2009-01-28 17:24:39

Các Giám Mục là hiền phụ của gia đình Dân Chúa


”Các thư mục vụ thánh Phaolô gửi Timoteo và Tito cho thấy cấu trúc giáo lý của Giáo Hội bao gồm Kinh Thánh và Truyền Thống tông đồ, cũng như cấu trúc thừa tác, trong đó Giám Mục lằ chủ chăn và là hiền phụ của cộng đoàn kitô”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 8000 ngàn tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung hằng tuần với Đức Thán Cha trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 28-1-2009.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập tới các thư mục vụ của thánh Phaolô, tức hai thư gửi Timoteo và một thư gửi Tito, là hai cộng sự viên thân tín của thánh nhân.

Timoteo đã được thánh Phaolô giao cho các sứ mệnh quan trọng tại Macedonia (x. Cv 19,22), Thêxalônica (x. Tx 3,6-7) và Côrintô (x. 1Cr 4,17; 16,10-11) và được khen là người ”cùng thánh nhân chia sẻ một tâm tình và tận tâm lo lắng cho tín hữu và phục vụ Tin Mừng như con với cha” (Ep 2,20.22).

Theo sử gia Eusebio thành Cesarea, sống vào thế kỷ thứ IV, Timoteo đã trở thành Giám Mục đầu tiên của thành Êphêxô (x.3.4). Còn Tito cũng đã được thánh Phaolô giao cho vài nhiệm vụ tế nhị tại Côrintô, và được gọi là ”bạn đường, cộng sự viên nhiệt thành” (2 Cr 8,23), ”người con trong lòng tin” (Tt 1,4). Tito sau này là Giám Mục đảo Creta (Tt 1,5). Đề cập đến nguồn gốc của ba thư mục vụ Đức Thánh Cha nói:

Các thư gửi cho hai Chủ Chăn này chiếm một chỗ quan trọng trong toàn Tân Ước. Đa số các nhà chú giải Kinh Thánh ngày nay cho rằng các thư này đã không do thánh Phaolô viết, nhưng phát xuất từ ”trường phái Phaolô”, và phản ánh gia tài của thánh nhân cho một thế hệ mới. Có lẽ chúng bao gồm một vài đoạn hay từ của thánh Phaolô. Chẳng hạn vài từ của thứ thứ hai gửi Timoteo trung thực đến độ chỉ có thế phát xuất từ chính miệng của thánh Phaolô.

Dĩ nhiên tình hình giáo hội đã khác với tình hình của các năm chính trong cuộc đời của thánh nhân. Giờ đây nhìn về qúa khứ, thánh nhân tự giới thiệu như là ”người rao giảng Tin Mừng, tông đồ và thầy dậy” của dân ngoại (2 Tm 1,11), và như là người đã được Thiên Chúa xót thương, để làm gương cho những ai tin vào Chúa hầu được sống muôn đời (1 Tm 1,16).

Lòng Chúa thương xót Phaolô, là kẻ bách hại đã được Chúa Kitô phục sinh hoán cải, cũng khích lệ chúng ta hy vọng và tin tưởng nơi lòng từ bi của Chúa, là Đấng có thể làm được những điều lớn lao, mặc dù sự bé nhỏ của chúng ta.

Các thư mục vụ cũng giả thiết các bối cảnh văn hóa mới, vì chúng nhắc tới các giảng dậy sai lạc (x. 1 Tm4,1-2; 2 Tm 3,1-5), như lập trường cho rằng hôn nhân là điều không tốt (x. 1 Tm4,3). Danh sách các sai lạc trong ba thư mục vụ cho thấy trước hướng đi lầm lạc của phong trào ngộ đạo sau này (x. 1 Tm 2,5-6; 2 Tm 3,6-8).

Trong các nét giáo thuyết của các thư mục vụ có lời mời gọi đọc hiểu Kinh Thánh như tác phẩm do Chúa Thánh Thần linh hứng, để rút tỉa ra tứ đó ánh sáng ”có ích cho việc giảng dậy, biện bác, sửa dậy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16). Thứ hai là lời nhắn nhủ trung thành với kho tàng lòng tin tông truyền và duy trì nó với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Kho tàng lòng tin đó là Truyền Thống tông đồ và là tiêu chuẩn của lòng trung thành với Phúc Âm. Ở đây cần ghi nhận rằng trong các thư mục vụ cũng như trong toàn Tân Ước, từ Kinh Thánh ám chỉ Kinh Thánh Cựu Ước, vì các tác phẩm Tân Ước hồi đó chưa có, hay là đã có mà chưa thuộc danh sách các sách Kinh Thánh. Như thế Truyền Thống do các tông đồ loan báo là chìa khóa giúp đọc hiểu Kinh Thánh và tiếp nhận từ đó tiếng nói của Chúa Kitô. Thật vậy, ”cần phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý” (Tt 1,9). Nền tảng của tất cả là lòng tin nơi sự mạc khải lịch sử của lòng lành Chúa, là Đấng đã tỏ lộ nơi Đức Giêsu Kitô tình yêu thương của Người đối với nhân loại. Trong tiếng hy lạp tình yêu thương đó được gọi là ”filanthropía” (Tt 3,4;x. 2 Tm 1,9-10): Thiên Chúa yêu thương loài người.

Như vậy chúng ta thấy cộng đoàn Kitô khẳng định sự gắn bó với các điểm nền tảng của lòng tin, ở đây nó đồng nghĩa với ”sự thật” (1 Tm 2,4.7; 4,3; 6,5; 2 Tm 2,15; 3,8; 4,4; Tt 1,1; 1,14). Trong lòng tin hiện ra sự thật nòng cốt: chúng ta là ai, Thiên Chúa là ai, chúng ta phải sống thế nào. Và Giáo Hội được định nghĩa như là ”cột trụ và sự đỡ nâng” của lòng tin đó (1 Tm 3,15). Giáo Hội rộng mở cho tất cả mọi người, thuộc mọi trật tự và giai tầng xã hội, và cầu nguyện cho mọi người được ơn cứu độ. Tuy trong các thư mục vụ Giáo Hội là một cộng đoàn bé nhỏ, nhưng đã có ý thức đại đồng rất lớn. Cùng với tính cách phổ quát và lòng tin như sự thật, như chìa khóa giúp đọc hiểu Kinh Thánh Cựu Ước, rộng mở cho tất cả mọi người, còn có một điểm đặc thù khác nữa trong các thu mục vụ. Đức Thánh Cha nói:

Có một yếu tố đặc thù khác của các thư mục vụ: đó là cấu trúc thừa tác của Giáo Hội. Chúng là các thư đầu tiên trình bầy việc phân chia giới lãnh đạo thành ba lớp: giám mục, linh mục và phó tế (x. 1 Tm 3,1-13; 4,13; 2 Tm 1,6; Tt 1,5-9).

Chúng ta có thể nhận ra trong các thư mục vụ việc quy tụ hai cơ cấu thừa tác và và việc thành lập hình thái vĩnh viễn của chức thừa tác trong Giáo Hội. Trong các thư của những năm chính cuộc đời mình thánh Phaolô nói tới các ”episcopoi giám mục” (Pl 1,1) và ”diaconoi phó tế”. Đây là cấu trúc đặc thù của Giáo Hội giữa thế giới ngoại giáo. Gương mặt của vị tông đồ nổi bật, và các chức thừa tác khác đã chỉ phát triển từ từ.

Trong thế giới Do thái Kitô các ”presbyteroi linh mục” là cơ cấu chính. Vào cuối các thư mục vụ hai cơ cấu này hiệp nhất và xuất hiện vị ”episcopo - giám mục” (x. Tm 3,2; Tt 1,7). Bên cạnh Giám Mục episcopo có các linh mục presbyteroi và các phó tế diakonoi. Gương mặt của Tông Đồ vẫn nổi bật, nhưng trong các thư mục vụ, Timoteo và Tito một đàng xuất hiện như các Giám Mục, đàng khác bắt đầu chiếm chỗ của Tông Đồ.

Như thế người ta nhận ra thực tại sau này sẽ được gọi là ”việc kế vị tông đồ”. Thánh Phaolô nói với Timoteo một cách trang trọng như sau: ”Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh” (1 Tm 4,14). Chúng ta có thể nói rằng trong các lời này cũng bắt đầu xuất hiện tính cách bí tích của chức thừa tác. Và thế là chúng ta có được cấu trúc công giáo: Kinh Thánh và Truyền Thống, Kinh Thánh và lời loan báo làm thành một cấu trúc giáo lý, cộng thêm cấu trúc nhân sự là các người kế vị các Tông Đồ, như chứng nhân của lời loan báo tông đồ.

Sau cùng cần ghi nhận rằng trong các thư mục vụ Giáo Hội được hiểu một cách rất nhân bản, tương tự như là cái nhà và gia đình. Đặc biệt văn bản thư thứ nhất gửi Timoteo chương 3 các câu 2-7 đưa ra các chi tiết liên quan tới giám mục: như là người không chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dậy, không nghiện rượu, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dậy con cái phục tùng cách nghiêm chỉnh, vì ai không biết điều khiển gia đình mình thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh?... Ngoài ra người ấy còn phải được người ngoài chứng nhận là tốt”. Thư cũng đặc biểt chú ý tới cung cách giảng dậy (1 Tm 5,17; 6,2; 2 Tm 3,10; Tt 2,1), và các tâm tình hiền phụ.

Thật thế, vị Giám Mục được coi như cha của cộng đoàn Kitô (x. 1 Tm 3,15). Ngoài ra ý tưởng Giáo Hội như là ”nhà của Thiên chúa” có nguồn gốc trong Kinh Thánh Cựu Ước (Ds 12,7), được tái khẳng định trong thư gửi tín hữu Do thái (Dt 3,2.6); trong khi ở nơi khác chúng ta đọc thấy rằng mọi Kitô hữu không còn là người ngoài xa lạ hay là khách, mà là đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa (x. Ep 2,19).

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy cầu xin Chúa và thánh Phaolô cho các Kitô hữu luôn luôn là thành phần gia đình của Thiên Chúa, và cho các chủ chăn của Giáo Hội luôn có các tâm tình hiền phụ, dịu dàng và mạnh mẽ trong việc đào tạo cộng đoàn Giáo Hội.

Sau khi chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.