọi sự là lương tâm” (26/1,,5; 1013). Như thế con người đạt sự yên tĩnh của linh hồn. Tình trạng an tịnh đó chuẩn bị cho vị ẩn sĩ cầu nguyện với hai chiều kích: lời cầu nguyện của thân xác và lời cầu nguyện của con tim. Lời cầu nguyện của thân xác gồm các cử điệu như giang tay, rên rỉ, đấm ngực vv.. (15,26; 900); lời cầu nguyện của con tim thì tự phát, vì nó là hiệu qủa sự thức tỉnh của sự nhậy cảm tinh thần, là ơn Chúa ban cho người cầu nguyện với thân xác. Trong bút tích của đan sĩ Gioan nó được gọi là ”lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” và bao gồm việc gọi tên Chúa Giêsu, liên lỉ như hơi thở: ”Việc nhớ tới Chúa Giêsu hãy là một với hơi thở của con, và khi đó con sẽ biết sự hữu ích của sự an tịnh”, của niềm an bình nội tâm (27/2.26; 1112). Sau cùng lời cầu nguyện trở thành rất đơn sơ, chỉ tên gọi ”Giêsu” đã trở thành một với hơi thở của chúng ta rồi. Đề cập tới nấc thang cuối cùng Đức Thánh Cha nói:

Bậc thang cuối cùng được bao bọc bởi sự say mến của Chúa Thánh Thần, dành cho ba nhân đức đối thần tin cậy và nhất là đức mến. Đan sĩ Gioan cũng nói vế đức mến như là ”eros” tình yêu nhân loại, hình ảnh của hôn nhân giữa linh hồn với Thiên Chúa, và người chọn hình ảnh ”lửa” để diễn tả sự nồng cháy, ánh sáng việc thanh tẩy tình yêu đối với Thiên Chúa. Sức mạnh của tình yêu nhân loại có thể được hướng tới Chúa, như một cây ô liu dại được tháp vào cây ô liu tốt (x. Rm 11,24) (15,66; 893).

Đan sĩ Gioan xác tín rằng kinh nghiệm sâu đậm về tình yêu nhân loại khiến cho linh hồn tấn tới hơn là cuộc chiến đấu cam go chống lại các đam mê; bởi vì nó có sức mạnh rất lớn. Nhưng đức ái cũng có tương quan chặt chẽ với lòng hy vọng: ”Sức mạnh của bác ái là lòng hy vọng: nhờ nó chúng ta chờ đợi phần thưởng của tình bác ái... Hy vọng là cánh cửa của bác ái... Sự vắng bóng hy vọng hủy bỏ tình bác ái: các lao nhọc của chúng ta được cột buộc vào nó, các khổ đau của chúng ta được nó đỡ nâng, và nhờ nó mà chúng ta được lòng xót thương của Thiên Chúa bao bọc” (30,16; 1157). Phần kết luận của tác phẩm ”Cái Thang” bao gồm tổng kết của tác phẩm với các lời của Thiên Chúa: ”Cái thang này dậy con sự sẵn sàng của các nhân đức. Ta ở trên đầu thang, như Phaolô người đã được Ta khai tâm nói: Giờ đây tồn tại cả ba điều: tin cậy mến nhưng lớn nhất là đức mến” (1 Cr 13,13)(30,18; 1160).

Trong phần cuối cùng của bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng tác phẩm do đan sĩ Gioan Climaco viết ra cách đây 1400 năm vẫn còn thời sự và có giá trị đối với tín hữu ngày nay. Lộ trình cuộc sống đan tu đó biểu tượng cho cuộc sống của Kitô hữu, trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, với cái chết và sự phục sinh của Ngài. Các bậc thang cuối cùng là các nhân đức quan trọng nền tảng của cuộc sống Kitô. Đức Tin, đức Cậy đức Mến là ơn Thiên Chúa ban cho tất cả mọi tín hữu đã được rửa tội, chứ không phải chỉ ban cho các anh hùng luân lý. Biết leo trọn vẹn chiếc thang đó là chúng ta đạt sự sống thật.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, Đức Thánh Cha cất kinh Lậy Cha và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.