2009-01-27 15:45:24

Sự hòa hợp giữa các kết qủa khoa học và lòng tin


Phỏng vấn ông Antonio Marino, giáo sư môn ”Phân tích toán học” về sự hòa hợp giữa các kết qủa khoa học và lòng tin

Khi đề cập tới tương quan giữa khoa học và lòng tin, cái nhìn của con người ngày nay thường bị ảnh hưởng bởi nhiều kiểu suy luận đối kháng có tính cách thành kiến thuộc lòng, mà không có lý cớ và không được kiểm chứng. Đó không phải là kiểu suy luận của các nhà toán học, vì toán học cho thấy sự sự đồng điệu hài hòa giữa các kết qủa của khoa học và con đường tinh thần, giữa lòng tin và sự kiện trí khôn của con người có thể tiếp nhận sự hữu lý nơi các thụ tạo.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Antonio Marino, giáo sư môn ”Phân tích toán học” về sự hòa hợp giữa các kết qủa khoa học và lòng tin.

Giáo sư Antonio Marino đậu tiến sĩ toán học tại đại học Trieste, đông bắc Italia, năm 1964 và trong cùng năm được chỉ định làm phụ giáo tại đại học Pisa, rồi làm giáo sư Cao Học. Năm 1971 giáo sư thắng kỳ thi chiếm ”ghế giảng dậy môn toán học” tại đại học Lecce. Sau đó giáo sư dậy môn ”Phân tích toán học” tại tại học Genova, tây bắc Italia.

Các nghiên cứu của giáo sư trong lãnh vực ”Phân tích không bậc nhất” (Analisi non lineare) đặc biệt liên quan tới các phương pháp đặc thù đối với các ”Phương trình vị phân” (Equazioni differenziali) và các ”Bất phương trình đổi thay không bậc nhất” (Disequazioni variazinonali non lineari). Cùng với giáo sư Ennio De Giorgi, giáo sư Marino đã công thức hóa thuyết các đường cong giáng tối đa (teoria delle curve di massima decrescenza), rồi khai triển nó với sự cộng tác của nhiều cộng sự viên trẻ tuổi. Giáo sư Ennio De Giorgi là một trong các nhà toán học nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Ông đã nêu bật một trong những khía cạnh gây kinh ngạc nhất trong khoa toán học của Pitagora và Euclide: đó là ”để nghiên cứu các sự vật cụ thể nhất, cần phải đi qua việc suy tư về các ý niệm xem ra vượt qúa kinh nghiệm giác quan của chúng ta”.
Hỏi: Thưa giáo sư Marino, toán học có cho phép nghiên cứu thành công các khía cạnh luận lý hữu lý của thực tại hay không?

Đáp: Toán học, trong mỗi bước đi, đều cống hiến cho khoa học kiểu khám phá ra các cấu trúc ngoại thường có luận lý của vũ trụ. Chúng dãi sáng trên các sự hài hòa bất ngờ, và cho thấy các liên hệ sâu xa giữa các sự kiện và các hiện tượng, đôi khi đối với chúng ta xem ra chúng hoàn toàn xa lạ với nhau.

Ai có lòng tin, ai đã bước đi vài bước trên con đường lòng tin, thì không thấy sự đối kháng giữa các kết qủa này của khoa học với lòng tin của mình; trái lại họ tìm thấy nơi chúng một sự hài hòa, một sự đồng điệu rất xinh đẹp. Toán học bắt buộc chúng ta phải ngước mắt lên: nó bắt chúng ta tìm ra một luận lý cho mỗi vấn đề mà nó chú ý nhắm tới. Và điều này dẫn đưa tới những viễn tượng không thể thấy trước được và ngày càng cao hơn.

Hỏi: Như vậy là qua toán học, khoa học có thể giải thích vũ trụ hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Toán học là dụng cụ luận lý cho phép nghiên cứu xem một vài hiện tượng diễn tiến ra sao. Khi người ta nói rằng khoa học giải thích cái ”làm sao” và cái ”tại sao” của các sự vật, thì cần phải cẩn thận đối với các từ ”làm sao” và ”tại sao”. Một cách tổng kết, khoa học giải thích cái ”làm sao”, mà không nói lên cái ”tại sao”. Hãy lấy thí dụ như khi chúng ta chú ý tới sức mạnh của trọng lượng: nền tảng của việc phân tích khoa học cổ điển của các hiện tượng đưa chúng ta trở về với ý niệm sức mạnh của trọng lượng, và như thế chúng ta có định luật về sự hấp dẫn của vạn vật (gravitazione universale) và định luật nền tảng về sự năng động của Newton. Cả hai đều là các công thức toán học. Còn hơn thế nữa - để cạnh tranh với khoa học gia Simon de Laplace - khoa học gia Newton còn chế ra các yếu tố nền tảng của cái mà chúng ta gọi là ”phép tính vị phân” (calcolo differenziale), mà nếu không có nó, thì các luật lệ của sự năng động không thể được diễn tả ra, và tôi còn dám nói là cũng không thể tưởng nghĩ được.

Hỏi: Thế thì thí dụ này nói với chúng ta những gì thưa giáo sư?
 
Đáp: Trước hết hiện tượng mà chúng ta đang đề cập tới, có một cấu trúc luận lý hữu lý cho phép chúng ta nghiên cứu nó; nó hữu lý tới độ chỉ có thể diễn tả ra bằng các con số toán học. Thứ hai, nhờ việc phân tích vật lý toán học này, chúng ta có thể nói cho biết hai vật thể có khối, được đặt để trong hấp lực của nhau, như mặt trời và trái đất, trái đất và trái táo - như trái táo huyền thoại rơi trên đầu khoa học gia Newton - phản ứng làm sao. Khoa học nói cho chúng ta biết cái ”làm sao” với các luật lệ nào vài hiện tượng xảy ra, ít nhất là theo quan điểm mà khoa học gia thỉnh thoảng đề nghị.

Và các luật lệ đó chỉ có thể diễn tả ra bằng các công thức luận lý khoa học, cho phép khoa học chu toàn một nhiệm vụ chính yếu của nó: đó là đưa ra các tiên đoán, đôi khi có tính cách định đoạt, đôi khi có tính cách xác xuất. Trong nghĩa này chúng ta nói rằng khoa học ”giải thích” một hiện tượng.

Hỏi: Nhưng như thế có đủ không thưa giáo sư?

Đáp: Khoa học ném lên vũ trụ các cái nhìn sáng sủa. Đôi khi nó có khả năng dẫn đưa biết bao nhiêu luật lệ đặc biệt vào một luật lệ tổng quát đơn sơ hơn. Và đây là một lối tắt rất đẹp khác, liên quan tới tính cách hữu lý của thụ tạo. Nhưng vấn đề liên quan tới cái ”tại sao” đích thật vẫn còn đó: tại sao Trái Đất và Mặt Trời lại hấp dẫn nhau? Nghĩa là tại sao lại có định luật vật lý đó? Tại sao lại có các luật lệ vật lý? Hay nếu muốn cũng có thể hỏi như thế này: tại sao lại có thể tổ chức các phần của sự hiểu biết của chúng ta thành các công thức luận lý, mà không có chúng thì chính các sự vật sẽ không thể nào quan niệm nổi? Đây là câu hỏi triết lý và nó không chấp nhận các câu trả lời khoa học, không phải trong nghĩa sít sao của khoa học ngày nay. Nó lại càng không tìm ra các câu trả lời vĩnh viễn trên bình diện thuần túy luận lý, vì mỗi một hệ thống đều khởi hành từ các tiền đề ”hữu lý”, nhưng không được chứng minh. Câu trả lời tùy thuộc nơi các xu hướng riêng. Chẳng hạn có thể nói rằng tính cách hữu lý là do chúng ta chế ra, chứ không có thật, hay nhiều điều khác nữa, nhưng mà đây không phải là các khẳng định khoa học. Có một vài người cho rằng đặt ra câu hỏi là điều vô ích, khi không thể trả lời cho chúng.

Hỏi: Nhưng người có lòng tin thì trả lời ra sao thưa giáo sư?

Đáp: Người có lòng tin tìm thấy sự hài hòa toàn vẹn giữa lòng tin của họ và sự kiện mà trí óc con người có thể tiếp nhận được sự hữu lý trong thụ tạo, xét vì cả hai đều suy nghĩ chúng như là hoa trái, mà chúng ta có thể gọi là tư tưởng tạo hóa của Thiên Chúa. Tôi sẽ nói rằng trong vũ trụ này luận lý này xem ra có thể nhận ra một khía cạnh của Logos-Lời thấm nhập thụ tạo, một cái gì của sự thông minh của ngôn ngữ, của Lời: sự hài hòa luận lý mà ta có thể tìm ra trong việc nghiên cứu một vấn đề, và chính nó dẫn tới chỗ đưa ra các dự phóng mới và các khám phá mới. Tôi nghe nói rằng các học giả thuộc bất cứ tín ngưỡng hay nền văn hóa nào đều kinh ngạc đối với chân trời khoa học được trình bầy cho họ, và họ nhận ra ý nghĩa của một công việc chung. Trong lãnh vực khoa học không có chỗ cho các đối kháng triết lý và tôn giáo.

Hỏi: Thưa giáo sư, toán học xử dụng ý niệm vô tận trong cuộc sống thường ngày. Làm sao mà có thể thực hiện được điều đó?

Đáp: Toán học sử dụng hầu như liên lỉ một tổng thể vô tận các con số. Phép tính vị phân (il calcolo differenziale) và phép tính toàn thể (il calcolo integrale) hay phép vi tích cực nhỏ (il calcolo infinitesimale) đều dựa trên một tổng thể các con số vô tận. Các nghiên cứu về vô tận toán học đã đưa tới các khám phá khá kinh ngạc, xem ra chống lại ý thức thường tình, trong đó có một kết qủa không tin được: nói một cách thô lỗ, đó là cho dù sự tiến bộ của chúng ta ra sao đi nữa, tổng thể bất tận của các con số tự nhiên như 0, 1, 2, 3 vv... vẫn duy trì và sẽ luôn luôn duy trì một điều gì đó, mà chúng ta không thể nào nào diễn tả ra được bằng hình thái. Thế mà toán học lại dựa trên việc sử dụng cái bất tận đó.

Hỏi: Đây có phải là câu trả lời cho sự bí ẩn hay không thưa giáo sư?

Đáp: Câu trả lời chỉ là một sự tin tưởng hữu lý. Trong lãnh vực này cũng như trong toàn lãnh vực khoa học, mỗi một nhà nghiên cứu chu toàn một cử chỉ tin tưởng tiên thiên: họ nghiên cứu vài khía cạnh nào đó của vũ trụ, tin cậy nơi một sự tổ chức hữu lý của thiên nhiên, trong một cách thế có thể diễn tả nó ra với các định luật, và đồng thời cũng nuôi dưỡng sự tin tưởng nơi khả năng hiểu biết của con người.

Đây là một yếu tố khác của lộ trình chung, trong đó không những các tính chất thuần túy luận lý hữu lý bị cuốn hút, mà cả các tính chất khác, có lẽ tất cả các tính chất và các khả năng khác nữa của con người suy tư, cũng bị liên lụy nữa.

(Avvenire 13-1-2009)

Linh Tiến Khải







All the contents on this site are copyrighted ©.